Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (Phần 1)

Ngày phát hành: 18/08/2020 Lượt xem 5619

 

Trong quá trình phát triển xã hội, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, sự tương tác qua lại giữa kinh tế và văn hóa rất đa dạng, đa chiều, đa cấp độ. Sự tương tác đó làm cho kinh tế “thấm vào” văn hóa và văn hóa “thấm vào kinh tế”, trở thành vừa là “của nhau” vừa là “đối tác” với nhau cả thuận chiều và nghịch chiều, tạo nên động lực phát triển, xu thế phát triển tổng hợp của cả văn hóa và kinh tế. Dưới đây sẽ xem xét các phương diện tác động qua lại đó.

 

1. Chiều tác động của kinh tế đối với văn hóa

Sự phát triển của kinh tế có những quy luật khách quan và những tác động chủ quan của con người, trước hết là của nhà nước với hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, và của các chủ thể tham gia các hoạt động kinh tế. Những tác động chủ quan không phải khi nào cũng phù hợp với những yêu cầu của quy luật khách quan. Sự tác động của kinh tế đối với văn hóa mang cả dấu ấn khách quan và chủ quan, đồng thời thể hiện ở trên tất cả các tầng từ vĩ mô, tới các chủ thể sản xuất kinh doanh, quá trình sản xuất kinh doanh, tới mỗi cá nhân con người và toàn xã hội; và được thể hiện cả ở trong ba trụ cột phát triển văn hóa (đời sống – lối sống văn hóa; sáng tạo văn hóa; thể chế - thiết chế văn hóa).

1) Sự tác động của thể chế

Cả lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng Thể chế đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của một nước. Trong cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại”, để trả lời câu hỏi vì sao có những quốc gia giầu tài nguyên và điều kiện địa lý – tự nhiên thuận lợi lại không phát triển, thậm chí còn bị suy tàn đi; ngược lại, có những quốc gia rất nghèo tài nguyên, điều kiện tự nhiên không thuận lợi nhưng lại có sự phát triển mạnh mẽ, đáng khâm phục, hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson đã đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu mang tính quyết định là thể chế. Theo hai ông có thể khái quát thành hai loại thể chế : “Thể chế chiếm đoạt” (hay tước đoạt) và “Thể chế dung hợp”. Có thể nêu vắn tắt Thể chế chiếm đoạt là thể chế không nuôi dưỡng và phát triển nguồn lực (các chủ thể) và động lực phát triển; còn Thể chế dung hợp là thể chế tạo cơ sở cho “nuôi dưỡng” và phát triển các nguồn lực và động lực phát triển xã hội. Trên thực tế, các thể chế ở các nước thường là sự kết hợp giữa hai loại thể chế đó ở những mức độ khác nhau. Xét theo “lát cắt” các lĩnh vực sẽ có nhiều loại thể chế khác nhau, ở đây chỉ đề cập hai lĩnh vực chủ yếu nhất : Thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Thể chế chiếm đoạt về chính trị là thể chế hạn chế cao quyền con người, quyền công dân, quyền tự do dân chủ, nhà nước không (hoặc rất hạn chế) chịu trách nhiện giải trình và trách nhiệm xã hội trước công dân và xã hội, vai trò của luật pháp rất hạn chế. Thể chế chiếm đoạt về kinh tế là thể chế hạn chế cao quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng nguồn lực phát triển của xã hội, quyền sản xuất kinh doanh, quyền hưởng thụ xứng đáng với lao động của mình. Còn ngược lại, thể chế dung hợp về chính trị và về kinh tế lại tạo cơ sở pháp lý để “nuôi dưỡng”, dung hợp (hài hòa) và phát triển quyền tự do, dân chủ của con người, của công dân gắn với trách nhiệm xã hội, tạo cơ sở để mọi người dân thực hiện quyền sống – lao động – sáng tạo – sản xuất kinh doanh và hưởng thụ đúng với năng lực của mình. Còn nhà nước là “Bà đỡ” mát tay cho quá trình phát triển này. Thể chế dung hợp tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển tài năng, sáng tạo của mỗi con người và toàn xã hội, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước. Như vậy, trong các thể chế chiếm đoạt, các động lực phát triển lành mạnh bị “trói lại”, làm suy yếu đi, các “giá trị xã hội” được thể chế này định hình chiếm ưu thế trở thành “lực phản phát triển”. Điều đó có nghĩa là thể chế chiếm đoạt tạo ra những “giá trị tiêu cực” về con người, về xã hội, về văn hóa để chi phối và bảo vệ sự tồn tại của thể chế đó. Thể chế chiếm đoạt về chính trị thường phải được “cộng hưởng và nuôi dưỡng” bởi thể chế chiếm đoạt về kinh tế làm triệt tiêu đi động lực phát triển, động lực sáng tạo, và cũng là triệt tiêu đi các giá trị con người, gía trị văn hóa, giá trị xã hội tốt đẹp, tích cực. Đó là nguyên do chủ yếu dẫn đến sự thất bại của nhiều quốc gia (ở những cấp độ khác nhau) trong quá trình phát triển.

Trên đây chỉ là một số nhận xét rất khái quát về vai trò và tác động của thể chế. Có thể minh họa rõ hơn qua quá trình đổi mới thể chế phát triển kinh tế ở nước ta : Từ thể chế hành chính – kế hoạch hóa tập trung – bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong thể chế kinh tế cũ, với sở hữu nhà nước và sở hữu HTX – tập thể hóa chiếm đa số tuyệt đối, sở hữu của các thành phần kinh tế khác và của tư nhân hầu như không đáng kể và không được khuyến khích phát triển. Trong thể chế đó, hầu như tất cả mọi người đều là người làm “công ăn lương, hay làm công lấy điểm”, không phải là những chủ thể sản xuất kinh doanh tự chủ. Thể chế kinh tế đó đã là “nền tảng” để xác định giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị văn hóa “làm chủ tập thể” mà thực chất là “chủ chung – vô chủ”. Những giá trị đó dần làm suy yếu đi động lực phát triển khi đi vào phát triển kinh tế với những quy luật khách quan của nó; không tạo được nền tảng cơ bản để hình thành và phát triển mạnh những gía trị tốt đẹp để tạo được động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội (động lực về lợi ích kinh tế và động lực về tinh thần đã không tạo được hợp lực phát triển tích cực); ngược lại, thể chế kinh tế đó lại là cơ sở để tạo ra những tiêu cực trong việc hình thành giá trị con người, giá trị xã hội. Rõ ràng, những mong muốn tốt đẹp về xây dựng những giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị văn hóa, lối sống và nhân cách tích cực trên nền của thể chế kinh tế “làm chung ăn chung” đã  không thành hiện thực.

Khi chuyển sang thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN với nội dung côt lõi là : Phát triển nền kinh tế đa sở hữu – đa thành phần; xóa bỏ HTX – tập thể hóa và xác lập hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, trao quyền làm chủ ruộng đất và tư liệu sản xuất cho hộ nông dân; Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tư liệu sản xuất và tài sản chính đáng của mọi người, mọi tổ chức; mọi người, mọi tổ chức được quyền tự chủ sản xuất kinh doanh theo pháp luật; thực hiện sự phân phối theo lao động và theo các hình thức khác mà pháp luật quy định…Kinh tế thị trường với các quy luật khách quan của nó đặt lên hàng đầu “lợi nhuận, hiệu quả, năng lực cạnh tranh không ngừng nâng lên”, luôn thay đổi về công nghệ và sản phẩm; đồng thời kinh tế thị trường luôn ẩn chứa những rủi ro có khi rất lớn; chính những điều này đặt ra những yêu cầu – tiêu chí mới về giá trị con người, giá trị nhân lực, giá trị xã hội, giá trị văn hóa nói chung, trong đó nổi lên hàng đầu là các giá trị năng động, sáng tạo, luôn đổi mới, có tư duy chiến lược, quyết đoán, có năng lực dự báo, dám mạo hiểm… Thể chế kinh tế này đặt mỗi con người, mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh trở thành chủ thể của chính mình và trong sự tương tác với các chủ thể khác. Thành quả hoạt động kinh tế trở thành thước đo giá trị về năng lực, phẩm chất, con đường thăng tiến, địa vị xã hội của mỗi người và mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh, cũng như của mỗi người lãnh đạo - quản lý. Chủ nghĩa bình quân, cào bằng đã không còn cơ sở tồn tại (ở đây không nói về các chính sách xã hội).

Cùng với phát triển kinh tế thị trường là quá trình công nghiệp hóa – xã hội hóa nền sản xuất xã hội ở trình độ ngày càng cao hơn. Việc tách quá trình sản xuất - lưu thông với quá trình tiêu dùng đã làm nảy sinh sự khác biệt giữa văn hóa sản xuất và văn hóa tiêu dùng, mặc dù giữa hai loại văn hóa này có quan hệ phụ thuộc và tương tác lẫn nhau. Quá trình công nghiệp hóa dẫn tới sự phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất theo các công đoạn khác nhau, trong từng đơn vị sản xuất, trong từng dây truyền sản xuất, từng chuỗi sản phẩm, giữa các ngành - lĩnh vực kinh tế, trong toàn bộ nền kinh tế quốc gia và hội nhập quốc tế. Nhưng tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau, chế định lẫn nhau. Chính điều đó lại đặt ra yêu cầu và điều kiện để hình thành những giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị văn hóa – tư duy, lối sống, tác phong mới mà người ta gọi khái quát là “văn hóa công nghiệp - lối sống công nghiệp” với những đặc trưng cơ bản là ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, tư duy về chất lượng và hiệu quả, gắn trách nhiệm và lợi ích cá nhân với trách nhiệm và lợi ích tập thể, năng lực kết nối làm việc tập thể với đồng nghiệp, năng lực hội nhập quốc tế…Văn hóa công nghiệp không chấp nhận – không dung hợp với văn hóa – lối sống tùy tiện của nền kinh tế nông dân - tiểu nông. Việc hình thành và xác lập được nền nền văn hóa công nghiệp hiện đại, nhất là hội nhập quốc tế không đơn giản và nhanh chóng. Người ta có thể đầu tư xây dựng lên những nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại trong một thời gian ngắn, nhưng việc xây dựng cho được nền văn hóa công nghiệp với những giá trị tốt đẹp trở thành bản chất phổ quát - bền vững của một xã hội sẽ thực sự là một cuộc cách mạng - cuộc đấu tranh xây và chống, có thể phải trải qua mấy thế thế hệ người lao động (từ cả người lãnh đạo cao cấp đến người lao động bình thường). Chính trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, một mặt tạo ra những cơ sở vật chất, môi trường và thể chế thuận lợi, mặt khác cũng là quá trình “áp đặt – cưỡng bức” loại bỏ các giá trị văn hóa truyền thống không còn phù hợp để hình thành nền văn hóa phù hợp với bản chất kinh tế - xã hội của giai đoạn mới.

Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ một thể chế phát triển nào khác, thể chế kinh tế thị trường với những quy luật khách quan cũng có những hạn chế và tác động tiêu cực đến hình thành các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội (ở đây không nói tới các tác động tiêu cực từ phía chủ quan của các chủ thể lợi dụng cơ chế thị trường), như: phân bổ và sử dụng nguồn lực của xã hội chỉ theo cơ chế thị trường (theo tiếng gọi của lợi nhuận) sẽ dẫn đến cơ cấu đầu tư của xã hội không cân đối hài hòa, hợp lý, hiệu quả được giữa các ngành, lĩnh vực, vùng trong quốc gia, dẫn đến phân hóa giầu nghèo cao, chạy theo lợi ích kinh tế mà coi nhẹ các lĩnh vực xã hội, quan hệ xã hội và quan hệ con người có thể bị lợi ích kinh tế lấn át…Chính vì vậy mà nhà nước và các thể chế phát triển khác cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, nhất là về phương diện xã hội, nhưng lại không làm yếu đi các động lực tích cực của cơ chế thị trường. Đây là bài toán không dễ dàng, nó cần phải được xử lý có hiệu quả trong mỗi giai đoạn và trình độ phát triển cụ thể.

Như vậy, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ với các thể chế phát triển khác có vai trò trọng yếu quyết định không chỉ sự phát triển kinh tế hiệu quả bền vững, mà còn là cơ sở để hình thành và phát triển các giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị văn hóa mới phù hợp với yêu cầu về bản chất và trình độ phát triển của thể chế xã hội mới. Và khi đã hình thành được những giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội tương thích, thì chính các giá trị đó lại tạo được động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế và xã hội.

 

 

2) Tác động tới hình thành văn hóa doanh nghiệp – văn hóa kinh doanh mới

Quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đặt ra những điều kiện khách quan và yêu cầu để hình thành văn hóa doanh nghiệp – văn hóa kinh doanh mới. Các quá trình hướng tới tìm kiếm lợi nhuận cao, cạnh tranh với các đối thủ để giành giật – chiếm lĩnh thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, hợp tác sản xuất kinh doanh với các đối tác…đã đặt cơ sở cho việc hình thành các giá trị văn hóa kinh doanh, giá trị doanh nhân, giá trị văn hóa doanh nghiệp mới. Các giá trị đó được thể hiện tập trung ở các khía cạnh: Xây dựng thương hiệu – uy tín doanh nghiệp; thực hiện trách nhiệm đối với đất nước, đối với xã hội; tuân thủ luật pháp trong sản xuất kinh doanh; hành vi cạnh tranh lành mạnh, công bằng theo pháp luật;  mô hình và cơ chế phát huy sáng tạo sản xuất kinh doanh; hợp tác có trách nhiệm với các đối tác kinh doanh; chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và thực thi trách nhiệm đối với người tiêu dùng; thực thi trách nhiệm đối với người lao động trong doanh nghiệp; chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp gắn với sự phát triển bền vững của đất nước…

Các giá trị đó tạo thành triết lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, có những giá trị chung nhưng mang sắc thái riêng của mỗi doanh nghiệp. Một cách khách quan, sự phát triển bền vững, lâu dài của các doanh nghiệp thường phải gắn quá trình tìm kiến lợi nhuận, gắn lợi ích kinh tế với tạo dựng hình ảnh – thương hiệu và hướng tới đáp ứng lợi ích và nhu cầu của xã hội, của người tiêu dùng bằng những sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu và khả năng kinh tế của họ (đương nhiên có sự phân khúc thị trường). Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, những doanh nghiệp hiện đại lại xác định triết lý “Chất lượng sản phẩm là đạo đức kinh doanh, lòng tin của khách hàng nền tảng phát triển bền vững”. Có thể vì xác định triết lý kinh doanh đó - văn hóa kinh doanh đó, mà rất nhiều doanh nghiệp trong các nước tư bản chủ nghĩa (mà nhiều người vẫn cho bản chất là tước đoạt và lừa dối) lại sẵn sàng chủ động thu hồi các lô sản phẩm có lỗi, xin lỗi công khai và đền bù thỏa đáng cho khách hàng, như Tập đoàn ô tô TOYOTA của Nhật Bản đã thông báo thu hồi hàng triệu ô tô trên toàn thế giới khi phát hiện có lỗi (dù nhỏ) ở một số chiếc ô tô.

Những đòi hỏi và quá trình phát triển khách quan trên không có nghĩa là tự nó loại bỏ đi được các loại văn hóa kinh doanh tiêu cực, không lành mạnh như: kinh doanh theo kiểu lừa đảo, chộp giật, đánh quả, chạy làng, sản xuất hàng giả và kém chất lượng, không tôn trọng chữ tín, chỉ biết lợi ích của mình không tôn trọng lợi ích của người khác và lợi ích của người tiêu dùng, thậm chí không coi trọng và bảo về lợi ích quốc gia, “biến của công thành của tư” và vì lợi ích nhóm…Những biểu hiện của văn hóa kinh doanh không lành mạnh đó thường phát triển ở thời kỳ tích lũy tư bản nguyên thủy, mới đi vào kinh tế thị trường, hay trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, khi mà thể chế kinh tế thị trường và các thể chế liên quan khác chưa được hoàn thiện, bản thân các chủ thể sản xuất kinh doanh cũng chưa có được đầy đủ nền tảng văn hóa, triết lý và đạo đức kinh doanh mới; hơn nữa ở những nước như vậy bản thân môi trường kinh doanh cũng chưa phát triển lành mạnh tới mức trở thành những giá trị văn hóa – giá trị xã hội phổ quát để điều tiết các hoạt động sản xuất kinh doanh.  

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi hình thành văn hóa quản trị doanh nghiệp mới mà tựu trung là làm sao phát huy được cao nhất tiềm năng trí tuệ, óc sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của mọi người làm việc trong doanh nghiệp. Cho đến nay văn hóa quản trị doanh nghiệp được khái quát theo ba mô hình sau : Thứ nhất, mô hình quản trị áp đặt. Đây là mô hình trong đó người chủ quản lý doanh nghiệp buộc người lao động phải làm việc với cường độ cao bằng những giàng buộc và giải pháp áp đặt (ví dụ khi người lao động không thể có cơ hội lựa chọn việc làm khác, phải làm việc cường độ cao trong doanh nghiệp với thu nhập thấp, như một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có chủ đầu tư từ một số nước Châu Á). Thứ hai, mô hình quản trị kiểu gia đình, đây là mô hình trong đó quan hệ giữa người chủ doanh nghiệp với người lao động mang nhiều tính chất như các thành viên trong gia đình, có sự trung thành cao với doanh nghiệp, làm việc trong doanh nghiệp gần như suốt đời, thu nhập tăng lên theo thâm niên, coi làm việc hết mình vì doanh nghiệp là đạo đức, trong một ngày làm việc theo nguyên tắc “làm hết việc chứ không làm theo hết giờ”. Mô hình này là đặc trưng của các doanh nghiệp Nhật Bản, đã tạo động lực phát triển cao và bền vững của nền kinh tế Nhật bản trong thời gian dài. Tuy nhiên văn hóa quản trị doanh nghiệp này giờ đây cũng đang bị những thách thức với giá trị văn hóa của lớp lao động trẻ, năng động luân chuyển nghề nghiệp để có cơ hội thăng tiến và thu nhập cao hơn, không muốn bị giàng buộc quá lâu dài với một doanh nghiệp. Thứ ba, là mô hình quản trị doanh nghiệp dựa trên tài năng và cống hiến thực tại. Trong mô hình này, giá trị được đánh giá cao nhất là năng lực và kết quả làm việc thực tế và gắn với đó là sự đãi ngộ xứng đáng kịp thời (bằng thăng tiến địa vị hay lương bổng), nhưng nếu chất lượng và hiệu quả làm việc kém đi, lập tức có thể bị đãi ngộ thấp đi, thậm chí bị sa thải. Mô hình văn hóa quản trị này nhìn về mặt đạo đức thấy đó là cách quản lý “không có trước có sau”, “vắt chanh bỏ vỏ” và “ít tình người”, nhưng mặt mạnh của nó là đặt mỗi cá nhân trước sự cạnh tranh quyết liệt về việc làm, chất lượng và hiệu quả lao động, phải luôn tự học tập để vươn lên có một trình độ ngày càng cao hơn, năng động hơn, chấp nhận thay đổi việc làm. Đây là một động lực cốt yếu cho sự phát triền mạnh và năng động của nền kinh tế. Mô hình quản lý doanh nghiệp này là đặc trưng của nhiếu nước phương Tây, tiêu biểu là Mỹ.

Trên thực tế, do quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, đang xuất hiện và phát triển các mô hình văn hóa quản trị doanh nghiệp hỗn hợp, trong đó tích hợp được những mặt mạnh và tính ưu việt của mô hình hai và mô hình ba. Mô hình cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển và đặc điểm văn hóa của mỗi nước. Ở Việt Nam, hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi thể chế kinh tế, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, do đó về cơ bản chưa định hình được mô hình văn hóa quản trị doanh nghiệp phù hợp và có hiệu quả nhất. Đây là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho giai đoạn mới. Tuy nhiên, có thể xác định rằng mô hình phù hợp phải có sự kết hợp có hiệu quả các giá trị văn hóa phương Đông với các giá trị văn hóa quản trị doanh nghiệp hiện đại phương Tây và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

 

 

3) Tác động hình thành văn hóa nghề nghiệp

   Văn hóa nghề nghiệp là văn hóa bao gồm những giá trị con người liên quan đến lao động và nghề nghiệp. Đó là những giá trị về trình độ và kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp; là ý thức, thái độ, lương tâm, đạo đức và trách nhiệm lao động – nghề nghiệp; là khát vọng và năng lực lao động sáng tạo; là ý thức và trách nhiệm gắn bó với công việc và nơi làm việc; là ý thức và năng lực phối hợp – cộng tác với mọi người trong lao động; là những kỹ năng mềm không thể thiếu trong hoạt động lao động nghề nghiệp…Văn hóa nghề nghiệp được hình thành và phát triển dưới sự tác động có tính quyết định của thể chế phát triển kinh tế, mô hình quản trị doanh nghiệp, của quá trình và trình độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa – xã hội hóa nền kinh tế. Chính những yếu tố kinh tế này đã đặt ra yêu cầu và đồng thời là điều kiện để hình thành – phát triển các giá trị văn hóa về lao động nghề nghiệp. Đây là quá trình tương tác hai chiều trong quá trình phát triển. Yêu cầu cao về trình độ nghề nghiệp, đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, lao động sản xuất theo dây chuyền…đòi hỏi người lao động phải có ý thức và kỷ luật lao động cao, trách nhiệm cá nhân cao gắn với trách nhiệm cộng đồng cao, không thể tùy tiện (một ví dụ nhỏ: trong nhà máy sản xuất theo dây truyền thì việc đi vệ sinh cũng không thể tùy ý, buộc người lao động phải rèn luyện để thích ứng). Trong một xã hội kinh tế thị trường phát triển năng động, cơ cấu nghề nghiệp luôn thay đổi và phát triển các nghề mới thì ý thức “trung thành” với một doanh nghiệp cũng thay đổi, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp và thăng tiến. Tính cạnh tranh cao trong sản xuất kinh doanh tất yếu phản ánh vào cạnh tranh nguồn nhân lực (nhất là nhân lực chiến lược, chất lượng cao), khi đó giá trị cạnh tranh trong chất lượng nguồn nhân lực trở thành một giá trị trọng yếu của văn hóa nghề nghiệp. Xã hội hóa nền kinh tế càng cao (hiểu rộng ra là cả quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế), đòi hỏi một giá trị mới của nguồn nhân lực là năng lực cạnh tranh cùng với năng lực hợp tác – kết nối làm việc trong môi trường đa văn hóa, mà hiện nay người ta đang nói tới các giá trị của “công dân toàn cầu”, người lao động có thể làm việc trong nhiều quốc gia, với nhiều đối tác và trong các tổ chức quốc tế. Quá trình hình thành văn hóa nghề nghiệp mới không đơn giản, nhất là khi văn hóa nghề nghiệp “cũ” không còn phù hợp nhưng vẫn còn những giá trị chi phối trong lao động. Điều này thấy rất rõ trong nhiều nhận thức và hành vi của người lao động nước ta hiện nay, như các đánh giá của nhiều doanh nghiệp nước ngoài: kỷ luật lao động yếu, bỏ việc tùy tiện, thiếu  kiến thức thực tế, các kỹ năng mềm thiếu và yếu, khả năng phối hợp nhóm trong làm việc yếu …Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế, mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với đòi hỏi của phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phù hợp với đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải đổi mới và nâng cao nội dung, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đó là những điều kiện cơ bản để hình thành và phát triển văn hóa nghề nghiệp mới, đáp ứng với những yêu cầu phát triển của đất nước ngày càng cao hơn.

4) Bản thân quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là sự phát triển các giá trị văn hóa

Quá trình phát triển kinh tế gắn với sự phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã chứa đựng trong mình nó những giá trị văn hóa ở trình độ cao hơn nhiều so với các nền kinh tế trước đó, nhất là khi đi vào phát triển kinh tế tri thức. Điều đó được thể hiện ở những phương diện sau :

-  Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đòi hỏi và chứa đựng những giá trị mới về khoa học quản lý, văn hóa quản lý kinh tế; những giá trị mới về các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh, liên kết – hợp tác sản xuất kinh doanh; những giá trị văn hóa mới về quá trình hội nhập quốc tế - hình thành những giá trị chung, những chuẩn mực chung của thế giới. Về thực chất đó là những giá trị văn hóa về tổ chức nền sản xuất xã hội ở trình độ cao. Quá trình phát triển sản xuất công nghiệp hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế theo các chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị trong mỗi nước hay toàn cầu, tự bản thân nó đòi hỏi và hình thành các giá trị văn hóa liên kết – tùy thuộc lẫn nhau, chia sẻ với nhau cả về trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích và rủi ro, song hành với các giá trị văn hóa cạnh tranh – đấu tranh với nhau.

-  Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế chứa đựng trong mình nó những giá trị văn hóa sáng tạo cao của con người. Đó là quá trình phát triển sáng tạo và ứng dụng khoa học – công nghệ vào chế tạo ra những máy móc, thiết bị hiện đại không những có thể thay thế và tăng cao lên hơn rất nhiều lần sức cơ bắp của con người, mà còn có thể hỗ trợ và nâng cao hơn nhiều năng lực trí tuệ của con người. Có thể nói đó cũng là kết tinh những giá trị văn hóa ở trình độ cao. Hơn thề nữa, khi phát triển kinh tế tri thức, bản thân các giá trị cao của văn hóa (tri thức khoa học – công nghệ) trực tiếp trở thành lực lượng sản xuất (hay tham gia trở thành), và như vậy cũng chính là trực tiếp đóng góp phần quan trọng nhất tham gia vào hình thành các giá trị kinh tế. Điều này có thể thấy rõ nhất ở sự phát triển của công nghệ thông tin – truyền thông và với mạng Internet phủ khắp toàn cầu. Bản thân công nghệ thông tin – truyền thông – Internet là sự tích hợp các giá trị văn hóa – trí tuệ rất cao của loài người, đồng thời nó là công cụ nền tảng quan trọng bậc nhất và là “kho tri thức khổng lồ và vô tận” để phát triển các giá trị văn hóa – tri thức sáng tạo ở mọi lĩnh vực khác, là công cụ quan trọng nhất kết nối các giá trị, các hoạt động tương tác của mọi người, mọi quốc gia trên thế giới, hình thành “thế giới phẳng” trong sự hợp tác – cạnh tranh – đấu tranh với nhau.  

- Đồng thời bản thân các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng là các sản phẩm chứa đựng các giá trị văn hóa – văn minh ở trình độ ngày càng cao hơn, không chỉ ở những tiện ích nó mang lại cho con người, mà thực sự là những gia trị văn hóa cao gắn với đời sống con người, nâng cao hơn giá trị đời sống con người (như những thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh, xe hơi thông minh, công nghệ xanh…đang ngày càng phát triển ở những nước tiên tiến. Có thể nêu lên một ví dụ rất điển hình về sản xuất nông nghiệp hiện đại : người chủ trang trại ở Mỹ và một số nước tiên tiến khác, hiện nay, với một chiếc máy tính sách tay cơ thể đi khắp nơi trên thế giới vẫn có thể điều hành hoạt động sản xuất của trang trại như theo dõi và điều chỉnh chế độ tưới nước, theo dõi và thay đổi nhiệt độ trong nhà kính…thông qua hệ thống thông tin vệ tinh ). Như vậy, có thể thấy rằng các giá trị văn hóa vật thể và giá trị văn hóa phi vật thể được “tích hợp” với các giá trị kinh tế trong quá trình phát triển để nâng cao hơn giá trị con người.

(Còn tiếp)

 

  PGS.TS. Trần Quốc Toản

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết