Việt Nam đạt nhiều thành tựu về xóa đói, giảm nghèo
Ngay từ khi mới thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một trong 6 nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ mới là “diệt giặc đói.” Từ đó đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước. Với sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện. Đặc biệt, ngày 2/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Sau đó, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được thành lập cả ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.
Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước từng giai đoạn. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.
Ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng. Đặc biệt, nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng.
Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo, như: hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; bảo đảm mọi người trong hộ nghèo đều có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế; nâng cao tỷ lệ trẻ em nghèo được đến trường thông qua miễn giảm học phí… và các hỗ trợ về nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng...
Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Trong giai đoạn 2016-2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng được đầu tư, như: điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, dân sinh.
Trong gần 2 thập kỷ qua, tỷ lệ hộ nghèo tại Việt Nam giảm nhanh. Nếu năm 1993 tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 chỉ còn 2,75%. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016-2020. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.
Đặc biệt, từ năm 2017, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo". Qua 4 năm triển khai (2017-2020), các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp và an sinh xã hội với số tiền trên 16.000 tỷ đồng. Từ nguồn vận động trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hỗ trợ người nghèo xây dựng và sửa chữa được gần 130.000 căn nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ hàng trăm nghìn người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất; gần 1,4 triệu lượt học sinh được giúp đỡ về học tập; trên 4 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám chữa bệnh; xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh cầu đường, lớp học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng...) và các hỗ trợ khác giúp đỡ cho người nghèo.
Phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo"
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “Giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1-1,5% hằng năm” và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đề ra nhiệm vụ: “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu là “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; giảm bất bình đẳng trong xã hội”.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, ngày 23/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tập trung quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".
Ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết... trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo. Hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững... ./.
Theo TTXVN