Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Về mô hình giáo dục mở theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Ngày phát hành: 08/04/2021 Lượt xem 4123

 

Trước các thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm để đất nước có thể cạnh tranh trong nền kinh tế của tương lai. Điều đó mở ra cơ hội để giáo dục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng phát triển giáo dục mở.

Với xu thế đổi mới công nghệ trong giáo dục cần phải đào tạo, hình thành và phát triển những con người của xã hội, cho xã hội và vì sự phát triển của xã hội. Một hệ thống nội dung thiếu sự gắn kết trực tiếp với đời sống xã hội, quá hàn lâm, bỏ qua những thứ đang hiện hữu trong cuộc sống là những rào cản trong quá trình đào tạo con người của xã hội hiện nay.

Chính vì vậy, đổi mới tư duy, lựa chọn mô hình phát triển phù hợp nhằm xây dựng nền giáo dục mở ra cơ hội học tập tốt hơn, có chất lượng hơn cho những người có nhu cầu, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục là những vấn đề ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quốc gia, nhất là những nhà khoa học, những người tham mưu hoạch định chính sách phát triển giáo dục.

Tại Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nhấn mạnh để “nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; xác định các tiêu chí và từng bước xây dựng hệ thống giáo dục mở”. Đây cũng là một trong những đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản chất lượng giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Bài viết tập trung đề xuất một số giải pháp tham mưu về chính sách nhằm triển khai có hiệu quả hơn nữa mô hình giáo dục mở theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra trong thời gian vừa qua.

Mục tiêu của nền giáo dục mở là tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người, ai cũng có thể học hành cũng như cơ hội để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cá nhân, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế, khác với nền giáo dục “đóng” không còn phù hợp và được coi là “phong trào giáo dục tiến bộ”, “nền giáo dục tiên tiến” hay còn gọi là nền giáo dục mở.

Trong thời gian qua, trên thế giới, cũng như ở Việt Nan, khái niệm về “giáo dục mở” chưa có một cách hiểu thống nhất, chưa được các nhà khoa học, nhà quản lý các cấp, các ngành nhận thức rõ và quán triệt đầy đủ về nội hàm “giáo dục mở”. Giáo dục mở được hiểu là mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi người so với giáo dục chính quy thông thường qua nhiều phương thức đào tạo, bằng nhiều nguồn tư liệu từ tài nguyên giáo dục mở và môi trường học tập khác nhau, các khóa học mở. Từ “mở” trong “giáo dục mở” ở đây có hàm ý diễn đạt là gạt bỏ bớt các rào cản, hạn chế cơ hội tham dự của người học cũng như công nhận kết quả học tập tại cơ sở giáo dục.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI trở thành quốc gia phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Việt Nam tất yếu phải tiến theo xu hướng này.

 

 

 

1. Định hướng chung để xây dựng, hoàn thiện nền giáo dục mở ở Việt Nam:

Thứ nhất, Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội tạo điều kiện cho bất kỳ ai ở bất kỳ trình độ nào, điều kiện nào cũng đều được tiếp tục học tập theo nguyện vọng; tạo điều kiện xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; đáp ứng nhu cầu nhân lực quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập của mỗi người dân.

Thứ hai, Tiếp tục đổi mới triết lý giáo dục làm nền tảng cho việc đổi mới cách tiếp cận dạy và học, bắt đầu từ mục tiêu, vai trò của các chủ thể giáo dục, nội dung và phương pháp dạy và học nhằm liên tục nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ ba, Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, từng bước tham gia vào chuỗi thực hành giáo dục mở toàn cầu gồm tài nguyên giáo dục mở, các khóa học mở trực tuyến và thực hành giáo dục mở.

Thứ tư, Kết hợp hài hòa giữa đổi mới tuần tự nhằm từng bước tạo sự chuyển biến theo hướng mở cho toàn hệ thống giáo dục và cần thiết để cạnh tranh trong thị trường giáo dục trong nước để phát triển, đồng thời bảo đảm tính ổn định, bền vững.

2. Một số giải pháp tham mưu chiến lược trong xây dựng chính sách phát triển giáo dục mở ở Việt Nam trong thời gian tới:

Thứ nhất, Tiếp tục cập nhật khái niệm giáo dục mở để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nền giáo dục theo hướng mở ở Việt Nam tạo sự thống nhất trong hành đồng triển khai thực hiện

Trong bối cảnh nhận thức về giáo dục mở tại Việt Nam còn chưa được đầy đủ, cả trong ngành giáo dục và đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nền giáo dục theo hướng mở ở Việt Nam để nâng cao nhận thức hơn nữa về vị trí, vai trò, lợi ích của giáo dục mở cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.

Giáo dục mở hiện đại đã vượt xa việc học trực tuyến và học tập từ xa, là chìa khóa để hiện đại hóa giáo dục và có thể áp dụng cho cả học tập chính quy và không chính quy. Các tổ chức giáo dục truyền thống đã bắt đầu tham gia vào doanh nghiệp của giáo dục từ xa bằng cách cung cấp các khóa học được truy cập phần lớn hoặc độc quyền trực tuyến, hoặc bằng các khóa học mở trực tuyến và tài nguyên giáo dục mở, thực hành giáo dục mở. Chương trình giảng dạy được thiết kế theo cách linh hoạt hơn, cho phép người học linh hoạt hơn và tích hợp một số tiềm năng của giáo dục mở với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông... Do đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giáo dục mở là cần thiết trong việc tham mưu về chủ trương, chính sách phát triển giáo dục nói chung và giáo dục mở nói riêng nhằm để triển khai có chất lượng, hiệu quả hơn nữa về chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

          Thứ hai, xây dựng chính sách trong chiến lược giáo dục quốc gia hoặc chính sách trong chiến lược công nghệ thông tin quốc gia để tạo hành lang pháp lý cho giáo dục mở ở Việt Nam

Việc xây dựng các chính sách giáo dục mở để thực hiện thành công, hiệu quả nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam không nên được thực hiện bởi một cơ quan duy nhất, cũng không nên áp dụng chỉ một cách tiếp cận theo chiều dọc. Thay vào đó, một cách tiếp cận nhiều bên, nhiều chiều nên được khuyến khích. Các cơ quan liên quan từ Đảng - Quốc hội và Chính phủ - Chính quyền địa phương - Cơ sở giáo dục cần được coi trọng tham gia trong quá trình xây dựng chính sách để thúc đẩy các điều kiện, cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục mở ở Việt Nam: gồm các yếu tố:

 

 

1. Tiếp cận mở: Tính mở ở đây chính là xóa bỏ các rào cản về thể chế, kinh tế, công nghệ, địa lý đối với người học. Người học thuộc bất kỳ thành phần, độ tuổi, nền tảng văn hóa được tham gia vào nội dung, chương trình giáo dục, các khóa học, cộng đồng thực hành, các website và các loại môi trường chia sẻ kiến thức, phương tiện truyền thông, hoạt động trong giáo dục chính quy, không chính quy và được công nhận việc học và kết quả học tập.

2. Nội dung mở: là những nội dung liên quan đến các tài liệu dạy và học, cùng các kết quả nghiên cứu được mọi người tiếp cận và khai thác, sử dụng miễn phí. Các loại văn bản, sách giáo khoa, tài liệu khóa học, tài liệu nghiên cứu và công bố, hình ảnh, trò chơi, bài giảng video, phần mềm, dữ liệu và bất kỳ loại tài liệu giáo dục nào khác truyền tải thông tin có thể được sử dụng để dạy và học… được cấp phép mở trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền nhưng vẫn “miễn phí” và mọi người có thể truy cập mà không bị hạn chế.

3. Phương pháp sư phạm mở: là phương pháp nhấn mạnh vào người học tăng cường sự tham gia và hợp tác của người học sinh, cho phép người học thiết kế lộ trình học tập của riêng họ bằng cách cung cấp cho họ nhiều lựa chọn về tài nguyên học tập và kiểm tra đánh giá.

4. Công nhận mở: được thực hiện theo nguyên tắc của hệ tín chỉ. Người học có thể tích lũy tín chỉ theo nhiều cách chính thức hoặc không chính thức, các nhà trường công khai những điều kiện và nội dung những tín chỉ có thể được chọn công nhận trong hoàn cảnh cụ thể.

5. Hợp tác mở: là sự hợp tác giữa các bên liên quan. Người học được trao quyền để hợp tác với nhau và với tổ chức và cộng đồng để tạo ra kiến thức, xác định lộ trình học tập riêng của họ và đạt được mục tiêu của họ.

6. Nghiên cứu mở: nhằm tác động đến toàn bộ quá trình nghiên cứu khoa học trong nhà trường, thúc đẩy sáng tạo khoa học nhanh nhất và hiệu quả nhất bằng cách chia sẻ và hợp tác, thay vì cố gắng xuất bản trước để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và tính mới.

Để triển khai thực hành giáo dục mở trong Khung giáo dục mở quốc gia cần xác định các yếu tố cấu thành:

7. Chiến lược mở: xác định các giá trị, các cam kết, cơ hội, nguồn lực và khả năng của một tổ chức giáo dục đối với việc mở cửa giáo dục)

8. Công nghệ mở: cần lựa chọn công nghệ có tác động trực tiếp đến kiến trúc giáo dục mở, các giải pháp công nghệ cần giúp cho việc xác nhận danh tính của những người được đánh giá để công nhận việc học không chính quy…do đó, các nhà trường cần xem xét công nghệ khi hoạch định chiến lược của mình để sắp xếp và các ưu tiên đầu tư công nghệ thông tin)

9. Chất lượng mở: cần thống nhất nhận thức về chất lượng trong giáo dục mở là sự hội tụ của 5 khái niệm hiệu quả, tác động, sẵn có, chính xác và xuất sắc; cần huy động các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tham gia xây dựng một bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục phù hợp với các mục tiêu chất lượng của giáo dục mở.

 

 

10. Lãnh đạo, quản lý  mở: nhằm thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến giáo dục mở bền vững thông qua cách tiếp cận minh bạch cả từ trên xuống và từ dưới lên. Lãnh đạo trong giáo dục mở vượt ra ngoài việc tạo ra các chiến lược và hoạt động được quyết định ở cấp điều hành;  xác định các điểm tối ưu ở các cấp độ quản lý khác nhau, cả từ dưới lên (giáo viên và người học) và từ trên xuống (lãnh đạo, quản lý giáo dục mở tại các nhà trường) tổ chức theo các chuỗi hành động cho phép tiếp nhận giáo dục mở trong một nhà trường bởi toàn bộ các bên liên quan, bao gồm cả người học.

Để phát triển chính sách tạo ra một hệ sinh thái giáo dục mở chúng tôi đã đề xuất 8 lĩnh vực, gồm: (1) Nâng cao nhận thức giữa các bên liên quan để phát triển hơn nữa giáo dục mở; (2) Đa dạng về quy định, sáng kiến và tài trợ cho giáo dục mở để hỗ trợ các quy định và sáng kiến ở các cấp độ khác nhau; (3) Khuyến khích các quan hệ đối tác để thúc đẩy giáo dục mở; (4) Thúc đẩy phát triển năng lực chuyên môn cho giáo viên thực hành giáo dục để cho phép giáo viên khai thác tất cả tiềm năng mà giáo dục mở cung cấp ở tất cả các cấp trong quá trình dạy và học của nhiều đối tượng; (5) Thể chế hóa việc kiểm định và công nhận học tập mở nhằm tạo một cầu nối giữa học tập chính quy và không chính quy trong việc công nhận tín chỉ tương đương cho giáo dục mở; (6) Xây dựng chính sách phát triển tài nguyên giáo dục mở của chính phủ và các tổ chức nhằm mở rộng truy cập cho giáo dục, cải thiện chất lượng học tập và tạo các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; (7) Xây dựng chính sách hỗ trợ và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, kỹ thuật cho giáo dục mở hướng đến các chức năng, giao diện thân thiện, tương tác với người sử dụng, có sự đóng góp của tất cả mọi người để có thể truy cập và lưu trữ dữ liệu phù hợp với lợi ích của người học; (8) Nghiên cứu và đánh giá chính sách về giáo dục mở một cách khoa học và khách quan mở để đề ra những chính sách mới hiệu quả và phù hợp với thực tiễn giáo dục mở hơn.

          Thứ ba, xây dựng chính sách để thu hút các nguồn lực, tạo mọi điều kiện về tiếp cận giáo dục, đảm bảo công bằng xã hội cho mọi người học, xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập

Huy động nguồn lực cho phát triển giáo dục đã được để cập trong nhiều nghiên cứu chính sách của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua. Để phát triển nguồn lực, thực hiện có hiệu quả hơn nữa cho phát triển giáo dục mở tạo ra một khung hành động chính sách cụ thể thực hiện tốt các mục tiêu của giáo dục ở các cấp học, tạo những tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng chính sách thu hút và phát triển nguồn lực phục vụ cho phát triển giáo dục mở của Việt Nam cần rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thúc đẩy phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; chính sách tiền lương và chế độ làm việc; cơ chế đầu tư; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng cơ sở giáo dục; chính sách nâng cao nhận thức; chính sách hỗ trợ và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục; chính sách quy định pháp lý, các sáng kiến, tài trợ… và áp dụng mô hình phát triển kiểm soát chất lượng trong tất cả các khâu để bắt kịp với những thay đổi của kinh tế - xã hội. Những chính sách thu hút nguồn lực cho phát triển giáo dục mở cần được duy trì và phát triển lâu dài, được triển khai kể cả ở cấp chính phủ và ở cấp địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cần trực tiếp hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập.

Xây dựng nền giáo dục mở theo hướng mở, hoàn thiện hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của xã hội. Giáo dục mở sẽ giúp cho mọi người có thể khai thác các kinh nghiệm và tài nguyên giáo dục chất lượng cao, giúp mọi người vượt qua các rào cản (tài chính, học liệu, tư liệu, cơ chế, pháp lý…) để đạt được mục tiêu mong muốn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, tạo cơ hội cho nhiều tầng lớp dân cư tiếp nhận nền học vấn giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra.

 

TS. Lê Thị Mai Hoa,

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề,

Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết