Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Lời dạy của Bác về tinh thần trách nhiệm

Ngày phát hành: 31/05/2023 Lượt xem 2105

 

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn trăn trở, dành sự quan tâm hàng đầu cho việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng thực hành gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân, coi đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Và Người chính là tấm gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm. 

 Lời dạy của Bác về tinh thần trách nhiệm
 
Trách nhiệm là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình theo cương vị, chức trách. Nó có thể được hình thành trên cơ sở đạo đức, truyền thống hay những quy định của luật pháp, điều lệ của tổ chức mà mình là thành viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật.

Người đã cụ thể hóa khái niệm về “tinh thần trách nhiệm” một cách rất dễ hiểu: " Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm" (1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm” (2). Ví dụ như: “Người nấu bếp, lo làm cho luôn luôn cơm lành canh ngon, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công...; Người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật… Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống… Gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng” (3).

Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên theo Bác còn thể hiện trong mối quan hệ với quần chúng. Người khẳng định: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ” (4). Bác khuyên mỗi cán bộ, đảng viên “để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình... Tóm lại, phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân” (5).

Ngày 20/5/1950, Người đã ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam, trong đó, Điều 2 quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ Nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về nêu cao tinh thần trách nhiệm
 
Không chỉ đưa ra lý luận về tinh thần trách nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mọi hoạt động. Trách nhiệm đó được thể hiện trong việc học tập, lao động, nghiên cứu lý luận, hoạt động thực tiễn, đặc biệt là trong quá trình Người cùng Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành cách mạng. Tinh thần trách nhiệm thấm sâu vào từng suy nghĩ và hành động của Người.

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của mình trước dân tộc, nhân dân và trước Đảng, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy cam go, thử thách, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đi khắp năm châu, bốn biển khảo sát, nghiên cứu, lao động, học tập để tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức, bóc lột.

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người dân - “việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì phải tránh”; đồng thời nhấn mạnh các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng xã đều là “công bộc” của dân, nghĩa là phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, phải chú ý giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân, gánh vác việc chung cho dân.

Người cũng rất chú ý đến việc giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu mỗi người phải có trách nhiệm đối với đơn vị, tổ chức mình tham gia, đó là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác theo cương vị, chức trách. Đồng thời, Đảng và từng tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thái độ và trách nhiệm với công việc, thật sự nêu gương nhằm tạo những tấm gương sáng cho quần chúng tin tưởng, noi theo. Với Người phải trách nhiệm cả trong việc chấp hành thời gian làm việc. Người rất quý thời gian, không chỉ thời gian của bản thân mà cả thời gian của người khác, của tập thể. Theo Người, đi trễ 5 phút là chuyện to chứ không phải chuyện nhỏ, vì 5 phút đó phải được nhân lên cho sự chờ đợi của nhiều người. 

Tấm gương tinh thần làm việc trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đó là nói đi đôi với làm, nói được làm được; không nói nhiều làm ít, nói mà không làm, “nói một đằng làm một nẻo”. Đây là một đặc điểm nổi bật trong phẩm chất con người Hồ Chí Minh. Quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên nhìn thấy ở Người phẩm chất, phong cách của một lãnh tụ hành động, một tấm gương có sức cảm hóa, thuyết phục đối với tất cả mọi người.

Học và làm theo lời Bác dạy về tinh thần trách nhiệm
 
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”, ở bất cứ thời kỳ nào, mỗi người đều giữ một vị trí, vai trò nhất định dù là trong gia đình, dòng họ hay ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình tham gia. Do vậy, phải có trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ, với cơ quan, tổ chức đó. Xem xét ở phạm vi rộng hơn, mỗi người đều là công dân của một quốc gia, dân tộc, do vậy phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Đối với người cán bộ, đảng viên, yêu cầu, đòi hỏi về tinh thần trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ còn cao hơn nhiều. Bên cạnh trách nhiệm, nghĩa vụ với tư cách là công dân, người cán bộ, đảng viên còn thực hiện trách nhiệm của một người cán bộ - phải tiên phong, gương mẫu đi đầu trong công việc, trong rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống, nêu gương, cũng như tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm…

Thực tế cho thấy, hiện nay đại đa số cán bộ đảng viên và quần chúng đều nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định, quy chế làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị; giữ gìn đạo đức, phẩm chất cách mạng, sống mẫu mực, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân…; thể hiện rõ tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết, tận tụy với công việc. Cán bộ, chiến sĩ tích cực, tự giác trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật; chủ động, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, bớt xén giờ giấc, làm không đúng quyền hạn, chức trách, nói nhiều, làm ít. Đặc biệt, một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cá nhân và các ngành có liên quan.

Do vậy, việc học tập và làm theo lời Bác dạy về “Tinh thần trách nhiệm” không chỉ là yêu cầu, trách nhiệm chính trị đối với mọi cán bộ, đảng viên mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với mọi tổ chức và công dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Theo đó, mỗi cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần thực sự tiên phong, gương mẫu về tinh thần trách nhiệm trước công việc và nhân dân theo phương châm “nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; đảng viên nêu gương cho quần chúng noi theo.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính chủ động, sáng tạo trước công việc được giao. Khi thực hiện nhiệm vụ, công việc cần có chương trình, kế hoạch, tránh để chậm trễ gây tồn đọng, ách tắc, không để cấp trên phải nhắc nhở, nhân dân phải phàn nàn, chê trách về ý thức trách nhiệm. Trong thực hiện nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đúng quy trình, thủ tục, đồng thời linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, việc nâng cao tinh thần trách nhiệm cần gắn với trao đổi, tự phê bình và phê bình; phát huy những việc làm tốt và sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm; nghiêm túc đấu tranh chống bệnh tranh công, đổ lỗi cho khách quan hoặc đổ trách nhiệm cho người khác…

Tựu chung lại, phải thể hiện tinh thần trách nhiệm trong những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày. Đó không chỉ là bổn phận mỗi cán bộ, đảng viên đối với tổ chức, với Đảng, với cấp trên mà còn là trách nhiệm trước nhân dân, trước tập thể, những người xung quanh và với cả chính bản thân. Từ đó hoàn thành công việc với chất lượng và hiệu quả cao, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Đó chính là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên, viên chức thực thụ./.

Minh Duyên (TTXVN)

(1), (2), (3), (4), (5): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.248-250

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết