Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - những vấn đề từ thực tiễn (phần 1)

Ngày phát hành: 29/10/2019 Lượt xem 34201

 

I. Xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN phải được đặt trong dòng chảy phát triển hiện thực của nhân loại và trình độ phát triển hiện thực của đất nước.

1. Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (KTTT ĐH XHCN) cần phải có cách tiếp cận từ thực tiễn: Thực tiễn sự phát triển kinh tế thị trường trên thế giới và thực tiễn sự phát triển KTTT của Việt Nam trong mối quan hệ biện chứng; hơn nữa mối quan hệ đó là - KTTT của Việt Nam là một bộ phận (nhỏ) của KTTT thế giới chứ không phải ngược lại. Không thể xem xét và xây dựng thể chế KTTT ĐH XHCN từ tư duy lý luận tư biện, xa rời thực tiễn.

2. Vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT ĐH XHCN không thể được xem xét tách biệt với toàn bộ quá trình phát triển theo định hướng XHCN của một quốc gia trong điều kiện và trình độ phát triển cụ thể của thế giới. Về vấn đề này Mác và Ăngghen đã chỉ rõ: CNXH là kết quả của những sự vận động - phong trào hiện thực của sự phát triển xã hội loài người; “Đối với chúng ta, CNCS không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý thuyết giáo điều khô cứng buộc thực tiễn phải khuôn theo…Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đề ra” (3). Điều đó nói lên rằng cả mục tiêu của CNXH và “con đường” đi tới CNXH, trong đó có vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT ĐH XHCN là do sự vận động khách quan của hiện thực quy định. Việc đặt ra những mục tiêu và “sáng tạo” ra những con đường không hiện thực, thoát ly khỏi trình độ phát triển thực tế và điều kiện khách quan sẽ không thể thành công.

Theo Mác và Ăngghen, có hai tiền đề - điều kiện cơ bản của sự vận động hiện thực đó là : Tiền đề hiện thực đầu tiên là sự phát triển của nền đại công nghiệp (công nghiệp hóa) với phương thức sản xuất công nghiệp mang tính xã hội hóa cao. Thứ hai, là thể chế phát triển xoá bỏ ách áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, dân chủ. Hai điều kiện - tiền đề cơ bản này được hình thành - vận động - phát triển, có quan hệ biện chứng với nhau trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh - phát triển của nhân loại cũng như của mỗi dân tộc. Điều này cho thấy vì sao, những lý tưởng, khát vọng về những giá trị tốt đẹp, nhân văn của CNXH không tưởng (và đủ thứ CNXH khác) không thể trở thành hiện thực, dù được đưa ra thực hành trên thực tế (Vào thế kỷ XIX, họ đã xây dựng những mô hình “xí nghiệp”, “cộng đồng” dân cư tự quản được gọi là XHCN ở Anh, Pháp và một số nước khác, nhưng đều đã thất bại…) là do không có (không dựa) trên những tiền đề - điều kiện khách quan đó.

Chính Lênin là người đã nhận ra sai lầm khi thực hiện quá độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội, với các mục tiêu và giải pháp “thuần tuý” chủ nghĩa xã hội, trong đó có thể chế kinh tế phi thị trường ở nước Nga ngay sau Cách mạng Tháng Mười. Lênin đã phải nhận thức lại về CNXH, về mục tiêu và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lênin cho rằng cần “phải bắc những chiếc cầu nhỏ”, “trung gian”, “quá độ” lên chủ nghĩa xã hội, phải sử dụng cả chủ nghĩa tư bản và các giải pháp tích cực của nó (trong đó có phát triển KTTT) để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nếu nhận thức như dự báo của Mác - Ăngghen, rằng loài người phát triển qua các hình thái kinh tế - xã hội tất yếu phát triển lên một trình độ cao hơn, nhân bản hơn, văn minh hơn CNTB, gọi là CNXH - CNCS, thì cần thấy rằng những giá trị phát triển tốt đẹp và cao hơn đó phải là những giá trị tiêu biểu chung của nhân loại, mà các quốc gia - dân tộc sẽ từng bước đi tới trong sự vận động, đấu tranh và phát triển của mình. Điều đó nói lên rằng sự phát triển của một quốc gia theo định hướng XHCN không thể đối lập (càng không thể biệt lập) với những giá trị chung tốt đẹp - tiến bộ của nhân loại. Điều này cần phải được thể hiện ngay trong nhận thức và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT ĐH XHCN. Việt Nam đã tham gia Liên Hợp Quốc, tham gia WTO, tham gia Cộng đồng an ninh - kinh tế - văn hóa - xã hội ASEAN và hơn 15 Hiệp định thương mại tự do khác, trong đó có những Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với những quy định không chỉ về kinh tế, thương mại thuần túy, mà cả những quy định về lao động, đầu tư, thể chế quản lý, vai trò của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ.... Trong tất cả các hiệp định đó chứa đựng nhiều giá trị chung mà các nước tham gia phải tuân theo (cũng có thể có những “giá trị” thể hiện sự ưu tiên hơn đối với những nước có trình độ phát triển còn thấp, lại có những giá trị cao hơn do những nước có trình độ phát triển cao hơn đặt ra). Nếu xét theo quan điểm phát triển theo định hướng XHCN với nhận thức máy móc, giáo điều, phi thực tiễn, thì có thể cho rằng việc tham gia và chấp nhận các giá trị chung đó (có thể có các “giá trị” không phù hợp lắm, do các nước có trình độ phát triển cao hơn đặt ra) - là không đúng với định hướng XHCN. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về thực tiễn là : Sự phát triển theo định hướng XHCN, trong đó có xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT ĐH XHCN, có thể và cần phải tiếp thu những giá trị phát triển chung - tiến bộ của nhân loại như thế nào ? có coi đó là những giá trị cốt lõi ?. Hay coi chỉ những giá trị đặc thù riêng có của các nước tự khảng định phát triển theo định hướng XHCN mới là thể hiện bản chất của sự phát triển theo định hướng XHCN ? Trong khi về mặt lý luận nhiều người vẫn coi thời đại hiện nay là “quá độ” từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Nếu như vậy, phải chăng đóng vai trò “chủ đạo” cho sự phát triển (quá độ) theo định hướng XHCN của cả nhân loại trong thời đại hiện nay là những “giá trị đặc thù” riêng của một số ít nước còn kém phát triển hơn (nhưng lựa chọn con đường phát triển theo định hướng XHCN) quyết định bản chất phát triển của cả một thời đại, chứ không phải là những giá trị phát triển chung - tiến bộ của nhân loại ? Rõ ràng việc xác định mối quan hệ biện chứng giữa các giá trị đặc thù của một nước với các giá trị phổ quát của nhân loại trong qua trình phát triển theo định hướng XHCN là một vấn đề có tính nguyên tắc.           

3. Quan điểm của Đảng ta về phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là: xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là cách tiếp cận theo mục tiêu phát triển bao trùm; tất cả các mục tiêu ở cấp thấp hơn, các cơ chế, chính sách và giải pháp phải chịu sự chi phối và hướng tới mục tiêu bao trùm này. Như vậy, phải chăng có thể hiểu rằng tính định hướng XHCN trong sự phát triển của đất nước chính là hướng tới thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn và ở trình độ cao hơn mục tiêu bao trùm trên. Đây cũng chính là “sự vận động - phong trào hiện thực của sự phát triển” xã hội đi lên CNXH như Mác - Ăngghen nói, chứ không phải là khuôn theo những nhận thức lý thuyết giáo điều khô cứng.

Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam sẽ “đi vào” sân chơi quốc tế trong rất nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…ở những cấp độ khác nhau. Điều đó có nghĩa là chấp nhận những giá trị chung, những “luật chơi” chung. Đây là quá trình cạnh tranh - đấu tranh - hợp tác theo nguyên tắc mỗi nước đặt lợi ích quốc gia - dân tộc mình lên trước hết, đồng thời bảo vệ lợi ích phát triển chung và tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước khác. Chúng ta vẫn coi hội nhập quốc tế sâu rộng là đòi hỏi và quá trình khách quan, tạo cơ hội lớn cho sự phát triển đất nước, và thực tiễn phát triển đất nước qua hơn 30 năm đổi mới đạt được những thành tựu to lớn đã minh chứng rất thuyết phục điều đó (dù có không ít thách thức). Rõ ràng, nếu không chấp nhận và tôn trọng các giá trị chung thì không thể hội nhập được với quốc tế; đồng thời nếu đề cao không đúng các giá trị riêng của nước mình, coi những giá trị này có tính chuyên biệt chi phối quan hệ quốc tế, thì các nước khác cũng không “đến chơi” với mình được. Ví dụ, nếu quan niệm như trước đây, phát triển theo định hướng XHCN là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể phải chiếm tỷ trọng áp đảo và ngày càng tăng trong nền kinh tế của đất nước, thì sẽ rất khó có đầu tư FDI vào nước ta và Việt Nam cũng sẽ rất khó hội nhập quốc tế. Nhưng trong quá trình đổi mới, Việt Nam đã từng bước phát triển nền kinh tế thị trường theo những quy luật chung (những giá trị chung) của nhân loại, và do đó hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, hiệu quả hơn. Việt Nam, qua thực tiễn phát triển, qua các tiếp xúc của các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước với các nước và các tổ chức quốc tế, đều mong muốn sớm được công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Điều đó cho thấy Việt Nam đi theo hướng chấp nhận và tôn trọng các giá trị chung của nhân loại, trong đó có những giá trị về KTTT, thể chế KTTT.   

II. Kinh tế thị trường và tính định hướng XHCN trong thực tiễn phát triển 

Trong quá trình phát triển, đang nổi lên vấn đề về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, cơ chế thị trường với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

1. Trong một thời gian dài trước đây, nước ta (cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác trước đây) với quan niệm chủ nghĩa xã hội sai lệch, giáo điều, đã có nhận thức không đúng về bản chất của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường và mối quan hệ với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã cho rằng kinh tế thị trường là sản phẩm đặc trưng bản chất của chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường là phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa; kinh tế thị trường không dung hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Cơ chế phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa phải là cơ chế kế hoạch hoá tập trung - bao cấp cao độ.

Quá trình thực hiện đường lối Đổi mới đã mang lại cho chúng ta những nhận thức mới cả về lý luận và thực tiễn về bản chất kinh tế thị trường và mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường, với sản xuất hàng hoá, đến Đại hội VIII, Đảng ta đã nêu rõ: “Sản xuất hàng hoá không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng”[1]. Đến Đại hội IX, Đảng ta đã tiến lên một bước cao hơn, khẳng định: “Mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[2]. Đến Đại hội X, Đảng ta đã chỉ rõ hơn bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại phát triển tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng tự nó không đồng nghĩa với tư bản chủ nghĩa”. Chúng ta cần phải sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới góc độ thể chế, nền kinh tế thị trường định hướng  xã hội chủ nghĩa “Đó là nền kinh tế trong đó các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường được tự giác tạo lập và sử dụng để giải phóng triệt để sức sản xuất, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[3]. Có thể nói rằng từ chỗ coi kinh tế thị trường là sản phẩm bản chất của chủ nghĩa tư bản, không dung hợp với chủ nghĩa xã hội, tiến lên coi kinh tế thị trường không phải là sản phẩm bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể vận dụng và phát triển kinh tế thị trường, cao hơn nữa coi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là một bước ngoặt có tính lịch sử cả về lý luận và thực tiễn của Đảng ta, của đất nước ta.

Những quan điểm cơ bản của Đảng ta thể hiện một số nội dung quan trọng sau đây:

+ Kinh tế thị trường không phải là sản phẩm bản chất - đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể và cần thiết vận dụng và phát triển kinh tế thị trường.

+ Kinh tế thị trường có những mặt mạnh, tích cực cơ bản; đồng thời có những mặt hạn chế, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển; các mặt tích cực và tiêu cực tác động khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau; trong kinh tế khác với trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội; trong giáo dục khác với trong trong khoa học công nghệ, trong y tế… Việc vận dụng đúng đắn, có hiệu quả là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi nhà nước.

+ Mỗi nước, mỗi thể chế kinh tế - chính trị - xã hội, tuỳ theo điều kiện cụ thể lại vận dụng và phát triển kinh tế thị trường với những nội dung, hình thức, qui mô, cấp độ khác nhau.

+ Tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải chỉ thể hiện ở phương diện chính sách xã hội, lại càng không phải chỉ là sự bao cấp xã hội, mà tính định hướng xã hội chủ nghĩa phải được thể hiện đồng bộ ở ba phương diện: xây dựng cơ chế phát triển để giải phóng triệt để sức sản xuất nhiều thành phần; hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, dân giàu, nước mạnh; thực hiện tốt các mục tiêu về phát triển con người, các chính sách xã hội, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Như vậy, nếu thể chế không đảm bảo được sự phát triển mạnh mẽ để mang lại được lợi ích mọi mặt thiết thực ngày càng cao cho nhân dân, để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn như nêu trên, thì không thể nói là tính định hướng xã hội chủ nghĩa được hiện thực hóa, đảm bảo và phát triển cao hơn, đầy đủ hơn.

+ Mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, cơ chế thị trường và tính định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là mối quan hệ “kết hợp”, “dung hợp” một cách đơn giản, chủ quan duy ý chí, máy móc các giá trị kinh tế (thị trường) và các giá trị xã hội (định hướng XHCN) trong quá trình phát triển. Ở đây là mối quan hệ hữu cơ tạo nên một thể chế - cơ chế mới, với bản chất và động lực mới cho sự phát triển khách quan. Trong đó, những mặt mạnh, những mặt tích cực của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường có tác động cùng chiều, làm tăng thêm sức mạnh phát triển các giá trị tốt đẹp. Ngược lại, những mặt bất cập, hạn chế của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường lại có tác động tiêu cực, làm yếu đi sự phát triển các giá trị tốt đẹp, phải được hạn chế. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phải hoàn thiện thể chế - cơ chế phát huy cao những mặt mạnh, tích cực của cả thị trường và nhà nước; đồng thời hạn chế, triệt tiêu những tác động tiêu cực, những “thất bại” của cả thị trường và nhà nước phù hợp và hiệu quả đối với sự phát triển chung của cả nước cũng như đối với từng lĩnh vực. Như vậy, phải chăng cả lý luận và thực tiễn cho thấy rằng không phải cứ phát triển KTTT là chệch hướng XHCN - coi đó như “tội đồ” của mọi yếu kém và tiêu cực; mà chính việc hiểu, sử dụng, vận dụng, phát triển KTTT không đúng, không phù hợp, kém hiệu quả mới là nhân tố tác động làm chệch hướng thực hiện các mục tiêu tốt đẹp phát triển theo định hướng XHCN.

        2. Về những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam : Theo tinh thần Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng, những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội - cũng là những giá trị cơ bản về “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội”, là : Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Xã hội “do nhân dân làm chủ; Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện   phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới; Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Điều đáng lưu ý là trong các đặc trưng trên, đã không nêu đặc trưng về cấu trúc của các thành phần kinh tế với sự chi phối áp đảo của thành phần kinh tế nhà nước và tập thể theo quan niệm cũ trước đây. Đồng thời, đặc trưng thứ 8 có thể hiểu là sứ mạng - trách nhiệm của Đảng phải lãnh đạo xây dựng được nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, để thực hiện - hiện thực hóa cho được các đặc trưng - giá trị nêu trên. Đương nhiên, các đặc trưng trên luôn luôn vận động, chuyển hóa và phát triển lên trình độ cao hơn. Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu lên những nhận thức cơ bản về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, trong đó chỉ ra : “Là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhằm mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (2). Điều đó cho thấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là giá trị bao trùm - cốt lõi của phát triển định hướng XHCN, trong đó phát triển nền kinh tế thị trường phải vận hành theo những quy luật - giá trị khách quan của kinh tế thị trường chung của nhân loại, đồng thời “tích hợp” với những giá trị đặc thù tốt đẹp của Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển để hướng tới mục tiêu bao trùm đó.  

Đối với một đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu bao trùm đó, thì chính bản chất của chế độ chính trị - xã hội, của nền tảng tư tưởng - đạo đức của xã hội, của hệ giá trị xã hội - hệ giá trị con người, giá trị công dân, của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, được thể hiện trong đường lối phát triển đất nước và được chế định ở Hiến pháp, ở hệ thống pháp luật, ở hệ thống cơ chế chính sách, ở phương thức quản lý được xác lập phù hợp và hiệu quả…là tiền đề và điều kiện, là cơ chế bảo đảm cho sự phát triển đất nước theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đó mọi thành phần kinh tế, mọi lực lượng xã hội, mọi tổ chức xã hội và mọi thành viên xã hội hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện sáng tạo, có hiệu quả các cơ chế chính sách, tạo dựng nên các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của con người, của xã hội, đóng góp cho sự phát triển đất nước, mang lại lợi ích cho mỗi con người, mỗi gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu đó, thì đó là thực chất góp phần đảm bảo cho đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn này nói lên “ai, lực lượng nào” góp phần tạo nên động lực, sức mạnh và hiệu quả thực tế để đất nước phát triển theo những mục tiêu và những giá trị tốt đẹp đó. Một doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ liên tục, không đảm bảo được đời sống cho người lao động, không đóng góp được cho Nhà nước và xã hội, có nhiều tiêu cực thì khó có thể nói rằng doanh nghiệp nhà nước này góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển theo định hướng XHCN. Ngược lại, một doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển có hiệu quả, thực hiện tốt pháp luật của nhà nước, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, thực hiện tốt các chính sách xã hội, đảm bảo tốt đời sống của người lao động, như thế có góp phần vào sự phát triển theo định hướng XHCN của đất nước không ?!; Hàng chục triệu hộ nông dân không sản xuất theo mô hình HTX - Tập thể hóa như trước đây, nay với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ, nhưng đã và đang tạo nên những thành tựu lớn lao trong nông nghiệp - một cứu cánh của đất nước, chắc chắn là đã có đóng góp vô cùng quan trọng trong định hướng phát triển XHCN của đất nước. Trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội cũng có thể nêu lên các ví dụ tương tự. Vì thế, trong định hướng chung về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta nêu rõ phải xây dựng và hoàn thiện thể chế - cơ chế phát triển không chỉ về lĩnh vực kinh tế, mà cả đối với các lĩnh vực xã hội (dịch vụ) tiếp cận với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực. Đối với các lĩnh vực dịch vụ, một mặt phải quán triệt những nguyên tắc chung, định hướng chung, đồng thời cần phải thấu suốt những đặc điểm riêng của từng lĩnh vực (như giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ …) để xây dựng cơ chế phù hợp góp phần đảm bảo phát triển các lĩnh vực này theo đúng định hướng, mục tiêu và hiệu quả. Nhưng trên thực tế, về nhận thức và việc xây dựng thể chế - cơ chế phát triển các lĩnh vực này còn rất nhiều bất cập và yếu kém, chậm hơn so với lĩnh vực kinh tế.

Vì vậy, có thể nói rằng tính định hướng XHCN phải được thực hiện thông qua đồng bộ thể chế phát triển ở tất cả các lĩnh vực và quy tụ ở mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó cũng là ngọn cờ Đại đoàn kết Dân tộc để xây dựng - bảo vệ - và phát triển Đất nước theo định hướng XHCN.

(còn tiếp)

PGS.TS Trần Quốc Toản

Chuyên gia cao cấp,

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 



       [1] .Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, NXB CTQG, HN 2005, trang 481.

       [2] .Như trên, trang 459.

       [3] .Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng khoá X, NXB CTQG, HN, 2008, trang 139.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết