Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), miền Bắc giữ vai trò là hậu phương lớn của cả nước, cung cấp sức mạnh toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế và cả tinh thần cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, vai trò của miền Bắc càng thể hiện rõ nét, góp phần quyết định giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khôi phục kinh tế và hàn gắn vết thương chiến tranh
Sau Hiệp định Genève năm 1954, miền Bắc bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây không chỉ là nhiệm vụ phát triển đất nước mà còn là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam.
Trong nông nghiệp, hệ thống thủy lợi được mở rộng, diện tích canh tác gia tăng, sản lượng lương thực dần cải thiện, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho cả hậu phương và tiền tuyến. Việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp đưa nền sản xuất từ kinh tế cá thể sang kinh tế tập thể, phù hợp với mô hình xã hội chủ nghĩa.
Trong công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp được khôi phục và xây dựng mới nhằm sản xuất hàng hóa thiết yếu và vật tư phục vụ chiến trường. Cùng với đó, hệ thống giao thông, cầu đường, kho tàng được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, chi viện cho miền Nam.
Song song với phát triển kinh tế, miền Bắc cũng chú trọng đến giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ kháng chiến và kiến thiết đất nước. Nhờ những nỗ lực này, đến đầu năm 1975, miền Bắc đã hoàn thiện hệ thống công - nông nghiệp, đảm bảo chi viện tối đa cho các chiến dịch lớn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Lương thực, vũ khí, phương tiện chiến đấu được huy động với quy mô chưa từng có, tạo điều kiện cho quân giải phóng miền Nam tổng tiến công nhanh, mạnh và dứt điểm trong mùa Xuân 1975.
Phát động các phong trào thi đua yêu nước tạo nên sức mạnh to lớn
Để tăng cường phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, ngay từ những năm đầu sau Hiệp định Genève, hàng loạt phong trào thi đua ra đời và phát triển rộng khắp, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nổi bật là:
Phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp khuyến khích sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất lao động và đảm bảo sản xuất vũ khí, phương tiện phục vụ chiến trường.
Phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp thúc đẩy thâm canh, tăng vụ, nâng cao sản lượng lương thực, giúp đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho cả miền Bắc và miền Nam.
Phong trào “Cờ Ba Nhất” trong quân đội giúp nâng cao chất lượng huấn luyện, kỷ luật và khả năng chiến đấu của bộ đội.
Phong trào “Ba sẵn sàng” kêu gọi thanh niên sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần. Phong trào này đã huy động hàng triệu thanh niên tình nguyện lên đường ra trận, trở thành lực lượng nòng cốt trong các chiến dịch lớn. Đặc biệt, từ cuối năm 1974, lực lượng này đã được huy động tối đa để tham gia vào cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, tạo nên sức mạnh đột phá trên toàn chiến trường.
Phong trào “Ba đảm đang” kêu gọi phụ nữ miền Bắc đảm nhiệm ba nhiệm vụ quan trọng: sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những người mẹ, người chị, người em ở hậu phương đã kiên cường bám ruộng, bám xưởng, thay chồng, thay con lo toan mọi việc, đảm bảo dòng chảy liên tục của sức người, sức của ra chiến trường.
Không chỉ vậy, tinh thần xung kích của tuổi trẻ còn được thể hiện rõ trong phong trào “Thanh niên ba xung kích”, kêu gọi thanh niên đi đầu trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hàng vạn thanh niên xung phong đã trực tiếp tham gia mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường, góp phần đảm bảo hậu cần cho các chiến dịch lớn.
Những phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc đã huy động toàn dân vào cuộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp về cả vật chất và tinh thần. Nhờ đó, hậu phương miền Bắc không chỉ vững vàng trước hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ mà còn chi viện liên tục, toàn diện cho miền Nam.
Thực hiện chiến lược chi viện toàn diện cho miền Nam
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), miền Bắc đã thực hiện một chiến lược chi viện toàn diện cho miền Nam, thể hiện qua việc huy động tối đa nhân lực và vật lực nhằm đảm bảo thắng lợi cuối cùng.
Về nhân lực, hàng triệu thanh niên nhập ngũ để bổ sung lực lượng cho chiến trường. Những đợt tuyển quân không chỉ diễn ra theo kế hoạch thường niên mà còn được đẩy mạnh trong các thời điểm then chốt của cuộc chiến. Đặc biệt, khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết định, miền Bắc đã dốc toàn lực, điều động lực lượng lớn nhất có thể để đảm bảo sức mạnh chiến đấu cho miền Nam.
Từ các đô thị, vùng nông thôn đến miền núi, đều hưởng ứng lời kêu gọi lên đường nhập ngũ với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng triệu người đã tạm gác lại cuộc sống riêng, gác lại ruộng đồng, bút nghiên để khoác lên mình màu áo lính, trực tiếp cầm súng chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Không chỉ nam giới, mà hàng vạn nữ thanh niên cũng hăng hái gia nhập các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, đảm nhiệm vai trò vận tải, mở đường, cứu thương, thông tin liên lạc.
Về vật lực, hậu phương miền Bắc đã dốc toàn lực chi viện cho chiến trường miền Nam với khối lượng vật tư khổng lồ, bao gồm: lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men và các trang thiết bị quân sự... Hệ thống sản xuất từ các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng đến các hợp tác xã nông nghiệp đều được huy động tối đa để đáp ứng nhu cầu chiến đấu.
Đặc biệt, từ đầu năm 1975, miền Bắc đã dốc toàn lực điều động hàng vạn tấn lương thực, vũ khí, quân trang để chuẩn bị cho các chiến dịch then chốt. Hệ thống vận tải chiến lược được mở rộng, bảo đảm việc tiếp tế liên tục cho quân giải phóng miền Nam. Những đoàn tàu hỏa, đoàn xe tải ngày đêm vận chuyển nhu yếu phẩm ra mặt trận; những con tàu “không số” bất chấp sự phong tỏa gắt gao của địch, đã bí mật đưa hàng nghìn tấn vũ khí, quân trang vào Nam.
Để đảm bảo dòng chảy chi viện liên tục từ hậu phương đến tiền tuyến, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của hai tuyến vận tải chiến lược là đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển. Hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh được mở rộng và nâng cấp liên tục, tạo thành một mạng lưới giao thông huyết mạch xuyên dãy Trường Sơn. Bất chấp bom đạn và sự phong tỏa khốc liệt của quân địch, hàng triệu tấn vũ khí, lương thực và hàng trăm nghìn bộ đội, thanh niên xung phong đã hành quân qua tuyến đường này. Cùng với đó, nhằm tránh sự kiểm soát gắt gao của Mỹ trên tuyến đường bộ, ta đã thiết lập tuyến vận tải biển chiến lược, sử dụng những con tàu “không số” để vận chuyển vũ khí và hàng hóa vào miền Nam. Tuyến đường biển này không chỉ giúp chi viện cho các chiến trường trọng điểm như Nam Bộ, Khu 5 mà còn thể hiện tinh thần mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến.
Sự chi viện toàn diện từ hậu phương miền Bắc đã giúp đảm bảo nguồn lực, tạo ra sức mạnh áp đảo cho quân ta trong các chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh, dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Sài Gòn. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, sự chi viện này không chỉ đáp ứng nhu cầu về lương thực, vũ khí, nhân lực cho tiền tuyến mà còn tiếp thêm ý chí, củng cố tinh thần chiến đấu của quân và dân miền Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Kiên cường, mưu trí đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ
Nhận thức rõ vai trò chiến lược của miền Bắc, đế quốc đã Mỹ tiến hành hai cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc với mục tiêu ngăn chặn chi viện cho miền Nam. Tuy nhiên, quân và dân ta đã kiên cường chống trả, bảo vệ vững chắc hậu phương, duy trì và phát triển tiềm lực chiến đấu.
Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 - 1968): Từ năm 1965, Mỹ mở chiến dịch không kích "Sấm Rền" nhằm làm suy yếu hậu phương miền Bắc. Hệ thống giao thông, nhà máy, kho tàng bị đánh phá ác liệt, song Nhân dân miền Bắc vẫn kiên trì bám trụ. Phong trào "Vừa sản xuất, vừa chiến đấu" phát triển mạnh, hệ thống giao thông luôn được khẩn trương sửa chữa theo tinh thần "Địch phá, ta sửa, ta đi". Lực lượng phòng không - không quân cùng dân quân tự vệ đã bắn rơi hàng trăm máy bay Mỹ, làm thất bại âm mưu cắt đứt chi viện. Đến năm 1968, do bị tổn thất nặng nề, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Thắng lợi này tạo tiền đề cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, làm thay đổi cục diện chiến tranh.
Chiến tranh phá hoại lần thứ hai (tháng 4-12/1972): Để hỗ trợ chính quyền Sài Gòn trong bối cảnh quân ta giành thế chủ động trên chiến trường miền Nam, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai với trọng điểm là chiến dịch ném bom hủy diệt “Linebacker II” (18-30/12/1972). Mục tiêu chính là đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực trọng yếu nhằm gây sức ép với ta trên bàn đàm phán Hiệp định Paris. Tuy nhiên, với chiến lược phòng không vững chắc, quân và dân miền Bắc đã đánh trả quyết liệt. Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng phòng không của ta bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52, gây tổn thất chưa từng có cho Mỹ. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã đã tạo áp lực lớn, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (1973), chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi Việt Nam.
Dù bị đánh phá khốc liệt, miền Bắc vẫn duy trì dòng chi viện liên tục về nhân lực, vũ khí, lương thực cho miền Nam. Nền công nghiệp quốc phòng phát triển, các tuyến vận tải được bảo vệ, đảm bảo sức mạnh cho cuộc kháng chiến. Như vậy, hai cuộc chiến tranh phá hoại không thể khuất phục được miền Bắc, mà ngược lại càng củng cố quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần làm nên thắng lợi mùa Xuân năm 1975.
Với quyết tâm sắt đá, tinh thần đoàn kết và những đóng góp to lớn về nhân lực, vật lực, miền Bắc không chỉ đứng vững trước hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mà còn chi viện mạnh mẽ cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Thắng lợi này không chỉ là kết quả của lòng quả cảm và ý chí kiên cường mà còn là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước./.
Theo TTXVN