Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

25 năm Ngày Khuyến học Việt Nam: Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho mọi người

Ngày phát hành: 04/10/2021 Lượt xem 2108

 

   Học tập suốt đời không chỉ trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho con người mà còn giúp chúng ta sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, việc chuyển đổi số được xác định là xu thế tất yếu, mở ra phương pháp tiếp cận mới để thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời trong mỗi người dân.

   * Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
   Cách đây 76 năm, ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào ta mù chữ... Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” (1).
   Thực hiện ý kiến của Bác, ngay sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ban hành 3 sắc lệnh, đó là: Sắc lệnh 17/SL thành lập Nha bình dân học vụ, Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và Sắc lệnh 20/SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền; đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
   Sau đó, ngày 4/10/1945, Bác ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Bác viết: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” (2).
   Thực hiện sắc lệnh và hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng được triển khai, lan rộng và ăn sâu vào từng thôn xóm, bản làng. Chỉ một năm sau, đã có 75.000 lớp học được tổ chức với sự tham gia của 95.000 giáo viên; trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Đây là một kỳ tích có một không hai về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục nước nhà.
Kinh nghiệm thực tiễn xóa mù chữ ở miền Bắc đã trở thành những bài học quý báu, bổ ích cho công cuộc xóa nạn mù chữ ở miền Nam ngay sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất. Cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành phố ở miền Nam đã cơ bản thanh toán nạn mù chữ.
Trên nền tảng xây dựng xã hội học tập, sự nghiệp nâng cao dân trí của đất nước tiếp tục tiến lên một bước mới, với những phát triển vượt bậc. Từ chỗ 95% dân số nước ta mù chữ (năm 1945), đến năm 2000, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với 98,03% số quận/huyện; 98,53% số xã/phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ-phổ cập giáo dục tiểu học; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15-35 đã biết chữ. 10 năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục phổ cập giáo dục trung học cơ sở và hoàn thành vào năm 2010. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học cũng được củng cố và phát triển ở khắp các khu dân cư lớn, các vùng và một số tỉnh/thành phố. Đặc biệt, năm học 2020-2021, dù dịch COVID-19 khiến trường học phải tạm đóng cửa, gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam vẫn lọt vào danh sách các bảng xếp hạng quốc tế uy tín, như: 200 trường đại học có ảnh hưởng toàn cầu, các đại học xuất sắc nhất thế giới, các trường đại học tốt nhất trong khu vực châu Á, 12 trường đại học xếp hạng thế giới theo thành tựu học thuật... Tháng 6/2021, Việt Nam tiếp tục có 4 trường đại học lọt vào bảng xếp hạng các trường đại học uy tín bậc nhất thế giới năm 2022 (QS World University Rankings 2022 - QS WUR 2022). Trong đó, hai trường Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có mặt 4 năm liên tiếp trong bảng xếp hạng này.
   Bên cạnh công tác phổ cập, ngành giáo dục và đào tạo đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi với nhiều hình thức và phương thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống Hội khuyến học đã phủ kín từ cấp tỉnh đến cấp xã với gần 22 triệu cán bộ và hội viên là các cựu giáo viên, các nhà hoạt động chính trị, xã hội quan tâm thúc đẩy sự nghiệp học tập cho mọi lứa tuổi. Cả nước có hơn 8 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, gần 40.000 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, hơn 62.000 “Cộng đồng học tập” cấp thôn bản, tổ dân phố.
   Có thể thấy, việc khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào rộng lớn, phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, đưa sự nghiệp giáo dục của Việt Nam phát triển cả về lượng và chất, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

   * Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch COVID-19
   Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi số đã diễn ra như một xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số với nội dung rộng lớn và đa dạng, bao gồm: chính phủ số (dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số cả trong các ngành trọng điểm như nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông...
   Theo sát xu thế của thế giới, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực y tế. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước.
Theo đó, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo tập trung vào hai nội dung chính là: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục bao gồm: số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành giáo dục đào tạo một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy, học gồm: kiểm tra, đánh giá, gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (cyber university)...
   Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, nhiều cơ sở giáo dục và các trường học ở Việt Nam đã đồng loạt tổ chức dạy-học trực tuyến qua mạng. Mô hình học tập này không chỉ giúp thầy và trò tiếp tục học tập, bồi dưỡng kiến thức, mà còn nâng cao tính tự học và động lực học tập của học sinh, kể cả tính trách nhiệm lẫn kỷ luật tự giác trong học tập. Với sự linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ kép vừa đảm bảo chương trình học năm học, vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Điều này đã thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập từ truyền thống sang phương pháp mở, tích cực, chủ động hơn, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo.
    Để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc xây dựng và cung ứng các kênh và công cụ học tập suốt đời cho người dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021. Theo đó, Tuần lễ được tổ chức từ ngày 1 đến 7/10/2021, với chủ đề “Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
   Các hoạt động trong Tuần lễ gồm: tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử của đơn vị, tổ chức liên quan, các trang mạng xã hội (facebook, zalo, viber, youtube,...) về tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số trong việc cung ứng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người trong bối cảnh giãn cách xã hội; Vinh danh các tổ chức, cá nhân có những giải pháp, sáng kiến về chuyển đổi số góp phần thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; Tổ chức các sân chơi, diễn đàn, cuộc thi có chủ đề về cộng đồng số, công dân số; tăng cường cung cấp các nguồn tài nguyên học liệu mở (sách, báo, học liệu, bài giảng điện tử...) để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân; Tham gia các diễn đàn giáo dục, hội thảo, hội nghị trực tuyến của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) tại địa chỉ https://uil.unesco.org để giao lưu, tìm hiểu thông tin và chia sẻ kinh nghiệm với các thành phố, quốc gia khác trên thế giới về cách tận dụng các nền tảng số để tổ chức các hoạt động học tập và giáo dục không chính quy và phi chính quy, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19… ./.


Hoàng Yến (TTXVN)
 (1): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 8.
  (2): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr. 36.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết