3. Phát triển nền báo chí Việt Nam tự do, nhân văn và hiện đại
Trong suốt 80 năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp và thế lực phong kiến, nền báo chí Việt Nam cùng chung số phận với dân tộc, bị đè nén, áp bức và bóp nghẹt mọi tự do. Ánh mắt soi mói của bè lũ mật thám và lưỡi kéo kiểm duyệt của chính quyền cắt không thương tiếc mọi bài vở, thậm chí mọi câu chữ thể hiện tinh thần yêu nước, đòi tự do cho dân tộc, cải thiện dân sinh. Những người làm báo cách mạng bị đàn áp, tù đày, thậm chí bị thủ tiêu hoặc kết án tử hình. Trong bài báo “Đông Dương và Triều Tiên” đăng trên báo Le Populaire ngày 4-9-1919, Nguyễn Ái Quốc đã lên án chế độ nô dịch báo chí của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Người viết: “Về mặt báo chí, xuất bản bằng tiếng phương Đông, Chính phủ giành lấy cái quyền hạn bỉ ổi chỉ cho phép xuất bản những loại nào ca ngợi mình và sau khi đã có kiểm duyệt rồi. Chính phủ lợi dụng cái đặc quyền độc đáo ấy để lập ra những tờ báo tiếng An Nam theo ý mình được hưởng trợ cấp bí mật của nhà nước và chuyên việc làm quảng cáo tuyên truyền cho Chính phủ và thường kỳ viết những bài phỉnh nịnh các quan trên có thế lực ở thuộc địa”[1]. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam gửi đến Hội nghị Véc-xay bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, nêu lên 8 yêu sách, trong đó, yêu sách thứ ba là “Tự do báo chí và tự do ngôn luận”[2]
Trong suốt tiến trình cách mạng dưới sự sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự do báo chí và tự do ngôn luận luôn luôn là một mục tiêu nhất quán, một yêu cầu trước sau như một. Tự do báo chí và ngôn luận được xác định rõ ràng trong cương lĩnh chính trị của Đảng, được quy định chặt chẽ, rõ ràng và ngày càng đầy đủ trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Lời kêu gọi của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 nhấn mạnh một trong những mục đích hàng đầu của cuộc cách mạng mà Đảng chủ trương là “Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân”[3]. “Công nhân vận động (Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội)”, tháng 10-1930 chỉ rõ yêu cầu đầu tiên của cuộc đấu tranh về chính trị là “Tự do tổ chức, ngôn luận, tụ hội, bãi công, thị oai biểu tình”[4]. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết một trong năm bài học lớn của Đảng là “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân… Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”[5]. Nói rộng ra, những “lợi ích và nguyện vọng chính đáng” của nhân dân chính là quyền được mưu cầu hạnh phúc, không ngừng cải thiện đời sống, quyền được tự do phát triển toàn diện, được bảo đảm quyền con người và các quyền tự do trong một xã hội tiến bộ, văn minh, hiện đại, trong đó đương nhiên có các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã long trọng khẳng định“Công dân Việt Nam có quyền: - Tự do ngôn luận/ - Tự do xuất bản...”.Điều 25 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.Luật báo chí năm 2016 đã cụ thể hóaquyền tự do báo chí của công dân thành 6 nội dung, bao gồm: “1. Sáng tạo tác phẩm báo chí; 2. Cung cấp thông tin cho báo chí; 3. Phản hồi thông tin trên báo chí; 4. Tiếp cận thông tin báo chí; 5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; 6. In, phát hành báo in”. Luật này cũng quy định quyền tự do ngôn luận của công dân với 3 nội dung:
“1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.
2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác”.
Một mặt khẳng định yêu cầu chặt chẽ các nội dung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, mặt khác, hệ thống luật pháp Việt Nam cũng xác định rõ ràng những điều kiện, khuôn khổ cụ thể đảm bảo cho các quyền tự do đó được thực thi một cách đúng đắn, hài hòa giữa mỗi người dân và cộng đồng, không làm tổn hại đến lợi ích chung của dân tộc, của đất nước. Điều 13, Luật Báo chí năm 2016 quy định về “Trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”, trong đó nêu rõ:
“1. Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.
2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.
Luật này cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan báo chí, các nhà báo trong việc tôn trọng các quy tắc đạo đức, văn hóa, tôn trọng nhân cách, phẩm giá, quyền con người của công dân, quy định rõ trách nhiệm của báo chí nếu vi phạm quyền, lợi ích, phẩm giá của người dân.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tự do báo chí, tự do ngôn luận đã được quy định rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ trong Hiến pháp và luật pháp Việt Nam. Những nội dung cụ thể về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được xác lập trong luật pháp, được thực thi trong đời sống, còn là thể hiện tính chất dân chủ ưu việt của chế độ chính trị của Việt Nam, trong đó, người dân chính là chủ nhân của chế độ. Báo chí chính là một kênh quan trọng, hữu hiệu để nhân dân trực tiếp quyết định những vấn đề quốc kế, dân sinh, tham gia quản trị xã hội và đóng góp vào việc xây dựng chính quyền, xây dựng tổ chức Đảng. Đó cũng là sự khẳng định một trong những thành quả to lớn, quan trọng của cuộc cách mạng vĩ đại vì độc lậpcủa dân tộc, tự do của nhân dân, xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên thực tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam không chỉ tôn trọng, bảo vệ mà còn tạo mọi điều kiện để không ngừng cải thiện tự do báo chí, tự do ngôn luận cho nhân dân.
Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm đầu tư phát triển, không ngừng hiện đại hóa hệ thống báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, đáp ứng nhu cầu thông tin báo chí của nhân dân ngày càng mở rộng, ngày càng phong phú. Hiện nay, Việt Nam có một hệ thống báo chí phong phú, đa dạng, hiện đại, bao gồm: 844 cơ quan báo in với hơn 1.100 ấn phẩm định kỳ các loại, trong đó có 184 báo, 660 tạp chí; 24 cơ quan báo điện tử độc lập; 67 đài phát thanh, truyền hình đang duy trì hoạt động 278 kênh, trong đó, phát thanh có 87 kênh, gồm 78 kênh phát sóng quảng bá, 9 kênh cung cấp dịch vụ trả tiền; truyền hình có 191 kênh, gồm 104 kênh truyền hình quảng bá và 87 kênh cung cấp dịch vụ trả tiền. có 19.166 người được cấp Thẻ nhà báo và 23.893 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện đang có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trong đó có 17 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên mạng Internet (theo số liệu của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông). Đặc biệt, trong hệ thống truyền hình Việt Nam, người ta có thể thấy sự xuất hiện tên tuổi của nhiều kênh truyền hình nổi tiếng của nhiều nước trên thế giới thế giới. Theo số liệu được Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên bố tại cuộc hội thảo nhân ngày Internet Việt Nam 5-12-2018, Việt Nam đã có trên 60% người dân sử dụng Internet và trở thành quốc gia đứng thứ 16 thế giới về số lượng người sử dụng Internet. Đáng chú ý là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt Nam đạt đến khoảng gần 7 giờ mỗi ngày.
Nhà nước Việt Nam cũng có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho việc phát hành báo chí, cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin của các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo. Sóng phát thanh, sóng truyền hình đã phủ kín toàn quốc. Hệ thống các kênh phát thanh, truyền hình quảng bá và các ấn phẩm định kỳ, trong đó có nhiều ấn phẩm cấp phát miễn phí, với chủng loại phong phú, đáp ứng nhu cầuthông tin đa dạng của nhân dân ở các vùng miền, các lứa tuổi, từ giải trí, học tập, nâng cao hiểu biết,tìm hiểu luật pháp, giáo dục lối sống, truyền bá các giá trị văn hóa, giao lưu kết nối xã hội, đến hướng nghiệp, phổ biến khoa học kỹ thuật, thông tin vấn đề chính trị trong nước và quốc tế, v.v. và v.v.. Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng, Internet và chỉ số trung bình thời gian sử dụng Internet của người Việt Nam ở mức cao là một minh chứng cụ thể cho tình trạng tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.Đó là nền báo chí tự do, có trách nhiệm, vì sự phát triển tự do toàn diện và hạnh phúc của con người, vì nền văn hóa bản sắc của dân tộc và sự phát triểntiến bộ của xã hội, của dân tộc và đất nước.
Cùng với việc phát triển hệ thống các phương tiện báo chí, truyền thông đại chúng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc không ngừng cải thiện điều kiện sống, phát triển giáo dục, nâng cao trình độ văn hóa cho người dân, qua đó mở rộng nhu cầu thông tin báo chí của nhân dân. Nhiều chính sách được thực thi nhằm cung cấp các phương tiện, sản phẩm báo chí, truyền thông để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin báo chí của nhân dân, nhất là người dân ở miền núi, hải đảo, những nơi còn nhiều khó khăn. Đời sống chính trị - xã hội trong nước được đảm bảo bằng nguyên tắc dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Nhân dân được trực tiếp tham gia quá trình xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua việc thảo luận, góp ý và bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình trên báo chí. Ngược lại, báo chí phải chịu trách nhiệm về sự khách quan, đúng đắn của những thông tin của mình, chịu trách nhiệm trước những thông tin sai lệch, ảnh hưởng xấu đến danh dự, lợi ích và các quyền tự do chính đáng của mỗi người dân. Nói cách khác, người dân không chỉ được thụ hưởng những lợi ích to lớn do báo chí mang lại, mà còn được bảo vệ an toàn trước những rủi ro, nguy cơ có thể từ báo chí.
Không chỉ đóng khung trong biên giới quốc gia, nền báo chí Việt Nam không ngừng phát triển theo tinh thần hội nhập quốc tế, mở rộng các mối quan hệ hợp tác với báo chí, truyền thông các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị. Sự hợp tác quốc tế của báo chí Việt Nam được triển khai trên tất cả các bình diện, từ trao đổi, chia xẻ thông tin, hợp tác sản xuất, trao đổi các sản phẩm báo chí, truyền thông, trao đổi phóng viên tác nghiệp thực tế, đến trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng người làm báo, hợp tác thúc đẩy phát triển báo chí, nâng cao năng lực báo chí thông tin về các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, v.v.. Nhà nước Việt Nam mở cửa đón nhận và tạo điều kiện thuận lợi nhất, an toàn nhất cho các nhà báo trên thế giới đến tác nghiệp tại đất nước mình. Các hãng tin tức lớn như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo và nhiều cơ quan thông tấn báo chí khác của các nước trên thế giới có mặt từ rất sớm ở Việt Nam. Chỉ riêng tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên cuối tháng hai vừa qua đã có gần 3.000 phóng viên của trên 200 hãng thông tấn, báo chí đến từ gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có mặt tại Hà Nội và nhiều địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam để tác nghiệp.
Các cơ quan báo chí như Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có cơ quan đại diện, thường trú tại tất cả các khu vực, các trung tâm thông tin lớn trên thế giới. Đồng thời, các nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Việt Nam được quyền tự do và được Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất để đi hoạt động nghề nghiệp tại bất cứ đâu trên thế giới, phù hợp với luật pháp của mỗi quốc gia.
Người dân Việt Nam có thể trực tiếp đón nhận những tin tức thời sự mới nhất một cách trực tiếp từ các hãng thông tấn lớn của Mỹ và Phương Tây, cũng như trực tiếp bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình thông qua những cơ quan báo chí, truyền thông nước ngoài và tự và chịu trách nhiệm về những ý kiến đó. Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội cùng với số lượng lớn người sử dụng Internet càng cho phép mỗi người dân Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc thỏa mãn các như cầu ngày càng đa dạng, phong phú về thông tin, giải trí, giao lưu xã hội, mở mang hiểu biết.
Nói tóm lại, Đảng, Nhà nước Việt Nam, hơn ai hết, nhận thức rất rõ vai trò quan trọng, thiết yếu của báo chí cũng như yêu cầu của tự do báo chí, tự do ngôn luận với ý nghĩa như một quyền không thể thiếu của con người, một động lực phát triển không thể thiếu của đất nước. Vì thế, việc phát triển nền báo chí tự do, nhân văn và hiện đại, cũng như bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đã trở thành một yêu cầu tất yếu, một đòi hỏi khách quan của đất nước. Trên thực tế, nền báo chí Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng, chuyên nghiệp, tiếp cận với trình độ chung về công nghệ của thế giới, đảm bảo những giá trị phổ biến và tiến bộ của nhân loại, không xa rời những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cũng như giữ vững những giá trị nhân văn, tiến bộ của chế độ. Bất chấp sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, báo chí Việt Nam đang hằng ngày, hằng giờ đáp ứng nhu cầu thông tin phong phú của nhân dân, là câu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh./.
(Hết)
GS.TS Tạ Ngọc Tấn
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, t.1, tr. 19
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, t. 1, NXB CTQG, HN, 2011, tr. 469
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, 1930, Nxb CTQG, H., 2002, tr. 17
[4] Văn kiện Đảng. Sđ d, tr. 142)
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H., 2011, tr.65