Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Đổi mới và hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII

Ngày phát hành: 06/11/2019 Lượt xem 3858

 

I. NHẬN THỨC VỀ ĐỔI MỚI VÀ HOÀN THIỆN MÔ HÌNH TỔ CHỨC HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

1. Đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một điều kiện hàng đầu bảo đảm cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đó cũng chính là điều kiện để có thể xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống thể chế nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận rất quan trọng về xây dựng, đổi mới hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương với mục tiêu từng bước sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực hơn; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước.

Ở cấp độ địa phương, nhận diện đúng thực trạng của hệ thống chính trị, ngay từ những giai đoạn trước, tỉnh Quảng Ninh đã luôn chú trọng việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương về đổi mới hệ thống chính trị bằng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình, hệ thống quy chế, quy định, quy trình thực hiện theo từng nội dung cụ thể; đề ra các chủ đề công tác năm; xây dựng và nhiều lần sửa đổi quy chế, quy định nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, nhưng không thật sự mang tính tổng thể, không rà soát và đánh giá một cách toàn diện, chưa phát huy được nội lực của từng cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Với nhận thức đó, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình, tăng cường tự chủ nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị của tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

2. Mặt khác, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là địa phương duy nhất trong cả nước vừa có đường biên giới trên bộ và trên biển với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.Tỉnh có diện tích đất liền 6.102 km2, trên 6.000 km2 mặt biển, đường bờ biển dài trên 250km, với 2.077 hòn đảo đá, đất; điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng. Quảng Ninh có 14 đơn vị hành chính cấp huyện (4 thành phố, 2 thị xã, và 8 huyện; tỷ lệ đô thị hóa 65%); 186 xã, phường, thị trấn (111 xã, 67 phường, 8 thị trấn); 1.565 thôn, bản, khu phố. Dân số toàn tỉnh có trên 1,3 triệu người, với 22 dân tộc (các dân tộc thiểu số chiếm trên 11%). Tính đến ngày 30/6/2019, toàn Đảng bộ tỉnh có 99.950 đảng viên, 21 đảng bộ trực thuộc tỉnh, 789 tổ chức cơ sở đảng (463 đảng bộ cơ sở, 326 chi bộ cơ sở) với 5.081 chi bộ trực thuộc.

Qua thực tiễn phát triển, tỉnh đã phát hiện, nhận thức sâu sắc ba mâu thuẫn, bốn thách thức.Ba mâu thuẫn:(1) Giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; (2) Giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; (3) Giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra. Bốn thách thức: (1) Thách thức giữa vừa phát triển kinh tế vừa góp phần đảm bảo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định và hòa bình khu vực biên giới; (2) Giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao; (3) Giữa phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh với bảo vệ môi trường và bảo vệ Di sản vịnh Hạ Long; (4) Giữa tăng trưởng nhanh đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh trong điều kiện tỉnh có 111 xã nông thôn, vùng sâu,vùng xa, biên giới, hải đảo, trong đó, có 22 xã và 54 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Trên cơ sở nhận diện, định vị những điểm mạnh, tiềm năng, lợi thế, thấy rõ cơ hội, khó khăn, thách thức; Quảng Ninh đã xác định rõ hơn mục tiêu và triết lý phát triển. (1) Mục tiêu: Đến năm 2020 xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước; dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin vào năm 2025. (2) Triết lý phát triển: Tích cực chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trên cơ sở đó đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại; bảo đảm phát triển bền vững dựa vào lợi thế về dịch vụ, du lịch, văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo.

Những đặc điểm trên vừa là tiền đề, điều kiện, vừa đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cho việc xây dựng, đổi mới, hoàn thiện bộ máy hệ thống chính trị của tỉnh.

 

 

II. THỰC TRẠNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TỈNH QUẢNG NINH VÀ QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI

1. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh cơ bản được sắp xếp, kiện toàn theo đúng các quy định của Trung ương: bao gồm các khối đảng và đoàn thể, khối chính quyền, cùng với hệ thống các đơn vị sự nghiệp. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh đã nhận thấy những mâu thuẫn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển và thực tế tại địa phương; trong đó, cómâu thuẫn giữađổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng với đổi mới kinh tế.

Do đó, trước khi có Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; trên cơ sở bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tìm tòi hướng đi, cách làm, nghiêm túc rà soát trong toàn hệ thống chính trị về tổ chức bộ máy, biên chế, phát hiện thấy nhiều yếu kém, bất cập cần phải mạnh dạn đổi mới:

- Bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ trùng chéo: (1) có chức năng được giao cho nhiều cơ quan, đơn vị cùng thực hiện nhưng không quy trách nhiệm giải quyết đến cùng, thẩm quyền không gắn với nghĩa vụ và chế độ trách nhiệm. (Cùng một ngành nhưng vừa có phòng chuyên môn, vừa có chi cục quản lý cùng tên, cùng chức năng; trên cùng địa bàn có nhiều đơn vị thực hiện một nhiệm vụ). (2) Giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều chức năng, nhiệm vụ tương đồng có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau nhưng thiếu cơ chế đảm bảo tính thống nhất có thể làm nảy sinh tình trạng buông lỏng, bỏ sót hoặc phát sinh khâu trung gian (cơ quan tổ chức của cấp ủy với cơ quan nội vụ của chính quyền; cơ quan Ủy banKiểm tra của Đảng với Thanh tra nhà nước...). (3) Bộ máy nội sinh phục vụ chính mình chiếm tỉ lệ cao. (4) Các đơn vị sự nghiệp quy mô nhỏ, chất lượng cung cấp dịch vụ vàhiệu quả chưa cao, tính tự chủ thấp. (5) Tổ chức hội nhiều nhưng hoạt động chưa mạnh, chưa thể hiện được rõ vị thế, vai trò; tính tự nguyện, tự quản, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật còn thấp.

- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đông và có xu hướng càng thực hiện chính sách tinh giản thì biên chế càng tăng. Đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở đông do vận dụng cứng nhắc quy định chung, mang tính bình quân cào bằng mà chưa chú ý tới đặc thù về quy mô, phạm vi, địa lý, dân số của các cơ sở, dẫn đến nơi đông dân thì quá tải, nơi rất ít dân, ít việc vẫn có đủ các vị trí.

2. Xuất phát từ yêu cầu đỏi hỏi của thực tiễn khách quan nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới,Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chủ động với quyết tâm chính trị cao xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (gọi tắt là Đề án 25).Đề án được xây dựng hết sức công phu, bài bản; tiến hành đồng bộ từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh; báo cáo tham vấn rất nhiều cấp lãnh đạo, ban, bộ, ngành Trung ương; có sự tham gia, góp ý trực tiếp của nhân dân, các trí thức, lão thành cách mạng, các đối tượng chịu tác động,... và thông qua Hội đồng nhân dân các cấp. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 03/3/2015 “về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Có thể nói, Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh là một đột phá trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, là sự sáng tạo, đổi mới có hiệu quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ; trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của tỉnh.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW càng khẳng định bước đi của Quảng Ninh là đúng đắn, tạo thêm động lực, là cơ sở chính trị vững chắc để Tỉnh có thêm quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị quyết liệt hơn và ở quy mô, tầm mức cao hơn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TW ngày 05/02/2018 để tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được từ việc triển khai Đề án 25 theo hướng toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn với phương châm: (1) Đã thí điểm hiệu quả thì tiếp tục nhân rộng; (2) Những mô hình mới đặt ra phải tập trung cao để lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả thực chất trên thực tế; (3) Tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường tự chủ, nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi mô hình hoạt động.

 

 

III. KẾT QUẢ, HIỆU QUẢ TỪ VIỆC SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở QUẢNG NINH

Tiếp nối, nhất quán, xuyên suốtquá trình triển khai từ Đề án 25 của tỉnh đến Nghị quyết Trung ương 6 với tinh thần chủ động, liên tục sau gần 5 năm triển khaiđến nay Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực:

Thứ nhất, việc đặt ra và triển khai thực hiện các giải pháp đã đem lại một số kết quả, hiệu quả:(1)Đã giảm 05 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 195 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương (cấp tỉnh: 91; cấp huyện: 104). Đổi mới về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ 142 đơn vị; đồng thời nâng mức tự chủ 100% cho 85 đơn vị . Đang rà soát cấp xã, thôn, bản, khu phố không đủ tiêu chí và xây dựng lộ trình phù hợp, dự kiến sắp xếp lại, sáp nhập trong giai đoạn 2019-2021 là 9 xã (giảm 9 xã), 43 thôn, bản, khu phố (giảm 20 thôn, bản, khu phố). (2)Giảm 713 biên chế công chức (khối đảng, đoàn thể: 198; khối chính quyền: 515) và 1.569 người làm việc (biên chế viên chức) so với năm 2015;Thực hiện khoán biên chế cán bộ công chức cấp xã, cấp thôn, khoán quỹ hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách (từ năm 2015, toàn tỉnh không chi trả phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở). (3) Giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển (năm 2015 chi thường xuyên là 47,4%, chi đầu tư phát triển là 52,6%; đến năm 2018 chi thường xuyên là 33,4%, chi đầu tư phát triển là 66,6%). (4) Đi đầu trong thí điểm áp dụng các mô hình mới: (a) Thực hiện nhất thể hóa chức danh nhằm giảm quy trình, tăng tính thống nhất, rút ngắn khoảng cách giữa ban hành chủ trương và tổ chức thực hiện:(i1)Cấp huyện: bí thư đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân tại 3/14, bằng 21,4% (Tiên Yên, Cô Tô, Hoành Bồ); bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân tại 3/14; trưởng ban (phó ban) tuyên giáo đồng thời là giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị tại 14/14. (i2)Cấp xã: bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân đạt  59,67% (111/186);bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân đạt 12,9% (24/186).Định hướng bố trí 02 đồng chí phó bí thư cấp ủy, 01 đồng chí phó bí thư đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân, 01 đồng chí phó bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở những nơi đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Căn cứ đặc điểm, tình hình và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, chủ động sắp xếp, bố trí cán bộ để từ đầu nhiệm kỳ có 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương (đến tháng 9/2019, 13/14 địa phương đã thực hiện bí thư cấp ủy không là người địa phương, còn lại huyện Ba Chẽ), 75% trở lên bí thư cấp xã không là người địa phương (đến tháng 9/2019 đã thực hiện ở 147/186 cấp xã, tỷ lệ 79,03%). (i3) Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố từ chỗ năm 2015, tỷ lệ trưởng thôn chưa là đảng viên cao (chiếm 68,2%); bí thư chi bộ chưa kiêm trưởng thôn 21,5%; đến nay đã đạt 99,8% (1.562/1.565). (i4)Thực hiện tốt các cơ chế kiểm soát quyền lực khi thực hiện nhất thể hoá chức danh, chống lạm quyền, lạm chức... thông qua thực hiện đúng các nguyên tắc, quy chế làm việc của cấp ủy đảng và quy định của pháp luật Nhà nước; tăng cường kiểm soát quyền lực từ cấp trên, phát huy dân chủ trong tập thể cấp ủy, lãnh đạo, nhất là trong công tác cán bộ; thực hiện công khai, minh bạch trong mọi hoạt động... b) Hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo; bổ sung thẩm quyền, tăng cường chức năng nhiệm vụ, tối ưu chính sách, chuẩn hóa ngạch bậc, kết hợp bầu cử và bổ nhiệm: Cơ quan Ủy ban Kiểm tra với thanh tra ở 14/14 và ban tổ chức với phòng nội vụ ở 14/14 đơn vị cấp huyện (giảm 28 đầu mối). Hợp nhất văn phòng cấp uỷ với Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở 3/14 đơn vị cấp huyện bằng 21,4% (Tiên Yên, Cô Tô, Hoành Bồ).Hợp nhất 05 Trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tỉnh để thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC). Thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp huyện và cấp tỉnh. Triển khai thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ động xây dựng Đề án báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng cho chủ trương đồng ý tại Văn bản số 8039-CV/VPTW ngày 30/11/2018 của Văn phòng Trung ương Đảng cho phép tỉnh Quảng Ninh thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy trên cơ sở hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh gồm: Báo Quảng Ninh, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh), Trung tâm Thông tin tỉnh (thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh)và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2019. Sau 9 tháng vận hành, đã từng bước ổn định, phát huy hiệu quả hoạt động theo mô hình "Tòa soạn hội tụ" ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp truyền thông đa phương tiện, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chất lượng các tác phẩm báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình được nâng lên rõ rệt, thông tin đồng bộ, kịp thời, không còn trùng lắp về nội dung, hình ảnh chuyên nghiệp hơn bảo đảm phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.(4) Nâng cao được chất lượng đội ngũ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy. (5) Thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư cho khu vực công; khích lệ sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh. (6) Nhân dân nhận được sự phục vụ có tránh nhiệm hơn từ cán bộ, cơ quan nhà nước; bước đầu đã được thụ hưởng những dịch vụ, tiện ích tốt hơn trong lĩnh vực giáo dục, y tế.

Thứ hai, từ mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, phương thức lãnh đạo đã có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên rõ rệt. Nhận diện, đánh giá đúng thực tiễn; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực thực hiện theo hướng quyết liệt, hiệu quả, nhất là trong triển khai những chủ trương mới, khó. Dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia vào những công việc của địa phương; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017, năm 2018 là 85,1%.

Thứ ba, từ việc đổi mới tư duy nhận thức, định vị lại giá trị của tỉnh, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, yếu kém, xác định đúng triết lý, phương hướng phát triển; đưa ra được một số mô hình đổi mới, có tính đột phá; cùng với sự quan tâm của Trung ương, việc quyết liệt đổi mới hệ thống chính trị, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ là động lực, là nhân tố quan trọng giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả nổi bật, nhất là trong 04 năm (2016-2019): Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước (giai đoạn 2016-2018 là 10,5%); Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) năm 2018 đạt 5.110 USD, gấp 1,3 lần so với 2015; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước, thu nội địa luôn đứng trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc; tổng thu giai đoạn 2016-2018 đạt 117.162 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa tăng bình quân 14,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, năm 2015 tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp lần lượt là 43,4%, 50,2%, 7,3% và đến năm 2018 tương ứng là 44,8%, 49,2%, 6,0%. Năng suất lao động giai đoạn 2011-2015 tăng 12,4%/năm, giai đoạn 2016-2018 tăng 12,6%/năm, dự kiến giai đoạn 2016-2020 tăng 11,6%/năm. Giảm dần chỉ số ICOR từ 6,58 năm 2014 xuống còn 4,23 năm 2018. Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại trọng tâm là hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ; nhiều công trình trọng điểm được đưa vào hoạt động như Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hạ Long đã mở ra những thời cơ và vận hội mới không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả đất nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục cải thiện thứ hạng, năm 2015 đứng thứ ba, năm 2016 đứng thứ hai; năm 2017 và 2018 dẫn đầu toàn quốc. Với quyết tâm đổi mới của cả hệ thống chính trị, tỉnh tiếp tục sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên, đến năm 2018 đã dành trên 65% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển, đạt mức cao nhất cả nước. Có điều kiện, nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Là tỉnh đứng đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Năng lực hệ thống y tế dự phòng Quảng Ninh được xếp vào nhóm đầu cả nước, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tăng từ 12 năm 2015 lên 14,7 năm 2018; 100% người nghèo, các đối tượng chính sách được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 80% (2015), năm 2018 là 94,3% (cả nước đạt 87,5%). Tổng chi cho an sinh xã hội trong 3 năm 2016-2018 đạt 4.717 tỷ đồng, cao hơn giai đoạn 5 năm trước (giai đoạn 2011-2015 là 4.690 tỷ đồng). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,55% năm 2015 xuống còn 1,2% năm 2018. Giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quan hệ đối ngoại mở rộng. Chín tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng ước đạt 11,9% (9 tháng đầu năm 2018 đạt 10,7%); thu ngân sách nhà nước ước đạt 34.539 tỷ đồng, bằng 83% dự toán, tăng 15% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 26.039 tỷ đồng, đạt 78% dự toán, tăng 17% cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 75,4% tổng thu ngân sách; thu xuất nhập khẩu đạt 8.500 tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm, tăng 9% cùng kỳ.

IV. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ KIẾN NGHỊ

Đổi mới hệ thống chính trị là một trong những vấn đề trọng yếu, cốt lõi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ hiện nay luôn là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề khó, phức tạp, nhiều vấn đề lý luận và khoa học đang trong quá trình tiếp tục làm rõ. Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh và yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn hiện nay; trong quá trình “vận hành” hệ thống chính trị vẫn có một số vấn đề mà với cơ chế chung và thẩm quyền của Tỉnh không dễ khắc phục, một số vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra cần được giải quyết, tháo gỡ ở tầm vĩ mô, đòi hỏi phải có chủ trương và quyết tâm từ Trung ương.

Một là, tiếp tục phân định rõ và giải quyết phù hợp mối quan hệ giữa “cầm quyền” và “lãnh đạo” của Đảng; cụ thể hóa triệt để thực hiện việc lãnh đạo bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước, từ đó mạnh dạn tinh giản, khắc phục tình trạng cồng kềnh về tổ chức bộ máy, trùng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa bộ máy giúp việc của Đảng và chính quyền, đảm bảo đồng bộ từ trên xuống dưới.

Hai là,xây dựng lộ trình để bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ để thực hiện hợp nhất cơ quan giữa cơ quan tham mưu của cấp ủy và cơ quan tham mưu của chính quyền (Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra; Tổ chức - Nội vụ) để bảo đảm đúng các quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ba là,tiếp tục cụ thể hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng, quản lý tổ chức bộ máy và biên chế thống nhất của toàn hệ thống chính trị (việc phân cấp quản lý về tổ chức, biên chế chưa phù hợp, nhiều đầu mối, thiếu thống nhất, có nhiều loại công chức (công chức cấp huyện, công chức cấp xã, công chức khối Đảng, công chức khối Đoàn thể).

Bốnlà,hướng dẫn việc áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp; thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Năm là, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính hiện chỉ mới tiếp cận dưới góc độ nhằm đảm bảo các tiêu chí nhất định (nhập vào cho đủ quy mô tối thiểu), chưa đề cập dưới quan điểm phát triển. Theo đó, bên cạnh các tiêu chí tối thiểu để tồn tại, cần có hệ tiêu chí khoa học khác để tạo cơ chế cho các đơn vị hành chính nhất là cấp huyện vốn đã phát triển ở mức cao có thể tiếp tục sáp nhập với nhau nhằm khai thác lợi thế tương hỗ, hình thành những hạt nhân đô thị mạnh, tạo đột phá cho cả vùng./.

 

Nguyễn Xuân Ký,

Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh

 


 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết