Karl Marx (Các Mác) là nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của ông đã đi vào lịch sử thế giới như một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời trí tuệ nhân loại, đúng như Friedrich Engels (Phriđơrich Ăngghen) đã khẳng định: “Tên tuổi và sự nghiệp của ông đời đời sống mãi”. Các Mác sinh ngày 5/5/1818, cách đây 206 năm.
Cống hiến trọn đời vì hạnh phúc của nhân loại
Cả cuộc đời, tư tưởng của Các Mác đều là vì con người, coi hạnh phúc của mọi người là hạnh phúc của chính mình và phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người. Chống áp bức bóc lột, bất công; lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và xóa bỏ xã hội tư bản để giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng xã hội, giải phóng con người, xây dựng xã hội cộng sản, là lý tưởng cao đẹp nhất của Các Mác. Đây là điểm cốt lõi làm cho tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Các Mác lưu lại dấu ấn sâu đậm, lâu dài, bền vững trong lịch sử nhân loại.
Chính quyết tâm theo đuổi lý tưởng cao đẹp là nguồn gốc tạo nên ý chí và khí phách trong cuộc đời hoạt động của Các Mác. Tất cả các hoạt động lý luận và thực tiễn của Các Mác không nằm ngoài mục tiêu, lý tưởng cộng sản; đều vì mưu cầu tự do, ấm no, hạnh phúc của giai cấp vô sản, lấy điều đó làm xuất phát điểm và cũng là mục đích cuối cùng cần đạt tới. Lấy hạnh phúc con người làm trung tâm, bênh vực cho quyền lợi của quảng đại quần chúng cần lao, Các Mác luôn hết lòng thực hiện hoài bão, ước mơ, quên bản thân mình cho lợi ích chung.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả những lúc khó khăn nhất của cuộc sống gia đình, túng thiếu vây quanh, bệnh tật dày vò thì Các Mác vẫn không một phút nản lòng, không bao giờ chùn bước trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bất công, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người lao động, bảo vệ lý tưởng, bảo vệ tương lai tốt đẹp của loài người tiến bộ.
Từ lúc 17 tuổi, Các Mác đã có lập luận triết lý mang tầm vóc một nhà khoa học lớn. Trong bài luận tốt nghiệp trung học, ông không ngần ngại phê phán việc chọn nghề trên cơ sở quyền lợi ích kỷ hoặc thuần túy vật chất; thẳng thắn tuyên bố: “Lịch sử thừa nhận vĩ nhân là những người làm việc cho mục đích chung và do đó bản thân họ cũng trở nên cao thượng hơn; kinh nghiệm cho thấy rằng, người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất”. “Nếu ta đã chọn một nghề mà qua đó ta có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân loại, thì ta sẽ không cảm thấy gánh nặng của nghề ấy bởi vì đó chính là sự hy sinh vì mọi người. Khi đó, niềm vui được hưởng không chỉ là một niềm vui ích kỷ, hẹp hòi và nhỏ nhen, mà hạnh phúc của ta sẽ thuộc về hàng triệu người. Sự nghiệp của ta sẽ tồn tại, chẳng ầm ĩ, nhưng mãi mãi là cuộc sống có ích và trên di hài của ta sẽ có những con người cao quý nhỏ những giọt nước mắt nóng hổi”.
Xác định cho mình một chí hướng như vậy để sống và làm việc, từ khi còn ở giảng đường đại học, Các Mác đã tích cực tham gia các nhóm sinh viên, làm báo cách mạng, phê phán nhược điểm của chế độ đương thời, tích cực bảo vệ quyền lợi người lao động. Năm 23 tuổi, Các Mác nhận được học vị Tiến sĩ Triết học. Cũng vì thực hiện phương châm “người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất” nên Các Mác miệt mài hoạt động cho sự nghiệp chung mà ít có thời gian chăm lo cho gia đình; vượt qua mọi gian khó, kể cả sự thiếu thốn về vật chất và điều kiện làm việc, phát huy tối đa trí lực để cống hiến cho nhân loại. Trong điều kiện khó khăn, sống lưu vong nhiều năm, đặc biệt là khi 31 tuổi đã hai lần bị trục xuất khỏi nước Pháp, nhưng ngòi bút cách mạng với dòng mực nhân văn ở Các Mác vẫn tuôn chảy, tạo cho đời khối lượng công trình khoa học đồ sộ. Thông qua đó, Các Mác cung cấp cho nhân loại những tri thức quý giá về phép biện chứng duy vật, chủ nghĩa duy vật lịch sử, hình thái kinh tế-xã hội, quy luật giá trị thặng dư, về Chủ nghĩa xã hội khoa học...
Cuộc đời hoạt động của Các Mác là sự chiến đấu không ngừng nghỉ chống lại mọi kẻ thù của giai cấp vô sản. Nhưng không chỉ có đấu tranh với kẻ thù, với cái bên ngoài, mà Mác còn phải đấu tranh với chính bản thân mình để vượt qua những rào cản về tư tưởng và tư duy, vứt bỏ những cám dỗ của cuộc sống. Do đó, Các Mác không bao giờ lùi bước, khuất phục trước sức ép của chính quyền tư sản; kiên quyết chống mọi biểu hiện giáo điều, cơ hội, xét lại phản bội lý tưởng, mục tiêu cách mạng, đi ngược lại nguyên tắc, quyền lợi của phong trào công nhân; kiên quyết bảo vệ các luận điểm của mình.
Ngày 14/3/1883, Các Mác trút hơi thở cuối cùng trên chiếc ghế bành, trước bàn làm việc trong khi mạch tư duy viết bộ Tư bản chưa đến hồi kết. Cuộc đời và hoạt động của Các Mác đã đi vào lịch sử nhân loại với tầm vóc của một vĩ nhân “đứng trên vai những người khổng lồ”, đúng như Ăngghen nói khi Các Mác qua đời: “Nhân loại thấp hẳn xuống một cái đầu, mà lại là cái đầu đáng kể nhất vào thời đại chúng ta”.
Di sản để lại cho nhân loại
Suốt cuộc đời của mình cho đến khi qua đời, Các Mác đã vượt lên mọi trở ngại để đi đến mục tiêu của mình. Ông đã đấu tranh và đã chiến thắng với trái tim nóng bỏng, ý chí sắt đá và niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Không bao giờ ông nhân nhượng kẻ thù, lùi bước trước khó khăn. Ông tin tưởng mãnh liệt rằng: "Đối với khoa học, không có con đường nào bằng phẳng thênh thang cả, chỉ có những người không sợ chồn chân mỏi gối để trèo lên những con đường nhỏ bé gập ghềnh của khoa học mới có hy vọng đạt tới đỉnh cao xán lạn của khoa học mà thôi".
Và ý chí, nghị lực, lao động khổ luyện đó của Các Mác trong suốt cuộc đời đã để lại những thành quả vô cùng quan trọng.
Thứ nhất là về Triết học, Các Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới mà hạt nhân của nó là phép biện chứng duy vật. Ông khẳng định, lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển sản xuất, lịch sử những phương thức sản xuất kế tiếp nhau, cũng tức là lịch sử của những người sản xuất của cải vật chất, lịch sử của quần chúng nhân dân lao động. Quần chúng nhân dân là động lực phát triển của lịch sử, là đội quân chủ lực của các cuộc cách mạng xã hội thay thế chế độ xã hội cũ, lỗi thời bằng chế độ xã hội mới, tiến bộ hơn. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa.
Thứ hai là về Kinh tế chính trị học, Các Mác đã tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của xã hội tư bản. Một trong những phát hiện vĩ đại của Các Mác trong kinh tế chính trị học, là đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư. Các Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Và đấu tranh giai cấp chính là động lực phát triển xã hội.
Thứ ba là về Chủ nghĩa xã hội khoa học, Các Mác đã phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mác đã tìm ra quy luật vận động phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có sứ mệnh tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới, đó là giai cấp vô sản. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản phải đi tới thành lập chuyên chính vô sản và dùng nó làm công cụ để xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Thứ tư, cống hiến đặc biệt của Các Mác là ông đã cùng Friedrich Engels (Phriđơrich Ăngghen) thành lập các tổ chức cộng sản đầu tiên trên thế giới như Liên đoàn những người cộng sản (1848), Quốc tế thứ nhất (1864), Quốc tế thứ hai (1889). Thông qua hoạt động trong phong trào và tổng kết thực tiễn, ông đã đặt nền móng vững chắc cho học thuyết về xây dựng đảng của giai cấp công nhân quốc tế. Tuy còn sơ khai nhưng trong học thuyết của ông đã khẳng định đảng của giai cấp công nhân, đảng cộng sản phải mang trong mình bản chất của giai cấp công nhân. Ông cũng là người nêu ra những quan điểm đầu tiên về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng cộng sản, thể hiện trong Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản, Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai với những nội dung chủ yếu về đoàn kết thống nhất trong Đảng, về mối quan hệ giữa các cơ quan lãnh đạo của Đảng với đội ngũ đảng viên, về kỷ luật của Đảng, về hệ tư tưởng của Đảng...
Những quan điểm này đã được Lênin kế thừa và phát triển, hoàn chỉnh học thuyết về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân ngày nay. Nhờ học thuyết về xây dựng Đảng cộng sản của Mác, Ăngghen và Lênin, những người cộng sản trên toàn thế giới đã có hơn một thế kỷ hình thành phong trào công nhân quốc tế với các Đảng cộng sản kiểu mới và đã góp phần làm thay đổi bản đồ chính trị trên thế giới với những cột mốc vĩ đại như thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), Chiến thắng Hồng quân Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, những thành tựu xây dựng Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô-Đông Âu và các nước khác trên thế giới trong thập niên 40-50-60-70 của thế kỷ XX.
Ngày nay, học thuyết của Mác nói chung và học thuyết về xây dựng đảng nói riêng không những còn nguyên giá trị mà còn được các Đảng cộng sản ngày nay bổ sung thêm những nội dung mới, làm cho những quan điểm dẫn đường của Mác vẫn tiếp tục tỏa sáng.
Việt Nam kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Sự nghiệp và tư tưởng của Các Mác gắn bó rất chặt chẽ với lịch sử phát triển của đất nước và dân tộc Việt Nam. Trên hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930), bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình; luôn vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giai cấp và dân tộc, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta tiếp tục giành được những thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ðảng luôn trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, với sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Qua gần 40 năm đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mặc dù thế giới có những diễn biến phức tạp, đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh thế giới ngày nay đầy biến động, Đảng ta vẫn luôn giữ vững bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên trì đường lối đổi mới, coi đây là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Lịch sử đã chỉ cho chúng ta rằng, cùng với sự phát triển của thời đại, chúng ta càng phải kiên trì phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin; xác định rõ đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn; đổi mới không phải là xa rời, mà là nhận thức đúng, vận dụng và không ngừng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, làm cơ sở phương pháp luận quan trọng nhất để hoạch định và hoàn thiện đường lối đổi mới.
Có thể nói, những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong gần 40 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng chính là nhờ sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Đây chính là minh chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về giá trị bền vững và sức sống vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin, mà Các Mác là một trong những lãnh tụ đầu tiên sáng lập./.
Theo TTXVN