Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Đại dịch Covid-19 và vấn đề kiểm soát khủng hoảng trong phát triển xã hội

Ngày phát hành: 19/09/2021 Lượt xem 8250

                                                                    

    1.Vấn đề khủng hoảng trong phát triển xã hội

    Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhận định: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, những cũng đang bị đe dọa bởi sự trổi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, T1, tr 30).

    Khủng hoảng không phải là vấn đề mới, tuy nhiên thực tiễn cho thấy, dường như càng đi vào quá trình phát triển, các quốc gia trên thế giới càng đứng trước nguy cơ khủng hoảng trên nhiều phương diện, với quy mô, tính chất và hệ quả xã hội khác nhau. Thực tiễn cho thấy, cùng với sự phát triển của xã hội, những dấu hiệu về khủng hoảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội có xu hướng gia tăng, với những biểu hiện phức tạp khó lường. Bên cạnh tần suất gia tăng nhanh, tính phức tạp khó lường thì phạm vi và mức độ lan truyền của khủng hoảng đang ở mức báo động đối với không ít các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Mọi ngành, lĩnh vực, bộ phận, cộng đồng, tầng lớp và quốc gia dân tộc đều có thể đối mặt với sự tàn phá của khủng hoảng. Khủng hoảng đã và đang tạo nên các hiệu ứng gây quan ngại trong xã hội dù điều kiện xã hội, trình độ phát triển và thể chế chính trị có thể khác nhau. Không ít nhà nghiên cứu trên thế giới có chung quan điểm rằng: khủng hoảng trở thành một đặc tính không thể tách rời trong xã hội hiện đại. Và điều lo sợ nhất là chúng ta đang sống trong một xã hội rất dễ bị tác động bởi khủng hoảng. Khủng hoảng là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều xã hội khoa học khác nhau, như: triết học; kinh tế học, chính trị học, xã hội học, tâm lý học, y sinh học,… Khủng hoảng có thể xảy ra ở cấp độ cá nhân, nhóm xã hội, cộng đồng, tổ chức và toàn bộ hệ thống xã hội. Đồng thời, có thể diễn ra ở từng phương diện xã hội khác nhau: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, sức khỏe…hoặc toàn bộ hệ thống xã hội. Trong khuôn khổ phân tích có thể đưa ra quan niệm: khủng hoảng là một sự thay đổi đột ngột, bất ngờ hoặc là nguyên nhân khách quan/ chủ quan dẫn đến một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết ngay lập tức. Khủng hoảng có thể gây ra những tác động xã hội dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khôn lường hoặc sự thay đổi tích cực đối với cá nhân, nhóm, cộng đồng, tổ chức hoặc toàn bộ xã hội trên các phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, sức khỏe và môi trường,... Từ khái niệm trên có thể nhận diện khủng hoảng trên các chiều cạnh:

   Một là, khủng hoảng là những sự kiện đã diễn ra; tính chất của khủng hoảng thường không lường trước của thiệt hại; là yếu tố bất thường của các tình huống cụ thể. Tính chất bất thường có thể do chúng diễn ra ở mức độ tác động giống nhau, nhưng khác nhau ở sự tiếp cận của con người. Chúng làm cho hoạt động quản lý không thể dự báo, vượt quá sự chuẩn bị đối phó, gây thiệt hại trầm trọng cho con người và xã hội, để lại di hại không dễ khắc phục ngay được.

     Hai là, khủng hoảng mang yếu tố khách quan hoặc chủ quan. Yếu tố khách quan được phân ra bởi các tình huống diễn ra từ sự vận động của các yếu tố trong tự nhiên mang tính quy luật tương đối ổn định, ngoài ý muốn chủ quan của con người (cá nhân, nhóm, cộng đồng, tổ chức và toàn bộ xã hội). Trong khi đó, yếu tố chủ quan thuộc về những tình huống gắn liền với nhận thức và hành vi của con người.

     Ba là, khủng hoảng có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển. Phát triển-như một luận đề, trong khi khủng hoảng - như một phản đề. Khái niệm khủng hoảng được sử dụng như một phản đề cho sự phát triển và mô hình phát triển xã hội. Ngày nay quá trình phát triển kinh tế-xã hội trên toàn thế giới đã mang lại nhiều hơn về: an ninh, tự do dân chủ, quản trị, bình đẳng, tự do và hạnh phúc,... Tuy nhiên, nó cũng để lại hệ quả xã hội, có thể là nhân tố trực tiếp dẫn đến khủng hoảng. Phát triển như là thay đổi xã hội theo chiều hướng tiến bộ; trong khi đó khủng hoảng như một sự thay đổi xã hội thoái lui. Trong khủng hoảng thường được bao hàm các chiều cạnh: sự phát triển và sự suy thoái.

 

 

     2. Đại dịch COVID-19: Một số vấn đề từ góc độ kiểm soát khủng hoảng trong phát triển xã hội

Một là, tính chất tác động khác biệt của khủng hoảng-đại dịch COVID-19: 1) Không phải bắt đầu từ khủng hoảng tài chính - tiền tệ, hay bất động sản như các cuộc khủng hoảng trước đây. Cuộc khủng hoảng - suy thoái kinh tế do đại dịch Covid - 19 gây ra lại bắt nguồn từ các giải pháp phòng chống dịch “phi y tế”; 2) Sự tác động “liên hoàn” của các giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19 có tác động đa chiều và mang tính liên hoàn tới rất nhiều lĩnh vực; 3) Nền sản xuất và thương mại của đất nước bị đứt gãy, các chuỗi cung ứng bị suy giảm mạnh, bị đứt gẫy, bị dừng đột ngột trong bối cảnh đang gia tăng độ mở của nền kinh tế; 4) Các giải pháp phòng chống dịch phải được “đánh đổi” bằng sự suy giảm phát triển kinh tế, lợi ích kinh tế ở mức độ cần thiết; 5) Sự đình trệ sản xuất và thương mại làm cho tất cả các chủ thể liên quan đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; 6) Tác động của đại dịch COVID-19 cũng thúc đẩy quá trình “số hóa” mọi hoạt động xã hội.

Hai là, phản ứng của con người trước khủng hoảng-đại dịch COVID-19 mang tính cộng đồng là một vấn đề cốt lõi cần phải được quan tâm xử lý hàng đầu. Truyền thông trong nước và thế giới đã phản ánh, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát con người ngay lập tức có phản ứng theo nhóm (có thể là tích cực hoặc tiêu cực, phù hợp hay không phù hợp). Người dân hoảng sợ lao đến các siêu thị, gom sạch nhu yếu phẩm ngay khi có tin dịch bệnh nổ ra (kể cả những nước văn minh phát triển nhất). Như vậy, những phản ứng mang tính cộng đồng thiếu lý trí khoa học không chỉ  xảy ra ở các nhóm, cộng đồng xã hội chưa phát triển mà còn được gia tăng ở các cộng đồng hiện đại, văn minh. Bởi vì, bản chất của con người có xu hướng lệ thuộc vào những phản ứng mang tính cộng đồng để ra quyết định cho hành động của mình, nhất là trong những tình huống bất thường.

 Ba là, đoàn kết xã hội, sự đồng lòng và trách nhiệm của toàn bộ xã hội là sức mạnh để chiến thắng đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 có thể xem là phép thử cho ý thức, trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân. Nếu việc toàn cầu hóa làm thế giới trở nên không còn khoảng cách, thì đó cũng chính là một nguyên nhân khiến các loại dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đại dịch COVID-19 có thể thúc đẩy ý thức cá nhân đối với lợi ích cộng đồng. Dịch bệnh không còn là câu chuyện “của xã hội” mà đã trở thành vấn đề “của mỗi cá nhân”. Y học xã hội đã có nhiều bằng chứng cho thấy, các cộng đồng có sự gắn kết sẽ đối phó với dịch bệnh tốt hơn nhiều và những người trong cộng đồng đó nếu bị nhiễm bệnh cũng có thể phục hồi nhanh hơn. Và ngược lại những cộng đồng ít gắn kết, có xu hướng phân biệt đối xử, thiếu sự hợp tác sẽ  khó tìm ra cách đối phó tốt với dịch bệnh. Chúng ta đạt được những kết quả đáng khích lệ bước đầu, có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó không thể không khẳng định  vấn đề đoàn kết cơ học (đoàn kết theo giá trị, xã hội truyền thống) và đoàn kết xã hội hữu cơ (đoàn kết theo giá trị, xã hội hiện đại). Do đó có thể khẳng định, giá trị vì cộng đồng, niềm tin, sự kết nối, tương trợ lẫn nhau của người Việt Nam đang được tỏa sáng trước đại dịch COVID-19.

Bốn là, năng lực thích nghi của con người là một vấn đề cấp thiết để vượt qua khủng hoảng trong quá trình đi vào hiện đại hóa ở Việt Nam. Đại dịch COVID-19 là nỗi lo sợ của xã hội về những rủi ro về mặt sức khỏe, tính mạng mà khoa học chưa kịp thời đáp ứng được yêu cầu. Đại dịch COVID-19 không loại trừ bất kỳ quốc gia, dân tộc, cộng đồng, nhóm xã hội và cá nhân nào. Điều này đã tác động không nhỏ đến  tâm lý “một xã hội rủi ro” (cách dùng từ của nhà xã hội học Ulrich Beck) đang điều khiển hành vi chúng ta. Tuy nhiên, chính dịch bệnh COVID-19 đã, đang và sẽ tạo nên động lực cho sự thích nghi mới của mỗi con người và các cộng đồng xã hội. Đại dịch COVID-19 dạy cho chúng ta quay trở lại với năng lực kỹ năng về sự bình thản, sống chậm lại, sống có chiều sâu hơn;  thích ứng với cuộc sống khi gặp khó khăn và chuyển đổi nhận thức và hành vi về lối  sống tiết kiệm và trách nhiệm xã hội nhiều hơn.

Năm là, cần xác định việc ứng phó với đại dịch COVID-19 được đặt trong bối cảnh tình huống xã hội đặc biệt. Đứng trước tình huống này có thể có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí phản ứng gay gắt nếu như chúng ta không cùng chung điểm xuất phát. Điểm xuất phát chung là thời điểm chúng ta đang sống, không có mục tiêu nào quan trọng và khẩn cấp là phải sử dụng các biện pháp khác nhau của hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội để chiến thắng đại dịch COVID-19. Trong tình huống xã không bình thường như vậy, cần phải triển khai đồng thời cả hai giải pháp nhằm thúc đẩy tính chủ động và tích cực của con người hành động; đồng thời nhấn mạnh tính quy định chặt chẽ của cấu trúc xã hội là nhân tố quy định và chi phối hành vi con người. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải đồng thời thực hiện tốt hai biện pháp: kiên trì tuyên truyền, vận động đề cao tính tự giác, trách nhiệm của mỗi cá nhân; song cũng phải áp dụng các chế tài hình phạt nghiêm minh, kịp thời trong thực hiện các giải pháp phòng, chống COVID-19.

Sáu là, để ứng phó với dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những quyết sách kịp thời, mạnh mẽ; nhưng rất cần sự đồng lòng hợp sức của toàn bộ hệ thống xã hội. Đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ đặt ra các yêu cầu “chưa có tiền lệ”, nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam đã hành động theo mô hình mang tính can thiệp và chỉ dẫn cao để hành động quyết liệt trong giai đoạn cấp thiết. Tuy nhiên, sự thành công của chính sách này sẽ tùy thuộc vào mức độ tuân thủ của người dân, doanh nghiệp khi được thuyết phục hy sinh các lợi ích trong ngắn hạn để phục vụ cho mục tiêu sức khỏe cộng đồng. Chính phủ đề nghị mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch, nhưng không có nghĩa là đồng tình, khuyến khích đối với các hành vi cực đoan, kỳ thị, định kiến, hoảng hốt, hoài nghi,… trong cộng đồng để ứng phó với dịch bệnh. Bởi vì, những hành vi này không những không làm cho bệnh dịch suy giảm mà còn có thể làm trầm trọng và phức tạp thêm những hệ lụy xã hội do dịch COVID-19 gây ra. Những hành vi không tuân thủ giãn cách xã hội, thực hiện 5K,… của bất kỳ một cá nhân nào đó đều phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định hiện hành; nhưng việc đưa các thông tin, hình ảnh cá nhân đời tư và bêu riếu họ trên mạng xã hội bằng những lời lẽ tàn độc, lại là vi phạm pháp luật và đạo đức. Do đó, dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát và mức độ tàn phá hay khả năng được kiểm soát như thế nào phần nhiều là do quyết định của từng con người trong xã hội. Và do vậy, việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 không thể chỉ là công việc của hệ thống chính trị các cấp mà còn là trách nhiệm xã hội, tự nguyện, tự giác của từng cá nhân, nhóm, cộng đồng và tổ chức.

     Bảy là, trong lúc chưa thể tiêm đủ vaccine để miễn dịch cộng đồng, các địa phương kịp thời, chủ động thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa xã hội, biện pháp 5K, là rất cần thiết và cần phải thực hiện nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả. Tại Việt Nam cho thấy sự quyết tâm và kết quả phòng, chống dịch COVID-19 là rất lớn nhưng chưa thể ngăn chặn hoàn hảo được, có nghĩa sau một thời gian nhất định, dịch sẽ quay trở lại và lại phải tiếp tục chống dịch. Do đó, việc thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, biện pháp 5K,… không chỉ tính đến vấn đề hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và sự chịu đựng của nền kinh tế mà còn là thời gian cần thiết để chuẩn bị nguồn lực để ứng phó tốt hơn với chu kỳ/làn sóng dịch tiếp theo có thể xảy ra. Để đảm bảo vừa thực hiện mục tiêu chống dịch COVID-19; vừa duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội mang tính sống còn đòi hỏi việc vận hành hệ thống chính sách can thiệp phải hết sức linh hoạt theo nhịp độ và diễn tiến của dịch bệnh ở từng địa bàn, thời điểm cụ để thực hiện linh hoạt BẬT-TẮT và khoanh vùng dịch theo khu vực, địa bàn để áp dụng các mức độ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp là điều rất cần thiết.

  Tám là, lịch sử y học và phòng, chống dịch bệnh của nhân loại cho thấy, mỗi khi dịch bệnh xảy ra đã thúc đẩy những nỗ lực cao độ trong nghiên cứu khoa học để xác định bản chất y sinh hóa của quá trình lây nhiễm bệnh, phát triển các bộ kít xét nghiệm, đề xuất các biện phòng, chống trong cộng đồng; sản xuất vaccine tiêm chủng, điều chế ra thuốc đặc trị…Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng, đòi hỏi thời gian, trình độ phát triển về kinh tế và khoa học-công nghệ. Đồng thời, đại dịch COVID-19 đã chứng minh không giống như những dịch bệnh mà nhân loại đã phải trải qua. Do đó, hiện nay thế giới vẫn chưa thực sự chế ngự được COVID-19 với những loại thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh nào đạt hiệu quả cao như kỳ vọng của xã hội. Vì vậy, việc cập nhật những thông tin khoa học tổng quát về dịch COVID-19 để gia tăng sự hiểu biết và đề xuất các biện pháp can thiệp “làm chậm” tốc độ lây nhiễm và mức độ tàn phá của dịch bệnh COVID-19 là điều rất cần thiết. Trên cơ sở đó từng bước đi đến thành công trong cuộc chiến chống đại dịch này với thời gian nhanh nhất và ít tổn thất nhất.

 

   3.Một số kết luận và định hướng giải pháp

 Một là, khủng hoảng chính là thảm họa với những mức độ khác nhau đối với cá nhân, tổ chức, nhóm, cộng đồng, dân tộc và nhân loại. Hậu quả của nó tác động đến tất cả các mặt của đời sống: kinh tế, chính trị, xã hội, sức khỏe, môi trường và an ninh, quốc phòng...Kết quả ứng phó với khủng hoảng phản ánh năng lực thích ứng của một quốc gia trong tiến trình phát triển. Khủng hoảng được coi là cơ hội để các quốc gia tái cấu trúc các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm thích ứng với bối cảnh phát triển mới.

  Hai, khủng hoảng là hệ quả song hành với quá trình phát triển xã hội. Thực tiễn và bằng chứng khoa học đã ngày càng chứng minh, là thế giới càng đi vào quá trình  phát triển càng có khả năng lâm vào tình trạng “nhiều bất định, xã hội rủi ro”. Khủng hoảng là một quy luật có tính hệ quả xảy ra do quá trình phát triển thiếu bền vững của cá nhân, nhóm, tổ chức, cộng đồng và xã hội trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội và môi trường. Mục tiêu vì một đất nước Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là không thể; nhưng giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vọng và những thiệt hại về kinh tế; cũng như các hệ quả xã hội ở mức thấp nhất là có thể. Dịch bệnh COVID-19 là một dạng khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng mà không một thể chế chính trị, Nhà nước, chính quyền nào, dù mạnh mẽ hiệu quả đến đâu cũng có thể dễ dàng xử lý, vượt qua; nếu thiếu sự chủ động, nỗ lực, tự giác đóng góp chung của từng thành viên trong xã hội. Do đó, quan điểm quy giản trách nhiệm xử lý dịch bệnh là của một chủ thể, tổ chức, cơ quan chức năng hay cá nhân nào đó đều là không thỏa đáng. Do đó, trong mỗi thành công hoặc chưa thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 đều có vai trò hoặc trách nhiệm mang tính tự giác của tất cả các chủ thể trong xã hội. Dĩ nhiên, chủ thể xã hội nào mà vị thế xã hội càng cao, vai trò xã hội càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng chủ yếu.

 Ba, cần nhấn mạnh tư duy tiếp cận khủng hoảng trên nền tảng khoa học đa- liên- xuyên ngành trong ứng phó với khủng hoảng nói chung và đại dịch COVID-19 nói riêng. Cần phải có tư duy đa chiều, đa cấp độ; khủng hoảng là nguyên nhân dẫn đến phá vỡ, gây hỗn loạn, là rào cản của phát triển xã hội; nhưng đồng thời cũng là cơ hội để thúc đẩy cho phát triển xã hội một cách hài hòa, bền vững. Do vậy, cần có nhiều cách tiếp cận từ nhiều hướng khoa học khác nhau để có nhiều cách thức giải thích và can thiệp phù hợp, kịp thời và khả thi. Trên cơ sở xây dựng được hệ thống giải pháp mang tính đồng đồng bộ, kịp thời, thích hợp và khả thi. Trên cơ sở tiếp cận tri thức khoa học đa- liên- xuyên ngành để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, thái độ và năng lực ứng phó của hoạt động lãnh đạo, quản lý nói riêng và toàn bộ hoạt động của xã hội trước các tình huống khủng hoảng nói chung.

  Bốn là, cần phải thực sự phát triển khoa học-công nghệ, coi khoa học-công nghệ là  “quốc sách hàng đầu”  trong dẫn dắt và thúc đẩy xã hội phát triển nhanh, hài hòa và bền vững. Do đó, chỉ có thể mở rộng tối đa biên độ kết nối sự hiểu biết của các khoa học: khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật- công nghệ, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học lý luận chính trị thì mới hiểu và ứng phó có hiệu quả với khủng hoảng nói chung và đại dịch COVID-19 nói riêng. Từ thực tiễn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay ở Việt Nam có thể khẳng định, việc tăng cường đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh hết sức cấp thiết; đảm bảo sự chủ động, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, khống chế và chiến thẳng dịch bệnh COVID-19. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng các thể chế, cơ chế đột phá, vượt trội để huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh nói riêng  và các tình huống khủng hoảng trong phát triển xã hội là rất cần thiết.

  Năm là, cần xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trên nhiều khía cạnh khác nhau để có thể ứng phó với khủng hoảng kịp thời hiệu quả. Để phòng, chống đại dịch COVID-19 đạt được mục tiêu đã đề ra, một trong những vấn đề cần quan tâm  thực hiện tốt là cung cấp cơ sở dữ liệu cho Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các cơ quan chức năng để  ra quyết định kịp thời, đạt mục tiêu hiệu lực, hiệu quả. Do đó, cần coi trọng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thu thập, kết nối và chia sẻ hệ thống dữ liệu thông tin; dự báo, phản biện và chủ động các phương án phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng. Trong điều kiện dự báo đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể kéo dài, Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 Trung ương và các địa phương, cũng như: ngành, lĩnh vực, cơ quan đơn vị nếu có điều kiện thì nên thành lập Tổ tư vấn chính sách/biện pháp phòng, chống COVID-19 mà thành phần tham gia và phương pháp thực hiện cần tiếp cận theo hướng gắn kết, đa-liên-xuyên ngành khoa học. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc; bám sát tình hình, chủ động xây dựng giải pháp phù hợp, khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Đồng thời, tạo dựng điều kiện để guồng máy nền kinh tế-xã hội của đất nước chủ động thích nghi nhanh, ứng phó hiệu quả với mọi tình huống do tác động của đại dịch gây ra, không để bị động bất ngờ dẫn đến xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội.

 Sáu là, để đảm bảo phát triển xã hội trong bối cảnh có thể xuất hiện nhiều trạng thái khủng hoảng, Việt Nam cần khẩn trưởng xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật về khủng hoảng một cách đồng bộ, kịp thời. Điều này cần được bắt đầu từ khung thể chế trong Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm hành chính. Cần nghiên cứu, ban hành và thực hiện một hệ thống pháp luật quy định về trách nhiệm và năng lực quản lý tình huống khủng hoảng chặt chẽ và hiệu quả. Hệ thống các quy phạm cần được đặt ra một cách đồng bộ, kịp thời, bắt đầu từ khung thể chế trong Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm hành chính. Nghiên cứu xây dựng phát triển cơ quan, tổ chức chuyên trách và chuyên nghiệp có chức năng ứng phó với khủng hoảng; đầu tư thỏa đáng nguồn lực, thiết bị công nghệ `cho hoạt động ứng phó với khủng hoảng.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với khủng hoảng nói chung và phòng, chống đại dịch COVID-19. Do đại dịch COVID-19 là vấn đề khủng hoảng mang tính toàn cầu, vì vậy phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng phải mang tính toàn cầu, vì sự an toàn xã hội ở tất cả các quốc gia, dân tộc. Có thể khẳng định, bài học kinh nghiệm từ khủng hoảng và ứng phó với khủng hoảng đại dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam và thế giới hiện nay là một « hình mẫu» trong thực hiện chính sách can thiệp ứng phó với khủng hoảng mà trong đó đề cao sự hợp tác toàn cầu.

Tám là, cần phải xác định coi việc chuẩn bị và thực hiện ứng phó với tác động của khủng hoảng trong phát triển xã hội là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của hệ thống chính trị, của toàn bộ hệ thống xã hội của Việt Nam. Do đó, để nhanh chóng thoát khỏi đại dịch COVID-19 đòi hỏi phải đẩy mạnh việc thiết lập tư duy mới, cách làm mới và mục tiêu thích hợp trong bối cảnh mới. Thống nhất tư tưởng và hành động trong hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội về “dĩ bất bất biến, ứng vạn biến” trong mỗi thời điểm dịch bệnh và ở từng địa phương, tỉnh thành, vùng miền,…nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả.

Chín là, Việt Nam cần tăng cường thực hiện phương thức quản lý phát triển xã hội để dự báo, kiểm soát và ngăn ngừa khủng hoảng có thể xảy ra. Việc triển khai phương thức quản lý phát triển xã hội thực chất là sự kết hợp chặt chẽ “bàn tay” Nhà nước với “bàn tay” thị trường và xã hội. Điều này là hoàn toàn phù hợp, nhằm đáp ứng với yêu cầu mới của bối cảnh trong nước và thế giới hiện nay, nhất là sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; với nhiều bất định, rủi ro xã hội, phức tạp và khó tiên lượng,…trong quá trình phát triển hiện nay./.

TS. Đỗ Văn Quân [1]

 

          Tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Chính trị quốc gia, HN.
  2. Đỗ Văn Quân (2020a), Phòng, chống đại dịch COVID-19: Một số vấn đề từ hướng tiếp cận xã hội học. https://www.tapchicongsan.org.vn/
  3. Đỗ Văn Quân (2020b), Khủng hoảng và ứng phó với khủng hoảng trong phát triển xã hội. Tạp chí Xã hội học, số 3.
  1. Trần Quốc Toản (2020), Tác động của đại dịch Covid - 19 và những vấn đề phát triển đặt ra http://hdll.vn/vi/n
  2. Thủ tướng Chính phủ (2021), Công điện 1102/CĐ-TTg 2021 tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc ngày 23/08/2021.

 

 



[1] Viện Xã hội học và Phát triển-Học viện CTQG Hồ Chí Minh

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết