Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Nâng cao vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn văn minh (Phần 2)

Ngày phát hành: 25/05/2023 Lượt xem 1303

 

 

III. ĐỊNH HƯỚNG CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NÔNG DÂN

 

1. Cần nhận thức đúng, đầy đủ hơn về bản chất, vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển của đất nước, nhất là đối với quá trình phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới

 

Trong nhận thức chung nhất, khái niệm “Chủ thể” thường được hiểu là nhân tố, bộ phận chính, giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động của một hệ thống tổ chức, hay quá trình phát triển nào đó. Chủ thể có thể là một cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức.

Từ trước đến nay, trong các Văn kiện của Đảng và Nhà nước, cũng như trong xã hội luôn đề cao vai trò của nông dân với tư cách là một giai cấp trong liên minh chính trị với giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức, tạo nên cơ sở xã hội của chế độ mới; và với tư cách là lực lượng lao động chủ yếu trong phát triển nông nghiệp - nông thôn, “là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia”. Điều đó là rất đúng, tuy nhiên, vai trò chủ thể của nông dân cần được hiểu sâu hơn ở vai trò của phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn liền với và là một “đối tác” hữu cơ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đất nước. Bởi vì, nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nơi cung cấp các yếu tố trọng yếu cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đất nước, gồm: lao động, đất đai, tài nguyên, lương thực, thực phẩm; đồng thời là thị trường cho phát triển công nghiệp và dịch vụ. Nông dân đóng vai trò trọng yếu trong quan hệ “đối thoại” giữa phát triển nông nghiệp, nông thôn với quá trình công nghiệp hóa, dịch vụ hóa, đô thị hóa. Vì thế, vai trò chủ thể của nông dân cần được hiểu đầy đủ ở tầm cao ý nghĩa và vai trò trọng yếu tham gia quyết định đối với sự phát triển của đất nước, phát triển nông nghiệp nông thôn; ở việc phát triển nông dân phải là mục tiêu quy tụ của phát triển nông nghiệp - nông thôn, rộng hơn cũng là một mục tiêu trọng yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; không thể nhìn vai trò chủ thể của nông dân chủ yếu chỉ ở vai trò lực lượng lao động trung tâm, chủ yếu trong phát triển nông nghiệp - nông thôn.

 

Vai trò chủ thể của nông dân phải được thể hiện đầy đủ trong các quan hệ: quan hệ pháp luật, quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị - xã hội… với các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích được luật pháp chế định với tư cách là một chủ thể. Như vậy, với tư cách là cá nhân, hay tổ chức của người nông dân, vai trò chủ thể của nông dân đều phải được xác định rõ: là chủ thể quan hệ pháp luật, chủ thể quan hệ kinh tế (trọng tâm là chủ thể quan hệ sở hữu), chủ thể quan hệ chính trị (thành viên của Hội Nông dân trong hệ thống chính trị, là công dân), chủ thể trong quan hệ xã hội (trong gia đình, trong cộng đồng làng xã), chủ thể trong quan hệ nghề nghiệp (tham gia các hội nghề nghiệp). Để nông dân thực hiện có hiệu quả vai trò chủ thể của mình, thì cần phải đảm bảo đầy đủ, đồng bộ các điều kiện sau: i) - Cơ sở kinh tế; ii) - Cơ sở chính trị - xã hội; iii) - Cơ sở pháp lý; iv) - Năng lực thực thi vai trò chủ thể; v) - Thể chế, cơ chế thực thi vai trò chủ thể.

 

Việc xây dựng và đảm bảo các cơ sở kinh tế, cơ sở chính trị - xã hội, cơ sở pháp lý là rất quan trọng; tuy nhiên nâng cao năng lực thực thi vai trò chủ thể của nông dân và hoàn thiện thể chế, cơ chế thực thi sẽ đóng vai trò quyết định để hiện thực hóa vai trò chủ thể của nông dân trong thực tiễn; trong đó năng lực thực thi vai trò chủ thể trong kinh tế của nông dân đóng vai trò then chốt.

 

Do đặc điểm của phát triển nền nông nghiệp và phát triển xã hội nông thôn, mà vai trò chủ thể của nông dân không chỉ được thể hiện ở từng cá nhân người nông dân, hộ nông dân, mà còn được thể hiện đậm nét trong quan hệ hữu cơ với vai trò chủ thể của các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã, các doanh nghiệp trong nông nghiệp; trong quan hệ với các chủ thể sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đồng thời, vai trò chủ thể của nông dân còn được thể hiện ở sự phát triển của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư làng, xã, dòng họ…

 

Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, một mặt tạo ra những tiền đề, điều kiện mới cho việc phát huy vai trò chủ thể của hộ nông dân; mặt khác, lại đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao năng lực chủ thể của nông dân ở tất các các cấp độ và phương diện. Như vậy, vai trò chủ thể của nông dân phải được nhìn theo quan điểm phát triển, gắn với quá trình hiện đại hóa đất nước; phải được thể hiện ở các mục tiêu phát triển: là chủ thể xây dựng và hưởng thụ cuộc sống văn minh, hạnh phúc ở nông thôn; là chủ thể phát triển nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng, hiệu quả cao và xây dựng nông thôn mới; là chủ thể xây dựng, bảo vệ và phát huy các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội tốt đẹp đặc trưng của nông thôn Việt Nam.

 

 

2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực chủ thể của nông dân trong kinh tế thị trường, trong sự liên kết giữa các chủ thể để nâng cao sức mạnh

 

Việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân được thể hiện trong sự liên kết hữu cơ phát huy vai trò của các chủ thể sau: Lực lượng lao động ở nông thôn hơn 31 triệu người (trong đó trực tiếp sản xuất nông nghiệp - 14 triệu người); hơn 16 triệu hộ gia đình ở nông thôn (trong đó có khoảng hơn 9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp); hơn 17 nghìn HTX nông nghiệp; 7.471 doanh nghiệp nông nghiệp. Việc nâng cao năng lực của các chủ thể này đóng vai trò quyết định đối với việc thực hiện có hiệu quả vai trò chủ thể của nông dân.

 

(1). Nâng cao năng lực của người nông dân gắn với phát triển kinh tế hộ nông dân

Do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, vai trò và năng lực của người nông dân (trước hết là các chủ hộ) được thể hiện tập trung ở trình độ phát triển của Kinh tế hộ nông dân - với tính cách là một đơn vị kinh tế tự chủ, cơ bản, nền tảng trong phát triển nông nghiệp - nông thôn. Hộ nông dân là một đơn vị đặc thù: là đơn vị sản xuất kinh doanh tự chủ, là đơn vị tiêu dùng, đồng thời là đơn vị xã hội huyết thống - tế bào cơ bản của xã hội. Trình độ, quy mô, sự phát triển hiệu quả, bền vững của Kinh tế hộ nông dân đóng vai trò chủ thể nền tảng của cho sự phát triển nông nghiệp - nông thôn.

 

 Hiện nay, trên bình diện chung nhất của cả nước, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, kinh tế hộ nông dân có phân hóa, phân tầng thành các loại hộ khác nhau sau đây: i) - Hộ sản xuất tự cung tự cấp; ii) - Hộ sản xuất hàng hoá nhỏ; iii) - Hộ sản xuất hàng hóa là chủ yếu; iv) - Hộ sản xuất hàng hoá hoàn toàn. Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, số hộ ở nhóm i) và ii) đang còn chiếm đa số; số hộ ở nhóm iii) và iv) đang gia tăng, song chậm và số hộ sản xuất kinh doanh giỏi mới chỉ chiếm khoảng hơn 10 %. Cần có các cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển phù hơn với từng nhóm hộ và điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực.

 

Đối với nhóm hộ i), là những hộ sản xuất còn mang nặng tính tự nhiên, tự cung, tự cấp là chủ yếu; định hướng phát triển và mục tiêu hàng đầu là đảm bảo mức sống tối thiểu để vươn lên thoát nghèo bền vững với giải pháp trọng tâm là nâng cao trình độ kinh tế hộ, nâng cao năng lực nội sinh và năng lực sản xuất kinh doanh. Theo đó, cần tiếp tục hỗ trợ để nâng cao mức sống, đồng thời và quan trọng hơn là thực hiện giải pháp đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất, phát triển sinh kế gắn với phát triển điều kiện sản xuất. Ở những nơi đủ điều kiện có thể hướng dẫn hộ nông dân đi vào sản xuất hàng hóa với sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước, cộng đồng, hoặc các đơn vị trực tiếp đầu tư.

 

Đối với nhóm hộ ii), đây là những hộ đang ở trình độ sản xuất tự cung tự cấp gắn với sản xuất hàng hóa nhỏ; nhóm này đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Với nhóm hộ này, cần tập trung nâng cao trình độ và trạng thái kinh tế hộ, tạo điều kiện để họ vượt qua được ngưỡng tái sản xuất giản đơn để đi vào sản xuất hàng hóa thông qua quá trình tăng quy mô canh tác của hộ và chuyển lao động sang phát triển ngành nghề phi nông. Đây là quá trình không đơn giản, nhất là ở vùng đất chật người đông, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển. Cùng với thực hiện chính sách và giải pháp phát triển ngành nghề phi nông, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để thức đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất với quy mô cần thiết cho phát triển nông sản hàng hóa (như thực hiện góp vốn bằng ruộng đất, ủy thác canh tác hoặc cho thuê, sang nhượng…). Ngoài ra cũng cần có những chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường cho hộ nông dân; tổ chức, hoàn thiện hệ thống dịch vụ và tiêu thụ nông sản, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các mô hình HTX và những hình thức liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp với trình độ và quy mô sản xuất hàng hóa. Ở những nơi điều kiện thị trường cho phép, có thể hỗ trợ hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao.

 

Đối với nhóm hộ iii) và iv), là những hộ đã đi vào sản xuất nông sản hàng hóa ở mức độ cao hơn; cần tiếp tục nâng cao quy mô, hiệu quả và chất lượng sản xuất kinh doanh, hình thành vùng chuyên sản xuất nông sản hàng hóa đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu. Để phát triển theo định hướng này, cần có chính sách và chương trình đào tạo nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và quy trình sản xuất kinh doanh tiên tiến để nâng cao khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất và nâng cao năng lực tiếp cận thị trường. Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, hướng dẫn và hỗ trợ đẩy mạnh hình thức liên kết sản xuất kinh doanh gắn các đơn vị chế biến, cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp thương mại với hộ nông dân và HTX nông nghiệp. Nhà nước cần đặc biệt chú ý xây dựng chương trình, cơ chế và hình thức để đào tạo “chủ hộ nông dân thế hệ mới” với kiến thức và kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh tổng hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

(2). Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn, thực hiện có hiệu quả chủ trương “ly nông bất ly hương” để nâng cao năng lực tổng hợp của nông dân

 

Do điều kiện cụ thể ở nước ta, đất canh tác trên đầu người thuộc loại thấp nhất thế giới, thu nhập từ đất đai hiện thời của đa số hộ nông dân chưa đủ để trang trải các chi phí của gia đình (chưa nói đến có tích lũy để phát triển); trong khi quá trình phát triển công nghiệp và dịch vụ ở các đô thị tập trung chưa đủ sức thu hút hết lao động dư thừa ở nông thôn. Vì vậy, vấn đề phát triển ngành nghề ở nông thôn là một nội dung mang tính chiến lược trong phát triển nông nghiệp - nông thôn. Nhà nước cần tổ chức nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phát triền ngành nghề cụ thể, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng lĩnh vực.

 

Đồng thời, sự cất cánh mạnh chỉ có thể đạt được nếu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (bao gồm cả công nghiệp hóa, dịch vụ hóa nông thôn), nhằm rút bớt lao động và giảm số hộ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, thúc đẩy sự phân công lao động, phân tầng, phân hóa, chuyên môn hóa, chuyên canh hóa, đi vào sản xuất hàng hóa ở quy mô ngày càng lớn hơn của các hộ nông dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Đó cũng là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - kinh tế nông thôn, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả; phát triển tổng hợp kinh tế - xã hội ở nông thôn.

 

(3). Đẩy mạnh phát triển đa dạng, phù hợp, hiệu quả các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong các lĩnh vực, ngành hàng, chuỗi sản xuất kinh doanh, làm “giá đỡ” cho sự phát triển năng lực của nông dân, kinh tế hộ nông dân, kết nối với doanh nghiệp và thị trường

 

Đổi mới và phát triển các mô hình HTX trong định hướng chuyển mạnh thể chế phát triển nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, phù hợp với điều kiện của từng vùng, lĩnh vực và sản phẩm; gắn với hình thành những liên kết hiệu quả và bền vững giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, theo hướng có trách nhiệm, đảm bảo lợi ích và chia sẻ rủi ro. Đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp phải lấy đơn vị kinh tế hộ nông dân làm đơn vị cơ sở để hình thành các mô hình phù hợp với điều kiện đa dạng, đa tầng của trình độ kinh tế hộ ở mỗi vùng, miền, lĩnh vực và sản phẩm, nhằm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, các chuỗi sản xuất kinh doanh và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; tạo sự liên kết bền vững với doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu liên kết của hộ nông dân trong quá trình sản xuất hàng hóa hiện đại và hội nhập với trọng tâm là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX.

 

Đối với nhóm hộ thứ nhất (i), do trình độ kinh tế hộ còn thấp, sản xuất chủ yếu ở trình độ tự nhiên và tự cung tự cấp, do đó cần hình thành các hình thức hợp tác giản đơn như tổ hợp tác tương trợ giữa các hộ ở những khâu nhất định với sự giúp đỡ của nhà nước. Đối với nhóm hộ thứ hai (ii), tương ứng với trình độ tự cung tự cấp và sản xuất hàng hóa nhỏ, hình thức HTX thích hợp là dịch vụ tổng hợp. Hộ nông dân có thể góp vốn, ruộng đất với mức khác nhau để hình thành HTX cổ phần sản xuất nông sản hàng hóa. Đối với nhóm thứ ba và bốn (iii và iv), trình độ kinh tế của hộ đã đi vào sản xuất hàng hóa, hình thức chủ yếu sẽ là liên kết và cung cấp các dịch vụ “đầu vào, đầu ra” phục vụ cho quá trình sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững. Khi nhiều hộ sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn trong một vùng, rất cần khuyến khích và tạo điều kiện để thành lập và phát triển các liên kết theo ngành dọc. Có thể thành lập doanh nghiệp (từ sản xuất đến chế biến và đưa ra thị trường…) trong HTX của hộ nông dân hoặc hình thức liên kết sản xuất kinh doanh cả về trách nhiệm, lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể tham gia. Để đẩy mạnh quá trình liên kết, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện Luật hợp tác xã, thể chế liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp và xây dựng các chương trình, hình thức, cơ chế phù hợp để đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý HTX kiểu mới với kiến thức và kỹ năng quản lý đáp ứng được yêu cầu của nông nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

(4). Đẩy mạnh phát triển đồng bộ hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp, làm nhân tố trung tâm - chủ lực liên kết với các hợp tác xã và kinh tế hộ nông dân trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới

 

Hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp (bao gồm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, các đơn vị cung ứng dịch vụ đầu vào - đầu ra, cung ứng công cụ, thiết bị và máy móc nông nghiệp, dịch vụ khuyến nông, dịch vụ khoa học- công nghệ và doanh nghiệp thương mại…) chậm phát triển và không đồng bộ sẽ là “đứt gãy” các chuỗi sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp, bị phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây đang là một “điểm nghẽn” lớn cần phải khẩn trương khắc phục để tạo động lực phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững của đất nước.

 

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp trong các lĩnh vực của cả nước; hơn nữa, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp nội địa trong một số lĩnh vực còn rất ít và nhỏ bé (như trong lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc, doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới hơn 70% sản lượng; các đơn vị cung ứng - chuyển giao công nghệ cao còn rất ít…). Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đầu tư, chính sách thuế, tín dụng, chính sách đất đai, chính sách phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao…phù hợp với đặc điểm của phát triển nông nghiệp và nông thôn ở nước ta, để thúc đẩy phát triển nhanh hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp - nông thôn, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao, gắn kết hữu cơ với sự phát triển của kinh tế hộ nông dân và hệ thống HTX, tạo thành hệ sinh thái phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiệu quả bền vững.

 

(5). Đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp - nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ nông dân kết nối có hiệu quả với thị trường trong nước và quốc tế.

 

Quá trình xã hội hóa của nền nông nghiệp về cơ bản là quá trình phát triển và tác động qua lại - hỗ trợ lẫn nhau giữa kinh tế hộ nông dân với nhau và với các HTX, các doanh nghiệp và với các chủ thể liên quan khác thông qua các hình thức kinh tế hợp tác, hình thức liên kết kinh doanh khác. Yêu cầu đặt ra là hình thành đa dạng các liên kết ngang hay liên kết dọc, hay liên kết hỗn hợp giữa các chủ thể. Nền tảng cốt lõi của các liên kết này là liên kết và chia sẻ về mặt lợi ích, trách nhiệm, và sự chia sẻ về rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh, mà hộ nông dân là cơ sở. Phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất và trình độ của nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp nói riêng, phụ thuộc vào trình độ của kinh tế hộ nông dân, vào sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, vào mức độ tham gia vào kinh tế thị trường, vào đặc điểm và quy mô của đối tượng sản xuất…các đơn vị kinh tế hộ nông dân sẽ tham gia vào các hình thức hợp tác và liên kết kinh doanh với các chủ thể khác ở những cấp độ khác nhau. Trong một chu trình từ sản xuất tới người tiêu dùng, thường sẽ phải quá các chủ thể sau: Đơn vị kinh tế hộ nông dân (ĐVKTH), đơn vị thu mua, chế biến, bảo quản (ĐVCB), đơn vị kinh doanh thương mại (ĐVKD), sau đó sẽ được đưa ra thị trường (TT), và cuối cùng là tới tay người tiêu dùng (NTD); nhưng nhiều khi phải qua các chủ thể trung gian (TG).

 

Phụ thuộc vào trình độ của kinh tế hộ nông dân, có thể khái quát thành 5 cấp độ liên kết sản xuất kinh doanh như nêu ở hình 1.

Hình 1: Lược đồ về Hợp tác - liên kết sản xuất - kinh doanh

trên cơ sở kinh tế hộ nông dân

 

Trong lược đồ trên: (I) - Là trạng thái cơ bản của các hộ kinh tế nông dân ở trình độ sản xuất tự cung tự cấp là chủ yếu, hầu như không hoặc rất ít tham gia thị trường; (II) - Là trạng thái của các hộ kinh tế nông dân tham gia sản xuất hàng hóa một cách độc lập. Sản phẩm đưa ra thị trường có thể phải trải qua nhiều chủ thể độc lập (kể cả các khâu trung gian); (III) - Là trạng thái của các hộ kinh tế nông dân chỉ hợp tác - liên kết với nhau chủ yếu ở khâu sản xuất; (IV) - Là trạng thái của các hộ kinh tế nông dân thực hiện sự hợp tác với nhau cả ở khâu sản xuất của của hộ (hợp tác theo chiều ngang) và các khâu khác theo chiều dọc (như liên kết với các đơn vị chế biến, bao tiêu sản phẩm...) cho tới khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng; đây là trạng thái của kinh tế hộ và nền nông nghiệp hàng hóa trình độ cao, phát triển theo chiều sâu; (V) - Là trạng thái của các hộ kinh tế nông dân sản xuất hàng hóa lớn (các nước trên thế giới gọi là trang trại lớn hay cực lớn), bao quát tất cả các khâu sản xuất kinh doanh theo chiều ngang và chiều dọc, cho tới khâu đưa sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng. Trong nền nông nghiệp hàng hóa phát triển cao, tỷ lệ số hộ này không nhiều, nhưng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa lớn ở một số lĩnh phù hợp.

 

Trên thực tế còn có các mô hình liên kết là sự đan chéo giữa các trạng thái nêu trên, như: các hộ nông dân độc lập liên kết với các đơn vị chế biến và kinh doanh để được bao tiêu sản phẩm; hay các HTX của các hộ nông dân liên kết với các đơn vị chế biến và kinh doanh để được bao tiêu sản phẩm và cung ứng các dịch vụ… Song hành với quá trình trên là sự ra đời và phát triến của hệ thống các đơn vị cung cấp các dịch vụ như tín dụng, khoa học - công nghệ, khuyến nông, cung cấp giống cây con, bảo vệ thực vật, bảo hiểm nông nghiệp, tư vấn… (cả công và tư, vì lợi nhuận và không không vì lợi nhuận, trong nước và quốc tế).

 

Cần từ điều kiện và trình độ phát triển của từng vùng, từng lĩnh vực, để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả giữa các chủ thể. Vấn đề quan trọng là phải chế định được khung pháp lý, cơ chế, chính sách thích ứng với từng loại mô hình liên kết, trong đó quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể.

 

Đặc biệt phải hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách hợp tác và hội nhập quốc tế về nông nghiệp, đáp ứng các yêu cầu cao về khung khổ pháp lý, về chất lượng sản phẩm, về truy xuất nguồn gốc…, để nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản Việt Nam, đồng thời bảo vệ được hàng nông sản của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

 

 

3. Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nông dân, đội ngũ doanh nhân nông nghiệp hiện đại trong phát triển nông nghiệp - nông thôn mới

 

Phát triển nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, bền vững, gắn liền với xây dựng nông thôn văn hóa, văn minh, nhân bản, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, đòi hỏi phải đào tạo thế hệ nông dân, đội ngũ cán bộ quản lý HTX, đội ngũ doanh nhân nông nghiệp toàn diện về nhận thức chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, có khát vọng làm giàu và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình, cho quê hương, đất nước.

 

Cần phải đặc biệt quan tâm đào tạo đôi ngũ nhân lực đáp ứng với yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, trong đó có 10 triệu chủ hộ nông dân, thích ứng với yêu cầu của nền nông nghiệp sinh thái 4.0. Đã đến lúc không thể đơn thuần coi nghề nông chỉ là nghề “cha truyền con nối”, “lão nông tri điền”, “trông trời, trông đất, trông mây”. Nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi các chủ doanh nghiệp, giám đốc các HTX, các chủ đơn vị kinh tế hộ gia đình phải là những người có tư duy, kiến thức, kỹ năng quản lý tổng hợp, biết ứng dụng sáng tạo các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế; đặc biệt là phải đổi mới và nâng tầm tư duy, nhận thức và năng lực sản xuất kinh doanh kinh tế xanh, kinh tế sạch, kinh tế tuần hoàn bền vững.

 

Đây là nội dung rất quan trọng, cần làm cho nghề nông từng bước thoát khỏi “kinh nghiệm thuần túy”, chỉ những người kém không đỗ đạt mới ở lại với nghề “chân lấm tay bùn”. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phát triển nền nông nghiệp hiện đại các chủ hộ nông dân phải được đào tạo rất kỹ và tổng hợp về hạch toán kinh doanh, quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, quy trình sản xuất tiên tiến[1]. Nhà nước cần, một mặt, tiếp tục thực hiện các chính sách giáo dục cần thiết để nâng cao dân trí ở nông thôn, thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến nông, đào tạo các chủ hộ nông dân, các cán bộ HTX trưởng thành qua thực tiễn sản xuất kinh doanh… Đồng thời, cần phải có quy hoạch và chính sách xây dựng các trường, các chương trình đào tạo (qua hệ thống trường lớp thích hợp của nhà nước và của các hội, hiệp hội ngành nghề…) chuyên về những kiến thức cần thiết để hình thành đội ngũ các chủ hộ nông dân, các cán bộ quản lý HTX, chủ các doanh nghiệp nông nghiệp được đào tạo chuyên nghiệp, có trình độ kiến thức, trình độ quản lý sản xuất kinh doanh hiện đại, kinh nghiệm thương trường, có vị trí xã hội không kém gì các ngành nghề khác. Gắn liền với đó cần phải đào tạo được đội ngũ chuyên gia giỏi về các lĩnh vực nông nghiệp hiện đại. 

 

4. Đổi mới và hoàn thiện chế đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp - nông thôn, nâng cao trình độ và năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ của nông dân

 

Để đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền nông nghiệp sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi phải đổi mới và hoàn thiện thể chế thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao trong nông nghiệp, đến tận các hộ nông dân, các HTX. Đây là con đường chủ yếu để nâng cao năng lực và vai trò chủ thể của nông dân trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phải được coi là khâu then chốt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chỉ có dựa vào khoa học - công nghệ và áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến mới khai thác và tận dụng được các cơ hội, các lợi thế - chuyển hóa thành lợi thế cạnh tranh của nền nông nghiệp. Điều quan trọng là phải xây dựng được cơ chế liên kết có hiệu quả giữa đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với quá trình sản xuất kinh doanh, trước hết trong các ngành hàng và sản phẩm chủ lực, mũi nhọn. Cơ chế này có thể được thực hiện thông qua triển khai các Chương trình mục tiêu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao - chất lượng cao của Nhà nước, qua xây dựng cơ chế liên kết tự nguyện giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu với các đơn vị sản xuất kinh doanh, các HTX, các hộ nông dân trong từng lĩnh vực. Trọng tâm là phải xây dựng được cơ chế liên kết đồng bộ về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, và chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia; đảm bảo lợi ích xứng đáng và hài hòa cho các nhà khoa học và các chủ thể liên quan. Trong điều kiện cụ thể hiện nay, cần tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào các khâu như: giống cây, con chất lượng cao, chế biến - bảo quản chất lượng cao, mô hình và quy trình canh tác tiên tiến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Vấn đề quan trọng đặt ra là cần xây dựng “Bản đồ công nghệ” nông nghiệp Việt Nam, nhất là công nghệ tiến tiến trong các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực như lúa gạo, thủy sản, các cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc…; xây dựng các giải pháp và lộ trình đề thực hiện các công nghệ này. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình này, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ đầu tư và các chính sách ưu đãi khác.

 

Cần đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ trong nông nghiệp theo hướng có sự liên kết theo các chuỗi sản xuất, gắn với các doanh nghiệp, các HTX và với các hộ nông dân, nhất là ở các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Xây dựng và phát triển có hiệu quả các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, các khu nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện của từng vùng và từng lĩnh vực, gắn với thị trường ổn định. Trao quyền tự chủ cao cho các đơn vị này, đồng thời có cơ chế liên kết về mặt trách nhiệm ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh với chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các chủ thể.

 

 

5. Hoàn thiện đồng bộ thể chế để nâng cao vai trò làm chủ của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

 

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng và quản lý -quản trị phát triển ở nông thôn, làm cơ sở cho việc xây dựng và phát huy có hiệu quả tính tự chủ, tự quản của cộng đồng dân cư ở nông thôn; thông qua sự kết nối giữa từng người lao động, từng gia đình, từng dòng họ trong các hoạt động của Hội nông dân, Mặt trận Tổ quốc và các hội quần chúng, của cộng đồng dân cư ở nông thôn. Đề cao hơn vai trò chính trị - xã hội của Hội nông dân trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả vai trò tổ chức xã hội - nghề nghiệp của hội đối với các thành viên trong việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đặt quyền - nghĩa vụ - lợi ích - trách nhiệm của từng nông dân, hộ gia đình và của cả cộng đồng làm trung tâm trong mọi chương trình, kế hoạch, dự án phát triển ở nông thôn, theo phương châm Dân biết - dân bàn - dân quyết - dân làm - dân kiểm tra - dân giám sát - dân thụ hưởng. Cần phải cụ thể hóa và thể chế hóa phương châm này trong các lĩnh vực hoạt động thành các quy định pháp lý, các thỏa ước cộng đồng; gắn liền với việc hoàn thiện và thực thi có hiệu quả “quy chế dân chủ cơ sở”. Đồng thời, cần tiếp tục chế định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ, trách nhiệm giải trình của các cấp ủy đảng, của các cơ quan chính quyền, nhất là những người đứng đầu, trước nhân dân, về sự lãnh đạo và quản lý của mình, trước hết là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người dân.

 

Đồng thời, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực chủ thể pháp luật của nông dân; đó là trình độ hiểu biết pháp luật và năng lực thực thực thi pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là cơ sở đề nông dân bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng của mình; đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội, chủ động tham gia vào xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền, chính quyền, xây dựng xã hội công dân ở nông thôn. Những cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị - xã hội quan trọng này, gắn hữu cơ với việc nâng cao năng lực và trình độ kinh tế của nông dân, sẽ là nền tảng để nông dân thực hiện có hiệu quả quyền làm chủ, vai trò chủ thể, tự chủ, tự quản của mình trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, theo mục tiêu “ấm no, hạnh phúc, đoàn kết, văn minh, nghĩa tình”.

(Hết)

PGS.TS Trần Quốc Toản

                                    

                                           Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

                                            Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia, tập I, tập II, Hà nội - 2021.
  2. Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 19 -NQ/TW (khóa XIII), ngày 16 tháng 6 năm 2022, Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  3. Tổng cục Thống kê, Khảo sát mức sống dân cư năm 2021
  4. Tổng cụ Thống kê, Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020.
  5. Trần Quốc Toản, Vấn đề tích tụ - tập trung ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa, hdll.vn ; phần 1 ngày 19/05/2021, phần 2 ngày 21/05/2021.
  6. Trần Quốc Toản, Phát triển kinh tế hợp tác xã và vấn đề hoàn thiện thể chế đất đai trong nông nghiệp, hdll.vn ; phần 1 ngày 05/05/2022, phần 2 ngày 06/05/2022


        [1] Ở các nước có nền nông nghiệp tiên tiến có các trường đào tạo các chủ nông trại, các nông trại gửi những con em sẽ kế nghiệp nhà nông tới đây học. Ngay ở nước ta đã có một số hộ sản xuất kinh doanh lớn có con em tốt nghiệp đại học cũng quay về làm quản lý kinh tế hộ ở nhà, hoặc cho con em mình đến học những trường lớp chuyên ngành cần thiết, hoặc thuê cán bộ KHKT có kinh nghiệm.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết