Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nhận thức, thực tiễn và giải pháp về phúc lợi xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn mới

Ngày phát hành: 31/10/2019 Lượt xem 11400

 

1. Khái niệm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội

Phúc lợi xã hội (PLXH) là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội, chủ yếu được phân phối lại, ngoài phân phối theo lao động. Ba thành tố cơ bản trong việc đảm bảo phúc lợi xã hội là Nhà nước, Thị trường lao độngdân cư (cá nhân/gia đình).

Phúc lợi xã hội bao gồm những chi phí xã hội như: trả tiền hưu trí, các loại trợ cấp bảo hiểm xã hội, học bổng cho học sinh, những chi phí cho học tập không mất tiền, những dịch vụ y tế, nghỉ ngơi, an dưỡng, nhà trẻ, mẫu giáo, v.v. Với nội dung như vậy, PLXH có mục tiêu làm giảm thiểu sự bất công bằng trong xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội đều có thể thụ hưởng những thành quả của phát triển. Tùy theo mức độ phát triển của các mặt kinh tế-xã hội, quỹ phúc lợi thường có ba nhóm cơ bản: tập trung của nhà nước quản lý; quỹ phúc lợi của các xí nghiệp, đơn vị kinh doanh và quỹ phúc lợi tập thể của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất[1].

An sinh xã hội (ASXH) là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con[2].

ASXH và PLXH có cùng một mục tiêu là hướng đến một xã hội hưng thịnh, công bằng, bác ái và hạnh phúc cho mọi người. Tuy nhiên, điểm khác nhau thể hiện ở ưu tiên và nội dung cụ thể của chính sách: ASXH có mục tiêu đảm bảo thu nhập cho các thành viên trong xã hội để không bị rơi vào cảnh cùng cực, còn PLXH có mục tiêu gúp các thành viên trong xã hội được thụ hưởng thành quả của phát triển thông qua việc phân phối lại, ngoài phân phối theo lao động nhằm giảm bớt sự bất công bằng xã hội. Thuật ngữ PLXH được dùng phổ biến hơn ở các quốc gia phát triển, còn ASXH được dùng phổ biến ở các quốc gia đang phát triển.

2. Nhận thức về phúc lợi xã hội ở Việt Nam

Thực hiện phúc lợi xã hội (PLXH) cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, trong bối cảnh người dân cùng quẫn trong nạn đói, ngày 28/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào toàn quốc "cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo". Bằng cách huy động nguồn lực trong dân như vậy, hàng chục vạn người nghèo đã được trợ giúp lương thực, thực phẩm, quần áo và nạn đói được đẩy lùi. Trong năm 1945, Nhà nước ban hành chính sách qui định công nhân được hưởng tiền phụ cấp khi bị thải hồi[3]. Hiến pháp 1946 và một số sắc lệnh ban hành sau đó qui định các chế độ PLXH cho người dân như ốm đau, tai nạn và hưu trí[4]. Năm 1947, các chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình tử sỹ cũng được ban hành.

Hòa bình lập lại năm 1954, chúng ta xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở miền bắc và mở rộng ra toàn quốc khi đất nước thống nhất năm 1975, hướng đến mô hình nhà nước phúc lợi (nhà nước bao cấp). Giai đoạn này, các chế độ cụ thể về bảo hiểm xã hội được ban hành, góp phần đảm bảo thu nhập thay thế cho người lao động trong trường hợp bị rủi ro ốm đau, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, nghỉ thai sản, nghỉ hưu, bị chết[5]; các đối tượng xã hội, người dân bị tai nạn chiến tranh cũng được trợ giúp[6]. Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, những người được hưởng trợ cấp, thương binh, gia đình liệt sỹ và những người được hưởng các chế độ tương tự thì được cấp tại nhà, tận tay, đúng kỳ, đúng số. 

Sau khi đất nước thống nhất và những năm 1980 khi nền kinh tế nước ta lâm vào khủng khoảng, bên cạnh những chính sách chung, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đảm bảo đời sống và phúc lợi cho người lao động.

Thực hiện chính sách Đổi mới (từ năm 1986), nền kinh tế từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưới góc độ quản lý xã hội, mô hình nhà nước phúc lợi từng bước chuyển sang mô hình nhà nước xã hội để phát huy vai trò và trách nhiệm của các chủ thể (nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác xã hội khác) trong tham gia, đóng góp phát triển kinh tế và thụ hưởng các thành quả của phát triển như Văn kiện Đại hội Đảng XII xác định: “…bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước”. Khoản 2 Điều 59 Hiến pháp 2013 hiến định “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước, các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền mặt và tín dụng ưu đãi để để người dân có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở, đất ở, tiếp cận nước sạch, thông tin và truyền thông, các phương tiện giao thông công cộng và các công trình/chương trình nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, v.v... được qui định cụ thể trong các luật, chính sách. Về cơ bản, các chế độ PLXH đã thực hiện tốt chức năng phân phối lại thu nhập, hỗ trợ người dân thụ hưởng các thành quả của quá trình phát triển.

Có thể thấy, trong giới nghiên cứu cũng như giữa các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách đã có sự đồng thuận về khái niệm và nội hàm của PLXH: (1) PLXH là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng để góp phần thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội; (2) thực hiện PLXH là thực hiện phân phối lại ngoài phân phối theo lao động; (3) PLXH là biện pháp nhằm giảm bớt sự bất công bằng xã hội.

Tuy vậy, về chủ thể thực hiện PLXH hiện đang còn 2 luồng quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng chỉ những chính sách phúc lợi của Nhà nước và do Nhà nước tổ chức thực hiện thì mới là PLXH. Với quan điểm này thì PLXH hiện nay ở nước ta là các chế độ thực hiện theo các chính sách của nhà nước như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng; trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất cho các đối tượng bảo trợ xã hội; miễn học phí cho học sinh tiểu học; miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khó khăn; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí toàn bộ hoặc một phần, miễn hoặc giảm giá vé tham gia các phương tiện giao thông công cộng, tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, xem biểu diễn nghệ thuật cho một số nhóm đối tượng đặc thù (trẻ em, người cao tuổi, người có công...). Quan điểm này là hiện thân của mô hình nhà nước phúc lợi.

Quan điểm khác lại cho rằng PLXH cũng có thể do các chủ thể ngoài nhà nước thực hiện. Một khi các thành viên trong xã hội hoặc một nhóm dân cư được thụ hưởng lợi ích thông qua hình thức phân phối lại ngoài thu nhập theo lao động thì đó là PLXH. Nói cách khác, PLXH có thể do Nhà nước hoặc chủ thể ngoài nhà nước thực hiện, nhưng Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Quan điểm này phù hợp với mô hình nhà nước xã hội và tương đồng với khái niệm PLXH đã đề cập ở trên. Nhận thức về PLXH như vậy là phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; phát huy được nguồn lực trong xã hội; gia tăng vai trò và trách nhiệm của các chủ thể nên thúc đẩy sự gắn kết xã hội trong nền kinh tế thị trường và kết quả là tạo ra nhiều cơ hội hơn để người dân, nhất là những người yếu thế, dễ bị tổn thương được hưởng lợi từ thành quả của phát triển, làm giảm sự bất công bằng xã hội.

3. Thực trạng thực hiện phúc lợi xã hội ở Việt Nam

Ở Việt Nam, PLXH được thực hiện thông qua 3 nguồn tài chính: (1) dựa trên đóng góp của các chủ thể tham gia thị trường; (2) ngân sách nhà nước đảm bảo; và (3) huy động từ cộng đồng.

3.1 Thực hiện phúc lợi xã hội bằng nguồn tài chính dựa trên đóng góp

Thông qua chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước đã tạo lập được các quỹ BHXH để thực hiện các chế độ PLXH. Các quỹ thực hiện theo nguyên tắc đóng-hưởng nhưng hoạt động theo cơ chế chia sẻ rủi ro, phân phối lại không hoàn toàn dựa trên đóng góp, cụ thể: người đóng góp nếu không bị rủi ro (ốm đau, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, v.v.) thì không được hưởng; người bị rủi ro nhiều được hưởng nhiều hơn; người sống thọ hơn được hưởng nhiều hơn.

Đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH chiếm gần 31%, bảo hiểm thất nghiệp chiếm 26% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Hiện có hơn 3,1 triệu người đang hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Hàng năm, có hàng triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần, mai táng phí, trợ cấp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức; trên 600 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Giai đoạn 2010 - 2018 có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề[7], nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm và ổn định cuộc sống.

Số người tham gia bảo hiểm y tế hiện chiếm trên 87,5% dân số. Năm 2018 có 176,4 triệu lượt người đi khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế với tổng chi phí khám chữa bệnh là 95.500 tỷ đồng. Bảo hiểm y tế đã hỗ trợ đáng kể chi phí tài chính cho người dân khi bị ốm đau, bệnh tật.

Trong nền kinh tế thị trường, ngoài tham gia các chính sách BHXH theo quy định, một số doanh nghiệp còn tham gia bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; một số công ty, tập đoàn có tiềm lực kinh tế mạnh đã thực hiện chính sách hưu trí bổ sung tự nguyện như là những chính sách phúc lợi của doanh nghiệp đối với người lao động.

3.2 Thực hiện phúc lợi xã hội bằng ngân sách nhà nước

Ngân sách nhà nước thực hiện PLXH chủ yếu theo nguyên tắc thụ hưởng có điều kiện, tức là người dân đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện nhất định thì được hưởng chế độ PLXH do Nhà nước tổ chức thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo, kết quả thực hiện cụ thể như sau:

Người có công với cách mạng và thân nhân tùy theo trường hợp sẽ được  hưởng một hoặc một số chế độ ưu đãi xã hội (trợ cấp và phụ cấp ưu đãi hàng tháng, một lần; hỗ trợ về nhà ở; phương tiện chỉnh hình, phục hồi chức năng; điều dưỡng định kỳ; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; miễn học phí v.v.). Tính đến hết năm 2018, cả nước có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ và hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người.

Người nghèo, hộ gia đình nghèo được nhận các chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất; miễn giảm học phí; tín dụng học sinh, sinh viên; hỗ trợ nhà ở gồm cả nhà ở phòng, tránh bão lụt; hỗ trợ 30kw điện sinh hoạt; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, v.v. Các chế độ PLXH bằng nguồn ngân sách nhà nước cùng với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội khác hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm giai đoạn 2010-2015 (từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015). Riêng các huyện nghèo giảm 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Theo chuẩn nghèo đa chiều, từ năm 2016, tỷ lệ nghèo giảm bình quân 1,3%/năm (năm 2016, tỷ lệ nghèo là 7,9% và giảm còn 5,23% năm 2018).

Người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người nghèo trên 60 tuổi không có người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác như người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, trẻ mồ côi, v.v… được nhận trợ cấp thường xuyên với mức chuẩn trợ cấp 27000 đồng/người/tháng để hỗ trợ sinh sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để khi ốm đau có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế. Đến năm 2018, có 2,839 triệu người được hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng, chiếm gần 3% dân số. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động tăng ngân sách cho trợ giúp xã hội trên cơ sở điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng cao hơn mức chuẩn chung của cả nước. Cả nước hiện có 418 cơ sở trợ giúp xã hội (49% cơ sở công lập, 51% cơ sở ngoài công lập), trong đó có 34 trung tâm công tác xã hội, đang nuôi dưỡng chăm sóc 41.434 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn[8].

Chương trình dinh dưỡng quốc gia, dinh dưỡng học đường; tiêm chủng mở rộng; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ một phần kinh phí (30%-100%) cho học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế v.v. đã góp phần tích cực vào giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.

Học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập. Năm học 2017-2018 có hơn 520.000 học sinh đã nhận được gạo hỗ trợ[9] và hơn 1.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ ăn trưa cho các học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn[10]. Trong 3 năm (2016 - 2018), thực hiện chính sách nội trú[11] cho trên 60.000 học sinh, sinh viên (người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật chiếm 85%; người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú chiếm 7%; người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo chiếm 8%).

Chương trình nhà ở xã hội được triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây để thực hiện mục tiêu mọi người dân đều có nhà ở an toàn. Đến hết năm 2018, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 198 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng hơn 81.700 căn, với tổng diện tích hơn 4.085.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 226 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn và tổng diện tích khoảng 9.110.000 m2. Trong đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành đầu tư xây dựng 98 dự án, với 40.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 2.035.000 m2; đang tiếp tục triển khai 153 dự án, với 93.800 căn hộ, tổng diện tích khoảng 4.690.000 m2. Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng 100 dự án, với 41.000 căn hộ, tổng diện tích 2.050.000 m2; đang tiếp tục triển khai 73 dự án với 88.400 căn hộ, tổng diện tích 4.420.000 m2.

Để người dân, đặc biệt là dân cư nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi cao được tiếp cận nước sinh hoạt hợp vệ sinh, giai đoạn 2012-2015 đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Giai đoạn 2016-2019, chương trình được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đã tăng từ 80,5% năm 2012 lên 85% năm 2015 và đạt 88% vào năm 2018. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của bộ Y tế đạt 52% vào năm 2018 so với mức 38,7% năm 2012. Việc thực hiện chương trình đã cải thiện điều kiện vệ sinh nông thôn, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.

Các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được nhà nước hỗ trợ sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hoặc dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích nếu đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp viễn thông, thu xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu qua hệ thống truyền hình quảng bá công nghệ số. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được cấp 24 loại ấn phẩm báo chí, tạp chí tiếp nhận thông tin về các chính sách, pháp luật của nhà nước, gương người tốt việc tốt, mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác được miễn, giảm giá vé khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

Trường hợp người dân bị rủi ro do thiên tai bão lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, và các nguyên nhân khách quan khác có nhu cầu được trợ giúp đột xuất (hộ gia đình có người bị chết, bị thương, thiếu lương thực, nhà đổ, trôi, cháy, hư hỏng nặng…) đều được hưởng chế độ trợ giúp đột xuất. Từ năm 2012 - 2018, Chính phủ đã hỗ trợ 329 nghìn tấn gạo cho các địa phương để cứu đói cho hơn 17,4 triệu nhân khẩu thiếu lương thực; hỗ trợ hơn 3.700 tỷ đồng để các địa phương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó bao gồm kinh phí thực hiện trợ giúp đột xuất và kinh phí khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu.

3.3. Thực hiện phúc lợi xã hội bằng nguồn tài chính huy động từ cộng đồng

Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã đóng góp một phần tài chính đáng kể vào thực hiện hỗ trợ người có công với Cách mạng, người nghèo, người yếu thế, góp phần quan trọng trong việc tăng cường tính gắn kết xã hội, xây dựng xã hội nhân ái, hài hòa, tiến bộ. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa với người và gia đình người có công với cách mạng đã được thực hiện sâu, rộng và hiệu quả. Giai đoạn 2012-2018, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước đã tiếp nhận được sự ủng hộ gần 6.000 tỷ đồng; tặng gần 98.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa với trị giá gần 958 tỷ đồng. Đến nay 98,5% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; trên 98% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Trong giai đoạn này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tiếp nhận ủng hộ từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân hơn 32.980 tỷ đồng để thực hiện ASXH. Trong đó, ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) hơn 7.339 tỷ đồng và ủng hộ trực tiếp chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được trên 25.640 tỷ đồng.

Ngoài ra, các mô hình chỉnh hình phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng; mô hình “Ngôi nhà tạm lánh” cung cấp dịch vụ tạm lánh, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình; mô hình “Ngôi nhà bình yên” bảo vệ chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở ề cũng ngày càng khẳng định vai trò trong hỗ trợ các nhóm đối tượng yết thế, bị rủi ro.

4. Tồn tại, hạn chế và giải pháp phát triển phúc lợi xã hội

Phạm vi bao phủ của PLXH còn hạn hẹp, chủ yếu hướng đến nhóm khá giả còn được gọi là nhóm trung lưu toàn cầu với mức tiêu dùng trên 15 USD PPP/người/ngày (thông qua các chính sách bảo hiểm) và nhóm nghèo, cận nghèo  với mức tiêu dùng dưới 5,5 USD PPP/ngày (thông qua các chính sách trợ giúp xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo và huy động từ cộng đồng). Nhóm trung lưu mới nổi với mức tiêu dùng 5,5-15 USD PPP/ngày (hiện chiếm gần 60% dân số) dường như đang bị bỏ rơi, không tham gia BHXH và cũng không thuộc diện được thụ hưởng các chế độ trợ giúp xã hội bằng nguồn ngân sách nhà nước[12]. Nhóm trung lưu mới nổi là nhóm dân cư năng động nhưng dễ gặp rủi ro và dễ rơi vào cảnh nghèo đói. Việc có chính sách PLXH và phương thức tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm của nhóm này sẽ phát huy được trách nhiệm của họ trong xây dựng một xã hội gắn kết; đồng thời giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước cần trợ giúp họ khi gặp rủi ro (nhất là trong tương lai khi họ về già).

Khu vực tư (doanh nghiệp) trong thực hiện PLXH cho người lao động, cho cộng đồng chưa trở thành một trào lưu trong xã hội. Doanh nghiệp thực hiện tốt phúc lợi cho người lao động là một trong những nền tảng giúp phát huy hết thái độ, trách nhiệm, sáng kiến và sự tận tâm của người lao động trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, cần cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, vì một cộng đồng gắn kết và thịnh vượng.

Ngân sách chi thực hiện ASXH tăng dần nhưng tỷ lệ chi trong tổng chi ngân sách cũng như so với GDP đang giảm dần cho thấy việc thực hiện chính sách xã hội chưa được coi trọng, chưa đáp ứng quan điểm của Đảng “gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước”[13] và nhu cầu của người dân. Tỷ lệ chi cho ASXH trong tổng chi ngân sách nhà nước giảm từ 10,58% năm 2012 xuống còn 5,67% năm 2018; so với GDP, giảm dần từ 2,95% xuống còn 1,9% trong cùng giai đoạn[14]. Do vậy, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn xã hội tối thiểu và tiến tới có qui định về tỷ lệ chi thực hiện chính sách xã hội trong tổng chi ngân sách nhà nước hoặc so với GDP hàng năm.

Tuy phạm vi bao phủ của PLXH, ASXH còn hạn hẹp nhưng vấn đề lạm dụng, trục lợi, lãng phí ngân sách đã và đang xảy ra. Nghiên cứu của UNDP cho rằng tỷ lệ rò ri của Việt Nam khoảng 40%[15]. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ còn lạc hậu. Do vậy, cần tận dụng thế mạnh của công nghệ số để nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống ASXH, PLXH của nước ta./.

 

Lê Tấn Dũng

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH

 



[1] Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội 2003.

[2] Khái niệm an sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

[3] Nghị định số 01-ND và Nghị định số 02-ND ngày 1/10/1945 của Bộ Lao động qui định về thời giờ làm việc và ấn định tiền phụ cấp cho các nhân công khi bị thải hồi.

[4] Điều 17, Hiến pháp 1946 hiến định: “Công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ, trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 về Quy chế công chức và Sắc lệnh số 77/SL ngày 22/5/1950 về Quy chế công nhân giúp việc Chính phủ qui định cán bộ, công chức, công nhân làm việc cho Chính phủ được hưởng chế độ hưu trí. Nghị định số 594/TTg ngày 11/12/1957 qui định chế độ mất sức lao động đối với công nhân viên chức kháng chiến. Năm 1961, Điều lệ Bảo hiểm xã hội đầu tiên được ban hành kèm theo Nghị định số 218/CP để áp dụng đối với công nhân, viên chức Nhà nước và lực lượng vũ trang.

[5] Nghị định 218-CP ngày 27/12/1961 về "Điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội".

[6] Thông tư 157/CP ngày 25/8/1966 về giúp đỡ người dân bị tai nạn chiến tranh; Thông tư 202/CP ngày 26/11/1966 về cứu trợ người già cô đơn và trẻ mồ côi.

[7] Năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề, đến năm 2018 đã là 37.977 người.

[8] Trong đó có 11.365 trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi, 4.723 người già cô đơn, 8.218 người khuyết tật, 10.438 người mắc bệnh tâm thần mãn tính, 1.421 người bị nhiễm HIV/AIDs và 5.269 đối tượng trợ giúp xã hội khác

[9] Theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016.

[10] Theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018.

[11] Theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015

[12] Cơ cấu tầng lớp trung lưu Việt Nam giai đoạn 2015-2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán và trình bày tại Khung chính sách kinh tế Việt Nam, 12/2018.

[13] Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

[14] Tính từ số liệu chi ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước chi cho an sinh xã hội của Bộ Tài chính và số liệu Niên giám thống kê về GDP hàng năm của Tổng cục Thống kê.

[15] UNDP (2016), Social assistance in Vietnam: Review and proposals for reform (Trợ giúp xã hội ở Việt Nam: Rà soát và các đề xuất cải cách).

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết