CLB ca trù Chanh Thôn biểu diễn tại Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Thành phố Hà Nội
lần thứ 2 tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ.
1.Bước sang thế kỷ XXI, vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của các quốc gia được nhận thức lại ngày càng sâu sắc. Hàng loạt các khái niệm mới phản ánh những nhận thức mới của nhân loại về văn hóa xuất hiện, trong đó có khái niệm sức mạnh mềm văn hóa. Trên cơ sở tiếp thu ý tưởng của các nhà nghiên cứu đi trước về sức mạnh quan điểm[1], vào cuối thế kỷ XX, học giả Hoa Kỳ Joseph Samuel Nye đã đưa ra khái niệm sức mạnh mềm. Tuy không phải là học giả đầu tiên đề xuất khái niệm sức mạnh mềm nhưng J. Nye lại là người đi tiên phong trong việc phân tích, hệ thống hóa và nâng các nghiên cứu về sức mạnh mềm lên thành hệ thống lý luận quan hệ quốc tế. Ông cho rằng “Sức mạnh mềm là khả năng đạt được mục đích của mình thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép buộc hoặc mua chuộc. Sức hấp dẫn này đến từ văn hóa, tư tưởng chính trị và chính sách đối ngoại của một quốc gia”[2]. Và trong lý thuyết sức mạnh mềm của J.Nye, văn hóa là yếu tố quan trọng cấu thành nền sức mạnh mềm của một quốc gia. Chính văn hóa góp phần tạo nên sức hấp dẫn, sức lan tỏa của một quốc gia trên trường quốc tế. Hay nói cách khác, sức mạnh mềm văn hóa chính là sự gia tăng ảnh hưởng, vị thế của quốc gia này này với quốc gia khác trong quan hệ quốc tế thông qua sự hấp dẫn của các giá trị văn hóa.
2. Văn hóa Việt Nam là tổng thể những những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S này sáng tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử. Những giá trị ấy kết tinh trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo thành những truyền thống, những phong tục, tập quán, những ứng xử, ... làm nên bản sắc của dân tộc. Xuất phát từ những điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử hết sức đặc biệt, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam có những giá trị, phẩm chất độc đáo. Đó là nồng nàn yêu nước nhưng hết sức nhân văn; đó là anh hùng trong chiến đấu nhưng tinh tế trong ứng xử; đó là sáng tạo trong lao động nhưng giản dị trong lối sống; đó là tinh thần cố kết cộng đồng, là lòng khoan dung, cởi mở, giàu năng lực tiếp biến ... Những giá trị văn hóa ấy, những “lực lượng bản chất người” ấy đã gắn kết các cá nhân thành cộng đồng, cùng chung tay dựng xây đất nước, cùng ra sức bảo vệ non sông, cùng chia sẻ những nỗi đau trong thiên tai, địch họa, cùng khát vọng về một cơ đồ tươi sáng “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Thực tiễn phát triển đất nước trong thời kì đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa, con người trong chiến lược phát triển quốc gia. Văn hóa không chỉ giới hạn tầm vóc của mình trong chiều sâu những phẩm giá tinh thần mà nó còn là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước. Bên cạnh hiệu ích xã hội lớn lao như vun đắp một đời sống tinh thần lành mạnh cho cá nhân và cộng đồng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và hướng con người, xã hội loài người theo các giá trị chân – thiện, mỹ thì văn hóa trong xã hội hiện đại này còn bộc lộ những thế mạnh khác mà trong xã hội truyền thống ít được đề cập đến. Sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo, sự mở rộng của thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa với những hiệu ích kinh tế không nhỏ đã mang lại những kì vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa nguồn lực nội sinh chính là văn hóa và con người Việt Nam.
3. Sự nghiệp đổi mới đất nước được Đảng ta gắn liền với vai trò to lớn của văn hóa. Tại Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là điều kiện để thực hiện lý tưởng cao đẹp của dân tộc ta là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, con người được ấm no, hạnh phúc.
Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa IX Đảng ta đã kết luận: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên là điều kiện quyết định cho sự phát triển toàn diện và bền vững đất nước”[3].
Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[4], văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Như vậy cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, quốc phòng - an ninh,... nguồn lực văn hóa cũng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, chi phối, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xem là nguồn lực nội sinh quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp quốc gia. “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.[5] Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là khâu đột phá có ý nghĩa chiến lược để đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới. Và lần đầu tiên trong Văn kiện của Đảng, thuật ngữ sức mạnh mềm văn hóa xuất hiện. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định cần phải “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”[6].
4. Đứng trước yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn chứa đựng nhiều dấu mốc lịch sử trọng đại, giai đoạn cả nước tập trung thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng với nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để đưa đất nước ngày càng phát triển, trong bối cảnh quốc tế vừa có những thời cơ, vừa có những thách thức, để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, cần chú ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, cần xác định rõ những tài nguyên nào có khả năng chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nghệ nhân, sản phẩm văn hóa …. chính là các nguồn lực văn hóa có khả năng tạo nên sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Theo thống kê của Cục Di sản văn hoá, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 28 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 07 di sản tư liệu; 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (119 di tích cấp quốc gia đặc biệt); 215 bảo vật quốc gia; 364 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia1. Để phát huy hiệu quả các nguồn lực này, cần đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hệ thống di sản văn hóa mà chúng ta đang sở hữu hôm nay chính là kết tinh trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu của lớp lớp cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hệ thống di sản văn hóa phản ánh chiều sâu tâm hồn của dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam - tấm thẻ căn cước để nhận diện dân tộc này trong hành trình hội nhập quốc tế. Thông qua việc quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc, bạn bè quốc tế hiểu hơn về vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam. Đó là một đất nước với nhiều danh lam thắng cảnh, con người hồn hậu, cởi mở, hiếu khách, trọng nghĩa tình đạo lý; đó là một dân tộc có những truyền thống lịch sử văn hóa hết sức quý báu như yêu nước, đoàn kết, nhân văn, giàu năng lực khoan dung và tiếp biến văn hóa… Bảo tồn và phát huy tốt hệ thống di sản văn hóa sẽ hướng tới mục tiêu kép: vừa làm gia tăng sức sống cho các giá trị văn hóa dân tộc vừa góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, làm nên sức hấp dẫn Việt Nam.
Di tích lịch sử Văn miếu Mao Điền
Hai là chú trọng phát triển du lịch văn hóa. Du lịch chính là cách thức, là con đường để phát huy sức mạnh mềm văn hóa mà nhiều quốc gia đang lựa chọn để đầu tư, phát triển. Du lịch văn hóa mang lại những trải nghiệm hết sức sinh động cho du khách về những nét văn hóa đặc sắc của một cộng đồng, một địa phương, một quốc gia. Du lịch văn hóa không chỉ mang lại nguồn thu cho các địa phương, cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh loại hình dịch vụ này, giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi sinh kế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tái đầu tư cho bảo tồn các di sản văn hóa mà nó còn góp phần rất quan trọng trong xây dựng tình cảm, niềm tin đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Chính vì vậy, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để có thể chuyển tải được tối đa hàm lượng văn hóa vào trong các sản phẩm du lịch. Cần đầu tư để đa dạng hóa các loại hình du lịch và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt hơn nữa công tác quảng bá du lịch, các chiến lược truyền thông du lịch phải hướng tới việc xây dựng hình ảnh Việt Nam - điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn.
Ba là tiếp tục đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa là biểu hiện tập trung của mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa kinh tế và văn hóa. Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa từ khi có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (năm 2016) đến nay đã có những chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, quảng cáo, giải trí kỹ thuật số, phần mềm trò chơi điện tử, … đều đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Doanh thu từ các lĩnh vực này vẫn khả quan trong khi các lĩnh vực kinh tế khác phải chịu nhiều rủi ro do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa khi ra khỏi biên giới quốc gia sẽ không chỉ đơn thuần là những hàng hóa văn hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà nó còn là đại sứ thương hiệu quốc gia. Hơn thế nữa, các sản phẩm công nghiệp văn hóa còn có khả năng tạo nên chuỗi giá trị giá tăng, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Chính vì vậy, cần có các kế hoạch hết sức cụ thể và thiết thực để nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp văn hóa, từ mẫu mã đến nội dung, và đặc biệt lưu ý khả năng chuyển tải tinh thần văn hóa, giá trị văn hóa Việt Nam của các sản phẩm đó.
Văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, sự vững chắc của mỗi cộng đồng và rộng hơn là sự phát triển của mỗi quốc gia. Sẽ không thể có một sự phát triển nhanh và bền vững nếu không phát huy được nội lực của chính quốc gia đó. Mà nội lực quan trọng nhất của mỗi một quốc gia chính là con người, là những sáng tạo của con người quốc gia đó. Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.
PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu
Viện Văn hóa và Phát triển
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Vào những thập niên 30-40 của thế kỷ XX, Edward Hallett Carr (1892-1982) bàn đến sức mạnh quan điểm, ông cho rằng để đạt tới mục đích chính trị thì sức mạnh quan điểm cũng đóng vai trò quan trọng không kém so với sức mạnh quân sự và kinh tế. Đến những năm 70 của thế kỷ XX, Robert, Đại học Colombia, cho rằng “hình ảnh quốc gia có thể có giá trị to lớn hơn nhiều so với sự gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế”.
[2] Joseph S. Nye (2004), Soft power: The means to success in the world in the world politics, New York: Public Affairs, p.25
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX) Về văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, Nxb Chính trị quốc gia.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI,Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 46-47.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 47.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 145 - 146.
1 Báo cáo số 883 /BC-DSVH ngày 15 /12/2020 của Cục Di sản văn hóa.