Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Kinh nghiệm xây dựng đồng bộ thể chế của Singapore và những gợi ý cho Việt Nam

Ngày phát hành: 18/02/2019 Lượt xem 7447

 

1. Đặt vấn đề: Về vai trò của thể chế đối với phát triển

Thể chế nói chung và thể chế kinh tế, chính trị, xã hội nói riêng được cho là nhân tố quan trọng, quyết định sự phát triển của một quốc gia. Theo nghiên cứu của IQbal, Jong (2001), qua việc tiến hành khảo sát 150 quốc gia trong thời kỳ 1960 – 1980, cho thấy các nước có chế độ chính trị mở cao đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm cao hơn 2,5 - 3% so với những nước có nền kinh tế thiếu dân chủ và đóng cửa. North (1990) nghiên cứu thực tế các nền kinh tế dân chủ, đã đi đến kết luận là thể chế dân chủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một chính quyền tốt, hạn chế tham nhũng; thúc đẩy phát triển kinh tế hiệu quả; bảo đảm môi trường kinh tế tự do hơn, tạo điều kiện cho phát triển.

 

Trường đại học “xanh” ở Singapore (Ảnh minh họa)

 

Nghiên cứu của Daron Acemoglu và James Robinson (2010) chỉ ra rằng yếu tố quyết định chính đối với sự khác biệt về thịnh vượng giữa các quốc gia là khác biệt về thể chế kinh tế. Để giải quyết vấn đề phát triển đòi hỏi phải cải cách các thể chế này. Tuy nhiên, đây là việc khó khăn vì thể chế kinh tế là sự lựa chọn tập thể và là kết quả của một quá trình và ý chí chính trị. Thể chế kinh tế của một xã hội phụ thuộc vào bản chất của thể chế chính trị và sự phân bố quyền lực chính trị trong xã hội đó. Tuy nhiên, các yếu tố đưa xã hội vào trạng thái cân bằng chính trị sẽ hỗ trợ các định chế kinh tế tốt. Rõ ràng đó là bản chất chính trị quyết định một trạng thái cân bằng thể chế khiến rất khó thực hiện cải cách các thể chế kinh tế. Nghiên cứu của Daron và Robinson (2010) cũng minh họa cho nhận định này bằng việc đưa ra một loạt các cạm bẫy của việc cải cách thể chế. Qua đó cho thấy những thách thức là đáng kể đối với những xã hội muốn giải quyết tốt vấn đề phát triển. Tuy nhiên, một số quốc gia trải qua quá trình chuyển đổi chính trị, cải cách thể chế và chuyển sang con đường phát triển kinh tế thành công hơn. Chúng ta cũng có thể học được rất nhiều từ những câu chuyện thành công này.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu về vấn đề này, một số tổ chức quốc tế đã đưa ra một số giải pháp tư vấn và hỗ trợ các nước nghèo nhằm mục tiêu phát triển bền vững như: ưu tiên hàng đầu không phải là cải cách dân chủ ngay tức thì, mà là phải cải cách thể chế hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, phải tiến hành cải cách chính trị theo hướng dân chủ đồng thời với chính sách và thể chế kinh tế phù hợp.

Ngược dòng lịch sử, ý tưởng về sự phồn vinh của một xã hội phụ thuộc vào các thể chế kinh tế, chính trị và xã hội đã được Adam Smith đề cập trong các nghiên cứu về chủ nghĩa trọng thương và vai trò của thị trường, và nổi bật hơn với luận điểm xã hội thành công về kinh tế khi họ có được thể chế kinh tế tốt. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Việt Nam cũng cho rằng: để Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững trong bối cảnh hiện nay thì cải cách thể chế là vô cùng cần thiết, đó là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để tăng cường nội lực, thực hiện đoàn kết, bảo vệ đất nước, và phát triển bền vững[1].

Do vậy, có thể nói rằng thể chế có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội. Cho đến nay, đã có những cách thức khác nhau ghi nhận vai trò của thể chế đối với phát triển, chẳng hạn vai trò của từng loại thể chế, như thể chế hành chính, thể chế chính trị, thể chế kinh tế …đối với phát triển hoặc ghi nhận vai trò của thể chế đối với từng lĩnh vực phát triển cụ thể, như tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội… và cũng có những ghi nhận về vai trò của thể chế đối với sự thịnh vượng của một quốc gia. Bằng những kiểm nghiệm lịch sử phát triển của các quốc gia và với tư cách là những nguyên tắc xác định mối quan hệ xã hội; định hình cách thức ứng xử của các thành viên trong xã hội và điều chỉnh sự vận hành xã hội, thể chế của một quốc gia, vùng lãnh thổ có những vai trò chủ yếu như: (i) định hướng, hướng dẫn, tạo khuôn khổ cho việc tổ chức, vận hành xã hội; (ii) kiến tạo nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia; (iii) chủ thể quản lý xã hội và xác lập các công cụ quản lý xã hội hữu hiệu; (iv) duy trì một chính quyền tốt, hạn chế tham nhũng; (v) góp phần tạo ra những điều kiện tiền đề nhằm hạn chế những khuyết tật của tiến trình phát triển xã hội; (vi) kiểm soát các nguồn lực trong xã hội; và (vii) đảm bảo các chủ thể xã hội thực hiện được các quyền và nghĩa vụ. Như vậy, có thể thấy rằng nếu phát huy được hết vai trò của mình thì thể chế hành chính, kinh tế, chính trị và xã hội của một quốc gia có vai trò quyết định trong việc đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của quốc gia đó.

Ngoài ra, để tạo được đột phá trong thực tế về cải cách thể chế cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, các quốc gia thường bắt đầu từ giải pháp then chốt đó là năng lực quản trị nhà nước. Đây cũng chính là nguyên nhân tạo nên những thành công nhất định của một số quốc gia trong khu vực như Singapore và Malaysia, mà Việt Nam có thể tham khảo. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi muốn tìm hiểu quá trình thực thi thể chế hành chính, kinh tế và chính trị xã hội ở Singapore như thế nào mà đảm bảo được tăng trưởng phát triển cao của quốc gia này.

2. Xây dựng đồng bộ thể chế đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững: Kinh nghiệm của Singapore

Là một đảo quốc được tách ra từ Malaysia và trở thành quốc gia độc lập từ ngày 9/8/1965, Singapore có diện tích 660 km2, dân số khoảng 5,6 triệu người[2], nghèo nàn về tài nguyên và có xuất phát điểm thấp, nhưng hiện đang là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ hai châu Á, sau Nhật Bản và nằm trong hàng ngũ các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới. Năm 1960, GDP của Singapore là 0,7 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 427 USD thì đến năm 2017, GDP của đảo quốc này là hơn 323,91 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 55.235 USD[3]. Theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2016 của WB, Singapore là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất trên thế giới. Vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao Singapore lại đạt được thành công nhanh chóng đến như vậy?

Mặc dù là nước nhỏ, ít tài nguyên nhưng Sinagpore đã rất thành công trong phát triển kinh tế khi chỉ mất hơn 30 năm để biến một nước nghèo thành nước có mức thu nhập cao. Một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng là hệ thống thể chế mà nước này xây dựng và vận hành. Hiện nay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng Singapore là quốc gia được cho là thành công trong việc xây dựng đồng bộ thể chế đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế đất nước. Giải pháp then chốt mà Singapore luôn đặt trọng tâm thực hiện là nâng cao năng lực quản trị nhà nước và vận hành một hệ thống chính trị do một Đảng[4] cầm quyền lãnh đạo với phương châm “cách thức chính quyền nắm quyền lực và thực thi thẩm quyền để tạo ra các chính sách công, cũng như cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công” hoặc là “năng lực của chính quyền trong việc vạch ra và thực hiện những chính sách và khuôn khổ quản lý các tương tác giữa người dân và Nhà nước”.

(1) Về thể chế hành chính: phương thức sử dụng công chức và quản trị công

Những thành công hiện nay của Singapore được cho là có công rất lớn của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Khi còn đương nhiệm, Lý Quang Diệu từng phát biểu: “Không có cách nào để vận hành một đất nước tốt hơn là dùng người giỏi nhất cho công việc khó khăn nhất”. Với quan điểm đó, ông đã tập hợp những người giỏi nhất để làm việc trong các cơ quan chính phủ, tạo ra một bộ máy hành chính ưu việt và được quản trị một cách rất hiệu quả. Ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nước, để xây dựng thể chế hành chính và sử dụng công chức một cách phù hợp và hiệu quả, Lý Quang Diệu sau khi "kiểm tra với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia về cách họ tuyển dụng và thăng cấp nhân lực cao cấp” đã đi đến quyết định sử dụng một trong những hệ thống tốt nhất là hệ thống được phát triển và sử dụng bởi tập đoàn Shell của Hà Lan, được gọi là Mô hình 9 hộp hay còn gọi là mô hình hiệu suất và tiềm năng (Hình 1) để đánh giá đội ngũ công chức của chính phủ sử dụng hệ thống đánh giá năng lực thực hiện HAIR[5] được tập đoàn Shell áp dụng. Bộ máy công chức được tổ chức theo nguyên tắc kỷ luật, hiệu quả, hợp lý và dựa trên năng lực của cán bộ, công chức. Cán bộ công chức được tuyển dụng, đề bạt, cất nhắc không chỉ dựa vào tiêu chuẩn bằng cấp mà còn căn cứ vào khả năng, chuyên môn thực tế. Bên cạnh đó, mọi cán bộ cấp cao đều phải được đào tạo bắt buộc và thường xuyên trong quá trình công tác. Ông cho rằng, sự sống còn của Singapore hoàn toàn dựa vào sự liêm khiết, hiệu suất làm việc của các bộ trưởng và quan chức cao cấp của Chính phủ.

Sau khi thử nghiệm hệ thống theo tập đoàn Shell và nhận thấy hệ thống đó rất thực tế và đáng tin cậy, Lý Quang Diệu đã áp dụng cho hệ thống dịch vụ công của Singapore vào năm 1983, thay thế cho hệ thống của Anh mà Singapore được thừa hưởng. Hệ thống mà Shell áp dụng tập trung vào việc xác định tiềm năng lâu dài của nhân viên và mô hình này đáng “được mô phỏng vì khả năng dễ áp dụng cho lĩnh vực dịch vụ công của Singapore và nhấn mạnh vào phát triển nhân sự phục vụ mục tiêu phát triển. Tiềm năng ngắn hạn của công chức dựa trên khả năng thăng tiến lên cấp tiếp theo của công chức đó. Còn tiềm năng dài hạn được đánh giá là tiềm năng dự tính thì hiện tại (CEP[6]) là ước tính hiện tại về cấp cao nhất mà ở đó một nhà quản trị hành chính cuối cùng có thể đạt được để có thể thực hiện quản trị mt cách thành công với giả định là cơ hội không bị giới hạn[7].

Trong sử dụng và quản lý nguồn nhân lực công, Singapore áp dụng các nguyên tắc: Liêm chính; Thực tài; Định hướng kết quả (đãi ngộ và thăng tiến của công chức gắn chặt với kết quả thực thi và đóng góp của họ vào thành quả chung), thực hiện đãi ngộ công bằng đối với những đóng góp trong nền công vụ (thực hiện chế độ tiền lương cạnh tranh và các biện pháp khác để giữ chân những người có phẩm chất, năng lực trong nền công vụ). Bên cạnh đó, Singapore còn thực hiện phân cấp, phân quyền cho các đơn vị tự chủ, giữ quyền định hướng chính sách và kiểm tra giám sát cho các cơ quan trung ương; xây dựng văn hóa làm chủ, lòng tự hào nghề nghiệp và không ngừng cải tiến công tác thông qua đào tạo bồi dưỡng và thực hiện các chương trình cải cách. Không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu suất, thỏa mãn khách hàng, truyền đạt thông tin kịp thời và đảm bảo minh bạch; đề cao văn hóa lãnh đạo thông qua nêu gương, qua đó thể hiện mạnh mẽ các giá trị và nguyên tắc quản trị tốt trong xã hội.

 

 

 

Nguồn: https://peoplecentre.wordpress.com/2015/01/16/succession-planning/

 

Về công tác quản trị công, Singapore áp dụng cách thức mở và tham vấn trong xây dựng chính sách công nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và xã hội. Để thực hiện tốt, Singapore chú trọng xây dựng xã hội cởi mở và công bằng, xây dựng lòng tin của người dân đối với uy tín, đạo đức và năng lực của cơ quan công quyền và khuyến khích sự tự đổi mới, tạo điều kiện cho công chức trẻ, có tài năng học tập, rèn luyện qua nhiều vị trí và áp dụng cách thức tổ chức phối hợp liên ngành, phát huy sức mạnh tổng thể của toàn tổ chức, của cả hệ thống công vụ, chính phủ và quốc gia đối với những vấn đề phức tạp cần có sự phối hợp giải quyết[8].

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy nền quản trị và hành chính Singapore chuyển đổi theo hướng thị trường cùng trào lưu quản lí công mới đang được sử dụng trên thế giới. Từ những năm 1990, Singapore tiến hành nhiều cuộc cải cách đồng bộ, tập trung xây dựng các thể chế phục vụ nền quản trị chuyên nghiệp, trong sạch, hiệu quả, vận dụng các thực tiễn tốt từ quản trị doanh nghiệp. Thời điểm đó, Singapore là một trong số ít nước đầu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khi đó, khu vực công đã chuyển từ vai trò điều tiết và cung ứng dịch vụ sang trợ giúp, tạo điều kiện và thống nhất các hoạt động kinh doanh, đảm bảo môi trường thuận lợi (về cơ sở hạ tầng, nền tảng thượng tôn pháp luật, chế độ thuế, cấp phép…). Singapore ủy quyền cho các cơ quan tác nghiệp trực tiếp thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ, cấp Bộ chỉ giữ lại trách nhiệm hoạch định chính sách và xây dựng những văn bản pháp quy chính yếu. Việc quản lý tài chính truyền thống theo dòng ngân sách đã được thay bằng giao ngân sách theo kế hoạch trọn gói, với trần ngân sách, đảm bảo trách nhiệm giải trình giữa phân bổ ngân sách và kết quả thực thi công tác. Hầu hết doanh nghiệp nhà nước hoạt động trên cơ sở lợi nhuận, chịu sự điều chỉnh của pháp luật giống như doanh nghiệp tư, và không còn công chức quản lí doanh nghiệp. Việc xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai mạnh mẽ, với cơ chế “một cửa, không nhầm cửa[9] giúp liên thông, khắc phục tối đa hạn chế về ranh giới giữa các cơ quan với nhau, với đối tác và công chúng. Ở Singapore, quản trị và hành chính công là việc thiết kế, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung ứng dịch vụ công tập trung 4 nguyên tắc như: (i) Chú trọng công tác lãnh đạo; (ii) Tạo động lực làm việc: đãi ngộ, khen thưởng theo kết quả; (iii) Quyền lợi chung: cơ hội cho tất cả; (iv) Lường trước sự thay đổi, thích ứng với môi trường. Do đó, công tác sử dụng nhân lực công và quản trị công ở Singapore được đánh giá là rất hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững, nhanh chóng đưa Singapore trở thành nước phát triển.

(2) Về thể chế kinh tế

Quan điểm về xây dựng chính sách cạnh tranh của Singapore là đặt các doanh nghiệp tại Singapore (không phân biệt trong nước, nước ngoài, hình thức sở hữu) trong môi trường cạnh tranh quốc gia bình đẳng, theo kiểu chọn lọc tự nhiên. Nhà nước không bảo hộ, nhưng ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp hoạt động trong các ngành quan trọng bằng cổ phần lớn của nhà nước. Khi các doanh nghiệp này đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhà nước bán cổ phiếu cho người dân, như với Công ty Vận tải biển Neptune và Công ty Bus Services - hai tập đoàn lớn tại Singapore.

Chính phủ Singapore rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực với quan điểm: “Mọi cố gắng bằng không khi dân không được giáo dục và đào tạo một cách bài bản, chuẩn mực”. Singapore luôn coi nhân lực là nhân tố cực kỳ quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế. Vì có nguồn cung lao động hạn chế, chính phủ Singapore phải can thiệp vào thị trường lao động để đẩy mức lương lên mức cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác giữa các công đoàn (Wong, 2001). Người dân được giáo dục tốt nhờ vào thời kỳ thực dân Anh trong nhiều thập kỷ trước, với trình độ thông thạo tiếng Anh có tỷ lệ cao biến Singapore thành một trong những nước có lực lượng lao động có chất lượng nhất và cạnh tranh nhất ở châu Á. Thêm vào đó, những vấn đề nẩy sinh do mức lương thực tế tương đối cao vì lực lượng lao động có hạn đã được chính phủ cố gắng kiểm soát thông qua cơ chế đặt lương được thông qua năm 1972, qua đó đề xuất đưa ra hướng dẫn thực hiện lộ trình tăng lương không bắt buộc. Vì vậy, Singapore cũng thu hút được một số lượng lớn tài năng từ nước ngoài, cung cấp lao động quản lý cần thiết cho các MNCs.

Trong quá trình phát triển kinh tế, Singapore cũng thực hiện chính sách can thiệp. Nhà nước gần như can thiệp vào tất cả các thị trường của nền kinh tế[10]. Tuy nhiên, cách thức mà Nhà nước Singapore tổ chức nền kinh tế hầu như không giống với các nước công nghiệp hóa mới (NIEs) khác ở Đông Á. Ví dụ, Singapore chưa bao giờ xây dựng và phát triển các tập đoàn lớn như kiểu Chaebol của Hàn Quốc hay một số nước khác ở Đông Á. Ngược lại, nước này lựa chọn phương thức định hình mô hình phát triển của riêng mình để thu hút các công ty đa quốc gia (MNCs) vào đầu tư và kinh doanh. Một lý do khác nữa đối với thể chế kinh tế của nhà nước một đảng cầm quyền duy nhất của Singapore không muốn các công ty địa phương phát triển, vì họ nghi ngờ và cho rằng khi các tập đoàn hay công ty kinh tế địa phương đủ mạnh có thể làm suy yếu quyền lực và chế độ của đảng cầm quyền (Akkemik, 2009).

Với vị trí địa lí quan trọng của mình, Singapore trở thành trung tâm thương mại quốc tế nằm giữa châu Á và phần còn lại của thế giới, kết hợp với truyền thống tài chính và thương mại của người Singapore góp phần giúp nước này thành lập một thể chế thương mại tự do và xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như luôn hỗ trợ ý tưởng thu hút các công ty đa quốc gia vào đầu tư tại quốc đảo này. Về phương diện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Singapore đã rất thành công chủ yếu nhờ vào cách tiếp cận kinh doanh của Hội đồng Phát triển Kinh tế (EDB) và khả năng của Chính phủ trong việc cung cấp các ưu đãi mạnh mẽ cho các công ty đa quốc gia.

Nhà nước cũng can thiệp vào thị trường đất đai để đảm bảo nguồn cung đất công nghiệp ổn định, từ đó dẫn đến việc hoàn thành việc cung cấp đầu tư khu nhà ở dưới hình thức chương trình nhà ở công cộng lớn. Chương tình này được cho là một trong những chương trình tốt nhất trên thế giới, hiện vẫn còn cung cấp đến hơn 80% số căn nhà cho người dân ở Singapore.

Thị trường vốn cũng bị Nhà nước kiểm soát vì ba mục tiêu như: (i) thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư; (ii) phát triển và điều tiết hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính; và (iii) phân bổ đầu tư vào sản xuất (Wong, 2001). Sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường vốn đảm bảo cho việc tạo ra các thị trường và các thể chế cần thiết và quan trọng trong một nền kinh tế định hướng thị trường. Kết quả là Singapore có một hệ thống tài chính hoạt động tốt, tiết kiệm và đầu tư được tạo mọi điều kiện thuận lợi và có hiệu quả cao. Thêm nữa, việc phổ biến và ứng dụng một cách nhanh chóng các loại công nghệ mới nhất vào nền kinh tế Singapore đã và vẫn đang được thúc đẩy bởi Nhà nước, cùng với các chương trình nhằm nuôi dưỡng và tạo ra các doanh nhân, doanh nghiệp kỹ thuật - công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển quốc gia.

Kết quả là Singapore được coi là một nền kinh tế linh hoạt có khả năng thích nghi với những thay đổi có thể có ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này[11]. Tuy nhiên, trong câu chuyện phát triển của Singapore, vai trò chính dẫn dắt vẫn là Chính phủ. Thông qua bộ máy nhà nước, Chính phủ can thiệp khi thấy cần thiết. Cách tiếp cận này, với những thành tựu nổi tiếng của nó, dẫn đến kết quả là hệ thống thể chế của Singapore thể hiện tính ưu việt mà những nước một đảng cầm quyền như Việt Nam có thể học hỏi.

Với chính sách và mô thức thực hiện thể chế đó, nên trong thực tế không có sự tồn tại một tầng lớp tư bản nội địa Singapore mạnh. Mặt khác, với một nền kinh tế mạnh và một môi trường chính trị ổn định với các tổ chức và thị trường tài chính được thành lập, Singapore nhanh chóng trở thành một trung tâm tài chính nổi tiếng ở châu Á, thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế lớn từ khắp nơi trên thế giới. Do tính chất bùng nổ của hoạt động tài chính theo quy định khá lỏng lẻo và tiến trình toàn cầu hóa, thị trường tài chính Singapore đã dễ dàng kết nối với các trung tâm tài chính khác của thế giới, biến các hoạt động dịch vụ tài chính của Singapore trở nên cực kỳ hiệu quả, đóng góp lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế nước này.

Bên cạnh đó, đối với thể chế hoạt động của thị trường, trong khi nhiều nước vận dụng nguyên tắc thị trường trong cải cách khu vực nhà nước vì hoạt động kém hiệu quả thì Singapore đã có khu vực nhà nước hoạt động tương đối hiệu quả. Trong khi nhiều nước đang phát triển chấp nhận tư nhân hóa và tái cơ cấu khu vực nhà nước do tình trạng nợ công ngày càng lớn thì Singapore không chịu áp lực trong việc tiến hành cải cách theo hướng thị trường. Do vậy, tư nhân hóa không phải là ưu tiên duy nhất trong cải cách khu vực nhà nước ở Singapore. Trên thực tế, nước này lại áp dụng mô hình doanh nghiệp đối với một số đơn vị dịch vụ công bằng cách vận dụng thực tiễn quản lý doanh nghiệp trong khi vẫn duy trì sở hữu công. Việc hoạch định chính sách tiếp cận theo hướng khách quan, phát triển bền vững thông qua phát triển năng lực khu vực công dựa trên sự chuyển đổi từ tư duy “thực hiện theo nhiệm vụ được giao” sang “hợp tác”, từ “việc của tôi, trách nhiệm của tôi” sang “hãy cùng nhau làm việc”, và từ “cung ứng dịch vụ” sang “kiến tạo giá trị” đã mang lại hiệu quả cao cho các tổ chức kinh tế nhà nước của Singapore.

(3) Về thể chế chính trị

Có thể nói, Singapore là hình mẫu nhà nước thành công hàng đầu trong phát triển kinh tế ở Châu Á. Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao Singapore lại đạt được phát triển kinh tế thần kỳ như vậy? Câu trả lời là có nhiều yếu tố hội tụ ở Sinagpore đã thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững ở nước này. Các nhân tố đó bao gồm cơ chế hay thể chế quản trị công và sử dụng nhân lực hiệu quả, thể chế hành chính và một cơ chế chính trị đủ mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong thể chế chính trị, Sinagpore thể hiện “ý thức hệ sống còn, ý thức hệ thực dụng và ý thức hệ giá trị châu[12]; là chính sách trọng người tài và tiếng Anh được chọn là ngôn ngữ chính thức; kiên quyết chống tham nhũng và chủ trương trả lương xứng đáng với công sức bỏ ra và vị trí việc làm cho công chức. Đây được cho là chủ trương và là vai trò tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị Singapore – Đảng nhân dân hành động (PAP) trực tiếp lãnh đạo quá trình phát triển đất nước một cách rất hiệu quả.

Về mặt tổ chức, hệ thống chính trị Singapore thực hiện cơ chế đa đảng[13] nhưng trong thực tế chỉ có một đảng nổi trội và cầm quyền trong suốt gần 60 năm qua, đảng PAP. Các đảng đối lập hoạt động yếu. Do vậy, việc thực hiện cơ chế đa đảng cũng không nói lên được sức mạnh của các phe đối lập trong hệ thống chính trị của Singapore do ngoài PAP, các đảng khác không có ảnh hưởng hay vai trò gì nhiều trong hệ thống chính trị nước này. Vì vậy, có thể nói cơ chế một đảng lãnh đạo có khuynh hướng độc quyền là phù hợp với môi trường chính trị, kinh tế và xã hội của Singapore và các nước Đông Á, đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước.

Về hệ thống chính trị đa đảng nhưng do một đảng độc quyền lãnh đạo và về hệ thống dân chủ, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu từng cho rằng: “Ở các quốc gia mới, dân chủ có tác dụng và tạo ra kết quả tốt chỉ khi có một chính phủ trung thực và hiệu quả, có nghĩa là người dân đủ thông minh để bầu ra một chính phủ như vậy. Chính phủ được bầu ra chỉ tốt như những người chọn lựa họ.

Trái với những gì các nhà bình luận chính trị Mỹ nói, tôi không tin nền dân chủ nhất thiết dẫn đến phát triển. Tôi tin rằng những gì một quốc gia cần cho phát triển là kỷ luật hơn là dân chủ. Sự thừa thãi của dân chủ dẫn đến tình trạng vô trật tự và vô trật tự lại không hỗ trợ cho phát triển. Thử nghiệm gần nhất về giá trị của một hệ thống chính trị là liệu nó có giúp xã hội thiết lập các điều kiện để cải thiện mức sống cho đa số người dân hay không, cộng với việc cho phép tối đa quyền tự do cá nhân phù hợp với quyền tự do của người khác trong xã hội hay không.

Không có sân chơi bình đẳng của bất kỳ chính phủ nào mà có thể giúp phe đối lập giành được phiếu bầu.

Điểm yếu của nền dân chủ là giả định rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và có khả năng đóng góp cho lợi ích chung là như nhau. Đây là một quan điểm không hoàn thiện.”[14]. Tuy nhiên, Singapore không hoàn toàn độc tài theo kiểu Đảng cầm quyền toàn trị mà hệ thống chính trị nước này cho phép phản biện xã hội, tiếp thu những ý kiến có giá trị của người dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức, đối với phát triển của đất nước. Quan điểm trên của Lý Quang Diệu thể hiện vai trò của một đảng có khuynh hướng độc quyền trong phát triển kinh tế xã hội là hình mẫu mà Việt Nam có thể tham khảo để củng cố vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng lãnh đạo duy nhất của Việt Nam nhằm tiến tới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thể chế dân chủ từ mô hình Singapore và của một số nước Đông Á.

Là đảng cầm quyền và chiếm ưu thế trong chính trường Sinagpore, hệ tư tưởng của PAP có 4 điểm chính như: (i) chủ nghĩa thực dụng; (ii) chế độ nhân tài; (iii) các giá trị châu Á; và (iv) chủ nghĩa cộng đồng. Đây được cho là xương sống cho hệ tư tưởng có vai trò thúc đẩy phát triển ở Singapore trong gần 60 năm qua. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, PAP đã thể hiện được mình là một chính đảng được lòng dân nhờ những nỗ lực nhằm lấy được sự tín nhiệm của dân chúng như: (i) PAP lấy phát triển kinh tế nhanh và bền vững làm tiền đề cho sự ổn định chính trị, xã hội và xây dựng tính chính đảng; (ii) PAP thực hiện tập trung quyền lực thông qua bộ máy nhà nước; (iii) PAP đã xây dựng được một hình ảnh là đảng thống nhất, đoàn kết, trong sạch và thân dân; (iv) PAP thực hiện duy trì phản biện xã hội nhưng kiên quyết ngăn chặn các lực lượng đối lập.

Như vậy, có thể nói rằng mặc dù được cho là nước có nền kinh tế thị trường theo mô hình tư bản nhưng hệ thống chính trị Singapore lại nghiêng nhiều hơn về chế độ độc quyền toàn trị (hay độc tài) với một đảng cầm quyền trong suốt gần 60 năm qua. Sự thống trị duy nhất, lâu đời và phi thường của PAP là vấn đề đặc biệt thú vị trong chính trường thế giới, vì nó đặt Singapore - một trong số các nước giàu nhất thế giới – vào vị trí tương phản hoàn toàn và trực tiếp với một trong những mô hình được thành lập trong khoa học chính trị - mô hình coi nền dân chủ có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế. Chắc chắn không có câu trả lời rõ ràng cho điều bí ẩn này với trường hợp Singapore.

3. Kết luận và một số hàm ý cho Việt Nam

Có thể nói, mặc dù phát triển kinh tế theo hướng thị trường với cơ chế chính trị cho phép đa đảng cùng tồn tại nhưng trên thực tế qua gần 60 năm vận hành nhà nước, Singapore vẫn được gán cho là nước có hình mẫu một đảng cai trị có khuynh hướng độc quyền. Cùng với những chính sách và thể chế hành chính, quản trị và kinh tế phù hợp, Singapore đã đạt được những thành công lớn trong xây dựng và phát triển đất nước, biến nước này trở thành một trong những nước thuộc nhóm có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Qua đó, cũng như theo quan điểm của Lý Quang Diệu trong những năm lãnh đạo đất nước cho thấy, một đảng độc quyền cai trị nhà nước và coi kỷ luật quan trọng hơn dân chủ cũng là một mô hình chính trị thành công trong quá trình vận hành và phát triển kinh tế đất nước.

Qua trường hợp Sinagpore, một số hàm ý cho Việt Nam trong việc xây dựng thể chế hành chính, kinh tế và chính trị phục vụ mục tiêu phát triển như sau:

1. Cần xây dựng và vận hành một thể chế hành chính và quản trị công phù hợp có vai trò hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế. Thông qua chể chế hành chính này, việc tuyển dụng và sử dụng nhân lực cho khối nhà nước cần chú trọng cả mặt năng lực, khả năng chuyên môn thực tế và đạo đức. Việc tuyển chọn phải được thực hiện minh bạch, khách quan. Sau khi đã được tuyển dụng cần có chế độ giám sát và đánh giá dựa trên kết quả công việc và cũng được đào tạo lại thường xuyên nhằm phù hợp với những thay đổi của bối cảnh chung.

2. Về quản trị công, cần áp dụng cách thức mở và tham vấn trong xây dựng chính sách công nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và xã hội. Cần thiết kế, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung ứng dịch vụ công tập trung 4 nguyên tắc: (i) Chú trọng công tác lãnh đạo; (ii) Tạo động lực làm việc: đãi ngộ, khen thưởng theo kết quả; (iii) Quyền lợi chung: cơ hội cho tất cả; (iv) Lường trước sự thay đổi, thích ứng với môi trường để công tác sử dụng nhân lực công và quản trị công đạt được hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững đất nước.

3. Cần xây dựng và tạo lập môi trường bình đẳng chung cho các doanh nghiệp, kể cả trong và ngoài nước, đặt chúng trong môi trường cạnh tranh quốc gia bình đẳng, theo kiểu chọn lọc tự nhiên. Nhà nước không bảo hộ, nhưng ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp hoạt động trong các ngành quan trọng bằng cổ phần lớn của Nhà nước.

4. Về kinh tế, nên thực hiện chính sách can thiệp một cách hợp lý. Nên tham khảo kinh nghiệm Singapore trong việc tổ chức nền kinh tế theo mô hình không xây dựng và phát triển các tập đoàn lớn như kiểu Chebol của Hàn Quốc hay một số nước khác ở Đông Á. Ngược lại, nước này lựa chọn phương thức định hình mô hình phát triển của riêng mình để thu hút các công ty đa quốc gia (MNCs) vào đầu tư và kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách can thiệp vào thị trường đất đai hợp lý hơn để đảm bảo nguồn cung đất công nghiệp ổn định, từ đó dẫn đến việc hoàn thành việc cung cấp đầu tư khu nhà ở dưới hình thức chương trình nhà ở công cộng lớn nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, cũng cần có chính sách kiểm soát thị trường vốn nhằm: (i) thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư; (ii) phát triển và điều tiết hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính; và (iii) phân bổ đầu tư vào sản xuất (Wong, 2001). Sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường vốn đảm bảo cho việc tạo ra các thị trường và các thể chế cần thiết và quan trọng trong một nền kinh tế định hướng thị trường.

5. Về khu vực nhà nước, kinh nghiệm của Singaore cho thấy tư nhân hóa không phải là ưu tiên duy nhất trong cải cách khu vực nhà nước. Trên thực tế, nước này lại áp dụng mô hình doanh nghiệp đối với một số đơn vị dịch vụ công bằng cách vận dụng thực tiễn quản lý doanh nghiệp trong khi vẫn duy trì sở hữu công. Việc hoạch định chính sách tiếp cận theo hướng khách quan, phát triển bền vững thông qua phát triển năng lực khu vực công dựa trên sự chuyển đổi từ tư duy “thực hiện theo nhiệm vụ được giao” sang “hợp tác”, từ “việc của tôi, trách nhiệm của tôi” sang “hãy cùng nhau làm việc”, và từ “cung ứng dịch vụ” sang “kiến tạo giá trị” đã mang lại hiệu quả cao cho các tổ chức kinh tế nhà nước của Singapore. Đây cũng là một hàm ý cho Việt Nam trong việc thực hiện quản lý các doanh nghiệp nhà nước.

6. Về thể chế chính trị, việc xây dựng thể chế chính trị đa đảng nhằm hướng tới thực hiện dân chủ, nhân quyền là lựa chọn của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với Singapore thì mặc dù thực hiện chế độ đa đảng nhưng nước này lại thực hiện cơ chế một đảng cầm quyền trong gần 60 năm qua mà vẫn đảm bảo được ổn định và phát triển nhanh và bền vững. Kinh nghiệm này là hết sức quan trọng đối với nhà nước một đảng cầm quyền như nước ta. Để thực hiện tốt, chúng ta có thể tham khảo theo nguyên tắc của Singapore là dân chủ là quan trọng nhưng để phát triển thì kỷ luật quan trọng hơn dân chủ. Do đó, cần thực hiện tốt kỷ luật sẽ đảm bảo phát triển.

Bên cạnh đó, để lấy được tín nhiệm của nhân dân, đảng lãnh đạo nên cần: (i) lấy phát triển kinh tế nhanh và bền vững làm tiền đề cho sự ổn định chính trị, xã hội và xây dựng tính chính đảng; (ii) thực hiện tập trung quyền lực thông qua bộ máy nhà nước; (iii) xây dựng được một hình ảnh là đảng thống nhất, đoàn kết, trong sạch và thân dân; (iv) thực hiện duy trì phản biện xã hội nhưng kiên quyết ngăn chặn các lực lượng đối lập.

 

PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

 

 

 



[1] “Bản kiến nghị” được gửi ngày 8-9-2011 với tựa đề “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” của các tác giả là những nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới

[4]Singapore là một nước cộng hòa nghị viện đa đảng nhất thể, có chính phủ nghị viện nhất viện theo hệ thống Westminster. Đảng Hành động Nhân dân giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ khi Singapore tự trị vào năm 1959

[5] HAIR: Chất lượng dùng để đánh giá bao gồm: H (High level vision from a Helicopter): Tầm nhìn ở mức cao; A (Power of Analysis): Năng lực phân tích; I (Imagination): Khả năng tưởng tượng; và R (Sense of Reality): giác quan phát hiện thực tế

[6] Current Estimate Potentials

[8] Liên quan đến xếp hạng về quản trị, theo Bộ Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015- 2016, Singapore đứng thứ 2/140 về đánh giá chung; 2/140 về thể chế; 3/140 về không lót tay và hối lộ; 2/140 về không thiên vị trong việc ra quyết định của chính phủ; 2/140 về minh bạch trong ra quyết định của chính phủ; 1/140 về tính hiệu quả, hiệu lực của khung khổ pháp lý; 1/140 về kết quả thực thi của khu vực công; 1/140 về lòng tin của công chúng

[9] Cơ chế “Không nhầm cửa” (No Wrong Door) ban hành năm 2004 quy định công chức khi nhận yêu cầu của công chúng không thuộc chức trách, nhiệm vụ, họ phải liên hệ để người có yêu cầu làm việc với cơ quan có thẩm quyền. Quy ước Người phản hồi đầu tiên (First Responder Protocol) ban hành năm 2012 quy định khi xem xét vấn đề không rõ thuộc chức năng cơ quan nào thì cơ quan liên quan đầu tiên tiếp nhận yêu cầu phải nghiên cứu, làm rõ và phối hợp với các cơ quan khác để phản hồi. Cơ quan xem xét đầu tiên không nhất thiết là cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết, vì đây là trách nhiệm của hệ thống công vụ

[10] Xem chi tiết tại: Wong, P. K. (2001). The role of the state in Singapore’s industrial development’. Industrial Policy, Innovation and Economic Growth: The Experience of Japan and the Asian NIEs, Singapore University Press, Singapore, 503-569

[11] ibid

 

[12] Nguyên văn từ tiếng Anh: ideology of survival; pragmatism và ideology of Asian value.

[13] Hiện có khoảng 20 đảng chính trị đăng kí hoạt động trong chính trường Sinagpore, trong đó có mốt ố đảng tương đối được biết đến như Đảng dân chủ Singapore, Đảng Lao động; Đảng cải cách; Đảng Liên minh Dân chủ Singapore….

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết