Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Một số vấn đề cốt yếu xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững

Ngày phát hành: 30/01/2019 Lượt xem 2140

                       

1. Yêu cầu bức thiết của việc xây dựng thể chế phát triển nhanh - bền vững

Thế giới đang chuyển biến rất nhanh trước tác động của những nhân tố chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, môi trường, đặc biệt là tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những năm gần đây, tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và trong bàn thảo chiến lược của nhiều quốc gia, vấn đề đổi mới mô hình phát triển theo hướng bền vững, sáng tạo, bao trùm được nhấn mạnh như là một xu hướng phát triển mới mang tính khách quan, phổ biến[1]. Việt Nam đang cố gắng tăng tốc, thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và bắt tay chuẩn bị xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng  với khát vọng tạo ra những bước đột phá, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Lúc này, nghiên cứu, đề xuất việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình, thể chế phát triển đất nước có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết.

1) Vấn đề rất trăn trở đặt ra là phải từ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để chắt lọc, khái quát, đề xuất đưa vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng những vấn đề mới nhất có giá trị khoa học và khả thi nhằm thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững. Các văn kiện của Đảng, nhất là những văn kiện gần đây đã thể hiện nhiều bước tiến về nhận thức lý luận, trong đó  Đại hội XI, XII nhấn mạnh vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược[2]. Các nghị quyết Trung ương tiếp theo đã đã bàn về mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội [3]; nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển bền vững. Trong thực tiễn Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới, quan tâm xây dựng quốc gia khởi nghiệp, nhà nước kiến tạo phát triển... Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm nhiều về lý luận vẫn là những vấn đề kinh tế, thiên về kinh tế. Còn đang thiếu một tư duy lý luận tổng hợp, bao quát nhất về sự phát triển. Chúng ta đang bước vào và bước rất nhanh vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) - là cuộc cách mạng đặc biệt chú trọng đến sự kết nối, tương tác giữa các lĩnh vực và con người, tạo ra sức mạnh bao trùm. Điều đó đặt ra yêu cầu khách quan mới phải tập trung xây dựng và vận hành đồng bộ, thông suốt thể chế phát triển tổng thể, phù hợp với bối cảnh mới. Đại hội XI, XII của Đảng đã nhấn mạnh đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó rất đúng, rất trúng, cần nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện, nâng lên thành thể chế phát triển tổng thể, bao quát của đất nước trong thời kỳ chiến lược mới.

Xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững, với ý nghĩa là một thể chế mang tính chất bao trùm là một vấn đề quan trọng, cấp thiết vừa phản ánh nhu cầu phát triển khách quan của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, vừa thuận với xu thế phát triển của thời đại. Như nhiều nhà khoa học và quản lý thực tiễn nhấn mạnh: Đổi mới thể chế phát triển là dư địa duy nhất hay là quan trọng nhất để tạo ra động lực mới cho đất nước cất cánh cao hơn trong giai đoạn mới.

2) Từ nghiên cứu lý luận cũng như phân tích kinh nghiệm của thế giới về vấn đề xây trong dựng và thực hiện thể chế cho thấy, các thể chế phát triển vừa mang tính phổ quát nhưng tùy thuộc rất nhiều vào truyền thống lịch sử, văn hóa, thiết chế văn hóa, xã hội, vào đặc điển bản sắc của con người. Vì thế, nghiên cứu về thể chế phát triển luôn đòi hỏi sự sáng tạo, không rập khuôn máy móc; phải suy nghĩ bằng cái đầu của ta, đi bằng đôi chân của ta, trên mảnh đất của ta.

Cần khẳng định những cố gắng trong quá trình xây dựng và từng bước hoàn thiện các thể chế phát triển của đất nước, cả về thể chế chính trị và thể chế kinh tế, những bước tiến về nhận thức lý luận và thành quả thực tiễn để không bi quan nhưng đồng thời cũng không lạc quan tếu. Cần nghiêm túc nhận rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập trong xây dựng và thực thi thể chế, về sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối, tương tác, hiệu quả thấp trong xây dựng và thực thi thể chế. 

2. Những vấn đề cốt yếu về xây dựng và thực thi thể chế phát triển nhanh, bền vững

1) Về lý luận, cần đề cập một cách cơ bản, có hệ thống những vấn đề liên quan đến xây dựng thể phát triển nhanh, bền vững từ nhận thức, quan niệm, bản chất, cấu trúc, vai trò của thể chế. Từ nghiên cứu lý luận và những tham khảo kinh nghiện thành công của một số nước trên thế giới, phải làm rõ thêm những hạn chế, bất cập, những “điểm nghẽn” nhận thức lý luận về thể chế phát triển hiện nay của đất nước khi chuyển sang phát triển theo chiều sâu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Từ đó đề xuất những vấn đề, nội dung cần được bổ sung, hoàn thiện về xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tiếp tục rà soát lại để hoàn thiện những khái niệm, thậm chí cả những khái niệm rất cơ bản, rất cốt lõi về thể chế phát triển trên tinh thần khoa học, không né tránh nhưng không cực đoan, không tuyệt đối hóa một chiều. Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận và hết sức xem trọng tổng kết thực tiễn ở tầm lý luận. Thực tiễn đang vận động hết sức phong phú, đầy tính sáng tạo của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên các tình thành, các lĩnh vực, cần phải được đúc kết, khái quát thành lý luận. 

2) Cần nhận thức rõ về Thể chế phát triển: Qua nghiên cứu, mặc dù còn có các cách tiếp cận khác nhau, nhưng các ý kiến đều thống nhất cho rằng, thể chế phát triển là một cấu trúc tổng thể, trong đó thể hiện sự vận hành đồng bộ của ba yếu tố: Các tổ chức, chủ thể tham gia; các quy tắc vận hành, cơ chế thực thi thể chế; và môi trường mà các chủ thể và quy tắc vận hành trong đó - hay gọi một cách dễ hiểu là thể chế gồmNgười chơi, luật chơi và sân chơi hay nội dung chơi”. Đối với một quốc gia, thể chế phát triển là sự  tương tác tổng hợp của ba lĩnh vực cơ bản: chính trị, kinh tế, xã hội; sự gắn kết, tác động hài hòa ba thể chế thành phần chủ yếu: Thể chế chính trị, thể chế kinh tế và thể chế xã hội (trong đó bao hàm thành tố văn hóa, con người và quan hệ con người với tự nhiên). Ba thể chế thành phần này có vai trò và chức năng khác nhau, nhưng liên quan mật thiết, tương tác và chế định lẫn nhau theo quy luật - nhân quả, hình thành nên các mô hình thể chế phát triển khác nhau vận hành trong mối quan hệ cốt lõi giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

3) Đối lập với thể chế phát triển là thể chế kìm hãm phát triển. Trên thực tế, trong một thể chế cụ thể thường chứa đựng cả những yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực. Vấn đề là những yếu tố nào đóng vai trò chủ đạo, chi phối sự phát triển và làm thế nào để các yếu tố chủ đạo đó phát huy tối đa tác dụng. Bản thân thể chế cũng không phải là bất biến, nó vừa có yêu cầu phải ổn định tương đối, đồng thời phải được thường xuyên đổi mới, không ngừng hoàn thiện và phát triển cùng với sự phát triển cao hơn của xã hội.

Chất lượng của thể chế phụ thuộc vào chất lượng của pháp luật và mức độ hiệu lực, hiệu quả thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách trên thực tế. Có thể khẳng định việc xây dựng, thực hiện thể chế phát triển có chất lượng phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản trị và phẩm chất chính trị, đạo đức của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản lãnh đạo. Đây là những vấn đề quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu sâu và có những đề xuất xác đáng trong quá trình xây dựng thể chế cụ thể.

4) Nghiên cứu các mô hình phát triển trên thế giới cho thấy những kinh nghiệm, bài học đa dạng (thành công và thất bại) của các nước trong xây dựng và thực thi thể chế phát triển. Đó là những gợi mở rất hữu ích đối với Việt Nam, trong đó, đáng lưu ý nhất là phải xây dựng được thể chế phát triển đồng bộ về chính trị, kinh tế, xã hội phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của từng nước, từng lĩnh vực. Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng phù hợp cho việc đổi mới, xây dựng, và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh, bền vững của nước ta trong giai đoạn mới.

5) Từ những nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm quốc tế, bước đầu có thể xác định một số vần đề cần tập trung để xây dựng và hoàn thiện Thể chế phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong giai đoạn mới:

Một là, cần làm rõ hơn bản chất của quá trình đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển của Việt nam trong gia đoạn mới. Thể chế phát triển nhanh, bền vững là thể chế mang tính dung hợp cao, tính “vượt trội” để có khả năng đón nhận có hiệu quả các xu thế và mô hình phát triển mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời hóa giải được các thách thức; huy động và sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực, trong đó đặt trong tâm vào nguồn lực con người chất lượng cao và khoa học - công nghệ hiện đại, bảo đảm sự phát triển dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, thể chế xã hội; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững. Xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững theo chiều sâu phải là một đột phá chiến lược của đất nước trong giai đoạn mới.

Hai là, xác định vấn đề trung tâm của xây dựng thể chế là tạo động lực phát triển trong mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, kết nối thành động lực phát triển của cả dân tộc. Động lực đó phải được tạo lập đồng bộ cả về mặt lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, lợi ích tinh thần - giá trị xã hội, giá trị dân chủ và pháp quyền, giá trị đạo đức, của tất cả các chủ thể trong xã hội, tạo động lực tổng hợp cho sự phát triển.

Ba là, tiếp tục đổi mới tư duy về thể chế phát triển; xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế chính trị - thể chế kinh tế - thể chế xã hội, đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới. Nhận thức đúng, giải quyết hiệu quả quan hệ giữa các thể chế thành phần, trong đó, thể chế chính trị phải đổi mới để đóng vai trò định hướng, dẫn đường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là thể chế kinh tế phù hợp, hiệu quả, hiện đại, tạo nền tảng vất chất cho phát triển; thể chế phát triển xã hội hướng tới phát huy những giá trị mới, nuôi dưỡng khát vọng, giải phóng và phát huy giá trị sáng tạo và trách nhiệm xã hội của mỗi con người và tất cả các chủ thể trong xã hội, tạo động lực phát triển.

Trong khi xây dựng và thực hiện thể chế phát triển nhanh, bền vững, cần đặc biệt coi trọng việc đổi mới và hoàn thiện thể chế chính trị, nòng cốt  là tiếp tục đổi mới chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Trong khi nhấn mạnh vai trò "dẫn đường" của thế chế chính trị, coi trọng vai trò của thể chế kinh tế, phải quan tâm đúng mức đến thể chế xã hội và thể chế văn hóa. Thể chế văn hóa nếu được chế định phù hợp sẽ góp phần rất quan trọng vào thúc đẩy phát triển và thực thi hiệu quả thể chế chính trị và thể chế kinh tế; ngược lại, nếu chế định không phù hợp, nó sẽ chi phối, cản trở các thể chế khác.

Bốn là, trên cơ sở yêu cầu chung của thể chế phát triển nhanh, bền vững, tập trung đổi mới và hoàn thiện đồng bộ các thể chế thành phần với các nội dung chủ yếu sau :

Về Thể chế chính trị: yêu cầu hàng đầu là tiếp tục tập trung đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là đối với Nhà nước, lãnh đạo xây dựng thể chế phát triển hiện đại, hiệu quả. Nâng cao năng lực định hướng và hoạch định chiến lược, chính sách phát triển, năng lực dự báo và điều chỉnh chiến lược phát triển. Trên cơ sở xác định rõ và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, kiên quyết xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, như Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đã xác định. Tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền - Nhà nước kiến tạo phát triển, theo yêu cầu “Liêm chính - kỷ cương - hành động - sáng tạo - hiệu quả”, coi đây là khâu trung tâm của xây dựng thể chế phát triển, đáp ứng với những yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Về thể chế kinh tế: Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), tập trung vào hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc “nhà nước mạnh - thị trường hiệu quả - xã hội (doanh nghiệp và người dân) năng động, sáng tạo”. Tháo gỡ những “nút thắt”, những bất cập để phát huy cao nội lực và tiềm năng, sức mạnh của các thành phần kinh tế và của cả xã hội; đồng thời xây dựng thể chế để có thể đón nhận, tận dụng hiệu quả những cơ hội mới, những mô hình mới, xu hướng phát triển mới trong kinh tế và khoa học - công nghệ.

Về thể chế xã hội: trên cơ sở nhận thức sâu sắc các biến đổi về mặt xã hội dưới tác động (tích cực và tiêu cực) của các xu hướng thay đổi, phát triển của xã hội hiện đại trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, để hoàn thiện thể chế và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội, khắc phục phân tầng xã hôi, phân hóa giàu nghèo, sự phát triển mất cân đối giữa các vùng miền; tập trung vào những nội dung bức thiết về hình thành và phát triển các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội, đáp ứng yêu cầu và làm động lực nội sinh chủ đạo phát triển nhanh - bền vững đất nước. Thực hiện có hiệu quả dân chủ xã hội, nhất là dân chủ ở cơ sở; xây dựng và thực thi có hiệu quả cơ chế giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của các tổ chức Đảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quốc kế dân sinh, đến quyền và lợi ích của người dân. Nâng cao niềm tin, sự tín nhiệm, hài lòng và sự ủy thác của nhân dân với Đảng và nhà nước.

Về thể chế hội nhập quốc tế, trong bối cảnh hiện nay, cần hoàn thiện thể chế để đưa quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu; tận dụng được các cơ hội, tranh thủ ngoại lực, chuyển hóa ngoại lực thành nội lực, “hóa giải” được các thách thức; thực hiện có hiệu quả các hiệp định và cam kết quốc tế. Chủ động điều chỉnh chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế, vừa có tầm nhìn dài hạn, vừa ứng phó có hiệu quả, giảm tác động tiêu cực của các biến động quốc tế và khu vực (như cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra)… Đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Năm là, phải nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong xây dựng và thực hiện thể chế phát triển trong giai đoạn mới. Phải chế định các cơ chế và thiết chế thực thi thể chế nghiêm minh, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội; thực hiện triệt để các nguyên tắc, quy định về dân chủ, công khai, minh bạch trong Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực sự “nói đi đôi với làm”, “thượng tôn pháp luật”. Nâng cao năng lực thực thi của tất cả các chủ thể và đảm bảo thể chế được thực thi hiệu lực, hiệu quả.

Sáu là, xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững cần phải gắn với với việc xác định và thực hiện mô hình tăng trưởng tổng quát, bền vững sáng tạo và bao trùm trong đó con người là trung tâm và vấn đề xã hội được đặt ở tầm rất cao.

Xây dựng nền quản trị hiện đại theo hướng thông minh, quản trị số, bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững, lành mạnh quan hệ xã hội, môi trường xã hội, tất cả hướng tới hạnh phúc của con người, không để sót ai, đó là tiêu chí quan trọng nhất, để đánh giá chất lượng, hiệu quả của thể chế phát triển nhanh - bền vững.

Sự chuyển biến mau lẹ của thời cuộc vừa đòi hỏi cấp thiết, vừa tạo nền để chúng ta xây dựng, thực thi thể chế phát triển nhanh - nền vững. Đây là một sự nghiệp to lớn, một quá trình lâu dài, không thể chần chừ nhưng cũng không thể nóng vội. Kế thừa những thành tựu lý luận, tích lũy được qua hơn 30 năm đổi mới; cập nhật, nắm bắt các xu thế phát triển của thời đại; tính toán toàn diện điều kiện, khả năng của đất nước để xây dựng, thực hiện vững chắc, với lộ trình khoa học thể chế phát triển nhanh - bền vững là con đường đi đến thành công./.

 

GS.TS Phùng Hữu Phú

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 



[1] Tại Kỳ họp 70, năm 2015, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đưa ra Chương trình Nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 đã xác định mục tiêu, nguyên tắc, các trụ cột, các yếu tố… phát triển bao trùm. Định hướng này tiếp tục được nhấn mạnh và cụ thể hóa tại các diễn đàn kinh tế thế giới năm 2017, 2018; tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 10 của BRICS năm 2018… Hội nghị lãnh đạo APEC lần thứ 25 tổ chức tại Việt Nam tháng 11 năm 2017 đã ra Tuyên bố Đà Nẵng, nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững; sáng tạo; bao trùm.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần hứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2016.

[3] Đảng Cộng sảnViệt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2017.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết