Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước

Ngày phát hành: 05/02/2019 Lượt xem 17201

Vào Xuân, Ảnh Nguyễn Xuân Định

Đặt vấn đề

Nguồn lực tôn giáo cơ bản và thường được thể hiện ở hai phương diện: nguồn lực tinh thần – đấy là những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo và nguồn lực vật chất – nguồn vốn xã hội. Hai loại nguồn lực này được thể hiện ở hai dạng hoạt động: hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội nhưng luôn song hành, thúc đẩy lẫn nhau trong cùng một chủ thể là tổ chức tôn giáo. Ở bất cứ thời kỳ nào thì các tổ chức tôn giáo luôn duy trì và phát triển song song hai loại hình hoạt động này. Bởi vì hoạt động tôn giáo tách biệt khỏi hoạt động xã hội thì tôn giáo đó chỉ là hoạt động thực hành các lễ nghi tôn giáo một cách thuần túy "ĐẠO"; tôn giáo chỉ chú trọng hoạt động xã hội "ĐỜI" thì lại đánh mất căn tính tinh thần của tôn giáo. Do vậy, những cụm từ "đạo - đời", "sống đạo", "đồng hành" v.v... đã thể hiện nội hàm của hai vấn đề hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội của các tổ chức tôn giáo. Do đó, hoạt động tôn giáo tốt chính là tiền đề để tổ chức tôn giáo hoạt động xã hội tốt và ngược lại hoạt động xã hội tốt chính là cơ sở để phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong cộng đồng, đồng nghĩa với việc phát huy ảnh hưởng của tôn giáo trong xã hội.

Trong giai đoạn đổi mới đất nước, Việt Nam đã nhìn nhận và đổi mới một cách căn bản về tôn giáo và công tác tôn giáo, từ nhận thức đến chủ trương, chính sách, từ nội dung công tác đến tổ chức thực hiện. Trong nhận thức đối với tôn giáo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định tôn giáo còn tồn tại lâu dài, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, từ đó công tác tôn giáo phải tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người nhằm mục tiêu đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển. Nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo, những đóng góp của tôn giáo đối với xã hội – đó chính là phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước.

I. Khái quát về nguồn lực tôn giáo

1. Nguồn lực tinh thần

Nguồn lực tinh thần của tôn giáo chính là giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo, được thể hiện trong hệ thống triết lý, giáo lý và những điều răn giới cầm nhằm điều chỉnh ý thức, hành vi của tín đồ và được tín đồ tin theo một cách tự nguyện, tự giác. Giá trị đó, ngoài việc bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn đề cập đến những chuẩn mực đạo đức chung như sống hiếu thảo, trung thực, nhân ái, hướng tới điều lành, tránh xa điều ác. Trong hoạt động tôn giáo, thông qua các lễ thức các nhà lãnh đạo tôn giáo luôn lấy đó làm chuẩn mực để khuyên dạy tín đồ thực hiện. Niềm tin tôn giáo đã trở thành nhu cầu của một bộ phận người dân, giúp họ vượt qua những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, hy vọng một tương lai tươi sáng hơn. Giá trị đạo đức tôn giáo là bệ đỡ tinh thần giúp tín đồ sống trách nhiệm với lối sống lành mạnh hơn.

Việt Nam là đất nước đa dạng tôn giáo, với 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo đã và đang tồn tại cùng lịch sử dân tộc. Chính vì vậy, văn hóa, đạo đức tôn giáo cũng có bề dày lịch sử, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận người dân mà còn đóng góp vào quá trình xây dựng đạo đức, văn hóa Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc, văn hóa, đạo đức tôn giáo không bất biến mà luôn có sự điều chỉnh cho phù hợp với đời sống xã hội và được xã hội chấp nhận. Phật giáo đã làm sâu sắc và phong phú những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam như: quan niệm về tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha, lục hòa cộng trụ hay về luật nhân quả. Giá trị đạo đức của Công giáo được thể hiện ở 10 điều răn, trong đó có 7 điều khuyên răn về đạo đức làm người như: Thảo kính cha mẹ, Không được giết người, Không được dâm dục, Không được gian tham lấy của người khác, Không được làm chứng dối, che giấu sự gian trá, Không được ham muốn vợ (hoặc chồng) người khác, Không được ham muốn của cải trái lẽ. Đạo đức Islam đã đem lại những giá trị quý báu, đặc sắc về văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Chăm… Những chuẩn mực này góp phần không nhỏ trong nguyên tắc ứng xử phù hợp trong xã hội, rất hữu ích trong việc duy trì đạo đức xã hội.

Giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội, niềm tin tôn giáo đã tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo. Sự gắn kết chặt chẽ những người cùng đức tin luôn có sức sống bền vững và lan tỏa ra cộng đồng, tạo nên những mối tương quan trong quan hệ xã hội, góp phần vào đồng thuận, tiến bộ xã hội.

Phiên chợ Tết 0 đồng, một nét đẹp văn hóa của lớp trẻ hiện nay

 

Văn hóa, đạo đức tôn giáo luôn đề cao giá trị gia đình – tế bào của xã hội. Trong gia đình, giá trị đạo đức được dạy dỗ ngay từ những năm đầu đời, là ngôi trường đầu tiên dạy đạo đức xã hội, là nơi nuôi dưỡng, ươm mầm đức tin, có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và định hướng con cái, ngăn cấm tổn hại đến các thành viên trong gia đình. Hôn nhân một vợ một chồng được nhiều tôn giáo coi trọng, các tôn giáo cấm người có vợ, có chồng kết hôn, ngoại tình, ruồng bỏ vợ, con rất phù hợp với văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam. Trong gia đình, ngoài yếu tố truyền thống thì niềm tin tôn giáo là bệ đỡ tinh thần, sự bao bọc của niềm tin tôn giáo làm cho các thành viên trong gia đình hỗ trợ nhau tốt hơn trong cuộc sống, góp phần chống lại sự xâm nhập của tệ nạn xã hội. Như vậy, giá trị tinh thần của các tôn giáo đã đóng góp vào việc bồi bổ thêm giá trị đạo đức văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam.

Giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo không chỉ bó hẹp trong phạm vi thực hành lễ nghi tôn giáo ở trong một không gian thiêng, mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong làm ăn kinh tế, chuẩn mực đạo đức tôn giáo khuyên tín đồ không tìm kiếm, làm giàu từ những việc làm bất chính vi phạm những chuẩn mực đạo đức xã hội. Khi tín đồ có niềm tin tôn giáo thì trách nhiệm trong hoạt động kinh tế, xã hội được thực hiện bằng chính niềm tin, tinh thần hăng say lao động và làm giàu “chính đáng”. Ở đó, niềm tin đạo đức, giới răn, chuẩn mực của tôn giáo ảnh hưởng tích cực đến chủ thể làm kinh tế, đến mục tiêu, phương thức thực hiện. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế không xa rời đạo đức xã hội, trách nhiệm xã hội chính là đóng góp của tôn giáo trong phát triển đất nước.

Bên cạnh hệ thống triết lý sâu sắc, các tôn giáo còn đóng góp vào văn hóa dân tộc bằng những công trình mang những giá trị nhân văn sâu sắc như kiến trúc, hội họa, điêu khắc. Phật giáo đã góp phần làm nên các công trình mỹ thuật đặc sắc chùa, tháp, tượng Việt Nam. Việc hội nhập phong cách, kiến trúc phương Tây của Công giáo, Hồi giáo đã góp phần giao thoa và hội nhập văn hóa dân tộc. Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ của Công giáo là đóng góp lớn cho văn hóa Việt Nam; sự ra đời và phát triển các tờ báo tôn giáo đã góp phần truyền tải giá trị tôn giáo và giá trị văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa tôn giáo gần gũi, quen thuộc hơn với văn hóa Việt Nam và ngược lại văn hóa Việt Nam được diễn tả trong các lễ nghi đặc sắc tôn giáo.

Giá trị tinh thần của tôn giáo được thực hiện bởi đội ngũ chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, thông qua vai trò truyền đạo, hành đạo và quản đạo, họ luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc giữ gìn và làm lan tỏa giá trị tinh thần của tôn giáo trong cộng đồng. Trong cộng đồng tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành luôn đóng vai trò làm trung gian hòa giải các bất đồng, mâu thuẫn trong các gia đình, cộng đồng, thậm chí là hòa giải xung đột giữa các thiết chế xã hội. Khuyên bảo tín đồ chăm chỉ làm ăn, chấp hành pháp luật, tránh các tệ nạn xã hội, chấp hành các chủ trương, chính sách ở địa phương; xây dựng tình làng nghĩa xóm, tôn trọng và đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết dân tộc. Những việc làm bền bỉ đó đã tạo sự ổn định và làm nên sự gắn kết, sức mạnh nội tại trong cộng đồng tôn giáo và làm cho tôn giáo luôn có vị trí nhất định trong đời sống xã hội.

Các tôn giáo đều quan tâm đến hòa bình, hòa hợp, lên án những bất công, những điêu xấu, nên giá trị đạo đức tôn giáo luôn góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cộng đồng tôn giáo là những tổ chức có tính tự quản cao, tín đồ ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn an ninh trật tự, góp phần bài trừ một số tập tục lạc hậu, hạn chế thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Bởi vậy, ở những nơi có đông tín đồ tôn giáo tình hình an ninh trật tự tốt hơn các nơi khác và các tệ nạn xã hội cũng ít xâm nhập, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở mỗi địa phương và cả nước.

Với những giá trị tinh thần đó, từ trước đến nay Việt Nam luôn khẳng định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, tôn giáo có những giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa phù hợp với lợi ích của toàn dân. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay cần cụ thể hóa việc phát huy nguồn lực tinh thần của tôn giáo để xây dựng đạo đức, văn hóa dân tộc.

 

Nhà thờ gỗ Kon Tum

2. Nguồn lực vật chất

Nguồn lực vật chất của tôn giáo được kết hợp bởi hai yếu tố nguồn nhân lực và nguồn vốn.

Hơn 24,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số Việt Nam chính là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tăng trưởng kinh tế ổn định hàng năm của đất nước có sự đóng góp từ nguồn nhân lực và nguồn vốn của tín đồ các tôn giáo. Họ chính là người làm ra của cải không chỉ phục vụ đời sống gia đình mà còn cùng với các thành phần xã hội khác góp phần vào phát triến kinh tế của đất nước.

Trong những năm qua các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, đóng góp sức người, sức của chung tay cùng nhân dân cả nước làm cho đời sống của người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi: hệ thống ngõ xóm, kênh mương từng bước được bê tông hóa, nhiều cây cầu bê tông được xây dựng, an ninh trật tự trên địa bàn được bảo đảm. Các tổ chức tôn giáo luôn động viên tín đồ tích cực tham gia các phòng trào toàn dân xây dựng cuộc sống ở khu dân cư, sống tốt đời - đẹp đạo, xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội...; xây dựng các mô hình "đường phố, khu phố không rác", tuyên truyền về "Năm an toàn giao thông" cho tín đồ và người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Các tổ chức tôn giáo đã từng bước nâng cao tính tự quản của cộng đồng, ý thức trách nhiệm công dân, góp phần bài trừ các tập tục lạc hậu, hạn chế được thanh thiêu niên vi phạm pháp luật. Tăng cường đoàn kết trong nhân dân và chăm lo phát triển kinh tế góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Nguồn nhân lực, nguồn vốn của tôn giáo khi kết hợp với niềm tin tôn giáo không chỉ tạo ra của cải vật chất, mà còn thôi thúc các tổ chức và cá nhân tôn giáo nâng cao trách nhiệm trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội một cách hiện quả và bền vững. Cùng với quá trình truyền giáo, các tôn giáo đã tham gia và hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục của Đảng, Nhà nước bằng việc phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, hiệu quả trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo, cụ thể:

 Hoạt động giáo dục, vừa là thế mạnh vừa được các tôn giáo quan tâm trong quá trình truyền giáo và thường được thực hiện ở các mô hình: mầm non, dạy nghề và tổ chức các hoạt động khuyến học, thành lập các lưu xá hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, cả nước có 270 trường mầm non, khoảng 1000 nhóm, lớp mần non độc lập do các cá nhân tôn giáo thành lập, chiếm 2% so với tổng số trường mầm non công lập và ngoài công lập, chiếm 15% tổng số trường mầm non ngoài công lập trong cả nước, huy động khoảng 125.594 trẻ đến trường/lớp, chiếm 3,06% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc (công lập và ngoài công lập), chiếm 18,3% so với trẻ đến trường mầm non ngoài công lập. Các tổ chức tôn giáo đã thành lập 12 cơ sở dạy nghề trong cả nước gồm: 01 trường cao đẳng nghề, 01 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề. Hàng năm tuyền sinh đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho 2.000 người [i].

Trong lĩnh vực y tế, với tinh thần bác ái, các tôn giáo thể hiện rõ ảnh hưởng thông qua việc khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, mở phòng khám từ thiện, xây dựng hệ thống các xe cứu thương chuyên chở người bệnh. Nâng cao nhận thức cho tín đồ biết tổ chức cuộc sống hợp vệ sinh, phòng tránh bệnh tật, đến bệnh viện khi bị bệnh, dùng thuốc thay vì cầu cúng, khuyên bảo người dân loại bỏ các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe. Các tôn giáo đã mở được 185 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 143 cơ sở khám bệnh đông y hoặc đông tây y kết hợp; 42 cơ sở tây y (33 tủ thuốc, 9 nhà thuốc) và 01 trạm xã. Trong 3 năm từ 2011 đến năm 2014 tổng số lượt người được khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏa tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo của các tôn giáo là trên 1,5 triệu lượt [ii].

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tôn giáo đã phối hợp tổ chức các đoàn khám chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho người nghèo: đã khám chữa bệnh cho hơn 177 triệu lượt người. Bốc, phát thuốc miễn phí hoặc bán giá rẻ 305.719.943 thang thuốc cho bệnh nhân. Cả nước hiện có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo (đã có giấy phép) đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số 2.600 nhân viên, bình quân 01 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng bảo trợ xã hội [iii].

Trong cuộc vận động “Ngày vi người nghèo”, “Quỹ vì người nghèo” các tôn giáo đã rất tích cực tham gia. Tổng giá trị các hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo năm 2016 là hơn 3.146 tỷ đồng [iv].

Đội ngũ quản lý, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, y tế do các tổ chức tôn giáo thành lập phần lớn là nhà tu hành, hoặc những người được các tổ chức ký hợp đồng, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trong các cơ sở này công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được quan tâm thường xuyên cộng với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề đã mang lại hiệu quả cao trong các hoạt động nan sinh xã hội. Nhiều chức sắc, chức việc, tu sĩ, sư cô là những tấm gương sáng để đội ngũ nhân viên noi theo, sự hy sinh, cống hiến âm thầm để phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn của họ luôn được mọi người tin yêu, quý mến. Bằng sự hy sinh phục vụ và uy tín các chức sắc, tu sĩ tôn giáo luôn huy động được nguồn vật chất xã hội hóa và kêu gọi được tinh thần thiện nguyện của tín đồ nên hoạt động an sinh xã hội ngày một phát triển cả về quy mô và chất lượng, đã và đang góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cuộc sống cho một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn, trực tiếp góp phần giảm tải gánh nặng cho đất nước.

Có thể nói, bên cạnh những con số rất đáng trân trọng và quý đối với người nghèo, người dân ở những vùng sâu, vùng xa thì tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ những nhà tu hành, những nhân viên thiện nguyện luôn là động lực để người nghèo, người bệnh hy vọng ở một tương lai tốt đẹp. Trong quá trình đổi mới đất nước, chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng cởi mở, không chỉ tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động ổn định, phát triển theo quy định của pháp luật, mà còn nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa và đóng góp của tôn giáo trong phát triển đất nước. Đấy chính là cơ sở quan trọng để các tôn giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc, tạo mối quan hệ gắn bó trong hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội. Tuy nhiên, để phát huy nguồn lực của tôn giáo vào phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng hơn.

 

II. Một số đề xuất nhằm phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước

1. Nhìn nhận khách quan về nguồn lực của tổ chức tôn giáo

Sau 15 năm ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo, ngày 10/01/2018 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nội dung của Chỉ thị không chỉ tiếp tục khẳng định giá trị các quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo trong Nghị quyết số 25 mà còn nâng lên một bước nhận thức về giá trị của tôn giáo là: “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”. Với quan điểm này Đảng ta đã chỉ rõ hai vấn đề cần quan tâm/nhận thức thấu đáo hơn trong cùng một chủ thể là: giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo và nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng đất nước. Từ quan điểm này, để phát huy nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng đất nước cần phát triển cách tiếp cận mới về tôn giáo theo hướng:

- Tôn giáo là một thực thể xã hội tồn tại khách quan và mang trong mình những giá trị tích cực. Số lượng tín đồ tôn giáo là nguồn nhân lực của đất nước, không chỉ là người trực tiếp làm ra của cải (nguồn vốn) để phát triển đất nước. Nguồn nhân lực đó có niềm tin tôn giáo sẽ làm tăng tính hiệp thông giữa những người cùng đức tin, tạo nên sức mạnh, tính cố kết cộng đồng cao, là những hạt nhân quan trọng làm nên đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc và là lực lượng quần chúng góp phần ổn định, phát triển đất nước, đó là một thực tế không thể phù nhận.

Khi đã nhìn nhận đúng và đặt để đúng vai trò của tổ chức tôn giáo, thì trong thực thi cần đưa tôn giáo vào tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, điều đó không chỉ kích đẩy được nguồn vốn xã hội từ tôn giáo, mà còn tạo sự đồng thuận xã hội. Khi nhìn nhận tôn giáo là một thực thể xã hội, tổ chức này sẽ có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ như những tổ chức xã hội khác trong hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội. Tạo ra một sân chơi pháp lý bình đẳng để phát huy nguồn vốn xã hội của tôn giáo cho phát triển đất nước.

- Phát huy giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo vào xây dựng đạo đức, văn hóa dân tộc

Việt Nam luôn tự hào là đất nước có nền văn hóa độc đáo, với những giá trị vật thể và phi vật thể được thế giới công nhận, bên cạnh đó sự đa dạng của văn hóa các dân tộc thiểu số đã góp phần làm nên bề dày và sự đa dạng của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá, văn hóa Việt Nam đã và đang có những tác động biến đổi sâu sắc theo xu hướng mai một bản sắc, ý thức về việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc trong bộ phận lớp trẻ ngày một yếu đi. Sự du nhập và chạy theo các trào lưu văn hóa mới đã và đang làm cho giá trị đạo đức xã hội ngày một pha tạp. Do vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đảng, Nhà nước mà là mọi thành phần xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo. Trong nhiệm vụ này việc đưa tôn giáo vào cùng tham gia thực hiện là vấn đề cần tính đến

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề tôn giáo cần phải thích ứng hơn nữa với điều kiện hiện nay. Tư duy cần mở rộng hơn hướng đến phương diện nhân văn, văn hoá và tâm linh con người để khai thác tính tích cực của nó trong đời sống xã hội. Tôn giáo tự bản thân nó đã là văn hóa, có những giá trị phù hợp với văn hóa Việt Nam; tôn giáo còn là môi trường tiếp biến, giao lưu văn hóa; là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc. Giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo có sức lan tỏa lớn và bền bỉ bồi bổ thêm giá trị đạo đức xã hội, đó là tình yêu thương, bác ái và hướng thiện phù hợp với phát triển bền vững về đạo đức, văn hóa Việt Nam, đã và đang tác động đến đời sống tâm linh của nhiều người. Tôn giáo khuyên răn con người làm lành, lánh dữ, biết sống vì cộng đồng, tránh xa các tệ nạn xã hội, đề cao đạo làm người và trân trọng các mối quan hệ gia đình, cộng đồng, tiết độ trong cuộc sống, tiết kiệm, chống lãng phí sẽ là bệ đỡ để cải thiện những yếu tố thiếu trách nhiệm đang cản trở sự phát triển bền vững trong mỗi gia đình và cộng đồng. Như vậy, giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo sẽ góp phần giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam. Để tôn giáo tham gia vào giải quyết vấn đề đạo đức xã hội, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc rất cần tạo cho tôn giáo một cơ chế chính sách rõ ràng, coi tôn giáo là một thành tố văn hóa. Nói cách khác chủ trương đã có cần phải thể chế để tạo hành lang pháp lý cho tôn giáo phát huy giá trị đó trong đời sống xã hội.

Việt Nam đã xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Để phát triển bền vững đất nước rất cần chú trọng tới đóng góp của tôn giáo trong lĩnh vực tinh thần, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách về văn hóa tinh thần của người dân giữa các vùng miền. Tôn trọng và phát huy những đóng góp của các tôn giáo chính là thúc đẩy tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, thúc đẩy tôn giáo tăng cường mối quan hệ với nhà nước vì mục tiêu chung.

2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tôn giáo, tạo cơ sở pháp lý để tôn giáo phát huy nguồn lực trong phát triển đất nước

Trong xu thế toàn cầu hóa, hiện đại hóa các tôn giáo đều có khuynh hướng trở thành “tôn giáo xã hội” thích ứng xã hội ngày càng cao. Việt Nam đã nhìn nhận tôn giáo là một tổ chức xã hội, tồn tại lâu dài/đồng hành với dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mới đây nhất đã tiến thêm một bước nữa trong nhận thức khi xem tôn giáo là nguồn lực. Tuy nhiên, cần phải thể chế hóa trong các luật chuyên ngành để tạo cho tôn giáo một địa vị pháp lý trong các hoạt động xã hội thích hợp như: y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội theo khả năng của từng tôn giáo.

Hiện nay, về giáo dục: tổ chức tôn giáo mới được mở trường, lớp mẫu giáo, nhà trẻ; mở các trung tâm dạy nghề, trong cả nước hiện chỉ có giáo phận Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai được chính quyền chấp thuận nâng Trung tâm dạy nghề Hòa Bình lên Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình. Về y tế, tôn giáo mới được mở các phòng khám; các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng những người không nơi nương tựa, bệnh nhân tâm thần, HIV; những lĩnh vực khác chỉ được tham gia với tư cách cá nhân. Những bất cập trên vừa không tạo sự thống nhất trong công tác tôn giáo, cũng như khó có thể phát huy được nguồn lực, những ảnh hưởng tích cực của tôn giáo trong phát triển đất nước.

Do vậy, trong quá trình thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo cần tính đến việc sửa đổi, bổ sung một số luật chuyên ngành có liên quan đến tôn giáo, nhất là những nội dung còn vướng, còn thiếu hoặc bất cập, vênh nhau giữa các luật nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong quan điểm, chủ trương, như: quy định cụ thể việc tổ chức tôn giáo được thực hiện chủ trương xã hội hóa về y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo với tư cách là chủ đầu tư và quản lý theo quy định của pháp luật, nhất là trong giai đoạn hiện nay Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định pháp nhân đối với các tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Trong các cơ sở giáo dục, y tế do tôn giáo quản lý điều hành thực hiện triệt để cơ chế “phân ly” theo đúng quy định của luật chuyên ngành (khi sửa đổi bổ sung), không đưa các hoạt động tôn giáo vào sinh hoạt và giảng dạy; không đặt các biểu tượng tôn giáo. Nhà nước hỗ trợ cơ chế, chính sách, các tôn giáo tự tạo nguồn, chịu thuế và chịu sự giám sát, quản lý của nhà nước.

Riêng đối với các cơ sở bảo trợ xã hội, là nơi nuôi dưỡng những người đã mất khả năng lao động và mất khả năng tự chăm sóc bản thân thì nhà nước cần tính đến không chỉ cơ chế, chính sách mà còn hỗ trợ về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí để các tổ chức tôn giáo thuận lợi trong điều hành và quản lý, cùng với nhà nước chăm lo cho những người yếu thế, góp phần cùng với các tổ chức khác để giảm tải gánh nặng xã hội.

Việc đưa tôn giáo vào tham gia cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục với sự giám sát, quản lý của nhà nước sẽ góp phần làm giảm tải số lượng học sinh ở các trường mà hiện nay đã quá mức cho phép hay giảm tải các bệnh nhân trong các bệnh viện. Việt Nam có chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục, vậy cũng có thể coi việc các tôn giáo tham gia sâu vào lĩnh vực này là việc tôn giáo đang thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, không có sự phân biệt, không có khoảng trống. Bên cạnh đó, việc cho phép tôn giáo tham gia cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ giữa các tổ chức cung ứng khác nhau, thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong hoạt động y tế, giáo dục và người dân sẽ có lợi trong việc lựa chọn chất lượng các chủ thể tham gia cung ứng các loại dịch vụ này.

Có thể nói, luật pháp càng đồng bộ, rõ ràng thì việc thực hiện chính sách, pháp luật mới thống nhất và khả thi. Đảm bảo tính minh bạch, bình đẳng giữa trách nhiệm, quyền lợi của các tổ chức tôn giáo; giữa tổ chức tôn giáo và các tổ chức xã hội khác, thúc đẩy các tổ chức tôn giáo đóng góp nguồn lực vào phát triển đất nước.

3. Vận động các tôn giáo thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội

Một trong những thành tựu quan trọng trong công tác tôn giáo thời gian qua là việc cơ quan quản lý nhà nước đã giúp đỡ, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo xây dựng đường hướng hành đạo tích cực, gắn bó đồng hành cùng dân tộc: Phật giáo là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”; Công giáo là “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cho đồng bào”; Tin lành là “Sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; Cao Đài là “Nước Vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hoà Hảo là Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”,…". Từ đường hướng đó, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo luôn ý thức trách nhiệm với quê hương đất nước không phải chỉ là tình cảm, trách nhiệm công dân, mà còn là đòi hỏi của đường hướng hành đạo mà các tôn giáo đã đề ra. Trong công tác tôn giáo không chỉ quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ, đường hướng hành đạo đã được Nhà nước công nhận, mà cần lấy đường hướng hành đạo làm chuẩn mực để vận động chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo làm theo trong các hoạt động an sinh xã hội. Đấy cũng là phương tiện hữu hiệu để phòng ngừa, đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo của các đối tượng cực đoan để vi phạm pháp luật, trục lợi, đi ngược lại đường hướng hành đạo của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận.

Đảng, Nhà nước Việt Nam có chủ trương xã hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, đây là một chủ trương nhất quán, lâu dài của Đảng, trong đó các tổ chức tôn giáo chính là nguồn lực góp phần thực hiện tốt chủ trương này. Chủ trương này đã được Nhà nước thể chế tại nhiều văn bản pháp luật như: Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và gần đây là Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 qui định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Nghị định số 69/2008/ NĐ- CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường. Theo đó các địa phương không những triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các tôn giáo, mà còn cần tạo điệu kiện, hướng dẫn, vận dụng và vận động để các tôn giáo được tham gia hoạt động xã hội một cách phù hợp nhất theo quy định của pháp luật, theo khả năng và tinh thần trách nhiệm cao. Vận động đồng bào có đạo, đặc biệt là chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, cùng toàn dân quan tâm chăm sóc người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn phù hợp với giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo và dân tộc. Làm chất keo gắn kết đồng bào các tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo, đạo -  đời trong khối đoàn kết toàn dân tộc. Vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tham gia các đoàn thể xã hội, nhất là chăm lo, tập hợp giáo dục giới trẻ sống có trách nhiệm, có ích, gương mẫu đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.

Vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia đấu tranh phê phán, giáo dục những người lợi dụng niềm tin tôn giáo, lợi dụng hoạt động an sinh xã hội để trục lợi, lôi kéo tín đồ gây rối trật tự xã hội, gây chia sẽ dân tộc, tôn giáo, cản trợ sự đóng góp của các tổ chức tôn giáo trong phát triển đất nước.

***

Với sự nỗ lực của toàn dân, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển đất nước, đời sống người dân ngày một nâng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn, khoảng cách giàu – nghèo cả về kinh tế, xã hội và văn hóa trong các vùng miền của đất nước vẫn còn khá cao, thiên tai bão lũ xẩy ra thường xuyên và luôn có diễn biến bất thường ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, cũng như phát triển bền vững đất nước. Với những đóng góp của tôn giáo cả ở lĩnh vực tinh thần và vật chất thì Đảng, Nhà nước rất cần phát huy nguồn lực này để cùng với các tổ chức chính trính trị, tổ chức xã hội, các dân tộc thiểu số và người dân xây dựng, phát triển đất nước. Có như vậy mới có thể tạo lập được các mối quan hệ hài hòa và đồng thuận xã hội, là động lực mạnh mẽ cho việc tập hợp, phát huy sức mạnh, nguồn lực của nhân dân vào công cuộc phát triển đất nước./.

 

      Ths. Lê Thị Liên - Viện trưởng

Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo

 

 



[i]  Ban Chấp hành Trung ương (2018), Đề án “Về tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”, trang 7

[ii]. Ban Chấp hành Trung ương (2018), Đề án “Về tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”, trang 7

[iii]. Ban Chấp hành Trung ương (2018), Đề án “Về tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”, trang 7.

[iv] Ban Chấp hành Trung ương (2018), Đề án “Về tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”, trang 27.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết