Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Một số vấn đề phát triển bền vững trong bối cảnh Đông Nam Á và khu vực dưới góc độ khoa học trái đất (Phần 1)

Ngày phát hành: 26/04/2024 Lượt xem 455


 

1. Đặt vấn đề

 

Trong những thập kỷ gần đây, đồng thời với sự tiến bộ của khoa học – công nghệ với nhịp điệu ngày một nhanh, tạo ra những thành tựu mang tính đột phá, làm thay đổi nhanh chóng, sâu sắc và quyết định đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội và bản thân con người thì một số mâu thuẫn, xung đột cũng có sự gia tăng. Loài người đang đối mặt với những thách thức to lớn về chính trị, văn hóa, xã hội và đặc biệt là môi trường trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu của các quốc gia, vùng lãnh thổ và toàn nhân loại; là giải pháp cho việc khắc phục những khó khăn, mâu thuẫn, xung đột trong phát triển. Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9 năm 2015 đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs) với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể. Các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất, đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng.

 

Tại Việt Nam, từ những năm 1990, với việc thực hiện chính sách Đổi mới, nền kinh tế có sự tăng trưởng nhanh, GDP tăng bình quân hàng năm 7%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nhanh cùng với mức tăng dân số tương đối cao, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã tạo nên sức ép ngày càng tăng đối với tài nguyên và môi trường. Là quốc gia ven biển với bờ biển dài trên 3200km, địa hình phân hóa đa dạng với đồi núi chiếm trên ¾ diện tích lãnh thổ với nhiều núi có độ dốc lớn, nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa ẩm, thường bị các trận bão và áp thấp nhiệt đới tác động, Việt Nam chịu tác động mạnh của hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2013-2019, trung bình hàng năm Việt Nam thiệt hại khoảng 0,6% GDP. Số người chết, mất tích và bị thương có xu hướng gia tăng.

 

Bên cạnh BĐKH, hiện nay, thế giới và Việt Nam cũng đang phải đối mặt với bốn cuộc khủng hoảng lớn nữa: khủng hoảng tài chính, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảnh lương thực và suy thoái tài nguyên. Đại dịch Covid-19 cũng làm cho nền kinh tế thế giới bị biến động đáng kể.

 

Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề môi trường xuống cấp và tác động lâu dài của nó đối với sự phát triển của quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã coi PTBV và quản lý môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn. Theo đó, các mục tiêu PTBV đã được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển của quốc gia, của các ngành, địa phương, và triển khai trong thực tế.

 

Theo xếp hạng toàn cầu về thực hiện SDGs, nhìn chung, Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt kể từ năm 2015. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 69, tăng lên hạng 49 vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2022, Việt Nam đứng ở vị trí 55. Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng việc duy trì mức độ tiến bộ còn gặp nhiều thách thức.

 

Thực hiện cam kết quốc tế, tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (KHHĐQG 2030). Quan điểm đầu tiên của kế hoạch này là “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự - an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia”.

 

KHHĐQG 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể. Hệ thống 158 chỉ tiêu thống kê PTBV để theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện SDGs đã được hình thành. Trong các mục tiêu của KHHĐQG 2030 và cam kết của chính phủ Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc có khá nhiều nội dung liên quan với tài nguyên, môi trường, thiên tai, gắn liền với đối tượng nghiên cứu của các Khoa học về Trái đất – Môi trường – Sinh thái.

 

Nhằm góp phần khắc phục những tồn tại, khó khăn trong mục tiêu PTBV, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sau khi tổng quan chung về PTBV, bài viết này sẽ tập trung vào một số vấn đề PTBV ở Việt Nam và Đông Nam Á (ĐNA) liên quan với Khoa học Trái đất.

 

2. Một số khái niệm về phát triển bền vững

 

Hiện có khá nhiều định nghĩa/khái niệm về PTBV. Khái niệm PTBV được Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới đưa ra năm 1987 “PTBV là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng phát triển của các thế hệ tương lai”. Tổ chức ngân hàng châu Á đã đưa ra định nghĩa: “PTBV là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường”. PTBV cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không tổn hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai”. PTBV không chỉ là cách phát triển có tính đến chi phí môi trường mà thực ra là một lối sống mới.

 

Khái niệm phát triển bền vững thường gắn liền với khái niệm bền vững và do đó cả hai thuật ngữ này đều được sử dụng như từ đồng nghĩa, ngay cả trong lĩnh vực học thuật và khoa học, như đã thấy trong tài liệu (Olawumi và Chan, 2018; Sartori et al., 2014). Tuy nhiên, các trường phái tư tưởng khác nhau chỉ ra rằng phát triển bền vững là một ­khái niệm mâu thuẫn do không thể duy trì tăng trưởng kinh tế hữu hạn trong một hành tinh hạn chế (Redclift, 2005 ; Sachs, 1999) và nêu bật những mâu thuẫn trong các mục tiêu của nó (Spaiser et cộng sự, 2017). Quan điểm này cảnh báo về vấn đề to lớn - không chỉ về mặt nhận thức luận mà còn về mặt xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và môi trường - của việc đặt các chính sách và hành động môi trường địa phương và toàn cầu dựa trên một khái niệm mâu thuẫn hoặc thiếu xác định . Do đó, kể từ những năm 1990, các tác giả như José Naredo (2004) đã cảnh báo về sự cần thiết phải coi ­tính bền vững như một khái niệm khác mà ngày nay có liên quan đến ­các phương pháp tiếp cận môi trường mới như “ sự suy thoái ” và “ buen vivir ” (Kothari và cộng sự, 2014). Tình huống này cho thấy cuộc tranh luận về cả hai khái niệm vẫn còn mở và chứng tỏ sự cần thiết phải tăng cường thảo luận mang tính học thuật về ­ý nghĩa của chúng ( Whyte và Lamberton, 2020). Có ba mô hình PTBV được sự quan tâm nhiều của các học giả là Mô hình truyền thống, Mô hình chuột Mickey và Mô hình bền vững mạnh mẽ.

 

Mô hình truyền thống được Elkington (1997) xây dựng, giao điểm của ba vòng tròn thể hiện khả năng bền vững, ba thành phần này có cùng trọng số. Giả định tiến bộ công nghệ và khoa học sẽ giải quyết mọi vấn đề môi trường, bao gồm cả sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Các giới hạn cuối cùng do môi trường (sinh quyển) áp đặt lên hoạt động kinh tế và xã hội đều bị bỏ qua. Mô hình chuột Mickey tập trung vào lợi nhuận kinh tế hơn là lợi nhuận môi trường và xã hội. Việc thiếu sự giao thoa giữa ba khía cạnh dẫn đến tính không bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, nền kinh tế và xã hội không thể tồn tại ngoài môi trường. Mô hình bền vững mạnh mẽ cho thấy toàn bộ sự sống - bao gồm cả con người - đều được chứa trong sinh quyển. Cách tiếp cận thừa nhận nền kinh tế tồn tại như một hệ thống con của hệ sinh thái và do đó đặt ra những hạn chế đối với việc mở rộng kinh tế và xã hội. Điều này giả định rằng thiên nhiên cung cấp những chức năng mà công nghệ không thể thay thế được. Do đó, mô hình thừa nhận sự cần thiết phải bảo tồn tính toàn vẹn sinh thái. Một khi chúng ta mất đi những chức năng đó, chúng ta không thể phục hồi hoặc sửa chữa nhiều tài nguyên và dịch vụ hệ sinh thái. Đây là lý do tại sao khía cạnh môi trường lại quan trọng đến vậy.

 

Khái niệm phát triển bền vững được tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng ở hai văn kiện quốc tế là “Chăm lo cho trái đất: Một chiến lược vì sự tồn tại bền vững” và “Chiến lược bảo tồn thế giới” cũng do 3 tổ chức Liên minh bảo tồn thế giới (IUCN), Qũy động vật hoang dã (WWF) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) ấn hành năm 1991. Đặc biệt là chương trình nghị sự 21 - chương trình hành động cho thiên niên kỷ mới được thông qua tại Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên Hợp Quốc tổ chức ở Rio de Janero năm 1992. Theo những nghiên cứu về phát triển bền vững thì hiện có hơn 70 định nghĩa về phát triển bền vững đang được lưu hành trong tàng thư thế giới.

 

Chủ đề về phát triển bền vững/tính bền vững của sự phát triển cũng khác nhau. ESCAP, 2017 trong công bố về Phát triển bền vững ở châu Á và Thái Bình Dương đã tập trung và việc hướng dẫn chuyển đổi lấy con người là trung tâm, trọng tâm là “những người bị bỏ lại phía sau”, tập trung vào việc cải thiện điều kiện sống, giảm bất bình đẳng và nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng bền vững, toàn diện hơn trên cơ sở phải giải quyết nhiều khía cạnh của nghèo đói: sự chênh lệch ngày càng tăng giữa giàu và nghèo, giữa phụ nữ và nam giới và giữa cư dân nông thôn và thành thị.

 

 

 

3. Một số vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam và khu vực trong mối liên quan chính với khoa học Trái đất

 

3.1. Một số kết quả triển khai mục tiêu PTBV ở Việt Nam

 

Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực có định hướng PTBV từ khá sớm. Kế hoạch Quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững được Chính phủ ra quyết định ban hành ngày 12/6/1991, là văn bản của Nhà nước lần đầu tiên chính thức đề cập tới chủ chương PTBV. Hai mục tiêu lớn của Kế hoạch là: thỏa mãn những nhu cầu cơ bản về cuộc sống vật chất, tinh thần và văn hóa của các thế hệ người Việt Nam hiện tại và tương lai; xây dựng và thực hiện chính sách, kế hoạch hành động và cơ chế tổ chức đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp theo là các văn bản do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành như Kế hoạch hành động quốc gia về môi trường xây dựng năm 1995, Chiến lược BVMT quốc gia năm 2000, Kế hoạch Hành động quốc gia năm 2001, v.v.

 

Tháng 8/2000, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Bộ KHCN và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Chương trình Nghị sự 21 về Phát triển bền vững của Việt Nam. Ngày 17/8/2004, Chính phủ đã ra Quyết định số 153/2004/TTg ban hành văn bản Định hướng về phát triển bền vững ở Việt nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam, 2004). Sau đó, Chính phủ đã ra văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng định hướng phát triển bền vững của mình trên cơ sở định hướng PTBV chung của cả nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2011; Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2004, 2012).

 

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 theo Quyết định số 622/QĐ-TTg với 17 mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030 với 115 mục tiêu cụ thể và phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn là giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2030. KHHĐQG 2030 giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV tại Việt Nam. Để tạo cơ sở pháp lý và thúc đẩy triển khai thực hiện KHHĐQG 2030, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành các văn bản sau: Nghị quyết số 136/ NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững; Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019; Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030,… Đồng thời, các ngành/lĩnh vực đã tích hợp toàn diện SDGs, lồng ghép tốt hơn các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ để bảo đảm tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau” và đồng thời hướng tới các mục tiêu/cam kết toàn cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển đất nước.

 

Trong các mục tiêu PTBV có một số lượng lớn mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể gắn với sử dụng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, liên quan với đối tượng nghiên cứu của Khoa học về Trái đất. Trong các Báo cáo của Việt Nam về mục tiêu PTBV năm 2021 và 2023 đã thể hiện một số nội dung về môi trường, liên quan với lĩnh vực KHTĐ, cụ thể là:

 

Mục tiêu 6: Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người, trong đó có mục tiêu 6.5: đến năm 2030, thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bao gồm cả nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác quốc tế; mục tiêu 8.9: đến năm 2030, phát triển du lịch bền vững, tạo việc làm, tạo sản phẩm và dịch vụ du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới; thúc đẩy quảng bá văn hóa và sản phẩm địa phương; mục tiêu 6.6: đến năm 2030, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước.

 

Mục tiêu 8.9: Đến năm 2030, phát triển du lịch bền vững, tạo việc làm, tạo sản phẩm và dịch vụ du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới; thúc đẩy quảng bá văn hóa và sản phẩm địa phương.

 

Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới. Mục tiêu này quan tâm tới xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, chất lượng, đáng tin cậy, có khả năng chống chịu và bền vững, bao gồm cả cơ sở hạ tầng liên vùng và biên giới để hỗ trợ phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân với mục tiêu tiếp cận công bằng và trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người.

 

Mục tiêu 11: Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng, gồm: mục tiêu 11.4: Tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn các di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; Mục tiêu 11.5: Đến năm 2030, giảm đáng kể số người chết và bị ảnh hưởng và giảm đáng kể thiệt hại kinh tế trực tiếp do thiên tai, thảm họa gây ra so với GDP, chú trọng bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương.

 

Mục tiêu 12: Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững liên quan với quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản, trong đó có Mục tiêu 12.2: Đến năm 2030, đạt được quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản.

 

Mục tiêu 13: Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai, trong đó có Mục tiêu 13.1: Tăng cường khả năng chống chịu và thích nghi với rủi ro liên quan tới BĐKH, ứng phó với thiên tai và các thảm họa tự nhiên khác; Mục tiêu 13.2: Lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển.

 

Mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu 14.1: Đến năm 2030, ngăn ngừa, giảm đáng kể và kiểm soát được các loại ô nhiễm biển, đặc biệt là từ các hoạt động trên đất liền, chú ý tới các chất thải rắn, nước thải và ô nhiễm chất hữu cơ; Mục tiêu 14.2: Đến năm 2030, tăng cường quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo để tránh các tác động tiêu cực, tăng cường sức khỏe và khả năng chống chịu cho đại dương; Mục tiêu 14.5: Đến năm 2030, diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên, dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế,…

 

Mục tiêu 15: Bảo vệ và phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất, trong đó có Mục tiêu 15.1: Đến năm 2030, đảm bảo sự bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng, các dịch vụ hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng và đất khô hạn theo các quy định quốc tế; Mục tiêu 15.2: Đến năm 2020, giảm cơ bản việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác; đến năm 2030, tăng cường thực hiện quản lý bền vững các loại rừng, ngăn chặn chặt phá rừng, phục hồi rừng đã suy thoái, đẩy mạnh trồng và tái sinh rừng, đưa độ che phủ rừng lên khoảng 44-45% trên toàn quốc; Mục tiêu 15.3: Đến năm 2030, tăng cường phòng, chống sa mạc hóa, khôi phục đất thoái hóa, bao gồm đất bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sa mạc hóa, hạn hán, lũ lụt và do các nguyên nhân khác,…

 

Tổng hợp kết quả đánh giá cho thấy những thành tựu đạt được các mục tiêu PTBV là khá lớn: i) Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việc triển khai các chiến lược, chính sách trên ngành/lĩnh vực tiếp tục chú ý và lồng ghép tốt hơn các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ để bảo đảm tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau”; ii) Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng gắn kết chặt chẽ và tác động đến phát triển kinh tế-xã hội và phát triển bền vững trên nhiều mặt, góp phần phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp thâm dụng tri thức và công nghệ, là nhân tố chính trong tăng trưởng năng suất. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được tăng cường, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước; iii) Các chính sách giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống sau bão, lũ; công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm chỉ đạo... góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội; iv) Việc triển khai các mục tiêu/cam kết toàn cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được đẩy mạnh.

 

Trong đó, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 đã được cụ thể hóa trong các văn bản, chính sách được ban hành trong giai đoạn 2021-2022; v) Việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong năm 2022 tiếp tục đạt được một số kết quả nhất định, thể hiện ở một số chỉ tiêu nổi bật sau: Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều tiếp tục giảm, đạt 4,3%; Tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm cả năm lần lượt là 2,32% và 2,21% (năm 2021 là 3,22% và 3,1%); Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; sử dụng hố xí hợp vệ sinh tiếp tục tăng lên đạt lần lượt 98,1% và 95,6%; 91% khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường; Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; Tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tiếp tục tăng, đạt 73,06%; Tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì mục tiêu đề ra, đạt 42,02%; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%.

 

Giai đoạn tới đây, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn từ nội tại trước đó và ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, tạo sức ép phải tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế nhanh và sâu rộng hơn. Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, nhưng tình hình quốc tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, tiếp tục ảnh hưởng tới tiến trình thực hiện SDGs tại Việt Nam trong những năm tới.

 

Một số khó khăn, thách thức đáng chú ý là: i) Thực trạng tăng trưởng kinh tế vẫn phải đối mặt với các thách thức như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu, phát triển khoa học và công nghệ còn hạn chế chưa tạo thành động lực tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, kết nối giữa các khu vực, thành phần kinh tế chưa thực sự hiệu quả; ii) Các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu lên môi trường, làm cho môi trường đất, nước, không khí nhiều nơi bị ô nhiễm, có nơi đã đến mức nghiêm trọng.

 

Các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc loại hình ô nhiễm cao chiếm tỷ lệ lớn hơn so với cơ sở thuộc loại hình ít ô nhiễm, thân thiện với môi trường. Nguy cơ dịch chuyển, hình thành mới các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ đô thị về các khu vực nông thôn. Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ phát từ các dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời, dự án thủy điện. Ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương.

 

Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, theo chiều hướng gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân, dẫn đến nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo cao và ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Ý thức trong quản lý, bảo vệ môi trường và môi trường biển tại nhiều nơi chưa cao; hình thức sử dụng các vật liệu gây hại cho môi trường còn phổ biến, đặc biêt là rác thải nhựa, dẫn đến áp lực với môi trường và môi trường biển. Công nghệ hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, xử lý chất thải; iii) Dữ liệu để phục vụ cho công tác theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu SDGs vẫn còn hạn chế, trong đó số liệu về các chỉ tiêu liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, sản xuất và tiêu dùng bền vững, tài nguyên thiên nhiên chưa được cải thiện nhiều.

 

Để khắc phục một số khó khăn, Việt Nam coi thúc đẩy tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ then chốt của quốc gia để kiến tạo một không gian phát triển bền vững. Định hướng thu hút đầu tư hiện nay của Việt Nam là ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành "Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050", chú trọng việc thu hút các nguồn lực, khoa học công nghệ, kinh nghiệm xây dựng thể chế, quản lý để phát triển năng lượng sạch, kết cấu hạ tầng hiện đại, quản lý nguồn nước bền vững ...

 

Việt Nam đặc biệt quan tâm tới hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV. Khung Chiến lược hợp tác phát triển bền vững (CF) giai đoạn 2022-2026 giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan thường trú, không thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã được ký kết tháng 8 năm2022. Theo CF, giai đoạn 2022-2026, Việt Nam và Liên Hợp Quốc tập trung vào 4 lĩnh vực phát triển chính: Phát triển xã hội bao trùm; ứng phó với biến đổi khí hậu, chống chịu thiên tai và bền vững môi trường; chia sẻ thịnh vượng; quản trị và tiếp cận công lý.

 

3.2. Bối cảnh Đông Nam Á và khu vực

 

Các nước châu Á - Thái Bình Dương đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế và xã hội trong những thập kỷ gần đây và nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Từ năm 1990 đến năm 2013, GDP bình quân đầu người trong khu vực đã tăng hơn gấp đôi, từ 4.700 USD lên 10.400 USD (theo PPP năm 2011). Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã tạo ra cơ hội việc làm và giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Nó cũng tạo ra doanh thu của chính phủ và có thể được sử dụng cho đầu tư công vào y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, năng lượng hiện đại, bao gồm điện, cũng như các dịch vụ cơ bản cơ bản khác cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung.

 

Kết quả là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã đi đầu trong công cuộc giảm nghèo toàn cầu. Bất bình đẳng giữa các quốc gia ở Châu Á và Thái Bình Dương đã giảm trong những thập kỷ qua, các nước nghèo bắt kịp các nước giàu hơn. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã thể hiện sự năng động kinh tế ấn tượng và đạt được mức giảm đáng kể tình trạng nghèo cùng cực. Tuy nhiên, khu vực vẫn cần thu hẹp nhiều khoảng cách để mang lại cuộc sống có phẩm giá cho tất cả mọi người và đạt được 17 Mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Khu vực này vẫn có 400 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực cũng như sự bất bình đẳng rộng rãi về thu nhập, của cải và khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm bền vững.

 

Đông Nam Á đã và đang là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, đi kèm với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này là nhu cầu phải phát triển sao cho bền vững có xét đến các nhu cầu về môi trường. Đây cũng là khu vực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á. Đông Nam Á chiếm khoảng 20% đa dạng sinh học và 10% dân số thế giới. Với đà tăng tưởng vẫn đạt mức 4,8% trong năm 2021 bất chấp đại dịch COVID-19, Đông Nam Á tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của mình với tư cách là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng này cũng đi kèm với một tình hình đáng báo động. Mức tiêu thụ năng lượng của Đông Nam Á đã tăng vọt thêm hơn 80% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào trước năm 2040. Các kết quả dự báo cho thấy mức phát thải khí carbon dioxide (CO2) sẽ tăng khoảng 60% tính đến thời điểm đó. Tuy nhiên, Đông Nam Á lại là khu vực có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Sản xuất năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á có thể tạo ra doanh thu bền vững đến 100 tỷ USD vào năm 2030. Khu vực Đông Nam Á có thể mất tới 30% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2050 do nhiệt độ toàn cầu tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nhưng việc tăng cường năng lực sản xuất năng lượng tái tạo của khu vực sẽ giúp các nước Đông Nam Á tạo ra việc làm mới, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và giảm đáng kể lượng khí thải.

 

Hiện có một loạt vấn đề mà các quốc gia ở Đông Nam Á phải đối mặt khi nói đến tính bền vững, nhưng có 3 rào cản chính. Thứ nhất, các quốc gia vẫn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như gỗ và than đá, để tăng trưởng kinh tế. Sự phụ thuộc này có nghĩa là các quốc gia này cần phải nhanh hơn để thực hiện các hoạt động bền vững vì họ sợ tác động đến nền kinh tế của họ. Thứ hai, cần có thêm dữ liệu và sự minh bạch để đánh giá tình trạng bền vững ở Đông Nam Á. Thứ ba, quá trình đô thị hóa gia tăng đang gây áp lực lên các nguồn tài nguyên như nước và năng lượng. Điều này đặc biệt được thể hiện rõ ràng ở Singapore, nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới. Do đó, quốc gia này đang thực hiện các sáng kiến như tái sử dụng nước và năng lượng Mặt trời để giảm thiểu những áp lực này.

 

Dù gặp nhiều thách thức, có một số cách mà Đông Nam Á có thể nắm bắt các cơ hội bền vững. Các quốc gia Đông Nam Á vẫn có thể dựa vào tài nguyên thiên nhiên cho một tương lai bền vững. Indonesia và Philippines là những quốc gia sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn thứ hai và thứ ba thế giới, một nguồn năng lượng tái tạo sẽ có nhu cầu lớn trong nhiều thập kỷ. Khu vực Đông Nam Á có thêm nhiều triển vọng để trở trở thành các nước đứng đầu trong sản xuất năng lượng tái tạo, góp phần triển khai năng lượng tái tạo toàn cầu, đồng thời đạt được tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 

Đứng trước những thách thức về môi trường, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của khu vực, Cộng đồng ASEAN đã có nhiều nỗ lực chung để bảo vệ môi trường. Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần đầu tiên đã thông qua Chương trình Môi trường I (ASEP I) và ra bản Tuyên bố đầu tiên của ASEAN về Môi trường. trong đó nêu ra các mục tiêu và định hướng hợp tác của khu vực. Hai chương trình ASEP nữa đã được phát triển và thực hiện, ASEP II từ 1982-1987, ASEP III từ 1988-1992. Năm 1989, hợp tác ASEAN trong lĩnh vực môi trường phát triển mạnh bằng cơ chế hợp tác: Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN về môi trường (ASOEN) và Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (AMME). Từ năm 1977, ASEAN đã bắt tay vào việc soạn thảo Chương trình môi trường tiểu khu vực ASEAN I với sự trợ giúp của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP).

 

Hợp tác môi trường và ứng phó Biến đổi khí hậu lần đầu tiên được đề cập ở cấp cao trong các Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 và Cấp cao EAS lần thứ 3 (Singapore, 11/2007). Tại các kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN hàng năm, các nhà Lãnh đạo ASEAN đều thông qua Tuyên bố chung về Ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện lập trường của ASEAN và đóng góp cho các nỗ lực chung toàn cầu về ứng phó Biến đổi khí hậu, thông qua Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP/CMP). Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia (2015), các nước đã ra tuyên bố chúng về Chương trình nghị sự ASEAN về bền vững môi trường và biến đổi khí hậu sau năm 2015 khẳng định quyết tâm của ASEAN trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

(Còn tiếp)

 

PGS.TS. Đặng Văn Bào
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết