Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tính đặc thù của mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong lĩnh vực đất đai

Ngày phát hành: 17/09/2021 Lượt xem 2727

 

    Kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng qua nhiều đại hội, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và giám sát của nhân dân, các tổ chức xã hội. Nhà nước xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi cho các tổ chức kinh tế, cho thị trường hoạt động; đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và định hướng phát triển kinh tế, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế. Thị trường đóng vai trò quyết định trong việc xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ, điều tiết việc phân bổ các nguồn lực, sản xuất và lưu thông hàng hóa, điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Các tổ chức xã hội bảo vệ lợi ích, phối hợp hoạt động của các thành viên, hội viên, tác động đến các quan hệ cung – cầu, cạnh tranh, giá cả trên thị trường và đại diện cho các thành viên, hội viên phản ánh với nhà nước nguyện vọng của các tầng lớp xã hội, phản biện các dự thảo luật pháp, chính sách của nhà nước.

 

     Đối với đất đai, tư liệu sản xuất, nguồn lực quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế của đất nước, của các tổ chức kinh tế, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc phân bổ, sử dụng cũng phải thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và sự tham gia của xã hội. Tuy nhiên, đất đai là hàng hóa đặc thù, có nhiều khác biệt với những hàng hóa là sản phẩm do con người làm ra; do đó, vai trò của thị trường, cơ chế thị trường, mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội đối với phân bổ và sử dụng đất đai cũng có những đặc thù riêng. Đất đai là cơ sở, nền tảng, môi trường sống, tồn tại, phát triển của con người, của xã hội loài người. Đất đai không tăng thêm, nhưng xã hội càng phát triển, nhu cầu đất đai ngày càng tăng, đất đai càng trở nên khan hiếm, càng đòi hỏi phải được phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả. Mỗi thế hệ trong khi sử dụng, khai thác đất đai cho cuộc sống của mình đều có nghĩa vụ bảo vệ đất đai cho các thế hệ tương lai. Đất đai, đồng thời, là chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của quốc gia, là tài sản vô giá mà tổ tiên, các thế hệ tiền bối bằng mồ hôi, công sức, xương máu đã khai phá, gìn giữ, bảo vệ để trao truyền cho các thế hệ hiện nay và tương lai. Vì vậy, ngay cả ở các nước tư bản, nơi phần lớn đất đai thuộc sở hữu tư nhân, đất đai cũng là một loại hàng hóa đặc biệt, dù được mua, bán theo cơ chế thị trường, nhưng cũng được nhà nước quản lý chặt chẽ hơn nhiều các hàng hóa thông thường khác. Pháp luật, cơ chế, chính sách của nhà nước có nhiều quy định có hiệu quả (nhất là chính sách thuế) để đất đai được sử dụng hợp lý, tiết kiệm; có những chế tài xử lý những hành vi gây ô nhiễm, hủy hoại đất đai, đầu cơ lũng đoạn thị trường đất đai; có những điều kiện chặt chẽ, hạn chế việc cho thuê đất, bán đất cho người nước ngoài; quy định những tình huống nhà nước có thể can thiệp, có quyền mua trước, trưng mua, trưng thu đất đai, nhất là để phục vụ quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia trong những tình huống đặc biệt, như chiến tranh…

 

    Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời quan hệ đất đai còn có những đặc thù khác với nhiều nước cùng có kinh tế thị trường. Đó là đất đai thuộc sở hữu toàn dân (đại diện chủ sở hữu là nhà nước), nhưng được giao cho người dân, các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp,…sử dụng lâu dài. Nhà nước vừa là người đại diện chủ sở hữu đất đai, người đầu tiên giao đất, cho thuê đất, đưa đất vào sử dụng, tạo nên thị trường đất đai sơ cấp. Nhà nước vừa là người quản lý nhà nước về đất đai bằng pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch; đồng thời, các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước lại là người sử dụng đất, tham gia thị trường, tác động đến cung – cầu, giá cả đất đai trên thị trường. Người được giao quyền sử dụng đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất trở thành tài sản, thành hàng hóa được mua, bán, chuyển nhượng trên thị trường, hình thành và phát triển thị trường đất đai thứ cấp. Thị trường này với các quan hệ cung – cầu, cạnh tranh tạo ra cơ chế tự điều tiết nhanh nhạy, linh hoạt bổ sung, khắc phục những khiếm khuyết của quản lý nhà nước, đáp ứng kịp thời những nhu cầu đa dạng, thường  xuyên biến động về đất đai trong xã hội. Ngược lại, quản lý của nhà nước và sự giám sát xã hội lại điều tiết, khắc phục những khuyết tật, những tác động tiêu cực của thị trường đất đai. Cơ chế vận hành này khi được thực hiện đúng đắn thì sẽ tạo ra sự hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đất đai của đất nước.

 

 

    Tình hình phân bổ và sử dụng nguồn lực đất đai ở nước ta những năm qua chưa thật sự hiệu quả, rất nhiều tiêu cực phát sinh trong lĩnh vực đất đai có nguyên nhân rất quan trọng là cơ chế vận hành này chưa được thực hiện đầy đủ, đúng đắn. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai; đồng thời là người quản lý nhà nước đối với đất đai, nhưng vai trò, chức năng đại diện chủ sở hữu và vai trò, chức năng quản lý nhà nước chưa phân biệt rõ. Việc đảm nhận cả hai chức năng tập trung nhất là Chính phủ, nhưng Chính phủ lại phân cấp quản lý đất đai cho các bộ, ngành, các địa phương,  tỉnh, huyện, có những thẩm quyền quản lý đất đai được giao tới cấp xã, phường, không rõ ai là chủ sở hữu. Sự phân tán trong quản lý đó còn dẫn đến những quy định thiếu thống nhất, mâu thuẫn nhau trong quản lý đất đai giữa Luật đất đai với các Luật xây dựng, Luật giao thông, Luật nông nghiệp, Luật lâm nghiệp, Luật đô thị, Luật đầu tư….; giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của cả nước với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương, các ngành. Luật pháp, chính  sách đất đai vừa chồng chéo, mâu thuẫn, gây phiền hà, lại vừa có những lỗ hổng, thiếu những chính sách cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn (ví dụ như, thủ tục hành chính thì phức tạp, phiền hà nhưng lại chưa có chính sách để ngăn ngừa, xử lý đầu cơ đất đai, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, để thu hồi địa tô chênh lệch, giá trị mới tăng thêm của đất đai do chính sách huy động đầu tư hạ tầng của nhà nước tạo ra…). Các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được giao đất ưu ái, không bình đẳng với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của các thành phần kinh tế khác. Hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai cả nước, ở các địa phương, các ngành lạc hậu, không đầy đủ, không cập nhật kịp thời những biến động tình hình đất đai trong thực tế. Thiếu cơ chế để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các tổ chức xã hội đối với việc phân bổ, sử dụng đất đai. Những hạn chế này đã tạo ra những sơ hở, điều kiện cho cán bộ lạm quyền để tham nhũng, tiêu cực. Để tham nhũng, tiêu cực, cán bộ có thẩm quyền đã sửa quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng đất; đã bỏ qua, không thực hiện các quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; không đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch, phát huy vai trò của cơ chế thị trường, giảm giá đất thấp xa so với giá thị trường để giao, cho thuê, chuyển nhượng cho người thân, cho doanh nghiệp sân sau, thân hữu, làm thất thoát lớn tài sản Nhà nước. Trong những năm vừa qua, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao so với các lĩnh vực khác, xảy ra ở tất cả các cấp, từ bộ, ngành tới tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường được nhà nước giao quyền quản lý đất đai và ở nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được giao quyền sử dụng đất đều theo cách như vậy.

 

    Để thực hiện đầy đủ, đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội  trong phân bổ, sử dụng nguồn lực đất đai cần:

     Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Phân biệt rõ chức năng đại diện chủ sở hữu (giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển quyền sử dụng đất) với chức năng quản lý nhà nước (xây dựng, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện luật pháp, chính sách, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất); phân cấp quản lý nhà nước về đất đai cho các bộ, ngành, các địa phương tới xã, phường, nhưng chỉ phân cấp đại diện chủ sở hữu đất đai cho địa phương cấp tỉnh, thành phố; doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được giao, thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bình đẳng như doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Hoàn thiện luật pháp, chính sách, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn, những vướng mắc, những kẽ hở. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trách nhiệm phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện việc này. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu số về đất đai phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời những biến động đất đai cả nước, các vùng, địa phương.

 

     Hoàn thành nhanh, sớm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được giao, được thuê, được nhận quyền sử dụng đất hợp pháp để tạo thuận lợi cho các giao dịch đất đai trên thị trường. Hoàn thiện luật pháp, chính sách xác định quyền sử dụng đất là tài sản, quyền tài sản này được pháp luật bảo hộ, được giao dịch trên thị trường (mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế) và tạo khung khổ pháp luật cho các giao dịch này trên thị trường để thị trường trực tiếp xác định giá cả, phân bổ việc sử dụng đất. Quy định rõ những trường hợp ngoại lệ (như giao đất cho mục đích quốc phòng, an ninh) không cần đấu giá, đấu thầu. Hình thành sàn giao dịch, ngân hàng đất đai, các tổ chức tư vấn pháp luật, chính sách, tư vấn giá cả, hỗ trợ đo đạc, phân loại đất… để tạo điều kiện cho thị trường đất đai hoạt động.

 

    Thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ quyền của nhân dân, các tổ chức xã hội phản biện luật pháp, chính sách, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của nhà nước; giám sát tình hình thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị được giao quyền quản lý và sử dụng đất. Đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đất đai. Tăng cường, nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các tổ chức xã hội, báo chí, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi sai phạm trong lĩnh vực đất đai./.

 

PGS. TS. Nguyễn Văn Thạo

Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết