1.Vài nét về bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự tác động của nó đối với giáo dục và đào tạo Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba; có thể nói đây là sự kế thừa và phát triển tri thức của nhân loại; là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), Robotics, Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây, công nghệ nano, tự động hoá công nghệ in 3 chiều (3D), khoa học mang tính liên ngành phức hợp, sâu rộng với nền tảng là đột phá của công nghệ số, đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế tri thức, của xã hội tri thức, trong xu thế toàn cầu hoá. Sáng tạo công nghệ cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn từ phía nguồn cung, với những lợi ích lâu dài về hiệu quả và năng suất lao động. Cuộc cách mạng này đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều cơ hội để tăng năng suất lao động của các sản phẩm và dịch vụ mới cho phép con người và xã hội có cuộc sống tốt đẹp, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, khi các công nghệ mới thay thế các công việc sử dụng nhiều lao động có thể dẫn đến thất nghiệp của số lớn lao động giản đơn, thậm chí là gây ra bất bình đẳng, dẫn đến sự phân tầng trong xã hội. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu, dự báo một cách nghiêm túc, khách quan , khoa học trong quá trình phát triển. Một trong những yêu cầu để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là làm sao để con người có thể đáp ứng được các yếu tố về kiến thức mới và kỹ năng mới liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới của khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại ?. Điều này đặt ra cho giáo dục và đào tạo nước ta sứ mệnh đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược là chuẩn bị đội ngũ nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Chúng ta đều nhận thấy và trăn trở với vấn đề đặt ra là chuyển từ một nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học sang một nền giáo dục giúp phát triển tư duy, năng lực, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho người học, học đi đôi với hành; lý luận gắn liền với thực tiễn. Với sự xuất hiện của nhiều mô hình học tập mới, sáng tạo, hiệu quả gắn liền cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, truyền thông, internet, mạng xã hội ... đã làm cho các phương pháp giáo dục truyền thống đang chịu nhiều thách thức, áp lực đối với cả người dạy và cả người học. Một trong những điểm nổi bật là sự phân hóa đến từng ngành học, từng trường học, từng đối tượng người học. Mỗi học sinh, sinh viên có nhu cầu và khả năng học tập khác nhau. Các tiến bộ về công nghệ cho phép các nhà giáo dục có thể thiết kế lộ trình học tập riêng biệt phù hợp với từng ngành học, từng trường hợp cụ thể. Các phần mềm giáo dục đã được đưa vào sử dụng có khả năng thích nghi với năng lực của mỗi học sinh, sinh viên và cho phép họ theo học với tốc độ phù hợp với nhu cầu của bản thân. Việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết dẫn đến một câu hỏi mà các nhà giáo dục cần phải trả lời là xác định kiến thức cốt lõi mà người học cần được trang bị trong tương lai. Vì vây, các nhà giáo dục ngày nay quan tâm nhiều hơn đến việc dạy, hướng dẫn người học cách tự học, cách tư duy, cách đánh giá các tình huống, các vấn đề phức tạp trong cuộc sống của xã hội, qua đó hình thành phẩm chất, năng lực giải quyết vấn đề một cách khách quan, khoa học và phù hợp với thực tiễn, đem lại kết quả thực sự cho cuộc sống của con người và xã hội trong thời đại mới.
2. Một số đề xuất, kiến nghị đối với hệ thống giáo dục và đào tạo Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Việt Nam chúng ta đã và đang bước vào một giai đoạn phát triển và hội nhập mới. Công nghiệp hoá theo hướng hiện đại hoá đã được xác định là trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định: Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu trong đường lối và chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Ngày 04-11-2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đảng ta đã chỉ rõ quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục là: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định:“ Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề. Đa dạng hoá nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người” Ngày 04-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg Về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52- NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề ra một số chủ trương, chính sách cơ bản, quan trọng, với nhiều giải pháp thiết thực và yêu cầu đổi mới mạnh mẽ và bổ sung, hoàn thiện các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới. Vấn đề đặt ra cho hệ thống giáo dục nước ta là phải tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của người học thông qua việc định hướng các nội dung, giá trị chuẩn mực, phù hợp với các đối tượng học sinh, sinh viên khác nhau để giúp họ phát huy được tiềm năng của mình để học tập và lao động sáng tạo. Điều này cần được áp dụng ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo; đặc biệt, đối với các ngành học của các trường đại học. Đối với giáo dục và đào tạo, cuộc cách mạng sản xuất mới sẽ đặt ra những yêu cầu mới và cao hơn đối với người lao động; yêu cầu người lao động phải có đủ kiến thức và kỷ năng để làm chủ được các công nghệ mới, hiện đại. Yêu cầu ngành giáo dục cần phải có một tầm nhìn xa trong bối cảnh chuyển đổi liên tục của các hình thức tổ chức và các yêu cầu về kỹ năng. Theo đó, người lao động trong tương lai sẽ cần phải có khả năng học tập suốt đời để sẵn sàng, thích ứng cho các thay đổi của công nghệ mới. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng phải thích ứng với môi trường đang thay đổi và cần phải xác định tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thông qua hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu. Những bước nhảy vọt của cuộc cách mạng 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức và phát sinh thêm rất nhiều ngành nghề mới trên thị trường lao động. Sự thay đổi này đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học tư duy về những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng được cho sự phát triển của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp.... và toàn xã hội. Để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra đối với người lao động, cùng với các chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế....,thì các chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn của đất nước và của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để có thể tận dụng được hiệu quả của các cơ hội, vượt qua những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới, hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học nước ta cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây:
Một là, cần tiếp tục củng cố và tăng cường, bảo đảm các yếu tố cơ bản nền móng và đổi mới tư duy về phát triển giáo dục, đào tạo trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Mục tiêu là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước; cụ thể là chuyển từ biệt lập, tự phát về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng lao động, từ cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với những khó khăn, thách thức trong sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, thông tin, truyền thông và hội nhập quốc tế.
Hai là, Nhà nước cần kịp thời bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao; thị trường sản phẩm khoa học công nghệ phải phản ánh đầy đủ quan hệ cung - cầu, qua đó, làm căn cứ hoạch định chiến lược và chính sách trọng tâm, trọng điểm phù hợp cho sự phát triển lâu dài của đất nước; đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Gắn kết chặt chẽ giữa các vườn ươm khởi nghiệp với các trường đại học và các doanh nghiệp, các khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Ba là, cần phát triển mô hình giáo dục đại học 4.0. Đây là mô hình giáo dục thông minh, liên kết giữa nhà trường với nhà quản lý và doanh nghiệp. Cho nên, các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, các trường đại học quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn với các thiệt bị, kỹ thuật hiện đại của một số ngành kinh tế mũi nhọn trọng điểm mà nước ta có ưu thế theo hình thức hợp tác công – tư; xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp với xu hướng công nghệ hiện đại trong sự hình thành nền kinh tế số. Nghiên cứu và phát triển là chìa khoá quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội;cần gắn kết chặt chẽ có hiệu quả giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất, giữa sản xuất với nghiên cứu khoa học trong quá trình tạo ra các sản phẩm phục vụ thiết thực cho cuộc sống của con người và xã hội.
Bốn là, các trường đại học cần tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, nhất là tiếng anh; cần có chính sách thu hút cán bộ giỏi, có trình độ kỹ thuật cao, các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác với nhà trường. Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ giảng viên là khâu then chốt có ý nghĩa quyết định đối với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của đất nước trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Năm là, đối với các nội dung, chương trình đào tạo về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cần sử dụng các công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để làm sáng tỏ thêm những kiến thức khoa học cơ bản về quy luật phát triển của xã hội, về mối quan hệ biện chứng giữa tự nhiên, con người và xã hội trong sự phát triển của nhân loại phù hợp với xu hướng của thời đại mới. Tăng cường và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, nghiên cứu về khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về lịch sử, văn hoá dân tộc, con người Việt Nam gắn liền với thực tiễn của cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
TS. Nguyễn Văn Hùng,
Hội đồng Lý luận Trung ương