Các nguồn lực để phát triển đất nước ta đều rất hạn chế, lại chưa được phân bổ, sử dụng có hiệu quả, lãng phí, thất thoát còn lớn; trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hoá trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra cho đất nước những cơ hội và cả những thách thức mới, to lớn. Để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao như mục tiêu mà Đảng, nhà nước ta đề ra, thì việc huy động, phân bổ, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực là một yêu cầu lớn, một nhiệm vụ cấp bách của đất nước hiện nay. Để làm điều này, việc quan trọng đầu tiên là Nhà nước phải đánh giá đúng những tiềm năng, lợi thế, những nguồn lực có thể huy động, sử dụng vào phát triển đất nước; xác định và đánh giá số lượng, chất lượng, tính chất, đặc điểm, khả năng huy động và ý nghĩa của từng nguồn lực; phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về số lượng, chất lượng, giá trị các nguồn lực của đất nước; phải xây dựng , hoàn thiện các chính sách quản lý, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực này.
Một trong những nguyên nhân lớn làm cho việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực những năm vừa qua chưa hiệu quả là cơ chế “xin - cho”, chưa theo cơ chế thị trường. Khắc phục tình trạng này, trong những năm tới việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cần phải thực hiện đầy đủ theo cơ chế thị trường có quản lý của nhà nước. Thị trường phải đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ các nguồn lực. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực phải qua đấu thầu cạnh tranh công khai, minh bạch, đồng thời, phải tuân thủ pháp luật, phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của nhà nước về sử dụng các nguồn lực này, cũng như với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, để các nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả nhất. Do đó, đòi hỏi nhà nước phải bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách, nâng cao chất lượng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng các nguồn lực của đất nước, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý sử dụng nguồn lực. Cùng với huy động và sử dụng có hiệu quả của nguồn lực trong nước, cần phải thu hút mạnh mẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài; kết hợp chặt chẽ nội lực và ngoại lực, trong đó phát huy vai trò của nội lực có ý nghĩa quyết định. Việc huy động, phân bổ, sử dụng mỗi loại nguồn lực, ngoài những yêu cầu, nguyên tắc chung, còn có những yêu cầu và nội dung cụ thể.
Với các tài nguyên thiên nhiên: đất, nước, tài nguyên khoáng sản, rừng, biển, nắng, gió... thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước là người đại diện sở hữu và quản lý, việc huy động, phân bổ được thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng nhà nước có vai trò rất quan trọng. Nhà nước cần phải khảo sát, điều tra, đánh giá đầy đủ số lượng, chất lượng, giá trị kinh tế của từng loại tài nguyên; xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về tài nguyên của đất nước, cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin về những thay đổi, biến động trong quá trình khai thác, sử dụng những tài nguyên này. Trên cơ sở đó, nhà nước cần rà soát, điều chỉnh, bổ xung các quy hoạch, kế hoạch huy động, sử dụng từng loại tài nguyên cho phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực, các địa bàn; điều chỉnh, bổ xung hệ thống các tiêu chuẩn, định mức, quy trình khai thác, sử dụng nguồn lực làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, nhà nước cần tạo khung khổ pháp luật, môi trường công khai, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực này, bảo đảm các nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức thẩm định, đánh giá chất lượng, giá trị kinh tế, giá cả các tài nguyên, tư vấn khoa học công nghệ, tư vấn pháp luật cho các hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua bán, chuyển nhượng các tài nguyên; tạo điều kiện cho thị trường các tài nguyên vận hành, phát triển... Tài nguyên thiên nhiên vừa là những yếu tố đầu vào của sản xuất, vừa là những yếu tố gắn liền với môi trường sống của con người, không thể thiếu, không thể thay thế, không thể tái tạo, không thể tăng thêm về quy mô, ngày càng trở thành khan hiếm, khi dân số và nhu cầu của con người ngày càng tăng lên; vì vậy, chúng phải được xác định là những hàng hóa đặc biệt, đặc thù cần có những quy định nghiêm ngặt để quản lý, bảo vệ của nhà nước.
Đối với đất đai, nước ta đất chật, người đông, bình quân đất đai trên đầu người thuộc diện thấp trên thế giới, trong khi nhu cầu đất cho công nghiệp, đô thị, kết cấu hạ tầng tăng nhanh, nhất thiết phải tuân thủ nghiêm các quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, một vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước. Cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho tích tụ tập trung đất đai dưới nhiều hình thức (đồn điền, đồn thửa; góp đất vào hợp tác xã, tổ hợp tác; các hộ cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhau hay cho doanh nghiệp…), giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và hộ gia đình được giao quyền sử dụng đất, để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao. Cần đánh thuế cao và có chế tài thu hồi đất đã giao nhưng để hoang hóa, không đưa vào sử dụng thời gian dài để đầu cơ, gây lãng phí đối với xã hội. Cần có quy định chặt chẽ và đền bù thỏa đáng khi phải thu hồi đất đã giao cho người dân sử dụng, tránh để bị lạm dụng, đẩy người dân vào khó khăn, thiệt hại, gây bức xúc xã hội. Cần khắc phục ngay những thất thoát tài sản nhà nước trong các dự án BT, BOT đổi đất lấy hạ tầng khi xây dựng các công trình giao thông, các công trình phúc lợi công cộng. Rà soát, kiểm kê, đánh giá, quản lý chặt chẽ đất rừng, đất giao cho các công ty nộng, lâm nghiệp quản lý để đất được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý đất đai ở các đô thị, đất nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng; ngăn chặn, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các sai phạm.
Đối với tài nguyên nước, nguồn tài nguyên có nguy cơ ngày càng ô nhiễm cạn kiệt, ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Cần phải có nhiều giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài để bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm (tập trung xử lý những nơi bị ô nhiễm, ngăn chặn để không có những ô nhiễm mới, nhất là cần phải có quy định chặt chẽ về thu gom, xử lý nước thải ở các nhà máy, các khu công nghiệp, khu kinh tế, các làng nghề, các khu đô thị) . Tăng cường các biện pháp trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, làm hồ, đập để giữ nước, nhất là cho vùng thường xuyên bị hạn, nước mặn xâm nhập. Chủ động hợp tác với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế để bảo vệ nguồn nước xuyên biên giới, bảo vệ lợi ích quốc gia. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ sử dụng các công nghệ tưới tiêu, sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu qủa... Đối với tài nguyên khoáng sản, phải ngăn chặn, chấm dứt việc khai thác trái phép, cơ chế xin – cho”; hạn chế tối đa việc khai thác khoáng sản để xuất khẩu thô; không cấp phép cho các dự án khai thác khoáng sản gây ra ô nhiễm môi trường. Thực hiện chặt chẽ yêu cầu phải phục hồi môi trường sau khai thác... Khuyến khích, hỗ trợ phát triển điện mặt trời, điện gió, điện thủy triều để khai thác, phát huy các nguồn tài nguyên này.
Đối với nguồn lực vốn, tài sản của nhà nước và xã hội, để huy động và sử dụng có hiệu quẩ, trước hết, phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho phát triển tất cả các thành phần kinh tế, qua đó thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn, tài sản xã hội vào phát triển đất nước. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, từ kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tới các doanh nghiệp lớn, để kinh tế tư nhân thật sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bảo đảm giành được vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển. Cơ cấu lại, lành mạnh hóa tài chính, tăng quy mô vốn, nâng cấp công nghệ, nhất là ứng dụng, phát triển công nghệ số, phát triển các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, phát triển các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán để tăng khả năng huy động, cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư, nhất là đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, tập trung vốn, đầu tư dứt điểm, đúng tiến độ các công trình trọng điểm. Xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, chỉ định doanh nghiệp thực hiện dự án không qua đấu thầu. Khuyến khích đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP); đồng thời, khắc phục những sơ hở, tiêu cực trong các dự án BT, BOT gây thất thoát tài sản nhà nước và xã hội như trong những năm vừa qua. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chế độ trách nhiệm trong quản lý đầu tư; đẩy nhanh việc giải ngân vốn ODA, trái phiếu chính phủ, khắc phục tình trạng thiếu vốn đối ứng, chậm giải phóng mặt bằng, chậm chuẩn bị dự án làm ảnh hưởng tới triển khai đầu tư...
Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước. Cần sớm hoàn thành việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đầu tư dàn trải, không hiệu quả vào những lĩnh vực ngoài kinh doanh chính của doanh nghiệp và việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh. Hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quan hệ, cơ chế phối hợp giữa Ủy ban với các Bộ quản lý ngành để phát huy vai trò của cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước tự chủ, hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đổi mới quản trị doanh nghiệp theo mô hình doanh nghiệp hiện đại trên thế giới, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh.
Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu từ nước ngoài và hoạt động của các doanh nghiệm có vốn nước ngoài (doanh nghiệp FDI). Cùng với tiếp tục cải thiện, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, cần chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn nhà nước ưu tiên, khuyến khích phát triển, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và có chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước, có tỷ lệ nội địa hóa cao. Đồng thời, tăng cường quản lý, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tiêu cực trong hoạt động của doanh nghiệp FDI, như tình trạng “gửi giá”, “lỗ giả, lãi thật” để trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường,...
Khoa học công nghệ, nhân tố con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là những nguồn lực quan trọng hàng đầu cho sự phát triển đất nước ngày nay và trong tương lai, trong thời đại toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng xác định phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực, đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trong những năm tới, một mặt cần phải phát triển, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước, mặt khác, việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực khoa học công nghệ phải thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đất nước cần có chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia, các chương trình phát triển khoa học công nghệ trọng điểm, phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có công nghệ cao. Nhà nước tăng cường đầu tư, đồng thời có chính sách (giảm thuế, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ… ) để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ; hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ với các nguồn vốn xã hội; quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, có chính sách ưu tiên thu hút, đãi ngộ xứng đáng các tài năng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ, thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đánh giá hoat động khoa học công nghệ theo các sản phẩm đầu ra, sản phẩm cuối cùng. Nhà nước hoàn thiện luật pháp, chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động, phát triển thị trường khoa học công nghệ; hình thành các tổ chức tư vấn, đánh giá, thẩm định các sản phẩm khoa học công nghệ, các hợp đồng mua, bán, chuyển giao sản phẩm, các giải pháp khoa học công nghệ…
Để phát triển và phát huy được vai trò của nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, một mặt, đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện ở tất cả lớp học, ngành học, nhất là ở bậc đại học, ở các trường đào tạo nghề; gắn học với hành, đào tạo với nhu cầu lao động xã hội, nhà trường và doanh nghiệp; mặt khác, việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực phải thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước tăng đầu tư cho giáo dục, nhất là cho các vùng khó khăn; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề. Đa dạng các hình thức đào tạo, khuyến khích phát triển các trường, các trung tâm đào tạo nghề của các doanh nghiệp, nhất là các Tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn, tạo điều kiện cho mọi người học tập, nâng cao trình độ. Nhà nước hoàn thiện luật pháp, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở, trung tâm kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm, phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động lựa chọn việc làm và bảo vệ quyền lợi của người lao động…
Nước ta nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng độngcủa thế giới, có vị trí địa chiến lược quan trọng, nối Đông Bắc Á với Đông Nam Á, Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; dân số gần 100 triệu người, trong thời kỳ dân số vàng, với mức thu nhập bình quân đầu người đang được tăng lên, là một thị trường rộng lớn; có bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa độc đáo; các nguồn lực văn hoá của đất nước và con người Việt Nam, truyền thống yêu nước, ý chí, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam… là những nguồn lực to lớn cũng cần được khơi dậy, phát huy tạo thành sức mạnh phát triển đất nước.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương