Thứ Ba, ngày 23 tháng 04 năm 2024

Nâng cao vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn văn minh (phần 1)

Ngày phát hành: 23/05/2023 Lượt xem 1194

                                 

 

Tóm tắt: Bài viết nêu lên cách tiếp cận, nhận thức về bản chất và nội dung vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới. Trong đó chỉ rõ cần phải xem xét vai trò chủ thể của nông dân trong tổng thế các mối quan hệ với các chủ thể khác trong quá trình phát triển nền nông nghiệp và xây dựng xã hội nông thôn, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nêu lên các vấn đề đặt ra, các bất cập, các “nút thắt” cả về nhận thức, cơ chế, chính sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Trên cơ sở đó đề xuất đồng bộ định hướng các giải pháp chủ yếu về đổi mới nhận thức về vai trò chủ thể của nông dân, hoàn thiện đồng bộ về thể chế, cơ chế, chính sách để nâng cao và phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong giai đoạn mới.

 

I. CÁCH TIẾP CẬN

Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới, cần được xem xét trong tổng hợp các cách tiếp cận sau:

1. Nông dân là chủ thể nòng cốt của quá trình phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống mọi mặt ở nông thôn.

 

2. Vai trò chủ thể của nông dân không thể chỉ xem xét người nông dân từ giác độ người lao động; mà cần được xem xét gắn liền với tế bào gia đình ở nông thôn, với quá trình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và quá trình liên kết liên doanh với các doanh nghiệp và các chủ thể khác.

 

3. Vai trò chủ thể của nông dân cần được xem xét gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế.

 

4. Vai trò chủ thể của nông dân cần phải được xem xét trong sự phát triển và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội ở nông thôn.

 

5. Vai trò chủ thể của nông dân cần phải được xem xét trong tổng thể các phương diện, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện dân chủ cơ sở ở nông thôn; trong việc kiến tạo, bảo vệ, phát triển các giá trị của nông thôn trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

 

6. Vai trò chủ thể của nông dân được phát huy cao gắn liền với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước pháp quyền ở nông thôn.

 

 

II. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐANG ĐẶT RA

 

Trong quá trình lịch sử phát triển lâu dài của đất nước, nông dân luôn đóng vai trò trọng yếu, chủ lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vị trí vai trò của nông dân được gắn liền với vai trò phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo câu phương ngôn được cụ Lê Quý Đôn đúc kết “phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong quá trình hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tỷ trọng giá trị nông nghiệp trong GDP ngày càng giảm, vai trò chủ thể của nông dân cần được nhìn nhận như thế nào (?); nông dân - nông nghiệp không còn chỉ gánh trên vai chức năng đảm bảo an ninh lương thực - thực phẩm, mà còn kết nối hữu cơ với cả “công - thương - trí” để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát huy cao vai trò chủ thể của nông dân đang gặp các “nút thắt” chủ yếu sau:

 

1. Vai trò chủ thể của nông dân được thể hiện trước hết ở cơ sở kinh tế của hộ nông dân. Hiện nay, nông dân - hộ nông dân đang gắn liền với nền nông nghiệp dựa chủ yếu trên nền tảng quy mô canh tác nhỏ, lẻ của hộ nông dân[1] (khoảng 11 triệu hộ sử dụng đất nông nghiệp với hơn 2 triệu mảnh ruộng, bình quân khoảng 2,83 mảnh/hộ). Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,25 ha, trong khi đó trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha; diện tích đất canh tác dưới 1ha chiếm khoảng hơn 80% số hộ. Trong tổng số gần 10 triệu đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, số hộ chiếm 99,89%; số doanh nghiệp chỉ chiếm 0,04% và số hợp tác xã chiếm 0,07%. Quy mô đất canh tác quá nhỏ, thu nhập từ đất đai quá thấp[2], ngành nghề chậm phát triển; thu nhập bình quân của nông dân năm 2020 chỉ 43 triệu đồng/năm, tương đương gần 3,6 triệu/tháng; không thể tạo được cơ sở kinh tế vững chắc cho đa số hộ nông dân thực hiện có hiệu quả vai trò chủ thể của mình trong quá trình phát triển (điều này thể hiện ở tình trạng nhiều nơi nông dân bỏ nông thôn ra thành thị tham gia vào lực lượng lao động phi chính thức ở thành thị ngày càng lớn, với lao động, việc làm và an sinh xã hội bấp bênh). Theo Tổng cục Thống kê, mức chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước năm 2020 là 2,89 triệu đồng/người/tháng, trong đó chi cho đời sống chiếm 2,7 triệu đồng/người/tháng, bằng 93% trong tổng chi tiêu của hộ gia đình. Điều này cho thấy nguồn lực tích luỹ từ nông nghiệp cho phát triển của hộ gia đình là rất thấp, thậm chí không đủ. Cũng chính vì điều này mà hàng chục triệu lao động từ nông nghiệp rời ruộng đồng tham gia vào làm việc ở khu vực phi chính thức[3].

 

2. Chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp - nông thôn, trước hết là đội ngũ chủ hộ nông dân thấp, đang là trở ngại lớn đối với việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn nói chung. Trong tổng số 31,02 triệu người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động của khu vực nông thôn, có 26,09 triệu người chưa được đào tạo nghề, chiếm 84,1%.

 

Trình độ công nghệ canh tác, sản xuất của đa số các hộ nông dân (nhất là có ứng dụng công nghệ cao) nhìn chung còn thấp, số đơn vị ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều. Năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực. Sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao chưa nhiều; chưa tham gia sâu được vào nhiều chuỗi cung ứng các sản phẩm chất lượng cao trên thế giới (bán thô, sơ chế là chủ yếu). Đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất còn hạn chế. Công nghiệp phục vụ cho phát triển nông nghiệp còn yếu (phải nhập khẩu từ máng ăn cho gia súc, đến nhà lưới, nhiều máy móc sản xuất nông nghiệp…). Hiện nay chỉ có khoảng hơn 10% hộ nông dân thuộc loại sản xuất giỏi; số trang trại sản xuất hàng hóa hiện nay mới có khoảng gần 24.000 (chưa đến 2,4% số hộ). Trình độ sản xuất và mức độ đáp ứng các tiêu chí cao của nền nông nghiệp và của sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của nước ta so với trên thế giới còn nhiều hạn chế.

 

Sự phát triển của các HTX và doanh nghiệp trong nông nghiệp - các chủ thể làm “giá đỡ” cho phát triển kinh tế hộ nông dân, tuy những năm gần đây có tăng lên đáng kể, song vẫn còn rất ít, không đáp ứng yêu cầu[4]. Hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất, các ngành, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung vẫn thấp. Trong tổng số doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 50,6% số doanh nghiệp có lãi; 9,8% số doanh nghiệp hòa vốn và 39,6% số doanh nghiệp lỗ. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp. Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rất yếu. Trong số hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng có tới hơn 30% hòa vốn và 10,1% lỗ.

 

3. Trong quan hệ sản xuất - xã hội, người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế, hầu như không được đưa ra các quyết định trong chuỗi sản xuất và quản lý xã hội nông thôn. Vai trò của các hộ nông dân trong các chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp còn ít và yếu, chưa bền vững (nhất là giữa các hộ nông dân với các HTX và với doanh nghiệp, các đơn vị khoa học - công nghệ); trong 3 khâu chủ yếu là sản xuất, chế biến và thương mại (nhất là xuất khẩu) thì các đơn vị của Việt Nam mới làm tốt chủ yếu khâu sản xuất, còn khâu chế biến và trực tiếp tham gia thương mại thế giới ở khâu bán sản phẩm chế biến lại rất yếu; các doanh nghiệp và chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp hàng hóa Việt Nam chưa tham gia được sâu vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao, như chế biến sâu (ví dụ xuất khẩu Cà phê hạt giá bán chỉ bằng 1/500 giá Cà phê đã chế biến cao cấp…).

 

4. Năng xuất lao động của các chủ thể thấp[5], chế biến thô là chính, là nguyên nhân chủ yếu đưa đến giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp còn thấp (Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp thuộc loại hàng đầu thế giới, song phải nhập khẩu một lượng rất lớn vật tư nông nghiệp đầu vào với giá cả không ổn định và ngày càng tăng). Tính bền vững của nền nông nghiệp không cao[6]. Là nước xuất khẩu lương thực thuộc loại hàng đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-85% nguyên liệu từ nước ngoài (chủ yếu là ngô và đậu tương); chưa kể phải nhập rất nhiều máy móc, vật tư, thiết bị nông nghiệp.

 

 5. Những bất cập trong nhận thức và thực tế xây dựng và thực thi thể chế phát triển NN - NT - ND chậm được khắc phục (trong đó có thể chế đất đai, thể chế HTX, vai trò của kinh tế hộ nông dân, thể chế liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp, kinh tế nông thôn…); chưa chế định được thật phù hợp, hiệu quả thể chế về mối quan hệ giữa vai trò của Nhà nước - Thị trường - và các chủ thể sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; các mô hình sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp chậm được đổi mới và hiện đại hóa.

 

6. Đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu (Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong năm 2020, số doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập mới 1.055 doanh nghiệp. Nhưng so với con số 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước trong năm 2020 thì đây vẫn là con số rất khiêm tốn, cho thấy, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp hiện vẫn đang rất thấp. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, vốn ODA giảm mạnh). Nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực đầu tư từ xã hội và của các hộ nông dân cho phát triển còn rất hạn chế[7]; đặc biệt đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

 

7. Mối quan hệ giữa phát triển nông dân với quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa còn nhiều bất cập (qua tác động của đại dịch Covid - 19 làm bộc lộ rõ hơn điều này).

 

8. Hệ thống chính trị ở một số vùng nông thôn còn yếu kém; dân chủ, quyền làm chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân còn chưa được coi trọng và bảo vệ đầy đủ. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện sản xuất, điều kiện sống, đời sống của nhân dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người, còn rất nhiều khó khăn, thách thức…là những trở ngại lớn đối với việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân và nhân dân nói chung ở các vùng này.

 

9. Tác động của địa chính trị và cạnh tranh quốc tế đối với sản xuất kinh doanh nông nghiệp ở nước ta, nhất là khi tham gia sâu và lệ thuộc quá nhiều vào thị trường khu vực và thế giới, không thể xem thường. Trong đó có những nguyên nhân chủ quan là hệ quả của những điểm yếu cố hữu, chậm khắc phục của sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi tiểu ngạch, chất lượng không cao, không có địa chỉ xuất xứ. Điều này tác động tiêu cực tới định hướng sản xuất kinh doanh của đa số hộ nông dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

 

10. Hội nhập quốc tế về nông nghiệp ngày càng mở rộng, có nhiều cơ hội, nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức và cạnh tranh của nhiều nước về chất lượng sản phẩm, giá cả, truy suất nguồn gốc, khung thể chế (như EU rút “thẻ vàng” cảnh cáo về sản xuất thủy sản của Việt Nam…). Điều này đòi hỏi phải nâng cao trình độ mọi mặt của các chủ thể trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nhất là hàng triệu hộ nông dân.

(Còn tiếp)

PGS.TS Trần Quốc Toản

                                         Chuyên gia cao cấp

                                           Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

                                            Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương



          [1] Tại thời điểm 01/7/2020, khu vực nông thôn cả nước có 16.880,47 nghìn hộ dân cư với 62.885,27 nghìn nhân khẩu. Tính ra, trong 5 năm (2016 - 2020), khu vực nông thôn tăng 5,59% về số hộ và tăng 9,05% về số nhân khẩu. Điều này dường như đang trái với quy luật phát triển.

          [2] Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2021, cơ cấu thu nhập bình quân của hộ như sau: Tỷ trọng các khoản thu từ tiền công, tiền lương chiếm 56%; tỷ trọng thu từ hoạt động phi nông nghiệp chiếm 33,2%; tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông nghiệp chỉ còn 10,8% .

 

            [3] Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, số lao động ở khu vực phi chính thức là 20,3 triệu (chiếm 56,2%), trong đó chủ yếu là từ nông thôn; còn lao động ở khu vực chính thức là 15,8 triệu (chiếm 43,8%).

           [4] Theo kết quả điều tra năm 2020, cả nước có 9.123.018 đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 1,82% so với năm 2016. Trong đó, 9.108.129 hộ sản xuất, giảm 1,86%; 7.418 hợp tác xã, tăng 6,80%; 7.471 doanh nghiệp, tăng 94,25% so với 31/12/2015.

           [5] Dân số nông thôn VN chiếm gần 2/3 tổng dân số, lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng hơn 40%, nhưng giá trị GDP trong nông nghiệp chỉ dao động khoảng 20%.

           [6] Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp ước đạt 60,9 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% và kim ngạch nhập khẩu khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, sau 8 tháng, xuất siêu của ngành nông nghiệp chỉ còn 3,3 tỷ USD, giảm tới 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

             [7] Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng trên thực tế mới chỉ đáp ứng được 55% - 60% yêu cầu (tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành nông nghiệp/tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm 32,4% của những năm 1989 - 1990 xuống còn 14,2% những năm 2005 - 2010; và chỉ còn 5,69% giai đoạn 2013 - 2017).

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết