Thứ Ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024

Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất (phần 1)

Ngày phát hành: 15/11/2019 Lượt xem 267694

                                                                           

   I. Những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

        1. Lực lượng sản xuất: Khái niệm lực lượng sản xuất đã được nhiều học giả trước Mác nêu ra, nhưng lại được kiến giải một cách duy tâm. Khái niệm này chỉ được kiến giải một cách khoa học lần đầu tiên vào tháng 3-1845, khi Mác viết tác phẩm Về cuốn sách của Phiđrích Lixtơ “Học thuyết dân tộc về kinh tế chính trị học”. Ở đây, Các Mác chỉ ra tính chất duy tâm trong lý luận của Lixtơ, vạch trần tính chất tư sản của lý luận đó. Các Mác chỉ ra rằng: lực lượng sản xuất không phải là cái “bản chất tinh thần” nào đó như Lixtơ nghĩ ra, mà là một sức mạnh vật chất. Ông viết: “Để xua tan vầng hào quang thần bí có tác dụng cải biến “sức sản xuất”, chỉ cần mở ra bản tổng quan thống kê đầu tiên ta gặp là đủ. Ở đó có nói về sức nước, sức hơi nước, sức người, sức ngựa. Tất cả những thứ ấy đều là “lực lượng sản xuất”[1].

 Khi phân tích các yếu tố của lực lượng sản xuất C. Mác sử dụng nhiều cách phân loại khác nhau như: phân loại theo công dụng của lực lượng sản xuất thành tư liệu sản xuất và sức lao động. Trong tư liệu sản xuất lại bao gồm: tư liệu lao động ( công cụ lao động, phương tiện lao động) và đối tượng lao động; hoặc phân loại theo chủ thể sức sản xuất thành sức sản xuất tự nhiên và sức sản xuất của con người.

Theo cách phân chia thứ nhất, C. Mác cho rằng, khi xem xét quá trình lao động một cách trừu tượng, không phụ thuộc vào các hình thức lịch sử của nó, như là một quá trình giữa người và tự nhiên, thì “Nếu đứng về mặt kết quả của nó, tức là đứng về mặt sản phẩm mà xét toàn bộ quá trình, thì cả tư liệu lao động lẫn đối tượng lao động đều biểu hiện ra là tư liệu sản xuất, còn bản thân lao động thì biểu hiện ra là lao động sản xuất…. Định nghĩa này về lao động sản xuất, xét trên quan điểm của một quá trình lao động giản đơn”[2].

Theo cách phân chia thứ hai, “con người, với tính cách lực lượng sản xuất, không những sáng tạo ra của cải vật chất, mà cùng với sức sản xuất tự nhiên trở thành lực lượng cách mạng thúc đẩy sự phát triển của xã hội”[3].

C. Mác cho rằng sức sản xuất tự nhiên là tiền đề cho mọi quá trình sản xuất. Ông viết: “Nếu không nói đến hình thái ít nhiều phát triển của nền sản xuất xã hội, thì năng suất lao động gắn liền với những điều kiện tự nhiên... Về mặt kinh tế, những điều kiện tự nhiên ở bên ngoài chia thành hai loại lớn: sự phong phú tự nhiên về những tài nguyên dùng làm tư liệu sinh hoạt, nghĩa là tính chất màu mỡ của đất đai, những dòng nước lắm cá, v.v., và sự phong phú tự nhiên về những tài nguyên dùng làm tư liệu lao động như thác nước chảy xiết, sông ngòi mà thuyền bè có thể đi lại được, gỗ, kim loại, than đá, v.v.. Vào buổi đầu của nền văn minh, loại tài nguyên thứ nhất có ý nghĩa quyết định, ở giai đoạn phát triển cao hơn thì loại tài nguyên thiên nhiên thứ hai có ý nghĩa quyết định”[4]. Tuy nhiên, C. Mác nhấn mạnh rằng sức sản xuất tự nhiên không đóng vai trò quyết định sự phát triển theo chiều hướng tiến bộ (tức chiều hướng phát triển nhờ tăng năng suất lao động xã hội), ngược lại, “Một thiên nhiên quá hào phóng sẽ dắt con người đi như dắt tay một đứa trẻ em mới tập đi. Nó không làm cho sự phát triển của con người thành một sự tất yếu tự nhiên”[5].

C. Mác đề cao sức sản xuất của con người. Ông viết: “Chính sự cần thiết phải có sự kiểm soát của xã hội đối với một lực lượng nào đó của tự nhiên để tiết kiệm nó, chính sự cần thiết phải chiếm lấy nó hoặc phải thuần thục nó bằng những công trình đại quy mô do bàn tay con người dựng nên, - chính sự cần thiết đó đã đóng một vai trò hết sức quyết định trong lịch sử công nghiệp”[6]

Tóm lại, những luận điểm cơ bản về lực lượng sản xuất của C.Mác và Ph.Ăngghen vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa thời đại được đúc kết như sau:

- Lực lượng sản xuất biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, phản ánh khả năng con người chinh phục tự nhiên bằng các sức mạnh hiện thực của mình, sức mạnh đó được khái quát thành lực lượng sản xuất. Trình độ của lực lượng sản xuất biểu hiện của trình độ chinh phục tự nhiên của con người, lực lượng sản xuất nói lên năng lực thực tế của con người trong quá trình sản xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội bảo đảm nhu cầu của con người. Để tiến hành sản xuất thì con người phải dùng các yếu tố vật chất, kỹ thuật nhất định. Tổng thể các yếu tố ấy là lực lượng sản xuất, bao gồm:

 Sức lao động, bao gồm ba yếu tố: thể lực, trí lực và kỹ năng lao động. Lao động không chỉ bao gồm công nhân trực tiếp, mà còn gồm cả công nhân gián tiếp và các nhà quản lý. Cùng với quá trình phát triển của khoa học và công nghệ, tỷ lệ đội ngũ công nhân gián tiếp tăng lên.

Tư liệu sản xuất là những điều kiện cần thiết để tổ chức sản xuất, bao gồm tư liệu lao động và đối tượng lao động. Tư liệu lao động là yếu tố vật chất sản xuất mà con người dựa vào đó tác động lên đối tượng lao động. Đối tượng lao động là yếu tố vật chất của sản xuất mà lao động của con người cùng với tư liệu lao động tác động lên làm biến đổi hình dáng, tính chất vật lý... của đối tượng lao động. Trong tư liệu lao động có công cụ sản xuất là nhân tố quyết định và một bộ phận là vật chuyển dẫn, là những điều kiện sản xuất chung, được gọi là kết cấu hạ tầng (như đường sá, bến cảng, hệ thống điện, viễn thông...). Trong quá trình phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng trở nên quan trọng và có vai trò quyết định đối với toàn bộ quá trình sản xuất và sức sản xuất của nền sản xuất xã hội.

Khoa học kỹ thuật là một bộ phận của lực lượng sản xuất. Nó là cái cốt lõi, yếu tố quyết định trình độ của lực lượng sản xuất.

 Lực lượng sản xuất tồn tại một cách khách quan, người ta không được tự do lựa chọn lực lượng sản xuất cho mình... “Vì mọi lực lượng sản xuất là lực lượng đã đạt được, tức là một sản phẩm của một hoạt động đã qua... không phải do họ tạo ra, mà do thế hệ trước tạo ra... Mỗi thế hệ sau đã có sẵn những lực lượng sản xuất do những thế hệ trước đây dựng lên và được thế hệ mới dùng làm nguyên liệu cho sự sản xuất mới"[7] . Do vậy, lực lượng sản xuất là có tính kế thừa và phát triển.

- Trong 3 yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất thì người lao động là yếu tố quyết định nhất, quan trọng nhất bởi con người lao động chế tạo ra tư liệu lao động, và một phần đối tượng lao động, đồng thời là người sử dụng, phát huy vai trò của tư liệu lao động, công cụ lao động. Ngay khoa học - kỹ thuật là yếu tố cốt lõi của lực lượng sản xuất, nhưng tự bản thân khoa học không thể gây ra bất kỳ sự tác động tích cực hay tiêu cực nào đối với thế giới, mà phải thông qua sự vận dụng vào hoạt động thực tiễn của con người thì nó mới phát sinh tác dụng.

- Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của một dân tộc biểu lộ rõ nhất ở trình độ phát triển của phân công lao động.

 - Lực lượng sản xuất có vai trò chức năng sáng tạo ra của cải vật chất và là động lực của sự phát triển xã hội

        2. Quan hệ sản xuất:

        Nếu phạm trù lực lượng sản xuất  được các nhà khoa học trước C. Mác đề cập đến nhưng lại được giải thích một cách duy tâm và chỉ đến C.Mác mới được xem xét một cách duy vật khoa học thì phạm trù quan hệ sản xuất là sự sáng tạo riêng của C. Mác. Hàm nghĩa của quan hệ sản xuất được trình bày lần đầu tiên trong tác phẩm “Gia đình thần thánh”, khi C. Mác phân tích mối quan hệ giữa sản phẩm lao động với con người. Ông viết: “Vật thể, với tư cách là sự tồn tại vì con người, với tư cách sự tồn tại vật thể của con người, thì đồng thời cũng là sự tồn tại hiện có của con người vì người khác, là quan hệ người của anh ta đối với người khác, là quan hệ xã hội đối với người”[8]. Và rằng, trong quá trình “... sản xuất ra đời sống – ra đời sống của bản thân mình bằng lao động, cũng như sản xuất ra đời sống của người khác bằng việc sinh con, đẻ cái – biểu hiện ngay ra là một quan hệ song trùng: một mặt là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ xã hội, quan hệ xã hội với ý nghĩa đó là sự hợp tác của nhiều cá nhân, không kể là trong những điều kiện nào, theo cách và nhằm mục đích gì... ”[9]. Rằng, “khi phát triển những lực lượng sản xuất của mình, nghĩa là khi sinh sống, thì con người cũng phát triển những quan hệ nhất định giữa họ với nhau,… tính chất của những quan hệ ấy tất yếu phải thay đổi cùng với sự biến cải và phát triển của những lực lượng sản xuất ấy”[10]. Từ cách gọi quan hệ trong quá trình sản xuất là “quan hệ xã hội” hay “quan hệ giao tiếp”, sau này, trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Các Mác và Ph.Ăngghen mới chính thức sử dụng khái niệm quan hệ sản xuất, các ông viết: “Phương thức sản xuất, những quan hệ trong đó các lực lượng sản xuất phát triển, đều không phải là những quy luật vĩnh cửu, mà chúng thích ứng với một trình độ phát triển nhất định của con người và của những lực lượng sản xuất của con người, và bất kỳ sự thay đổi nào trong lực lượng sản xuất của con người đều tất phải dẫn đến một sự thay đổi trong những quan hệ sản xuất của con người”[11]. Kế thừa và những tư tưởng của C.Mác và F.Ăngghen, chính V.I. Lênin sau này đã tiếp tục  khẳng định: “...cũng như mọi hiện tượng trong giới tự nhiên đều có nguyên nhân vật chất, sự phát triển của xã hội loài người là do sự phát triển của những lực lượng vật chất, sản xuất quyết định. Quan hệ giữa người với nhau trong việc sản xuất những vật phẩm cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của con người là do sự phát triển của lực lượng sản xuất quyết định. Và chính những quan hệ ấy giải thích tất cả những hiện tượng của đời sống xã hội, những nguyện vọng, tư tưởng và luật pháp của con người”[12].

 Có thể nêu ra rất nhiều cách diễn đạt khác nhau, nhưng tổng hợp lại, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin có thể nêu một cách khái quát về quan hệ sản xuất như sau: Quan hệ sản xuất là khái niệm dùng để chỉ  quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất và trao đổi vật chất, thể hiện tập trung ở quan hệ về sở hữu đối với tư liệu sản xuất, quan hệ trong tổ chức quản lý sản xuất, quan hệ trao đổi hoạt động cho nhau và quan hệ trong phân phối sản phẩm lao động. Trong các mặt của quan hệ sản xuất, quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất là quan hệ xuất phát, quan hệ cơ bản, quan hệ trung tâm, đặc trưng cho quan hệ sản xuất trong từng xã hội. Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất quyết định quan hệ tổ chức quản lý sản xuất, quan hệ trao đổi và quan hệ phân phối sản phẩm, cũng như các quan hệ xã hội khác.

Một xã hội cụ thể thường bao gồm có ba loại quan hệ sản xuất cơ bản đó là: quan hệ sản xuất thống trị, quan hệ sản xuất tàn dư của xã hội cũ và quan hệ sản xuất mầm mống của xã hội tương lai. Trong đó, quan hệ sản xuất thống trị bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo, chi phối các quan hệ sản xuất khác, nó quy định xu hướng chung của đời sống kinh tế - xã hội và tạo ra cơ sở hạ tầng của một xã hội cụ thể, để phân biệt xã hội này với xã hội khác. Tuy nhiên, quan hệ sản xuất tàn dư và quan hệ sản xuất mầm mống cũng có vai trò nhất định và có sự tác động trở lại quan hệ sản xuất đóng vai trò chủ đạo.

Quan hệ sản xuất là cái tạo thành cơ sở kinh tế của xã hội, là cơ sở hiện thực của hoạt động sản xuất tinh thần của toàn bộ những quan hệ tư tưởng, chính trị và những thiết chế tương ứng trong xã hội. Trong  Lời tựa viết cho tác phẩm Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, Các Mác viết: “Toàn bộ những quan hệ sản xuất … hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó”[13]. Quan hệ sản xuất là một mặt của phương thức sản xuất, nếu lực lượng sản xuất biểu thị mặt thứ nhất của mối “quan hệ  song trùng” của sản xuất vật chất, thì quan hệ sản xuất biểu hiện mặt thứ hai của quan hệ đó, tức là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất vật chất.

         3. Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

         Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là một trong những nguyên lý cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa duy vật lịch sử, là quan hệ cơ bản của toàn xã hội, quyết định sự vận động phát triển của lịch sử xã hội loài người. Mối liên hệ này do C. Mác phát hiện ra và được trình bày trong nhiều tác phẩm của ông, trong đó, tập trung nhất ở “Hệ tư tưởng Đức”,“Sự khốn cùng của triết học”, Lời tựa cuốn “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị”, Bộ “Tư bản luận” và nhiều tác phẩm khác.

      Trong Lời tựa cuốn “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị”, C.Mác đã chỉ rõ rằng, “trong sự sản xuất ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ - tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của một xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay - đây chỉ là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất đó - mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội...Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới cao hơn cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng xã hội cũ”[14]. Sau này, chính V.I. Lênin trong quá trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn chỉ đạo cách mạng cũng đi đến kết luận: “… chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Và dĩ nhiên là không có một quan điểm như thế thì không thể có một khoa học xã hội được”[15].

        Từ những tư tưởng của C.Mác và Ph. Ăngghen, Lênin có thể tóm lược những nội dung cốt lõi của mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất như sau:

      - Một là, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai thành tố cơ bản cấu thành nên phương thức sản xuất, chúng tồn tại trong mối quan hệ thống nhất, ràng buộc lẫn nhau trong quá trình sản xuất xã hội. Mỗi phương thức sản xuất hay quá trình sản xuất xã hội không thể tiến hành được nếu thiếu một trong hai thành tố trên. Trong đó, lực lượng sản xuất chính là nội dung vật chất, kỹ thuật, công nghệ của quá trình này còn quan hệ sản xuất đóng vai trò là hình thức kinh tế của quá trình đó. Sự phát triển của lực lượng sản xuất đòi hỏi quan hệ sản xuất phải được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Chỉ có sự thích ứng, phù hợp đó của quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất mới có thể tiếp tục phát triển.

 - Hai là, trong mỗi phương thức sản xuất thì lực lượng sản xuất đóng vai trò quyết định. Tính quyết định của lực lượng sản xuất  đối với quan hệ sản xuất được thể hiện trên hai mặt thống nhất với nhau: lực lượng sản xuất nào thì quan hệ sản xuất đó và cũng do đó mà khi lực lượng sản xuất thay đổi thì cũng tất yếu đòi hỏi phải có những thay đổi nhất định đối với quan hệ sản xuất. 

 - Ba là, quan hệ sản xuất luôn có khả năng tác động ngược trở lại, đối với việc bảo tồn, khai thác, sử dụng và phát triển lực lượng sản xuất.  Quá trình tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất có thể diễn ra với hai khả năng: tác động tích cực hoặc tiêu cực. Khi quan hệ sản xuất phù hợp với nhu cầu khách quan bảo tồn, khai thác, sử dụng và phát triển của lực lượng sản xuất thì có tác động tích cực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, ngược lại, nếu trái với nhu cầu khách quan đó thì nhất định sẽ diễn ra quá trình tác động tiêu cực.  Lực lượng sản xuất phát triển không ngừng, trong khi đó quan hệ sản xuất lại có tính ổn định tương đối, vì nó gắn với các thiết chế xã hội, lợi ích của giai cấp cầm quyền. Quan hệ sản xuất mang tính ổn định tương đối trong bản chất xã hội của nó. Chính vì thế mà Các Mác đã khẳng định: “Tổng hợp lại thì những quan hệ sản xuất hợp thành cái mà người ta gọi là những quan hệ sản xuất, là xã hội, và hơn nữa hợp thành một xã hội ở vào một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định, một xã hội có tính chất độc đáo riêng biệt. Xã hội cổ đại, xã hội phong kiến, xã hội tư bản đều là tổng thể quan hệ sản xuất như vậy, mỗi tổng thể đó đồng thời lại đại biểu cho một giai đoạn phát triển đặc thù trong lịch sử nhân loại”[16].  Sự tác động biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất thúc đẩy xã hội loài người phát triển không ngừng như một quá trình lịch sử  - tự nhiên.

         - Bốn là, mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là quan hệ mâu thuẫn biện chứng, tức là mối quan hệ thống nhất của hai mặt đối lập.  Sự vận động của mâu thuẫn biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là đi từ sự thống nhất đến mâu thuẫn và một khi mâu thuẫn được giải quyết thì tái thiết lập sự thống nhất mới; quá trình này lặp đi lặp lại trong lịch sử tạo ra quá trình vận động phát triển của phương thức sản xuất.

(còn tiếp)

 

TS. Lê Minh Nghĩa
 

[1]  C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Tập 42, Nxb CTQG – ST, H. 2000, tr. 354.

[2] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, tập 23, tr.717

[3] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tập 3, tr.65

[4] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, tập 23, tr.723

[5] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, tập 23, tr.723

[6] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, tập 23, tr.723

[7] Thư C.Mác gửi P.V.Annencốp 28/1/1846.

[8] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tập 2, tr. 65.

[9] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tập 3, tr. 42

[10] C.Mác gửi An-nen-cốp ngày 28 tháng Chạp năm 1846, t.27, tr.664.

[11] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995,tập 4, tr. 201 – 202.

[12] V.I.Lênin, Toàn tập, T.2, tr. 6-7.

[13] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 13, Nxb,CTQG, Hà Nội, 1995, tr15

[14] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1993; tập 13; tr 14 -.15.

[15] VVI. Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, : Những “người bạn dân” là thế nào, t.1, tr.163.

 

[16] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Tập 6, trang 553.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết