Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Tiêu chí đánh giá, xác định tính hợp lý, năng động, hiệu lực, hiệu quả của mô hình tổng thể tổ chức hệ thống chính trị

Ngày phát hành: 22/10/2019 Lượt xem 2098


Việc xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị (HTCT) ở Việt Nam trong điều kiện mới phải căn cứ vào cơ sở lý luận và thực tiễn; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhất là những mô hình hoạt động hiệu quả và xem xét những mô hình hoạt động kém hiệu quả để rút ra những điều bổ ích; điều kiện cụ thể và khả năng hiện thực hoá mô hình đó ở nước ta phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn, được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung để mô hình tổ chức tổng thể được xây dựng hoàn chỉnh hơn. Một vấn đề đặc biệt quan trọng để xem xét, đánh giá tính hợp lý, nâng động, hiệu lực, hiệu quả của mô hình tổng thể tổ chức hệ thống chính trị. Có thể xác định những tiêu chí chủ yếu, gồm:

Thứ nhất, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu để xem xét, đánh giá chất lượng, hiệu quả việc xây dựng mô hình tổ chức tổng thểHTCT ở nước ta trong điều kiện hiện nay. Bất luận trong mọi trường hợp, mô hình tổ chức tổng thể HTCT nước ta phải bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.Không bảo đảm được điều này, thì các hoạt động xây dựng mô hình tổ chức tổng thểHTCT nước ta được xây dựng trở nên vô nghĩa. Và vô hình chung, chúng ta đã mất cảnh giác và tạo thuận lợi cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt làm giảm dần và đi đến xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Việc xây dựngmô hình tổ chức tổng thể HTCT ở nước ta trong điều kiện hiện nay về thực chất là các hoạt động đổi mới HTCT. Đổi mới HTCT phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của Đảng đề ra trong quá trình đổi mới. NQTƯ 6 khoá VI (1989) của Đảng đã đề ra 6 nguyên tắc cơ bản trong quá trình triển khai công cuộc đổi mới, trong đó có những nguyên tắc về đổi mới HTCT. Cụ thể là: nguyên tắc thứ ba: “Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng…”[1]; nguyên tắc thứ tư: “Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta”[2].

Các hoạt động xây dựng mô hình tổ chức tổng thể HTCT nước ta trong điều kiện hiện nay cần quán triệt sâu sắc, thể hiện rõ và thực hiện nghiêm chỉnh những nguyên tắc nêu trên.Đây là định hướng chính trị bắt buộc, là tiêu chí quan trọng hàng đầu khi xem xét đánh giá các hoạt động xây dựng mô hình tổ chứctổng thểHTCT ở nước ta.

  Việc giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng phải toàn diện, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, các ngành, các cấp, gồm: Đảng lãnh đạo các tổ chức trong HTCT, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các lực lượng và các lĩnh vực đời sống xã hội. Theo đó, tất cả các tổ chức, các lực lượng chính trị, xã hội tồn tại và hoạt động trên đất nước ta theo quy định của pháp luật đều phải chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.

Thứ hai, kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Đây là tiêu chí rất quan trọng để xem xét, đánh giá các hoạt động xây dựng mô hình tổ chức tổng thể HTCT nước ta. NQTƯ 6 khoá VI (3-1989) của Đảng xác định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta, là sự lựa chọn sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng ta. Xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng và nhân dân ta”[3]. Đạt được mục tiêu lý tưởng này, là quá trình lâu dài và phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp lớn, trong đó việc đổi mới mạnh mẽ HTCT là đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định.

Các hoạt động xây dựng mô hình tổ chức tổng thể HTCT phải thể hiện rõ quan điểm chính trị xuyên suốt của Đảng là sự kiên định mục tiêu và con đường XHCN với tính hướng đích là từng bước xây dựng thành công CNXH và tiến đến xây dựng thành công CNCS ở nước ta. Vấn đề này phụ thuộc rất lớn và được quyết định bởi sự trung thành, sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Đảng khẳng định: “Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”[4]; “Đảng lấy chủ nghĩa chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[5].

Tiến hành công cuộc đổi mới nói chung, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể HTCT nước ta trong thời kỳ đổi mới nói riêng phải trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Đó không phải là thay đổi mục tiêu, con đường XHCN, mà là kiên định mục tiêu, con đường XHCN. Đồng thời, phải làm cho con đường ấy ngày càng cụ thể về mục tiêu, con đường và thực hiện có hiệu quả, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Trong đó, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể HTCT là một trong những công việc quan trọng hàng đầu.

Sử dụng tiêu chí kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để xem xét, đánh giá các hoạt động xây dựng mô hình tổ chức tổng thểHTCT nước ta hiện nay cần chú trọng sự kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu và con đường đi lên XHCN; từng bước xây dựng thành công CNXH và tiến đến xây dựng thành công CNXH trên cả nước. Thường xuyên đối chiếu, xem xét chỉ ra những lệch lạc, biểu hiện xa rời, thoát ly những điều nêu trên để uốn nắn kịp thời.

Thứ ba, thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đảng khẳng định: “Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị là nhằm tăng cường… hiệu lực quản lý của Nhà nước…”[6]. Đây là nguyên tắc cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới nói chung và xây dựng mô hình tổ chức tổng thể HTCT hiện nay nói riêng. Việc tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước từng bước được Đảng bổ sung những điểm mới và nâng lên tầm cao mới với các quan điểm, chủ trương có tính lý luận cao về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Điều đó được thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

 Những đặc trưng của nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng xác định, gồm: a)Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; b) Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; c) Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; d) Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN; đ) Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; e) Có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; g) Giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; h) Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương[7]

Thứ tư, tinh gọn, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển của hệ thống chính trị

- Tinh gọn, “bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông”.

Hội nghị Trung ương 6 khoá XII (2017) của Đảng xác định việc sắp xếp bộ máy tổ chức phải “bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông”[8]. Vì vậy, các hoạt động xây dựng mô hình tổ chức tổng thể HTCT nước ta hiện nay đều phải coi trọng và hướng đến mục tiêu tinh gọn tột bậc và bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông của HTCT với những nội dung sau:

Tổ chức bộ máy trong từng tổ chức của HTCT không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ phận, nghĩa là phải tinh giản các bộ phận đầu mối trong từng tổ chức đến mức tối thiểu.Các tổ chức trong HTCT có chức năng, nhiệm vụ cùng loại có thể kết hợp với nhau. Ví dụ: Văn phòng HĐND và UBND các cấp; các bộ phận trong các tổ chức chính trị-xã hội (các đoàn thể chính trị-xã hội). Toàn bộ HTCT phải thật sự tinh gọn, không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này với tổ chức khác của HTCT.

Tổ chức bộ máy của HTCT phải bảo đảm tính tổng thể, tức là các tổ chức trong HTCT liên hệ chặt chẽ với nhau trong thực hiện nhiệm vụ chung của HTCT là tuyên truyền, vận động, tập hợp, giáo dục và tổ chức nhân dân thực hiện Cương lĩnh, đường lối chính trị, các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tổ chức bộ máy của HTCT phải bảo đảm tính đồng bộ, tức là hoạt động của các tổ chức trong HTCT nhịp nhàng, ăn khớp với nhau; hoạt động của tổ chức này, không gây khó khăn, cản trở hoạt động của tổ chức khác và không tạo nên ách tắc đối với hoạt động chung cả HTCT.

Tổ chức bộ máy của HTCT phải bảo đảm tính liên thông, tức là toàn bộ hoạt động của các tổ chức trong HTCT phải tạo thành hoạt động chung, thông suốt của HTCT theo chiều dọc từ Trung ương đến cơ sở và theo chiều ngang giữa các tổ chức trong HTCT, không có điểm “nghẽn” và ách tắc trong hai chiều đó. 

- Bảo đảm “kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển”.

Hội nghị Trung ương 6 khoá XII của Đảng yêu cầu việc sắp xếp bộ máy tổ chức phải bảo đảm “kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển”9. Do vậy, việc xây dựng mô hình tổ chức tổng thể HTCT nước ta hiện nay phải tuân thủ nghiêm chỉnh quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo của Đảng, kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển của HTCT. Tức là các hoạt động xây dựng mô hình tổ chức tổng thể và mô hình tổ chức tổng thể HTCT được xây dựng không được phủ định sạch trơn mô hình tổ chức tổng thể HTCT trước đó, và tuyệt đối không được để xảy ra sự mất ổn định của HTCT ở bất kỳ mức độ nào, ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả công cuộc đổi mới, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công cuộc đổi mới trong từng khoảng thời gian, bước đi khi triển khai áp dụng mô hình tổ chức tổng thể HTCT trong thực tiễn. 

Thứ năm, thượng tôn pháp luật, công khai, minh bạch; đáp ứng quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả

- Mức độ thượng tôn pháp luật, công khai, minh bạch của HTCT

Mức độ thượng tôn pháp luật, công khai, minh bạch phải được được thể hiện đối với từng tổ chức trong HTCT với các quy định cụ thể về vấn đề này, của từng tổ chức, đặc biệt là của các tổ chức đảng. Mức độ công khai, minh bạch cũng phải được thể hiện đối với từng tổ chức trong HTCT với các quy định cụ thể, nhất là của các tổ chức đảng (theo quy định), Nhà nước, các cơ quan chính quyền các cấp theo luật định.

- Khả năng đáp ứng quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của HTCT.

Nghị quyết Trung ương 6 khoá VI của Đảng xác định sáu nguyên tắc cơ bản trong quá trình triển khai công cuộc đổi mới cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chỉnh, trong đó, nguyên tắc thứ ba là “Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị là nhằm… phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có nghĩa là tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính vô sản, làm cho các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động năng động và có hiệu quả hơn”10. Đây là nguyên tắc rất quan trọng và là yêu cầu phải được nhận thức sâu sắc và luôn thể hiện trong các hoạt động xây dựng mô hình tổ chức tổng thể và mô hình tổ chức tổng thể HTCT nước ta đối với từng tổ chức của HTCT. Đặc biệt, đối với Đảng phải bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi hoạt động của Đảng. Đồng thời, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân trên thực tế về những quyết định của mình.Điều này đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013.Đối với Nhà nước và cơ quan chính quyền các cấp phải đặt lên hàng đầu việc đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân và đặc biệt là phải chịu trách nhiệm về mọi mặt trước nhân dân.

Các hoạt động xây dựng mô hình tổ chức tổng thể và mô hình tổ chức tổng thể HTCT ở nước ta được xây dựng phải có khả năng hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn mô hình tổ chức tổng thể HTCT hiện hành. Điều này, khó đánh giá, vì thực tiễn là thước đo quan trọng, quyết định nhất của chân lý; mô hình đang được xây dựng, chưa được triển khai trong thực tiễn. Song, cũng có thể đánh giá được khá chính xác khả năng hoạt động hiệu lực, hiệu quả của HTCT khi được xây dựng theo mô hình tổ chức tổng thể đã được xây dựng, dựa vào các tiêu chí nêu trên./.

 

                                                    PGS, TS Đinh Ngọc Giang,

                                                     Học viện CTQG HCM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá VI, năm 1989, tr. 9

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá VI, năm 1989, tr. 9

[3]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá VI, năm 1989, tr 8-9

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá VI, năm 1989, tr. 9,

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá VI, năm 1989, tr. 88,

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá VI, năm 1989, tr. 10

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 85-86

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2017, tr. 44.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết