Thực hiện mục tiêu đổi mới thi tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và triển khai chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào đại học cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp”[1]
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 (đợt 1) diễn ra từ ngày 07/7/2021 đến 08/7/2021 (sau đây gọi là Kỳ thi) trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cố gắng, tích cực và trách nhiệm của ngành Giáo dục, Kỳ thi đã được tổ chức thành công và đạt được một số kết quả bước đầu.
1. Quán triệt chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 16/4/2021 “về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp”, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương, các tổ chức chính trị và toàn xã hội tích cực phối hợp triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bệnh Covid-19 và bảo đảm an ninh, an toàn cho các khâu tổ chức và các hoạt động liên quan đến Kỳ thi.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021 được thực hiện từ Trung ương đến các địa phương, giao nhiệm vụ, phân công trách nhiệm rất cụ thể cho các thành viên tham gia; ban hành đầy đủ quy chế và hệ thống các văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi. Hầu hết các địa phương ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức Kỳ thi, thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, cấp huyện có sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan.
Ban Chỉ đạo quốc gia tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ban Chỉ đạo các địa phương nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh, các tình huống bất ngờ có thể xảy ra để xây dựng các phương án phòng, chống dịch, triển khai tổ chức tốt Kỳ thi trên địa bàn phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.
2. Công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trước và trong quá trình tổ chức triển khai Kỳ thi được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và một số điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; phổ biến về chủ trương tổ chức, quy chế và các hoạt động của Kỳ thi trong bối cảnh dịch, bệnh, tạo sự đồng thuận của xã hội, nâng cao nhận thức của thí sinh, người tham gia tổ chức thi đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành Y tế, giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Thực hiện Luật Giáo dục 2019, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 quy định rất rõ về công tác tổ chức thi giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể:
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, trực tiếp thực hiện các khâu: Ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học; chịu trách nhiệm về đề thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi và tuyển sinh; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức thi thống nhất toàn quốc và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, bảo đảm an toàn[2]. Quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác.
Thứ hai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi trên địa bàn, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, bao gồm: Tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi tại địa phương; bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức Kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả các điểm tổ chức thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự Kỳ thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
3. Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi được đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện đảm bảo cho Kỳ thi diễn ra an toàn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các địa phương trong cả nước đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự và xây dựng các phương án cho những sự cố bất thường có thể xảy ra bảo đảm cho Kỳ thi được tổ chức tốt[3]. Hầu hết địa phương đã ưu tiên xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho những người tham gia tổ chức thi và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho những thí sinh tham dự. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước đã thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ thí sinh và cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức Kỳ thi đợt 1. Cán bộ tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi đều được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Tại các điểm thi đều bố trí bộ phận y tế chuyên trách; khử khuẩn toàn bộ các Điểm thi; đo thân nhiệt, cung cấp nước sạch và xà phòng rửa tay, khẩu trang cho các thí sinh dự thi. Cập nhật thường xuyên tình hình thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19[4] theo phân loại của ngành Y tế để có phương án xử lý phù hợp. Bố trí Điểm thi, và các phòng thi dự phòng ở mỗi Điểm thi để chủ động xử lý các tình huống phát sinh theo nguyên tắc vừa bảo đảm an toàn trong tổ chức thi vừa bảo đảm công bằng cho các thí sinh, không gây hoang mang hoặc tạo áp lực tâm lý ảnh hưởng đến việc dự thi của thí sinh. Đảm bảo an toàn, an ninh và đi lại trong điểm thi.
Công tác bảo mật và bảo quản đề thi (chính thức và dự bị) cho Kỳ thi được đặc biệt chú trọng, bảo mật tuyệt đối và an toàn; thực hiện an ninh chống gian lận thi tốt. Cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi đảm bảo chính xác, đầy đủ và bảo mật tốt. Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn, chỉ đạo các sở GDĐT, các trường phổ thông giúp cho việc đăng ký dự thi diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Tăng cường công tác tập huấn về Quy chế thi, nghiệp vụ tổ chức thi và thanh tra, kiểm tra, hệ thống phần mềm quản lý thi[5] cho cán bộ cốt cán khối các sở GDĐT; cán bộ cốt cán khối các trường đại học; cán bộ, giáo viên các trường THPT và cán bộ, công chức, viên chức của Bộ GD&ĐT tham gia công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi. Hướng dẫn các đơn vị triển khai tổ chức tập huấn thường xuyên, liên tục, đầy đủ và kỹ lưỡng cho các đối tượng thí sinh và những người tham gia tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi. Phối hợp với các cơ quan xây dựng các inforgraphic, video clip hỗ trợ công tác tập huấn nghiệp vụ coi thi, thanh tra, kiểm tra và kỹ năng phát hiện các thiết bị gian lận. Huy động, sử dụng tối đa đội ngũ cán bộ, công chức, giảng viên và cán bộ thanh tra giáo dục đã tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi năm 2021. Tất cả các Điểm thi đều có các cán bộ, giảng viên của các trường đại học được cử về làm nhiệm vụ giám sát ở tất cả các khâu của quá trình thi.
Nhiều địa phương có các giải pháp quan tâm sâu sát đến từng thí sinh, hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi; huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi[6]. Các Hội đồng thi giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi trên cơ sở thực hiện đúng Quy chế thi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
4. Theo báo cáo[7] tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả nước là 1.021.340, trong đó: Thí sinh tự do: 39.920 (chiếm tỷ lệ 3,91%); Thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT: 222.297 (chiếm tỷ lệ 21,77%); Thí sinh dự thi để xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng: 35.779 (chiếm tỷ lệ 3,51%); Thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng: 763.244 (chiếm tỷ lệ 74,73%). Số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên là 358.788 (chiếm tỷ lệ 35,13%); và đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học xã hội là 655.620 (chiếm tỷ lệ 64,19%); với 2.233 Điểm thi và 43.139 phòng thi.
5. Theo báo cáo[8] tổng số thí sinh của cả nước tham dự thi Kỳ thi đợt 1 diễn ra trong các ngày 07 và 08/7/2021 là 981.773 (đạt tỷ lệ 96,13% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi); trong đó, môn Ngữ văn: 97,10%; Toán: 97,18%; Ngoại ngữ: 97.2%; Vật lí: 96,98%; Sinh học: 97,07%; Hóa học: 97,11%; Lịch sử: 97,24%; Địa lí: 97,29%; Giáo dục Công dân: 97,23%). Số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của các tỉnh, thành phố chưa tham dự đợt 1 là 23.569 (chiếm tỷ lệ 2,31% so với tổng số đăng ký ở trên). Những thí sinh dự thi đợt 1 nhưng phải dừng thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được bảo lưu kết quả thi của những bài thi, môn thi đã thi ở đợt 1 cho đợt 2 và những thí sinh chưa dự thi đợt 1 sẽ tổ chức thi dựa trên đề xuất của các địa phương về thời gian phù hợp và đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Số thí sinh vi phạm Quy chế thi bị đình chỉ ít nhất trong nhiều năm trở lại đây với 18 thí sinh của 11 tỉnh, thành phố[9] (giảm 20 trường hợp so với Kỳ thi năm 2020 - 38 thí sinh) và không có cán bộ vi phạm Quy chế thi (Kỳ thi năm 2020 là 08 người).
Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm trên phạm vi cả nước. Tại tất cả các Điểm thi diễn ra, an toàn, nghiêm túc đảm bảo khách quan, công bằng, không có tình trạng lộn xộn tại các hội đồng thi. Các hành vi phạm Quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận về hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức, nhất là gian lận công nghệ cao. Các địa phương đều xây dựng phương án chuẩn bị sẵn sàng khi gặp tình huống phát sinh. Căn cứ vào kết quả thi các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh.
Nội dung đề thi bám sát vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12 và có một số nội dung dạy học được tinh giản, điều chỉnh để phù hợp với diễn biến của dịch, bệnh[10] giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học ôn tập để chuẩn bị tham gia Kỳ thi. Đề thi có sự phân hóa hợp lý đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng[11]. Nội dung dạy học được Bộ GD&ĐT tinh giản ở năm học 2019-2020 và năm học 2020-2021 không được đưa vào đề thi năm nay. Dư luận xã hội, giáo viên và thí sinh hài lòng với Kỳ thi.
6. Một số công việc cần quan tâm triển khai trong thời gian tới.
Thứ nhất, Đối với các thí sinh chưa dự thi đợt 1 và thí sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (theo số liệu tổng hợp đến ngày 20/7/2021 là 26.249 thí sinh), Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương cập nhật tổng hợp số lượng thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 và báo cáo Ban Chỉ đạo thi quốc gia để có phương án xử lý cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trên cơ sở bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh[12].
Bộ GD&ĐT bám sát vào diễn biến của dịch bệnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Nghiên cứu, xem xét đặc cách cho đối tượng thí sinh có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT, đáp ứng đủ điều kiện theo Quy chế thi[13] và những trường hợp cá biệt khác trên cơ sở đề nghị của địa phương. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét triển khai phương thức tuyển sinh phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Thứ hai, Các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo các sở GDĐT triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh sau khi công bố kết quả thi bảo đảm đúng Quy chế. Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin tại địa phương để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Hoàn thiện phương án tổ chức và chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự và các giải pháp kỹ thuật để tổ chức thi đợt 2 (nếu có) bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phối hợp địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra các khâu chấm thi, phúc khảo của Kỳ thi. Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh; hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác tuyển sinh; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của nhà trường để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả ngay sau khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 kết thúc.
7. Kế thừa những kết quả đạt được trong đổi mới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2015-2020 theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự chung tay góp sức có hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự chuẩn bị và tổ chức chu đáo của các địa phương với nòng cốt là ngành Giáo dục, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 được tổ chức an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng Quy chế thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của Kỳ thi và bảo đảm nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch Covid-19. Công tác tổ chức thi đã gọn nhẹ hơn, thí sinh không phải dự thi nhiều đợt thi như trước đây; giảm áp lực, tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội. Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi THPT để tuyển sinh với nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau, ngày càng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, mở thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng./.
TS. Lê Thị Mai Hoa, TS. Nguyễn Thanh Hà,
Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương
[1] Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trang 139-140, Tập II, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật.
[2] Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm 2021; phần mềm chấm thi trắc nghiệm bảo đảm chấm thi chính xác, ngăn ngừa sự can thiệp từ phía người sử dụng. Các phần mềm này đã được nghiệm thu và tập huấn cho các địa phương, đơn vị trước khi sử dụng.
[3] Bố trí Điểm thi dự phòng; phòng thi dự phòng ở mỗi Điểm thi để sử dụng khi cần thiết; mỗi Điểm thi bố trí tối thiểu 2 cán bộ y tế (những kỳ thi trước chỉ bố trí 1 cán bộ y tế) và huy động lực lượng làm công tác ứng trực để xử lý các tình huống đột xuất. Tổ chức diễn tập xử lý tình huống để đưa ra các phương án giải quyết chủ động thực hiện trong các kịch bản khi xuất hiện những tình huống dịch, bệnh và thiên tai.
[4] Thí sinh ở những nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly xã hội và các thí sinh thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2.
[5] Ở Trung ương: Tổ chức chuỗi 03 Hội nghị tập huấn trực tuyến với sự tham gia của 64 điểm cầu; Ở địa phương triển khai tập huấn Quy chế thi, công tác thi, nghiệp vụ công tác coi thi, nghiệp vụ triển khai phương án tổ chức thi…cho cán bộ quản lý, giáo viên trường THPT, lãnh đạo, thư ký các điểm thi.
[6] Tỉnh Tiền Giang, lực lượng chức năng đã đưa đón 55 học sinh trong khu vực phong tỏa xã Mỹ Hạnh Đông (thị xã Cai Lậy) và bố trí thi riêng; được bố trí ăn và nghỉ ở khu riêng biệt; Tỉnh Bình Phước, huyện biên giới Bù Gia Mập, Đoàn Thanh niên xã Đắk Ơ tổ chức hỗ trợ thí sinh: cấp khẩu trang miễn phí, sát khuẩn, bút bi miễn phí, xe đưa đón miễn phí, nước uống và khăn lạnh miễn phí, bố trì đội hình cài đặt ứng dụng Bluzone; huyện đoàn phối hợp các đơn vị vận động hỗ trợ cơm và nơi nghỉ trưa cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn trong 3 ngày thi, phát hơn 4.000 suất bánh, sữa và nước; Tỉnh Đắk Nông: Hỗ trợ kinh phí cho 510 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, cư trú tại các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, thí sinh khuyết tật; 330.000 đồng/thí sinh; Tỉnh Kon Tum các trường phổ thông Dân tộc nội trú bố trí chỗ ở, tổ chức nấu ăn cho học sinh trong quá trình thi, phối hợp với các trường THPT tổ chức nấu ăn cho học sinh trong những ngày thi (nếu có nhu cầu). Ban Chỉ đạo thi của tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố hỗ trợ 1.020 thí sinh tham dự Kỳ thi, trung bình khoảng 392.000 đồng/thí sinh…
[7] Báo cáo số 2838/BG DĐT-QLCL ngày 09/7/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[8] Báo cáo số 2838/BG DĐT-QLCL ngày 09/7/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[9] Gồm: Hà Nội (1), Thanh Hóa (1), Quảng Ninh (5), Lạng Sơn (1), Thái Nguyên (1), Lào Cai (1), Quảng Bình (3), Nghệ An (1), Bắc Giang (2), Bình Dương (1), Bạc Liêu (1) thí sinh.
[10] Theo Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT. Trong đó 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nguyên tắc tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn: không dạy; đọc thêm; không làm; không thực hiện; không yêu cầu; khuyến khích học sinh tự đọc; khuyến khích học sinh tự đọc; khuyến khích học sinh tự làm; khuyến khích học sinh tự thực hiện.
[11] Về đề thi tổ hợp Khoa học xã hội: 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo; 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa thí sinh; về đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên: khoảng 60 - 70% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30% - 40% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học (theo nhận định của Hệ thống Giáo dục HOCMAI).
[12] Theo quy định tại Điều 12. Đối tượng, điều kiện dự thi và Điều 37. Đặc cách tốt nghiệp THPT, Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
[13] Theo quy định tại Điều 12. Đối tượng, điều kiện dự thi và Điều 37. Đặc cách tốt nghiệp THPT, Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT.