Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam

Ngày phát hành: 13/04/2021 Lượt xem 125413

 

1. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của Người, từ Đường cách mệnh đến Chánh cương vắn tắt và những bài viết sau này. Đó là tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc; xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tức là, cách mạng nước ta sẽ trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin trong các tác phẩm kinh điển đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc và độc lập dân tộc; chỉ rõ con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc. V.I.Lênin đã phát triển luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen "vô sản toàn thế giới liên hiệp lại" thành "vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại", trở thành khẩu hiệu của phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các nước bị áp bức trên toàn thế giới.

Hồ Chí Minh đã khẳng định tư tưởng về dân tộc và giải phóng dân tộc là một trong những vấn đề bản chất nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh đã nêu rõ mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặt nền tảng cho sự quá độ từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Độc lập dân tộc là quyền tự chủ, tự quyết của một dân tộc, quốc gia trong việc tổ chức các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… trong phạm vi lãnh thổ của mình, không chịu sự tác động, ép buộc, chi phối, thao túng của nước ngoài. Độc lập dân tộc phải trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng trong quan hệ quốc tế, được luật pháp quốc tế thừa nhận và trên thực tế phải được khẳng định. Độc lập dân tộc là thành quả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đối với Việt Nam, độc lập dân tộc không chỉ dừng lại ở độc lập dân tộc dưới chế độ phong kiến, vì vị trí của người lao động vẫn không thay đổi. Độc lập dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nền độc lập thật sự. Người nhấn mạnh: phải đấu tranh giành cho được độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn, chứ không phải là thứ "độc lập giả hiệu", "độc lập nửa vời", "độc lập hình thức". Người đã kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới để giành độc lập thật sự cho dân tộc, cho đất nước. Tư tưởng độc lập dân tộc của Hồ Chí Minh bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân lao động; gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó đã trở thành mục tiêu của cách mạng, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã xây dựng học thuyết về chủ nghĩa xã hội. Học thuyết này đề cao các giá trị độc lập dân tộc; khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Người chỉ rõ: tiến lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là bước phát triển tất yếu, khách quan ở Việt Nam sau khi đã giành được độc lập dân tộc. Người viết: "Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân sung sướng, ấm no"[1]; "chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc và học hành tiến bộ"[2].

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu, lý tưởng mà còn là động lực của cách mạng Việt Nam, Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nguyên tắc chỉ đạo tiến trình cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta kiên định, quán triệt trong Cương lĩnh, đường lối, chủ trương; Nhà nước thể hiện nguyên tắc này trong chính sách, pháp luật. Toàn thể hệ thống chính trị, mọi cán bộ, đảng viên phải nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc, mục tiêu này. Đây là lý tưởng, định hướng chiến lược của Đảng, tâm nguyện của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cao cả của độc lập dân tộc, độc lập dân tộc là điều kiện then chốt để bảo đảm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, có học hành, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân; dân chủ được mở rộng, người dân thực sự trở thành chủ nhân của đất nước mình.

 

2. Mối liên hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai chặng đường nối tiếp nhau của một tiến trình cách mạng. Hay nói cách khác, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai mục tiêu cụ thể của hai cuộc cách mạng trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, độc lập dân tộc là mục tiêu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng dân tộc, dân chủ, làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu khác, như quyền lực chính trị, dân chủ, vấn đề ruộng đất, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí… xây dựng một thể chế chính trị do dân làm chủ, xây dựng nền dân chủ nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội…. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là giai đoạn tiếp theo của tiến trình cách mạng Việt Nam, sau khi kết thúc giai đoạn trước là cách mạng dân tộc, dân chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mối liên hệ biện chứng giữa đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng này là cơ sở quá độ từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chính cách mạng xã hội chủ nghĩa đã kế thừa, khẳng định và bảo đảm vững chắc thành quả của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sự phát triển này là quy luật tất yếu của lịch sử. Các giai đoạn của tiến trình cách mạng là những bước đi không thể tách rời nhau dù mỗi giai đoạn có những mục tiêu cụ thể riêng.

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng và thực tiễn cách mạng nước ta là minh chứng lịch sử cho mối liên hệ biện chứng trên:

Giai đoạn 1930 - 1945: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thông qua cương lĩnh vắn tắt, sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Trong đó, Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố sẽ làm cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất, đấu tranh xây dựng một xã hội tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ cập giáo dục. Đảng xác định mục tiêu đánh đổ thực dân Pháp và chế độ phong kiến, lấy ruộng đất chia cho dân nghèo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 20 triệu nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đỉnh cao là cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chấm dứt chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, chấm dứt sự đô hộ của thực dân Pháp sau gần một thế kỷ. Thắng lợi vĩ đại này của dân tộc Việt Nam đã đưa nước ta bước sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Giai đoạn 1945 - 1954: Đảng lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Mục tiêu của giai đoạn này là tiến hành thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, cụ thể hóa tư tưởng của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu này mới đạt được ở miền Bắc. Sau hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Sau khi hòa bình lập lại, miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương lớn cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn này là hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam.

Giai đoạn 1954 - 1975: cả nước dốc lòng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc đã khơi dậy truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha, truyền thống chiến thắng giặc ngoại xâm của dân tộc. Cả nước xuống đường, cả nước hướng về miền Nam ruột thịt theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta "Tất cả cho tiền tuyến". Lịch sử Việt Nam chưa lúc nào được chứng kiến sự kết hợp giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi, quy mô lớn như thời điểm này của cách mạng. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước - kỷ nguyên của độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.

Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thách thức to lớn: đất nước bị chiến tranh tàn phá; Mỹ và phương Tây tiến hành bao vây, cô lập, cấm vận Việt Nam; các thế lực phản động quốc tế phát động kiểu "chiến tranh phá hoại nhiều mặt"chống phá Việt Nam; nền kinh tế nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài nhiều năm. Sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã từng bước hồi sinh đất nước về mọi mặt. Trước những bối cảnh mới của tình hình, Đảng ta luôn xác định phải giương cao ngọn cờ "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương chiến lược đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tạo điều kiện, tiền đề cho chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta vẫn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong mối liên hệ gắn kết biện chứng.

 

3. Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Trong âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch phản động, cơ hội chính trị và các phần tử chống chủ nghĩa xã hội luôn tìm mọi cách phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng đưa ra luận điệu: Ở Việt Nam không thể có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nội dung tập trung vào những lập luận sau:

Thứ nhất, ở một nước như Việt Nam, nhất là đã trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ bởi ngoại bang và chế độ phong kiến, sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, thực hiện chế độ dân chủ nhân dân là phù hợp, không cần tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai phạm trù độc lập, tồn tại ở các thời kỳ khác nhau, ở các quốc gia có định hướng chính trị khác nhau, không có mối liên hệ gắn kết. Đồng thời, phải thực hiện xong độc lập dân tộc, sau đó trải qua một thời kỳ "trung gian" quá độ từ độc lập dân tộc lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Việt Nam không thể có độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Việc Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xác định độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và cho đó là một tất yếu, khách quan của lịch sử dân tộc Việt Nam là một sự gán ghép khiên cưỡng, bắt chước rập khuôn, máy móc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây.

Thứ ba, học thuyết của Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời, trên thực tế đã cáo chung sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới tồn tại được 70 năm đã tan rã, sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Sai lầm của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam là vận dụng học thuyết về chủ nghĩa xã hội vào Việt Nam. Vì vậy, kết cục Việt Nam sẽ cùng chung số phận như Liên Xô và Đông Âu. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện hiện nay thực chất là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, không có chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và cũng không thể có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội như Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định.

 Những lập luận trên đây hoàn toàn mang tính mặc cảm, áp đặt, không có căn cứ thực tiễn và khoa học, nằm trong mưu đồ chiến lược chống chủ nghĩa xã hội của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

4. Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch

Luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và các phần tử chống  chủ nghĩa xã hội ít nhiều đã tác động vào các giai tầng xã hội, làm xuất hiện sự hoài nghi trong nhận thức của những người non kém về chính trị, những người có thái độ mặc cảm với chế độ xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đặt ra là phải chủ động đấu tranh vạch rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; nâng cao cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; vô hiệu hóa luận điệu của chúng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để có cơ sở đấu tranh, cần xây dựng luận cứ cho cuộc đấu tranh này.

Thứ nhất, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc, là chiến lược, bước đi của cách mạng Việt Nam.

Học thuyết C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội luôn đề cao các giá trị của độc lập dân tộc, khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của độc lập dân tộc. Học thuyết đồng thời chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong việc thành lập Đảng chính trị và vai trò của Đảng trong lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đập tan xiềng xích, áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị, giành độc lập dân tộc, tạo tiền đề cho con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Học thuyết về chủ nghĩa xã hội của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho giai cấp vô sản toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, các sĩ phu yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều hướng các phong trào cách mạng vào mục tiêu giành độc lập dân tộc, nhưng cuối cùng đều thất bại do sai lầm về chủ trương, đường hướng cách mạng, không gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tức là làm cách mạng nửa vời. Khác với các chí sĩ cách mạng, sĩ phu yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước đã sớm tìm đến học thuyết Mác - Lênin, đứng trên lập trường của giai cấp vô sản để xác định phương hướng, đường lối cho cách mạng Việt Nam, đó là kết hợp cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định cách mạng Việt nam không thể dừng lại ở đôc lập dân tộc; đồng thời chỉ rõ mối quan hệ giữa độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tìm ra con đường đúng đắn dựa trên học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2-1930) đã xác định mục tiêu của cách mạng nước ta là giành độc lập cho dân tộc để đi tới xã hội cộng sản, gắn tinh thần độc lập, tự chủ, tự tôn dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã là sự lựa chọn tất yếu, khách quan của lịch sử nước nhà, là đường lối, bước đi chiến lược của Đảng ta từ khi mới thành lập.

Thứ hai, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là định hướng chính trị, mục tiêu xuyên suốt của tiến trình cách mạng Việt Nam.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã đi qua những giai đoạn đầy cam go trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và kháng chiến chống ngoại xâm. Tiến trình đó được phân kỳ lịch sử theo bốn giai đoạn: (1) Giai đoạn đấu tranh giành chính quyền (1930-1945); (2) Giai đoạn vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tiến trình kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1945-1954); (3) Giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi (1954-1975); (4) Giai đoạn cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1975 đến nay).

Trong suốt các chặng đường lịch sử của cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã trở thành nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó thể hiện sự nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Đảng, là ngọn cờ cách mạng mà Đảng ta luôn giương cao. Đây là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng  xã hội chủ nghĩa vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam đã được thể hiện rõ trong các cương lĩnh, văn kiện Đại hội Đảng. Đường lối của Đảng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được cụ thể hóa trong chính sách, thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước; được quán triệt vận dụng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Ngày nay, quan điểm, mục tiêu đó được Đảng ta khẳng định trong đường lối đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Thứ ba, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội có mối liên hệ biện chứng, trở thành động lực, nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Dân tộc Việt Nam đã sống dưới ách đô hộ của phong kiến, thực dân, đế quốc hàng ngàn năm, luôn khát vọng độc lập dân tộc. Khát vọng đó tập hợp được lực lượng, đoàn kết được các giai tầng xã hội, trở thành động lực cách mạng, tạo nên sức mạnh vô biên đánh thắng mọi loại kẻ thù, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi đã đem lại cho mọi người dân cơm no, áo ấm, hạnh phúc, ai cũng được học hành. Khi độc lập dân tộc được gắn liền với chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp thêm luồng sinh khí mới cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc, cho động lực và sức mạnh của cách mạng Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử. Bởi lẽ, độc lập dân tộc là tiền đề, là nền tảng và điều kiện tiên quyết để đi lên chủ nghĩa xã hội; ngược lại, chủ nghĩa xã hội là điều kiện bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc đạt được những chân giá trị  đích thực của nó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Phải đấu tranh giành cho được độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn chứ không phải là thứ "độc lập giả hiệu"; "độc lập nửa vời"; "độc lập hình thức". Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, tư tưởng, nguyên tắc để Đảng định hướng, chỉ đạo, dẫn dắt tiến trình cách mạng Việt Nam ngay từ những đêm dài tăm tối của lịch sử dân tộc cho đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Mối liên hệ biện chứng không thể tách rời giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được Đảng ta luôn luôn khẳng định trong các cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng và trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được Đảng ta từng bước hoàn thiện cả trong tư duy, lý luận và thực tiễn cách mạng; cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức, mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đều quán triệt vận dụng, thực hiện trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội luôn được Đảng ta giương cao. Đó là lập trường, quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, đạo đức cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đã kết tinh thành sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quật cường dân tộc, làm nên sức mạnh, động lực của cách mạng Việt Nam trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước hơn 90 năm qua.

Thứ tư, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là phù hợp với ý Đảng, lòng dân.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nguyễn Trãi đã từng khẳng định: "Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân", lấy dân làm gốc là hòn đá tảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người sớm nhận ra vai trò to lớn của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng và xác định mọi tiến trình cách mạng của dân tộc phải là của dân, do dân tiến hành và mưu cầu hạnh phúc cho dân. Song, Hồ Chí Minh cũng khẳng định sự nghiệp cách mạng của quần chúng muốn giành thắng lợi phải do Đảng cộng sản - Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lãnh đạo. Người đã sớm chỉ rằng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Để Đảng vững được "phải có chủ nghĩa làm cốt", "Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ Nam"[3]. Người rút ra kết luận: cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời "phải làm cho dân giác ngộ". Dân phải được tổ chức và được lãnh đạo thì mới trở thành lực lượng to lớn, mới là chủ, là gốc cách mạng được.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn lấy học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội làm kim chỉ Nam cho nhận thức và hành động; đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, giác ngộ để quần chúng nhân dân hiểu rõ và hành động theo mục tiêu, lý tưởng đó. Đảng đã vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh giành chính quyền, hoàn thành sự nghiệp độc lập dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lịch sử ra đời, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức cho thấy rõ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Dân tin Đảng, theo Đảng, thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà nền tảng của mọi chủ trương, chính sách là vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Điều đó cho thấy sự nhất quán trong tư duy, nhận thức và hành động của Đảng và nhân dân. Cơ sở của sự nhất quán thống nhất đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của nhân dân trong tiến trình cách mạng; về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vừa là mục tiêu, tư tưởng; vừa là nguyên tắc để mang lại độc lập dân tộc, dân chủ, giải quyết vấn đề quyền lực chính trị thuộc về nhân dân, vấn đề ruộng đất, đời sống ấm no hạnh phúc, nâng cao dân trí…Đây là tâm nguyện của ý Đảng, lòng dân.

Thứ năm, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tâm điểm của phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế mà Việt Nam được tôn vinh là ngọn cờ đầu.

C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin xây dựng học thuyết về chủ nghĩa xã hội, trong đó đề cao các giá trị độc lập dân tộc, phù hợp với khát vọng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động  bị áp bức trên toàn thế giới. Chủ nghĩa xã hội chính là mục tiêu hướng tới của độc lập dân tộc, là bó đuốc dẫn đường cho phong trào công nhân, phong trào cộng sản thế giới trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sớm tìm đến, giác ngộ và vận dụng học thuyết Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, oanh liệt của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay là những minh chứng hùng hồn cho thắng lợi của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã nêu gương cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Nhiều phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước châu Phi, châu Mỹ - La-tinh, châu Á, châu Âu đều lấy Việt Nam làm tấm gương, bài học lịch sử để noi theo. Với mục tiêu và thắng lợi của đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã thực sự trở thành điểm sáng, là ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân loại tiến bộ. Nhiều nước đã giành được độc lập dân tộc, lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội đang tạm thời lâm vào khủng hoảng, Đảng ta vẫn kiên định đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn, càng khẳng định đường lối của Đảng ta là đúng đắn. Vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đó là thắng lợi của đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây đồng thời là đóng góp to lớn, có hiệu quả nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản quốc tế trong thời đại mới./.

Thiếu tướng, GS.TS Bùi Quảng Bạ[4]

Thiếu tá, TS Trần Thị Thúy Hà[5]

 

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 10,  tr. 64.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 10,  tr. 97.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 12, tr. 267.

 

[4] Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược Công an

[5] Giảng viên, Khoa Triết học & CNXHKH, Học viện Chính trị Công an nhân dân

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết