49 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, ngày của một thiên sử vàng chói lọi – ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, cả giang sơn Việt Nam vĩnh viễn thu về một mối. Đánh giá sự kiện lịch sử trọng đại này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) đã nhận định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi nối tiếp thắng lợi trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, là thắng lợi của 9 năm kháng chiến trường kỳ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, thắng lợi của 21 năm ròng rã phải chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân mới với quy mô lớn nhất, ác liệt nhất, tàn bạo nhất, lâu dài nhất. Chúng ta toàn thắng là nhờ vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời đại Hồ Chí Minh; kết tinh và kế tục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự chủ của toàn dân ta, từ sự nghiệp chính nghĩa của một dân tộc anh hùng, tạo nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, thể hiện khát vọng cháy bỏng về sự thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, nhân dân cả nước được sống trong hòa bình , xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, cùng vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Để làm nên bài ca thống nhất, chúng ta cùng nhớ lại những nét chủ yếu của chiến dịch quyết chiến chiến lược của quân và dân Việt Nam từ ngày 26 đến ngày 30/04/1975, đánh thẳng vảo đầu não của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn và các vùng lân cận. Tham gia chiến dịch có 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) cùng Đoàn 232; gồm 15 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn, 4 tiểu đoàn và một đại đội đặc công, biệt động 22 lữ đoàn, 8 tiểu đoàn pháo binh, 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp,… với tổng số 270.000 quân, 400 xe tăng, 429 khẩu pháo kết hợp với lực lượng của các địa phương tại Sài Gòn và các vùng lân cận. Lực lượng quân đội Ngụy Sài Gòn có 4 sư đoàn bộ binh, 3 liên đoàn biệt động, 3 lữ đoàn dù, 1 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp, 19 tiểu đoàn pháo binh, 800 máy bay, 862 tàu chiến và nhiều đơn vị địa phương quân, tổng cộng khoảng 240.000 quân, 626 tăng thiết giáp…
Ngày 30/04/1975, quân giải phóng của ta nhanh chóng đánh chiếm Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh không quân sân bay Tân Sơn Nhất của Ngụy. Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/04/1975, quân giải phóng chiếm dinh Độc lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi.
Mỗi một người, mỗi vùng quê, mỗi cơ quan, đơn vị hoặc rộng hơn nữa là cả nước, cả dân tộc ta mãi mãi ghi nhớ và tự hào về chiến thắng lịch sử 30/04/1975. Thế giới khâm phục Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám đến chiến thắng Điện Biên Phủ, đập tan ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và càng khâm phục Việt Nam qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân 1975, thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.
Nhân dân ta khao khát hòa bình, độc lập, tự do của đất nước, dân tộc. Thế nhưng lịch sử cứ giao phó cho dân tộc ta phải chấp nhận đương đầu với nhiều đế quốc ở nhiều thời kỳ. Quy luật phát triển không đều giữa các quốc gia đã đưa tới tình trạng kẻ lớn, người nhỏ, kẻ mạnh, người yếu, và thường thì kẻ lớn mạnh muốn các nước khác yếu hơn phải thuần phục, dùng cường quyền để áp đặt tất sinh ra chủ nghĩa đế quốc. Những đế quốc này bao giờ lúc đầu cũng mạnh, khuynh đảo và chinh phạt khắp Đông, Tây, Nam, Bắc , nhưng nhiều khi lại bị thất bại ở những nơi không ngờ tới. Một trong những nơi ấy là Việt Nam. Mỗi lần phải đứng lên đánh đuổi quân xâm lược là mỗi lần dân tộc ta đồng lòng, chung sức, tạo thành khối thống nhất vững mạnh, vượt mọi khó khăn, thách thức, chấp nhận mọi hy sinh để bảo vệ và giải phóng non sông, đất nước, đánh đuổi mọi thứ quân xâm lược.
Nhớ ngày 30/4 lịch sử, chúng ta càng thấy rõ sức mạnh vo song của khối đại đoàn kết toàn dân cùng với trí thông minh, lòng dũng cảm của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Sức mạnh tổng hợp đó đã, đang và sẽ đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước ta tới mục tiêu cao đẹp: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Kỷ niệm ngày lịch sử vẻ vang này, đất nước trọn niềm vui, cả non sông mở hội mừng, ca vang mãi Bài ca Thống nhất.
GS.TS Vũ Văn Hiền