Phòng học công nghệ 4.0 của Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội Cơ sở 1, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN
1. Khung trình độ văn bằng quốc gia (National Qualification Framework – NQF) đã trở thành xu hướng quốc tế với ba thế hệ xuất hiện trong đổi mới giáo dục và đào tạo của các nước trên thế giới từ nửa cuối thế kỷ XX. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng: Khung trình độ văn bằng quốc gia là một công cụ để xây dựng và phân loại các trình độ đào tạo căn cứ các tiêu chí xác định đối với từng mức độ kết quả học tập đạt được. Khung trình độ thể hiện các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng người học cần đạt được (kết quả đầu ra) của một trình độ đào tạo cụ thể và phản ánh sự liên thông, khớp nối giữa các trình độ đào tạo. Đến nay, có hơn 130 quốc gia trên thế giới đã triển khai Khung trình độ văn bằng quốc gia.
Bên cạnh các khung trình độ quốc gia cho các khu vực khác nhau trên thế giới, Khung tham chiếu các trình độ ASEAN (AQRF) được thành lập vào năm 2013 dưới sự bảo trợ của chương trình hợp tác kinh tế (ECWP) trong khu vực thương mại tự do ASEAN- Australia - Newzealand (AANZFTA) để thực hiện nhiệm vụ phát triển các trình độ của khu vực ASEAN. Khung tham chiếu các trình độ ASEAN là một khung tham chiếu chung đóng vai trò như là một công cụ để so sánh các trình độ giáo dục giữa các quốc gia thành viên ASEAN với mục tiêu:
(i) Hỗ trợ việc công nhận các trình độ;
(ii). Khuyến khích việc phát triển các khung trình độ phù hợp để có thể hỗ trợ việc học tập suốt đời;
(iii) Khuyến khích phát triển các cách tiếp cận ở cấp độ quốc gia để có thể đánh giá kết quả học tập bên ngoài hệ thống giáo dục chính quy;
(iv). Thúc đẩy và khuyến khích tính di động của giáo dục và của người học;
(v). Hỗ trợ quá trình chuyển dịch lao động;
(vi). Nâng cao hiểu biết về hệ thống các trình độ;
(vii). Thúc đẩy chất lượng của các hệ thống trình độ đào tạo.
Khung tham chiếu AQRF được thiết kế nhằm tạo ra những tác động tích cực và cân bằng lên khung trình độ quốc gia của các nước thành viên ASEAN. Các nước được mời tham gia khung tham chiếu AQRF trên cơ sở tình nguyện cam kết và thực hiện. Điều quan trọng là việc cam kết về AQRF không đòi hỏi phải thay đổi các hệ thống trình độ văn bằng quốc gia. Khung tham chiếu AQRF tôn trọng cấu trúc đặc thù và quá trình tham gia của các quốc gia thành viên nhằm đáp ứng các ưu tiên của họ. Khung tham chiếu AQRF sẽ nâng cao hiểu biết về trình độ đào tạo của mỗi cấp độ của Khung trình độ quốc gia hoặc hệ thống các trình độ của các nước ASEAN. Các quốc gia ASEAN có quan tâm có thể bắt đầu tham khảo khung tham chiếu AQRF tùy theo mức độ sẵn sàng của mình.
Khung trình độ Châu Âu (European Qualifications Framework - EQF) là khung tham chiếu chung của Châu Âu, đóng vai trò là một công cụ dịch để làm cho văn bằng quốc gia trở nên dễ hiểu hơn trên khắp châu Âu, thúc đẩy sự lưu thông của người lao động và người học giữa các quốc gia và tạo điều kiện cho việc học suốt đời. Khung trình độ Châu Âu nhằm mục đích liên kết các hệ thống chất lượng quốc gia của các quốc gia khác nhau với một khuôn khổ tham chiếu chung của Châu Âu gồm 08 mức tham chiếu với các cấp độ từ thấp đến cấp độ cao nhất:
Cấp độ 1: Các kết quả học tập liên quan đến cấp độ 1 là kiến thức cơ bản chung;
Cấp độ 2: Các kết quả học tập liên quan đến cấp độ 2 là kiến thức thực tế cơ bản về một lĩnh vực công việc hoặc học tập;
Cấp độ 3: Các kết quả học tập liên quan đến cấp độ 3 là kiến thức về sự kiện, nguyên tắc, quy trình và khái niệm chung, của một lĩnh vực công việc hoặc học tập;
Cấp độ 4: Các kết quả học tập liên quan đến cấp độ 4 là kiến thức thực tế và lý thuyết trong phạm vi rộng của một lĩnh vực việc làm hay ngành học;
Cấp độ 5: Các kết quả học tập liên quan đến cấp độ 5 là kiến thức toàn diện, chuyên ngành, thực tế và lý thuyết trong một lĩnh vực công việc hoặc học tập và nhận thức về ranh giới của nó;
Cấp độ 6: Các kết quả học tập liên quan đến cấp 6 là kiến thức nâng cao về một lĩnh vực công việc hoặc học tập, liên quan đến hiểu biết về lý thuyết và nguyên tắc;
Cấp độ 7: Các kết quả học tập liên quan đến cấp 7 là kiến thức chuyên môn cao, trong đó, đi đầu về kiến thức trong một lĩnh vực công việc hoặc học tập, làm cơ sở cho tư duy ban đầu và /hoặc nghiên cứu nhận thức quan trọng về các vấn đề trong một lĩnh vực và giao thoa giữa các lĩnh vực khác nhau;
Cấp độ 8: Kết quả học tập liên quan đến cấp 8 là kiến thức tiên tiến nhất của một lĩnh vực công việc hoặc học tập và giao thoa giữa các trường kiến thức.
Các cá nhân và nhà tuyển dụng sẽ có thể sử dụng khung tham chiếu EQF để hiểu rõ hơn và so sánh trình độ trình độ của các quốc gia khác và các hệ thống giáo dục và đào tạo khác. Khung trình độ Châu Âu là công cụ giúp so sánh hệ thống văn bằng ở Châu Âu, là một công cụ cho chương trình khuyến khích học tập suốt đời, bao gồm tất cả các cấp trình độ chuyên môn nói chung và giáo dục đại học (hàn lâm), giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Ngoài ra, khung trình độ còn thể hiện cho việc giáo dục và đào tạo liên tục theo các độ tuổi. Trong EQF, kết quả học tập được định nghĩa là những gì người học biết, hiểu và có thể làm khi hoàn thành một quá trình học tập; EQF nhấn mạnh kết quả học tập đầu ra bao gồm ba yếu tố: kiến thức (knowledge), kỹ năng (skill) và năng lực (competences) hơn là quan tâm đến đầu vào và quá trình học.
Việt Nam là quốc gia trong khu vực ASEAN, Khung trình độ quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/10/2016 (kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam) có ý nghĩa tương thích hoàn toàn với khung năng lực tham chiếu ASEAN và sẽ là bước ngoặt quan trọng hỗ trợ quá trình công nhận văn bằng và năng lực của các bậc giáo dục Việt Nam trong khu vực.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Vietnamese Qualifications Framework-VQF) được cấu trúc gồm 08 Bậc trình độ: Bậc 1 - Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II; Bậc 3 - Sơ cấp III; Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ và có mục tiêu:
(i). Phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực;
(ii). Thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo thông qua các hoạt động đào tạo, đo lường, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng;
(iii). Làm căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực;
(iv). Thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực;
(v). Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
2. Triển khai chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Triển khai có hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân mới theo các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”; và những quy định trong Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025 (kèm theo Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020) và Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 ( kèm theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 15/7/2021).
2.1. Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục đại học
Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục đại học có mục đích để xây dựng, phê duyệt chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong giáo dục đại học nhằm đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm, nâng cao chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước trong khu vực và trên thế giới; tạo ra cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Yêu cầu Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục đại học 2020-2025 gồm:
(i). Xác định các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học một cách đồng bộ và hiệu quả, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14);
(ii). Thống nhất nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp, các hiệp hội liên quan trong triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học;
(iii). Tạo hành lang pháp lý hướng dẫn thống nhất các cơ sở giáo dục đại học thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học bảo đảm tính chuẩn mực, cơ bản, hiện đại, thiết thực, kế thừa và liên thông; tính đa dạng trong sự thống nhất về chuẩn kiến thức của các chương trình giáo dục đại học, tạo thuận lợi cho hội nhập và công nhận văn bằng giữa các quốc gia.
2.2. Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp
Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp có mục đích dựa trên cơ sở cụ thể hóa các nội dung, hoạt động chuyên môn cần triển khai để phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp; kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực với hệ thống các trình độ đào tạo nghề nghiệp theo chuẩn đầu ra; kiểm soát chất lượng, đồng thời đa dạng hóa các chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế, thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực; tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 gồm:
(i) Xác định các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp một cách đồng bộ và hiệu quả, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục 2019 và các quy định pháp luật;
(ii) Thống nhất nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp liên quan trong triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp;
(iii). Tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp bảo đảm chất lượng và tính thống nhất hệ thống, liên thông giữa các trình độ tạo thuận lợi cho việc hội nhập và công nhận văn bằng, chứng chỉ giữa các quốc gia.
3. Triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp được hiệu quả trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, thuận lợi nhiều, nhưng cũng không tránh khỏi thách thức, khó khăn để tạo đột phá về chất lượng, vươn tầm hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Vì vậy, để triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025 và giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 được hiệu quả, đúng lộ trình và đồng bộ với Khung trình độ quốc gia Việt Nam thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan cần phải khẩn trương thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
3.1. Đối với các trình độ giáo dục đại học
Thứ nhất, Xây dựng và ban hành các quy định về chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của Luật số 34/2018/QH14. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan xây dựng và ban hành các quy định, văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các hội đồng tư vấn khối ngành thực hiện xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, tài liệu hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học rà soát, điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo bảo đảm theo quy định của Luật số 34/2018/QH14 và phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa hoặc ban hành mới các quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định; bảo đảm phù hợp với chuẩn chương trình đào tạo theo quy định của Luật số 34/2018/QH14.
Thứ hai, Xây dựng và ban hành chuẩn chương trình cho từng lĩnh vực và ngành đào tạo trong giáo dục đại học, cụ thể: (i). Các bộ thành lập hội đồng tư vấn khối ngành gồm các chuyên gia đầu ngành ở các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục đại học và đại diện của giới doanh nghiệp, công nghiệp và các cơ quan quản lý nguồn nhân lực để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong giáo dục đại học (gồm: khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; kinh doanh và quản lý; pháp luật; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; toán và thống kê; máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật; kỹ thuật; sản xuất và chế biến; kiến trúc và xây dựng; nông lâm nghiệp và thủy sản; thú y; nhân văn; khoa học xã hội và hành vi; báo chí và thông tin; dịch vụ vận tải; môi trường và bảo vệ môi trường; khối ngành sức khỏe; khối ngành nghệ thuật; du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; dịch vụ xã hội; khối ngày quốc phòng); (ii). Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập các hội đồng thẩm định để thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong giáo dục đại học.
Thứ ba, Rà soát, cập nhật, phát triển chương trình đào tạo giáo dục đại học để thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể: (i). Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo quản lý, giảng viên thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học; (ii) Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện rà soát, điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo; biên soạn chương trình chi tiết các môn học, học phần, biên soạn giáo trình, triển khai đào tạo trên cơ sở chương trình đào tạo đã được cập nhật, phát triển bảo đảm theo quy định của Luật số 34/2018/QH14 và phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động; (iii). Các cơ sở giáo dục đại học nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ phát triển chương trình và đảm bảo chất lượng đào tạo và thực hiện kiểm định theo quy định của Luật số 34/2018/QH14.
Thứ tư, Xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học với Khung tham chiếu trình độ ASEAN, cụ thể: (i). Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng báo cáo tham chiếu đối với các trình độ của giáo dục đại học của Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN; (ii). Hội đồng tư vấn xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Thứ năm, Đẩy mạnh cộng tác truyền thông thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học
Thứ sáu, Kiểm tra, giám sát thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học
3.2. Đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp
Thứ nhất, Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định, tài liệu hướng dẫn về chuẩn đầu ra và khối lượng học tập tối thiểu theo tín chỉ cho các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, tài liệu hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp bảo đảm phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về bảo đảm chất lượng các trình độ giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả bao gồm cả chất lượng đào tạo từ xa, học trực tuyến (Online Learning-OL) và học phối hợp (Blended learning- BL) và chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nghiên cứu xây dựng quan hệ giữa tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia với các trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và khu vực ASEAN. Nghiên cứu xây dựng và ban hành các quy định về cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ theo hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ Blockchain vào quản lý đào tạo giáo dục nghệ nghiệp. Gắn công tác giáo dục nghề nghiệp (TVET) với công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp trong giáo dục phổ thông để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ đào tạo và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo đã được khẳng định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thứ hai, Triển khai, cập nhật, phát triển chương trình đào tạo nghề nghiệp theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể: (i). Tiếp tục hướng dẫn, xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành, nghề của các trình độ giáo dục nghề nghiệp bảo đảm theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; (ii). Triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thực hiện xây dựng, triển khai chương trình đào tạo cho từng ngành, nghề theo chuẩn đầu ra hoàn thành theo kế hoạch hằng năm; (iii). Hướng dẫn điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo, biên soạn chi tiết các mô đun, môn học, học phân, giáo trình, kế hoạch đào tạo trên cơ sở chương trình đào tạo đã được cập nhật, phát triển bảo đảm theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và theo các hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; (iv). Hướng dẫn thực hiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dựa trên các minh chứng được xác định theo chuẩn đầu ra cam kết cùng các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ ba, Thực hiện các nội dung, hoạt động trong tiến trình tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam (đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp) với Khung tham chiếu trình độ ASEAN và các khung trình độ quốc gia khác, cụ thể: (i). Xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp với Khung tham chiếu trình độ ASEAN; (ii). Phối hợp tham gia các hoạt động khu vực trong tiến trình Khung tham chiếu trình độ ASEAN theo kế hoạch hằng năm; (iii). Thực hiện việc công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN.
Thứ tư, Đẩy mạnh truyền thông, sự tham gia của doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong việc triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp, cụ thể: (i). Xây dựng kế hoạch và thực hiện truyền thông về triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, hoàn thành theo kế hoạch hằng năm; (ii). Tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam, hoàn thành theo kế hoạch hằng năm; (iii). Mở rộng, tăng cường hợp tác có hiệu quả với các tổ chức quốc tế, nước ngoài đặc biệt trong khu vực ASEAN trong việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam và tham chiếu, công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng, hoàn thành theo kế hoạch hằng năm.
Thứ năm, Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của Giáo dục nghề nghiệp.
4. Một số khuyến nghị ban đầu để đẩy mạnh triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam
Việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp hiện nay là vấn đề cấp bách để hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho người học thực hiện con đường học tập suốt đời, liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học được mở rộng và xuyên suốt. Việc đổi mới chương trình đào tạo ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải tuân theo xu hướng quốc tế, dựa trên những chuẩn mực tối thiểu về khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kĩ năng, năng lực,..tiệm cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới, phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề, nhằm quản lý chất lượng nguồn nhân lực cũng như giúp lao động Việt Nam hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Một vấn đề rất quan trọng, có vai trò then chốt để triển khai thành công Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp một cách đồng bộ, đúng theo hướng dẫn, quy định của Khung trình độ ASEAN, Khung trình độ Châu âu rất cần có sự tham gia chặt chẽ của các doanh nghiệp theo mô hình liên kết Ba nhà (Triple Helix model: Nhà trường - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước, địa phương).
Thực hiện có hiệu quả việc rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo trên cả nước đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập gắn với quy hoạch nguồn nhân lực và phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay công tác quy hoạch này đang gặp rất nhiều khó khăn, cản trở từ nhiều phía, thiếu các mô hình trường, lớp đa dạng phù hợp với giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng đồng thời phải phát huy sức mạnh kinh tế-xã hội tổng hợp của từng địa phương, từng vùng miền.
TS. Lê Thị Mai Hoa; TS. Ngô Đình Sáng, Ban Tuyên giáo Trung ương
TS. Mai Hữu Tỉnh, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam