1. Đẩy mạnh đổi mới tư duy để nhận thức sâu sắc hơn bản chất của các phạm trù “Đổi mới”, “Ổn định” và “Phát triển” trong giai đoạn mới
Đây là yêu cầu đặt ra hành hàng đầu, vì trong giai đoạn mới, xét cả bối cảnh trong nước và quốc tế, bản chất, nội dung, hình thức thể hiện về đổi mới, ổn định và phát triển đều đã có bước phát triển rất quan trọng, có sự thay đổi về chất, với những yêu cầu mới đặt ra, không thể chỉ bó hẹp trong những nhận thức trước đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, nhận thức có những mặt không theo kịp sự phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh - bền vững (cả trong nước cũng như trên bình diện quan hệ quốc tế), có những cơ hội không nắm bắt kịp và tận dụng có hiệu quả. Đổi mới thể chế có những mặt không theo kịp sự phát triển (như thể chế còn có không ít những vướng mắc, nền hành chính quan liêu với những tiêu cực, tham nhũng; thủ tục và điều kiện sản xuất kinh doanh chậm đổi mới, thể chế hội nhập có những bất cập, nhất là đối với các FTA thế hệ mới (CPTPP, V-EUFTA…); phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…Những điều này có liên quan rất nhiều đến nhận thức về đổi mới, ổn định và phát triển.
Quan niệm về đổi mới cần phải có bước phát triển cao hơn rất nhiều. Nếu như trước đây quan niệm về đổi mới về thực chất và chủ yếu là quá trình “cởi trói”, dỡ bỏ dần các cơ chế cũ trong thể chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp (bây giờ vẫn đang phải rất cam go với việc cắt giảm các thủ tục hành chính), từng bước xây dựng thể chế, cơ chế thích ứng với phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhưng chủ yếu là trong mô hình phát triển theo chiều rông. Giờ đây, đất nước phải và đang bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi phải xây dựng những tiền đề, những điều kiện, những thể chế, cơ chế, động lực phát triển mới để làm nền tảng cho sự phát triển nhanh - bền vững với những mục tiêu cao hơn. Do đó, phải nâng tầm tư duy phát triển để xây dựng được hệ quan điểm đổi mới mới : đổi mới dựa chủ yếu vào phát huy sức sáng tạo, vào nguồn lực con người, vào khoa học - công nghệ. Có như vậy mới đáp ứng với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới.
Hơn nữa, trên bình diện quốc tế, sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, nhất là dưới tác động của các cuộc cách mạng 4.0. 5.0. Quá trình toàn cầu hóa tiếp tục được đẩy manh, nhưng cũng đang vấp phải sự chống lại chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy; sụ cạnh tranh giữa các nước lớn, các khu vực, các khối nước diễn ra quyết liệt trên tất cả các bình diện; nảy sinh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động nhiều mặt lên toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang bước sang một giai đoạn cao hơn rất nhiều về chất và thể chế. Tạo ra nhiều cơ hội lớn lao cùng những thách thức không nhỏ, nhất là những nước còn ở trình độ phát triển thấp hơn, trong đó có Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTTP, VN – EUFTA với khung thể chế và những chế định ở trình độ rất cao (vượt qua những chế định hiện hành của Việt Nam). Để tận dụng có hiệu quả các cơ hội, vượt qua được các thách thức, không có con đường nào khác, Việt Nam phải đổi mới một cách căn bản tư duy phát triển, tư duy hội nhập, xây dựng được những thể chế phát triển phù hợp nhằm tích hợp hữu cơ sự phát triển trong nước với hội nhập quốc tế.
Ở đây đòi hỏi một tầm cao hơn cả về nhận thức và thực tiễn lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, cũng như nhận thức và hành động của tất cả các chủ thể trong xã hội. Phát triển càng lên trình độ cao hơn (cả về lượng và chất) thì đổi mới sẽ phải càng đi vào chiều sâu hơn, tính phủ định biện chứng đối với những nhận thức và thể chế, giải pháp cũ không còn phù hợp, không còn hiệu quả càng triệt để hơn (ví dụ chuyển sang phát triển theo chiều sâu, đòi hỏi phải loại bỏ một loạt các thể chế, cơ chế, chính sách cả trong phát triển kinh tế, chính trị và xã hội vốn có hiệu quả đối với phát triển theo chiều rộng, nay không còn thích ứng nữa).
Quan niệm về ổn định : Với yêu cầu về đổi mới như vậy, quan niệm về ổn định đòi hỏi phải thích ứng với quá trình đổi mới. Điều này đặt ra những yêu cầu mới về nhận thức và phương thức ổn định, nghĩa là ổn định cũng phải được đảm bảo ở tầm sâu rộng hơn, không chỉ chủ yếu về phương diện chính trị - xã hội, về phương diện pháp lý, các thiết chế đảm bảo kỷ cương xã hội. Mà, phải đảm bảo sự ổn định phát triển đồng bộ, hữu cơ giữa chính trị, kinh tế và xã hội; phải xác lập được niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, niềm tin vào những mục tiêu phát triển đất nước, vào những giá trị phát triển con người - văn hóa - xã hội, vào quá trình dân chủ hóa xã hội gắn liền với nâng cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm cộng đồng. Trong đó, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mối đơn vị, mỗi tổ chức, mỗi chủ thể gắn kết bền chặt với sự phát triển đất nước, trở thành đồng thuận xã hội, tính tự chủ tự quản xã hội cao. Như vậy, ổn định không còn chỉ là điều kiện của sự phát triển, mà trở thành động lực quan trọng của sự phát triển. Khi “ổn định” không còn tạo động lực phát triển (không những thế còn kìm hãm phát triển), thì không thể giữ ổn định trong trạng thái cũ, phải đẩy mạnh đổi mới, phải tái cấu trúc lại, loại bỏ những yếu tố cũ không còn phù hợp, xây dựng những yếu tố mới để tạo động lực phát triển. Có thể nêu lên hai vấn đề điển hình sau: một là, tổ chức - bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị về cơ bản được giữ “ổn định” trong một thời gian dài, làm cơ sở cho sự phát triển đất nước trong thời gian trước đây; nay đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, do đó Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ra Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, nhằm tạo lập một trạng thái ổn định mới của hệ thống chính trị đáp ứng với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới. Hai là, thể chế phát triển theo chiều rộng về cơ bản đã được “lưu giữ” trong gần 30 năm, đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong những thập kỷ qua. Nhưng trong gần 10 năm trở lại đây thể chế phát triển theo chiều rộng đã suy giảm đáng kể động lực phát triển; dó đó chúng ta không thể giữ “ổn định” thể chế này, mà phải xây dựng thể chế phát triển mới để tạo được động lực phát triển đất nước theo chiều sâu.
Qua niệm về phát triển cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những đổi mới căn bản, thể hiện trên các phương diện sau: i) - Phải phát triển đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; đây không chỉ là yêu cầu mà là động lực quan trọng của phát triển nhanh - bền vững; ii) - Phải nhất quán với quan điểm chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, kết hợp có hiệu quả với phát triển theo chiều rộng trong những điều kiện cụ thể, thời gian cụ thể; iii) - Phát triển phải nhất quán với mục tiêu tăng nhanh tiềm lực và nội lực đất nước, không ngừng nâng cao năng lực độc lập và tự chủ của quốc gia, bảo vệ chủ quyền quốc gia, kết hợp có hiệu quả sức mạnh của dân tộc với sức mạnh hội nhập quốc tế; Đã đến lúc nên dùng khái niệm “phát triển quan hệ quốc tế” như một mục tiêu phát triển, thay vì dùng khái niệm “hợp tác và hội nhập quốc tế”; iv) - Phát triển được đặt trọng tâm vào các động lực chủ yếu sau : Hoàn thiện thể chế phát triển nhanh - bền vững; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển dựa vào khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao; Phát triển vì con người, con người vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể của quá trình phát triển, do đó phải đẩy mạnh phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - trình độ cao; Đẩy mạnh phát triển kinh tế dân doanh, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực trọng yếu, gắn hữu cơ với đổi mới thể chế phát triển FDI, đổi mới và nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, trong giai đoạn mới đòi hỏi phải đổi mới đồng bộ nhận thức về chính các quan niệm đổi mới, ổn định và phát triển
2. Nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển trước yêu cầu của giai đoạn mới
Mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định phát triển là một trong những mối quan hệ lớn, quan trọng cần phải được đặc biệt chú trọng giải quyết trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên thực tế, ba yếu tố đổi mới, ổn định và phát triển luôn luôn có sự thay đổi (có thể theo hướng tích cực và cũng có thể theo hướng tiêu cực, hoặc ít biến đổi) tùy thuộc vào điều kiện chủ quan trong nước và sự tác động từ bên ngoài, do vậy cần phải được luôn luôn xem xét trong trạng thái động. Ở từng giai đoạn xây dựng đất nước, vị trí, vai trò và tương quan giữa các yếu tố đó có thể khác nhau, đều vận động không ngừng. Do vậy, cần phải từ mục tiêu phát triển để hình thành thể chế kết hợp hữu cơ giữa các yếu tố đó; từ đó chế định cơ chế, chính sách và phương thức giải quyết phù hợp, hiệu quả. Trong điều kiện sự phát triển năng động, đổi mới mang tính đột phá diễn ra ngày càng nhanh hơn trên thế giới, chứa đựng những cơ hội lớn cùng với nhiều thách thức và rủi ro không nhỏ, cả đổi mới, ổn định và phát triển đều đòi hỏi phải hướng tới phát triển, đồng thời hợp thành chiếm lược thích ứng, nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực. Trong mối quan hệ này, trước đây thường nhìn nhận theo nguyên tắc chung : ổn định là điều kiện cho đổi mới và phát triển; đổi mới là phương thức để phát triền; phát triển là kết quả tất yếu của đổi mới trong môi trường ổn định. Thì, trong điều kiện phát triển mới, ổn định phải chứa đựng ngay trong bản chất của đổi mới và phát triển, đồng thời ổn định lại chứa đựng cả nhân tố thúc đẩy đổi mới và phát triển; thành quả của đổi mới và phát triển lại phải tạo cơ sở để ổn định ở tầm cao hơn, chất lượng cao hơn, bền vững hơn. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa điều kiện, phương thức và mục tiêu phát triển trong điều kiện mới; không đổi mới, không phát triển (hoặc phát triển chậm về kinh tế, chính trị, xã hội, hoặc môi trường…), tự nội tại sẽ nảy sinh những nhân tố mất ổn định; thực tế ở nhiều nước và cả ở nước ta đã cho thấy điều này. Trong bối cảnh phát triển nhanh - bền vững, yêu cầu biện chứng đặt ra là không được để sự “ổn định” của trạng thái cũ kéo quá dài khi bối cảnh đã thay đổi, trở thành lực cản đối với sự phát triển. Mà cần phải luôn đổi mới để tạo nên trạng thái “ổn định động”, thích ứng với yêu cầu phát triển liên tục và bền vững, để không rơi vào những giai đoạn trì trệ. Điều này đòi hỏi tầm nhìn, năng lực và bản lĩnh cao của các chủ thể, nhất là của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra là phải nghiên cứu sâu lý luận về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển trong điều kiện mới, làm cơ sở cho việc cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển nhanh - bền vững đất nước, cho việc hoạch định chủ trương, cơ chế, chính sách và giải pháp giải quyết có hiệu quả mối quan hệ đó. Cần phải luận giải sâu sắc, toàn diện, đồng bộ về từng yếu tố: đổi mới, ổn định, phát triển; nhận rõ vai trò và sự tương tác của các yếu tố trên bình diện phát triển chung của cả nước, và trong từng lĩnh vực, từng địa phương cụ thể, nhất là trong tương quan giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường.
Giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa đổi mới - ổn định - phát triển đòi hỏi phải xử lý đồng bộ ở các phương diện sau:
- Giữa yêu cầu phát triển của thực tiễn với nhận thức, quan điểm, với đường lối, chủ trương, với cụ thể hóa và thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, với hệ thống tổ chức - bộ máy thực hiện, và với các chủ thể thực hiện trên thực tế.
- Giải quyết mối quan hệ đổi mới - ổn định và phát triển ttheo mục tiêu phát triển chung của cả nước và cụ thể trong từng lĩnh vực có những yêu cầu khác nhau (ví dụ đối với các cực tăng trưởng, vùng động lực tăng trường, trong các ngành phát triển công nghệ cao sẽ khác với các vùng còn phát triển thấp theo chiều rộng là chủ yếu, các ngành còn phải sử dụng nhiều lao động, công nghệ thấp). Ở đây đòi hỏi phải giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa “phá hủy sáng tạo”, tức xóa bỏ cái cũ (cả về nhận thức, quan điểm, cả về thể chế, quy định pháp lý, cả về cơ chế, chính sách, cả tổ chức bộ máy, về nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu…) và xây dựng cái mới, với kề thừa những cái cũ, cải tạo những cái cũ vẫn còn thích hợp ở mức độ nào đó. Ở đây đòi hỏi phải có tinh thần cách mạng cao, quyết tâm chính trị cao, khắc phục được tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích, sợ thay đổi, sợ đổi mới.
- Giải quyết có hiệu quả mối quan hệ đổi mới - ổn định - phát triển trong mối tương quan giữa kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, để phát triển nhanh - bền vững, ổn định chính trị vẫn là một nhiệm vụ trọng yếu, song lại đòi hỏi đổi mới tư duy, đổi mới chính trị phải mang tính vượt trước để định hướng cho cả phát triển kinh tế, xã hội năng động, bảo vệ môi trường, thích ứng với những biến đổi nhanh, định hướng cho đảm bảo “ổn định động” đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh - bền vững. Đồng thời, phải nhận thức rõ và chế định thể chế, giải pháp phù hợp đề giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa đổi mới - ổn định - phát triển trong từng lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường vốn có những nội dung, yêu cầu khác nhau.
- Giải quyết có hiệu quả mối quan hệ đổi mới - ổn định - phát triển trên bình diện chung của cả nước, nhưng phải được cụ thể hóa cho từng cấp: Trung ương (vĩ mô), cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (cấp cơ sở). Mỗi cấp đó có những yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung, trách nhiệm khác nhau. Điều này đòi hỏi phải chế định dược rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích, trách nhiệm giải trình của từng cấp, từng tổ chức, nhất là người đứng đầu, trong việc giải quyết năng động, sáng tạo, hiệu quả mối quan hệ đổi mới - ổn định - phát triển.
- Giải quyết mối quan hệ đổi mới - ổn định - phát triển điều cốt lõi là phải tạo được động lực phát triển nhanh - bền vững. Để tạo được động lực này thì phải đặt con người vào trung tâm: con người vừa là chủ thể vừa là mục tiêu của đổi mới - ổn định - phát triển, trong đó phát triển vì con người là mục tiêu trung tâm. Phải xây dựng được thể chế gắn kết được quyền, nghĩa vụ trách nhiệm, lợi ích của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi dơn vị, mỗi cộng đồng trong quá trình đổi mới và phát triển với lợi ích của quốc gia - dân tộc.
3. Cần nghiên cứu, đánh giá sâu sắc hệ thống các nhân tố tác động đến đổi mới - ổn định - phát triển, đến giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa đổi mới - ổn định - phát triển trên tổng thể, cũng như trong từng lĩnh vực, từng địa bàn
Đây là vấn đề hệ trọng, vì nếu không đánh giá và dự báo được hệ thống các nhân tố tác động (cả trong nước và trên phương diện quốc tế) dễ rơi vào tình huống bị động, xử lý không đồng bộ, hiệu quả không cao, thậm chí có thể làm cho tình hình phức tạp hơn. Cần phải xem xét đầy đủ cả các nhân tố tác động tích cực và các nhân tố tác động tiêu cực đến đổi mới, ổn định, phát triển và đến việc giải quyết mối quan hệ trên. Trong đó phải chủ trọng “kích hoạt”, phát huy các nhân tố tích cực, các nhân tố đóng vai trò là các động lực đổi mới và phát triển ; đồng thời làm suy yếu, triệt tiêu các tác động tiêu cực. Cần đặc biệt chủ trọng các nhân tố pháp quyền, kỷ cương, liêm chính, dân chủ, công khai, công bằng xã hội, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi người, mọi tổ chức, sự đồng thuận xã hội, trách nhiệm xã hội, sáng tạo… tạo ra các động lực mới cho đổi mới và phát triển đất nước.
4. Cần phải tập trung xây dựng chiến lược phát triển nhanh - bền vững, bao gồm tổng thể hữu cơ đổi mới - ổn định - phát triển toàn diện đất nước trong gia đoạn mới. Gắn liền với đó là xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh - bền vững đất nước đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới
Chiến lược đó phải huy động và phát huy cao được tất cả các nguồn lực, sức mạnh ý chí của cả dân tộc; đón nhận dược các xu thể phát triển tiên tiến, hiện đại của thế giới, tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển nhanh –bền vững đất nước. Trong đó cần phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh đổi mới sâu sắc và toàn diện hơn nữa, đặc biệt là sự đồng bộ giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế và đổi mới xã hội theo mối quan hệ biện chứng như sau: Thể chế chính trị đóng vai trò định hướng “vượt trước” - Thể chế kinh tế đóng vai trò trung tâm - Thể chế xã hội đóng vai trò điều tiết hài hòa xã hội. Thể chế chính trị đòi hỏi phải đổi mới để đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển, thiết kế cấu trúc và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, thể chế kinh tế, thể chế phát triển xã hội với những giá trị mới, phát huy cao dân chủ, quyền con người, quyền công dân, giải phóng và phát huy giá trị sáng tạo và trách nhiệm xã hội của mỗi con người và tất cả các chủ thể trong sự phát triển mọi lĩnh vực của đất nước. Thể chế kinh tế phải thúc đẩy mạnh sang phát triển theo chiều sâu, dự vào đổi mới sáng tạo. Thể chế xã hội cùng với thể chế kinh tế phải hướng tới sự phát triển bao trùm, “không đề ai bị bỏ lại phía”.
Đảng với tư cách là người lãnh đạo đất nước và dân tộc, phải tự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao hơn nữa tố chất trí tuệ, đạo đức, văn minh (như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói); đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy và đổi mới phương thức lãnh đạo, thực hành dân chủ trong Đảng. Đảng phải lãnh đạo để xây dựng nhà nước pháp quyền - nhà nước kiến tạo phát triển “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Bằng kết quả và hiệu quả lãnh đạo và quản lý phát triển đất nước để khảng định những giá trị cao cả của đảng cầm quyền và của nhà nước của dân, do dân, vì dân trong lòng nhân dân. Đó là nền móng vững trắc của sự phát triển nhanh - bền vững.
5. Tập trung phát triển con người - nhân tố quyết định sự nghiệp đổi mới - ổn định - phát triển đất nước nhanh - bền vững
Trong văn kiện Đại hội XI của Đảng đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược. Đây là một quan điển đúng đắn. Tuy nhiên, cả về lý luận, thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, cho thấy không thể chỉ nhìn nhận nhân tố con người ở giác độ nguồn nhân lực - người lao động, như thế chưa đủ, mà phải nhìn nhận con người với tư cách vừa là chủ thể vừa là mục tiêu của quá trình đổi mới và phát triển. Như vậy, phải đặt trọng tâm vào phát triển toàn diện con người đồng bộ về năm tố chất cơ bản: i) - giá trị đạo đức, lối sống, lý tưởng, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội; ii) - tư duy đổi mới, sáng tạo; iii) - kiến thức chuyên môn; iv) - năng lực thực hành; v) - kỹ năng làm việc với con người, hợp tác và hội nhập. Yêu cầu này được đặt ra đối với tất các chủ thể, từ người lao động bình thường, đến các nhà quản lý doanh nghiệp, đến các nhà khoa học, đến những người làm công tác lãnh đạo - quản lý đất nước từ cấp cơ sở đến cấp cao nhất. Đương nhiên ở mỗi cấp có những yêu cầu và nội dung khác nhau, cấp càng cao thì yêu cầu càng cao. Để đẩy mạnh đất nước phát triển nhanh - bền vững, đòi hỏi phải phát triển con người đồng bộ ở tất cả các cấp độ đó, trong đó đặc biệt là phát triển nhân lực chất lương cao, trình độ cao, phát triển nhân tài ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực. Đây là nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa lâu dài, vừa mang tính cơ bản vừa mang tính tình huống; đó đó Đảng phải lãnh đạo triển khai thật sự có chất lượng, có hiệu quả sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục (hiện đang bộ lộ nhiều bất cập), đồng thời thiết thực đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị (hiện đang còn khoảng cách không nhỏ so với yêu cầu)./.
PGS.TS Trần Quốc Toản
Hội đồng Lý luận Trung ương