Thứ Ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024

Một số vấn đề đặt ra về nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước

Ngày phát hành: 03/10/2024 Lượt xem 502


 

1. Cơ sở hình thành, phát triển và đặc điểm của nguồn nhân lực chất lượng cao

 

1.1. Cơ sở hình thành và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

 

Thực tế lịch sử cho thấy, để sản xuất của cải thỏa mãn nhu cầu xã hội cần có các yếu tố cơ bản là sức lao động và tư liệu sản xuất. Sức lao động hay năng lực lao động với tư cách là tổng thể những năng lực tồn tại trong mỗi con người (bao gồm thể lực và trí lực…) mà có thể đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một sản phẩm nào đó[1], luôn được coi là một trong số các nguồn lực của sản xuất, kinh doanh và được gọi là nguồn nhân lực (NNL). Do vậy, nguồn nhân lực là khái niệm dùng để phản ánh nguồn lực con người với tư cách là yếu tố đặc biệt quan trọng của sản xuất xã hội.

 

Theo sự phát triển của xã hội dựa trên trình độ phát triển của sản xuất, nguồn nhân lực cũng có xu thế phát triển không ngừng, thể hiện sự hình thành và củng cố những đặc điểm mới của con người phù hợp với xu thế phát triển của sản xuất và xã hội. Trong điều kiện khoa học, công nghệ chưa phát triển, khi sản xuất phổ biến mang tính đại trà, mặc dù con người với tư cách là nhân tố chủ động, sáng tạo, được coi là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội, song lại nằm trong quan hệ bị chi phối, phụ thuộc vào các điều kiện sản xuất. Trong thời buổi bình minh của xã hội loài người để sinh tồn con người phải dựa vào tự nhiên khai thác tự nhiên để tạo ra tư liệu sinh hoạt. Hoạt động sản xuất chủ yếu của xã hội là sản xuất nông nghiệp hầu như phụ thuộc vào thiên nhiên, do đó đặc điểm chủ yếu của con người được biểu hiện thành nhân cách phụ thuộc “làm cho tiềm năng sinh mệnh của cá nhân trong việc chống chọi với tự nhiên có thể phát huy và tăng cường, đẩy văn minh loài người tiến lên, mặt khác lại làm cho quần thể tiến hóa dần thành một thực thể “siêu cá nhân” và “nhân cách hóa”, quay trở lại áp chế và trói buộc cá nhân, hạn chế sự sáng tạo của cá nhân”[2]. Trong điều kiện đó chỉ một bộ phận rất nhỏ trong nguồn nhân lực của xã hội có cơ hội phát triển, còn hầu hết vẫn nằm trong sự lệ thuộc không những vào tự nhiên mà còn bị trói buộc bởi những thế chế xã hội mang nặng tính áp đặt phi kinh tế.

 

Sau cách mạng công nghiệp, nhờ sự phát triển của khoa học dần gắn với phát triển công nghệ, trình độ chinh phục thiên nhiên của con người đã được nâng lên, các điều kiện cho phát triển con người với tư cách là nguồn nhân lực cũng được mở rộng dần. Đặc điểm của “nhân cách thời đại công nghiệp có đặc trưng tinh thần khoa học như tôn trọng thực tế, theo đuổi chân lý, dám hoài nghi, không ngừng tiến thủ, khoan dung mở ngỏ, phê phán cái cũ, sáng tạo cái mới. Những nhân cách này thúc đẩy sự sáng tạo, truyền bá tri thức khoa học, phát huy văn hóa, nâng cao trí tuệ, chống lại sự dã man, ngu muội, thúc đẩy văn minh hóa hành vi xã hội và đạo đức hóa tư tưởng và hành vi con người. Tuy nhiên, cái yếu trong nhân cách của xã hội công nghiệp lại thể hiện ở “nhân cách đơn điệu”, quy phạm hành vi và vai trò chủ thể bị vật hóa”[3]. Trong điều kiện đó chủ thể sở hữu tư liệu sản xuất cũng đồng thời là chủ thể quyết định và chi phối toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, còn chủ thể sở hữu sức lao động với tư cách là người làm thuê luôn là chủ thể phụ thuộc.

 

Cho tới giữa thế kỷ XX, vai trò chủ yếu trong sản xuất vẫn thuộc về các yếu tố như tư liệu sản xuất và các điều kiện vật thể của sản xuất, bởi lẽ các yêu cầu đối với sức lao động vẫn ở mức tối thiểu, chủ yếu là những yêu cầu về sức lực tự nhiên của con người. Theo con mắt của các chủ thể sử dụng lao động thì NNL được sử dụng không có gì khác nhiều so với các nguồn lực khác, không những thế lại còn là nguồn lực phụ thuộc vào công nghệ. Kỹ năng lao động dễ trang bị, người lao động không cần phải đào tạo lâu dài và tốn kém, mà lại có thể dễ dàng thay thế. Trong điều kiện đó, vẫn cần có đội ngũ lao động quản lý và kỹ thuật với tư cách là bộ phận nguồn nhân lực có chất lượng cao, song sự tồn tại, vận động và phát triển của lực lượng này là có giới hạn trên cơ sở phân công lao động.

 

Theo sự gia tăng mức độ phức tạp của công nghệ sản xuất và sự xuất hiện của những ngành kinh tế mới - những ngành công nghệ cao, đòi hỏi đối với sức lao động sử dụng công nghệ phức tạp cũng tăng thêm. Những tiêu chuẩn về chất lượng người lao động như việc đào tạo chuyên nghiệp với thời gian dài, các đặc điểm về tâm lý, nhân cách, tác phong… ngày càng được đề cao. Những kiến thức được trang bị thông qua đào tạo ban đầu đã không còn đủ để sử dụng hiệu quả những công nghệ mới hiện đại. Người lao động không những cần có kiến thức, kỹ năng, mà còn phải có động cơ để phát huy khai thác toàn phần những kiến thức kỹ năng đó. Người lao động phải có lòng yêu nghề, yêu công việc bởi lẽ người chủ sử dụng lao động không phải chỉ mong đợi người lao động thực hiện một cách giản đơn những trách nhiệm được giao, mà chủ yếu là sự sáng tạo trong công việc. Người lao động trong điều kiện mới phải có khả năng tự phát triển. Như vậy, cùng với đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật thì đòi hỏi đối với các bộ phận nhân lực khác cũng tăng lên. Từ đó, giới hạn phát triển của bộ phận nhân lực trình độ cao cũng ngày càng mở rộng.

 

Như vậy, sự hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao là một quá trình tất yếu xuất phát từ sự phát triển khách quan của sản xuất dưới tác động của cách mạng khoa học - công nghệ. Sự hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao là xu thế tất yếu của sự phát triển con người trong xu thế phát triển xã hội. Từ đó có thể xác định rõ bản chất của nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận nguồn nhân lực được hình thành và phát triển phù hợp với yêu cầu của nền sản xuất hiện đại dựa trên cơ sở cách mạng khoa học - công nghệ. Nguồn nhân lực chất lượng cao được đánh giá là lực lượng rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế ngày nay đặc biệt trong xu thế hình thành và phát triển kinh tế tri thức và hội nhập.

 

1.2. Đặc điểm của nguồn nhân lực chất lượng cao

 

Với tư cách là một bộ phận của nguồn nhân lực gắn với sự phát triển của sản xuất xã hội trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, có thể xác định những đặc điểm cơ bản của nguồn nhân lực chất lượng cao trong mối quan hệ so sánh với khái niệm nguồn nhân lực, bao gồm:

 

Thứ nhất, về trình độ phát triển: nguồn nhân lực chất lượng cao phải là bộ phận có trình độ phát triển cao nhất của nguồn nhân lực, do đó phải đảm bảo ở mức cao các tiêu chí về chất lượng nguồn nhân lực như:

 

Một là, về thể lực, nguồn nhân lực chất lượng cao phải đảm bảo thể lực ở mức tốt nhất để thực hiện hiệu quả, lâu dài các hoạt động sản xuất kinh doanh, chịu được các áp lực về tâm lý trước những công việc phức tạp, căng thẳng…. Như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao phải có đủ sức khỏe, phát triển hài hòa về mặt thể chất và tinh thần. Sức khỏe ngày nay không chỉ được biểu hiện về tình trạng không có bệnh tật mà còn là sự hoàn thiện về mặt thể chất và tinh thần. Người lao động có sức khỏe tốt có thể mang lại năng suất lao động cao nhờ sự bền bỉ, dẻo dai. Sức khỏe chịu tác động của nhiều yếu tố: tự nhiên, kinh tế - xã hội và được phản ánh bằng một chỉ tiêu bao gồm các chỉ tiêu về sức khỏe, bệnh tật, về cơ sở vật chất, và các điều kiện đảm bảo chăm sóc sức khỏe. Quá trình áp dụng phổ biến các phương pháp sản xuất công nghiệp, công nghệ hiện đại đòi hỏi người lao động với tư cách là thành tố của nguồn nhân lực chất lượng cao phải có sức chịu đựng dẻo dai, đáp ứng quá trình sản xuất liên tục kéo dài; có các thông số nhân chủng học đáp ứng được các hệ thống thiết bị công nghệ được sản xuất phổ biến và trao đổi trên thị trường khu vực và thế giới; luôn tỉnh táo, sảng khoái tinh thần; đáp ứng những đòi hỏi về mức độ chính xác và an toàn cao của kỹ thuật tinh vi.

 

Hai là, về trí lực, nguồn nhân lực chất lượng cao phải có hiểu biết sâu, rộng, có khả năng vận dụng sáng tạo những tri thức đã có và sáng tạo ra những tri thức mới cần thiết trong hoạt động, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của môi trường và công nghệ sản xuất. Trí tuệ là yếu tố thiết yếu của con người, bởi vì tất cả những gì thúc đẩy con người hành động đều phải thông qua đầu óc của họ, tức là phải thông qua trí tuệ. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ yêu cầu người lao động có học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, làm việc chủ động, sử dụng được các công cụ hiện đại. Sự yếu kém về trí tuệ là lực cản nguy hại nhất dẫn đến sự thất bại trong hoạt động của con người. Năng lực, trí tuệ biểu hiện ở khả năng áp dụng những thành tựu khoa học đã có để sáng chế ra những kỹ thuật công nghệ mới tiên tiến và phù hợp hơn, sự nhạy bén, thích nghi nhanh và làm chủ được kỹ thuật công nghiệp hiện đại; khả năng biến tri thức thành kỹ năng lao động nghề nghiệp, nghĩa là kỹ năng lao động giỏi thể hiện qua trình độ tay nghề, mức độ thành thạo chuyên môn nghề nghiệp. Quá trình tái sản xuất hiện đại là quá trình tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu, do đó càng đòi hỏi trình độ chuyên môn hóa cao của nhân lực để đạt năng suất cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh lớn hơn nhiều lần. Lực lượng nòng cốt của đội ngũ lao động là những công nhân lành nghề trực tiếp sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Do đó phải có trình độ trí tuệ nhất định tiếp thu làm chủ công nghệ tiên tiến. Hơn nữa những tri thức khoa học và những kinh nghiệm được tích lũy yêu cầu họ sáng chế ra những loại lao động mới, hoàn thiện kỹ thuật và phương pháp sản xuất. Lực lượng lao động dẫn đầu là đội ngũ lao động trí thức: có năng lực sáng tạo, xử lý các mối quan hệ, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn minh thế giới. Đội ngũ lao động trí thức phải thực hiện có hiệu quả các chức năng như nghiên cứu, thiết kế, tham mưu, thi hành, ứng dụng, phát triển, đào tạo, chỉ huy, lãnh đạo... Bộ phận nhân tài có vai trò thực sự trong đội ngũ lao động là hạt nhân có chất lượng cao, là đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn, tiêu biểu cho tinh thần trí tuệ của dân tộc. Thông thường nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trình độ học vấn cao được thể hiện thông qua bằng cấp. Tuy nhiên, bằng cấp chỉ là một hình thức phản ánh về trình độ và không phải lúc nào cũng phản ánh đúng trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực.

 

Ba là, về trình độ chuyên môn tay nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao, có khả năng đảm nhận và thực thi những nhiệm vụ phức tạp. Nhân lực chất lượng cao phải là người thành tạo trong công việc, có thể thực hiện một cách chuyên nghiệp công việc và có khả năng nhanh chóng thích nghi với việc chuyển đổi hoạt động trong lao động, vì vậy phải có kiến thức đa ngành, kỹ năng lao động thuần thục cùng với năng lực chủ động sáng tạo.

 

Bốn là, về nhân cách, nguồn nhân lực chất lượng cao phải có động cơ, tinh thần kỷ luật lao động cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp, có tinh thần hợp tác, có bản lĩnh song không bảo thủ, có tính sáng tạo và khả năng đổi mới…. Nền sản xuất công nghiệp đòi hỏi ở người lao động hàng loạt năng lực cần thiết như: Có kỷ luật tự giác, biết tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian, có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo dưỡng thiết bị máy móc, phương tiện sản xuất, có tinh thần hợp tác và tác phong lao động công nghiệp, lương tâm nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao... nghĩa là phải có văn hóa lao động công nghiệp. Một trong những phẩm chất quan trọng nhất của văn hóa lao động công nghiệp là tinh thần trách nhiệm cao đối với chất lượng sản phẩm. Vì chỉ có như vậy mới đáp ứng được lợi ích lâu dài của họ cả với tư cách là người sản xuất và người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Một yêu cầu quan trọng không thể không nói đến của sự phát triển NNL là nâng cao ý thức công dân, lòng yêu nước. Những phẩm chất đó giúp con người không bị cám dỗ bởi những mặt trái của nền kinh tế thị trường, nơi đồng tiền và lợi ích vật chất có thể làm đảo lộn luân thường đạo lý và chà đạp lên lương tâm và phẩm hạnh của con người. Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế nền kinh tế thế giới, người lao động còn phải biết chủ động hội nhập quốc tế, cũng có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh với thế giới bên ngoài. Hội nhập nhưng không hòa tan, biết bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và nhất là bảo vệ nền độc lập. Trong điều kiện như vậy người lao động ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức dân tộc cao còn có trình độ, trí tuệ ngang tầm khu vực và thế giới. Như vậy nguồn nhân lực chất lượng cao của thời đại ngày nay phải gồm những người lao động được phát triển cả về trí lực và thể lực, năng lực lao động và sáng tạo về tính tích cực chính trị - xã hội về đạo đức tình cảm trong sáng...

 

Thứ hai, về xu thế phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao được hình thành và phát triển nhanh trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ. Nguồn nhân lực chất lượng cao được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực, từ nông nghiệp, tới công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, theo sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự nâng cao năng suất lao động xã hội trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phân công lao động xã hội cũng có xu hướng đẩy nhanh sự phát triển của các ngành mới thuộc nhóm các ngành công nghệ cao, các ngành dịch vụ, các ngành kinh tế số… do đó nguồn nhân lực chất lượng cao cũng có xu hướng phát triển không đều mà tập trung vào các ngành đó. Bên cạnh đó, cách mạng khoa học - công nghệ với sự hình thành của nền kinh tế tri thức làm cho tri thức ngày càng trở thành nguồn lực được coi là quyết định đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế hiện đại, vòng đời của từng tri thức cụ thể cũng như những sản phẩm khác có xu hướng rút ngắn lại, do đó đã tạo ra nguy cơ "lão hóa" nhanh đối với cả nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội ngày nay của từng quốc gia cũng như ngành, vùng, các tổ chức kinh tế - xã hội, thể hiện trên nhiều phương diện:

 

Với tư cách là yếu tố của lực lượng sản xuất, nằm trong lực lượng sản xuất chủ yếu, nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận tinh túy của nguồn nhân lực, là lực lượng xung kích trong lãnh đạo điều hành, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ mới; là hạt nhân trong hoạt động kinh tế, dẫn dắt những bộ phận có trình độ và năng lực thấp hơn trong quá trình tiếp cận và sử dụng công nghệ tiến tiến. Do đó sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định đối với phát triển sản xuất trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với tư cách là biểu hiện của một nguồn lực đặc biệt quan trọng của sản xuất, nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là nguồn vốn được đầu tư nhằm sinh lợi cao, do đó nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò mang lại thu nhập ngày càng lớn dưới hình thái giá trị gia tăng cho các chủ thể của nguồn nhân lực này từ cấp độ quốc gia tới doanh nghiệp và từng người lao động - nhân lực chất lượng cao.

 

Từ phân tích về bản chất và những đặc điểm chủ yếu của nguồn nhân lực chất lượng cao kể trên có thể khẳng định rằng, sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao thể hiện sự phát triển mở rộng những những đặc điểm mới của con người trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế tri thức, kinh tế số đang trở thành yếu tố quyết định phát triển kinh tế - xã hội ngày nay, do đó đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam để có thể nhanh chóng rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển so với các quốc gia khác trên thế giới.

 

 

2. Đặc điểm nguồn nhân lực Việt Nam và một số vấn đề đặt ra

 

2.1. Đặc điểm nguồn nhân lực Việt Nam

 

Nguồn nhân lực của Việt nam có nhiều đặc điểm quý xuất phát từ truyền thống vốn có của dân tộc như: ng­ười lao động Việt Nam giàu lòng yêu n­ước, cần cù lao động, chịu khó học hỏi, thông minh, tiếp thu nhanh chóng những cái mới nhưng thể lực còn hạn chế, thói quen tác phong làm việc còn lạc hậu. Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế xã hội nước ta trong bối cảnh mới, cần xuất phát từ những đặc điểm cụ thể của nguồn nhân lực hiện tại trong mối quan hệ so sánh với đặc điểm nguồn nhân lực chất lượng cao như đã được trình bày ở phần trên. Từ đó những đặc điểm cơ bản là:

 

Thứ nhất, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào tương đối trẻ. Về số lượng dân số, theo Thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê về tình hình dân số, lao động việc làm quý IV và năm 2023, dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 đạt 100,3 triệu người, hiện đang đứng thứ 15 trên thế giới và thứ ba trong khối ASEAN; nhóm dân số trong độ tuổi từ 15- 59 tuổi chiếm 62,2% năm 2023; Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2023 là 52,5 triệu người, chiếm 52,3% dân số [4]. Do đó, nước ta đang có lực lượng lao động dồi dào. Nguồn nhân lực ở nư­ớc ta thuộc loại nguồn lực con ng­ười trẻ.

 

Thứ hai, tỷ lệ lao động được đào tạo kỹ thuật, chuyên môn thấp, phần lớn là lao động thủ công. Mặc dù có cố gắng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo (nhất là trong những năm gần đây), tuy nhiên do có nhiều nguyên nhân khác nhau  tỷ trọng lao động đư­ợc đào tạo thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý năm 2022 là 26, 4% (trong đó, sơ cấp – 9,8%; trung cấp – 4,4%; cao đẳng – 4,2%; đại học trở lên – 12,3%)[5]; năm 2023 tăng lên là 27,6%[6]. Tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38,0 triệu lao động chưa qua đào tạo. Như vậy nhân lực chưa qua đào tạo chiếm phần lớn (trên 72%). Những số liệu này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Do đó, việc xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo cụ thể là yêu cầu rất cấp thiết trong thời gian tới.

 

Thứ ba, mức độ đào tạo chuyên môn cho lao động rất không đồng đều giữa các vùng và ngành kinh tế. Năm 2022, tính theo 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (37,14%) và thấp nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,53%). Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ từ đại học trở lên thấp nhất (7,0%). Ở hai thành phố lớn nhất cả nước, Hà Nội có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh (tương ứng 50,3% và 35,9%); tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở khu vực thành thị là 41,2%, cao hơn gấp 2 lần ở nông thôn và tỷ lệ lao động qua đào tạo của nam cao hơn nữ[7]. Nếu xét theo các ngành kinh tế, năm 2022 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của ngành nông lâm nghiệp và thủ sản chỉ đạt mức 4,08%; công nghiệp chế biến, chế tạo – 23,4%; xây dựng – 14,8%..., thấp hơn nhiều so với các ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt – 80,91%; thông tin và truyền thông – 88,02%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm – 85,89; giáo dục và đào tạo – 92,19%...

 

Bảng 1: Tỷ lệ nhân lực đã qua đào tạo giữa các vùng từ 2010 - 2022

(Đơn vị tính: %)

 

 

Năm 2010

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Tổng số

14,7

20,45

26,13

26,44

Trung du và miền núi phía Bắc

13,60

20,46

25,89

26,36

Đồng bằng sông Hồng

21,00

33,62

36,96

37,14

Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

12,90

22,71

25,75

26,09

Tây Nguyên

10,40

16,86

17,00

17,62

Đông Nam Bộ

19,40

29,47

28,34

28,19

Đồng bằng sông Cửu Long

7,80

14,85

14,61

14,53

Nguồn: Tổng cục Thống kê, https://www.gso.gov.vn/px-web-2/?pxid=-V0255&-theme=D%C3%A2n%20s%E1%BB%91%20v%C3%A0%20lao%20%-C4%91%E1%BB%99ng

 

Thứ tư, cơ cấu lao động theo ngành mặc dù đã có bước chuyển dịch tích cực song vẫn đang ở mức rất lạc hậu so với thế giới, đặc biệt so với các nư­ớc phát triển. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2022 tỷ trọng lao động trong nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) ở nước ta giảm từ 48,6% xuống còn 27,54%; tỷ trọng lao động trong công nghiệp và xây dựng tăng từ 21,8% lên 33,7%; tỷ trọng lao động dịch vụ tăng tư 29,6% lên 38,76%. Nếu so với mức trung bình chung toàn thế giới và đặc biệt là các nước phát triển thì đó vẫn là cơ cấu lao động rất lạc hậu.

 

Bảng 2: Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế năm 2022 (%)

 

 

Nông nghiệp

Công nghiệp

Dịch vụ

Mỹ

1,62

19,28

79,10

Anh

1,00

18,06

80,94

Nhật

3,10

23,55

73,35

Trung Quốc

22,80

29,10

48,10

Việt Nam

27,54

33,70

38,76

Nguồn: Tổng cục Thống kê, United Kingdom, Japan, China United States: Distribution of the workforce across economic sectors[8]

 

Từ những đặc điểm trên cho thấy n­ước ta phải nhanh chóng tạo ra một đội ngũ đông đảo những ng­ười lao động có kỹ thuật, có chuyên môn, có sức khoẻ, có tác phong lao động công nghiệp để đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

 

2.2. Những vấn đề đặt ra đối với đào tạo nhân lực chất lượng cao ở nước ta

 

Từ kết quả phân tích về đặc điểm của nguồn nhân lực nước ta trong những năm qua cho thấy đã có sự thay đổi tích cực từ nhận thức đến chính sách phát triển đội ngũ những người lao động có trình độ cao trên các lĩnh vực của nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết sau đây:

 

Một là, sự mất cân đối rất lớn giữa cung và cầu lao động chất lượng cao. Hiện tại, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra với tốc độ nhanh và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH thì đòi hỏi về nhân lực chất lượng cao rất lớn, nguồn cung đang thiếu hụt trầm trọng. Mặc dù trong 10 năm gần đây, số lượng các trường đại học và cao đẳng trong nước không ngừng tăng lên, từ 214 trường năm 2013 đã tăng lên 242 trường vào năm 2021; quy mô đào tạo tăng từ 1 triệu 670 nghìn sinh viên lên trên 2,14 triệu sinh viên, số sinh viên được tuyển sinh hàng năm tăng từ 496, 9 nghìn sinh viên lên đến 586,9 nghìn sinh viên, song số sinh viên tốt nghiệp có xu hướng giảm (năm 2017 – đạt mức cao nhất – 341.633 sinh viên thì đến 2021 chỉ còn 245.173 sinh viên)[9]. Bên cạnh đó, trên thực tế cơ cấu lao động cung ứng cho thị trường lại không cân đối, do chưa định hướng (phân luồng) được cho người học nên nhiều ngành sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc phải làm công việc khác ít liên quan (hoặc không liên quan) đến ngành nghề đào tạo gây lãng phí trong khi đó những ngành cần lao động thì lại không đáp ứng được. Mặt khác, do đào tạo chưa gắn với sử dụng, nặng về lý thuyết, nhẹ thực tế nên vẫn không ít số sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm[10].

 

Hai là, chất lượng thực tế của nhân lực chất lượng cao còn ở mức thấp. Qua phân tích thực trạng về chất lượng lao động thực tế đang làm việc ở nước ra cho thấy tỷ lệ lao động có bằng cấp cao đẳng, đại học trở lên tăng nhanh, liên tục qua các năm, ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo rất lớn. Theo quy định tại Điều 96 Luật Giáo dục 2019 Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, 14/12/2023 trong 10 năm qua, chi cho giáo dục và đào tạo chỉ ở mức 15,7-19,1%[11]. Theo số liệu Bộ Tài chính, những năm gần đây, tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nói chung là khoảng 5-6 % GDP, nhưng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP, đây là một con số rất thấp[12]. Trong khi đó, đầu tư cho giáo dục đào tạo của các nước phát triển như Mỹ là 7,2%, Pháp là 6,1%, Nhật Bản là 4,1%... nhưng xếp loại chất lượng đào tạo thì Việt Nam xếp thứ 79/129 quốc gia. Điều này chứng tỏ những yếu kém, bất cập trong hệ thống giáo dục đào tạo. Xã hội vẫn đang mong chờ một bước "đột phá" trong cải cách giáo dục mang lại những thành tựu lớn giống như "khoán 10" trong nông nghiệp mà chúng ta đã đạt được trong thời kỳ đổi mới.

 

Ba là, sự phân bổ nguồn nhân lực chất lượng cao còn mất cân đối và tập trung trong khu vực quản lý nhà nước. Hiện nay, số lao động chất lượng cao ở nước ta chủ yếu tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ở các tỉnh, thành phố khác đặc biệt là các tỉnh Miền núi, biên giới hải đảo rất ít. Điều này cũng dễ lý giải bởi vì các thành phố lớn là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước có những điều kiện vật chất cần thiết để nguồn nhân lực chất lượng cao phát huy hiệu quả. Vấn đề này có thể được điều chỉnh trong quá trình CNH, HĐH cùng với quá trình đô thị hóa các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm sẽ được hình thành sẽ góp phần thu hút lực lượng lao động chất lượng cao đến làm việc. Nếu xét về số lượng và tỷ trọng thì nhân lực chất lượng cao chủ yếu làm việc trong các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Đây cũng là một thực trạng đáng quan tâm, bởi lẽ, trước yêu cầu phát triển và hội nhập, ngoài số cán bộ trình độ cao trong bộ máy nhà nước, còn rất cần số lượng lớn lao động chất lượng cao trong sản xuất kinh doanh từ doanh nhân (nhà quản lý) đến đội ngũ lao động kỹ thuật. Đồng thời, mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng và Nhà nước rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để góp phần trực tiếp giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội của vùng sâu, vùng căn cứ địa kháng chiến. Điều này gợi mở về công tác luân chuyển cán bộ đã và đang thực hiện cần có đánh giá rút kinh nghiệm sao cho thiết thực và hiệu quả hơn.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới phát sinh những vấn đề trên như trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta còn thấp, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng mạnh mẽ, hệ thống giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập… Quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu chưa thực sự được quán triệt đúng mức ở các cấp quản lý và chỉ đạo giáo dục. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của giáo dục, chưa thấy hết trách nhiệm đối với giáo dục nên chưa dành ưu tiên thỏa đáng tạo điều kiện phát triển giáo dục. Một số địa phương còn sử dụng ngân sách giáo dục vào những hoạt động không phục vụ mục đích giáo dục. Tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong quá trình hội nhập quốc tế. Công tác quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, làm hạn chế quyền chủ động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm của các đơn vị cơ sở. Hệ thống luật pháp và các chính sách về giáo dục chưa hoàn chỉnh… Năng lực của các cơ quan quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới; chính sách huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho giáo dục chưa hợp lý, chưa quan tâm đúng mức đến các địa phương khó khăn. Đầu tư của nhà nước cho giáo dục còn thiếu hiệu quả, chưa tập trung cao cho những mục tiêu ưu tiêu. Cơ cấu chi ngân sách giáo dục chưa hợp lý, trong đó phần chi cho hoạt động chuyên môn là không đáng kể.

 

Những tác động khách quan làm tăng thêm những yếu kém bất cập của giáo dục. Quá trình hội nhập quốc tế đã mang tới những cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức lớn đối với giáo dục. Bên cạnh đó, mặt trái của kinh tế thị trường đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục. Nhu cầu học tập của nhân dân ngày càng cao trong khi khả năng đáp ứng của ngành giáo dục và trình độ phát triển kinh tế của đất nước còn hạn chế. Sức đón nhận của thị trường lao động còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động đã qua đào tạo. Những vấn đề đặt ra về nguồn nhân lực chất lượng cao kể trên đã và đang đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới căn bản hệ thống giáo dục đào tạo không những chú trọng vào chất lượng mà cả về cơ cấu đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.

 

PGS.TS Đoàn Xuân Thủy, Thư ký khoa học

Hội đồng Lý luận Trung ương



[1] Xem: C.Mác và Ph.Ăng-ghen (2002), Toàn tập, Nxb CTQGST, tập 23, tr.251

[2] GS.TS Phạm Tất Dong (2011), Xây dựng con người và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. http://dvhnn.org.vn

[3] GS.TS Phạm Tất Dong (2011), Xây dựng con người và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. http://dvhnn.org.vn

[4] Tổng cục Thống kê (2024), Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động việc làm quý IV và năm 2023. www.gso.gov.vn/

[5] Tổng cục Thống kê (2023),Báo cáo điều tra lao động việc làm nam 2022, Nxb Thống kê, H., tr.24-25.

[6] Tổng cục Thống kê (2024), Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động việc làm quý IV và năm 2023. www.gso.gov.vn/

[7] https://www.gso.gov.vn/px-web-2/?pxid=V0255&theme=-D%C3%A2n%20s%E1%BB%-91%20v%C3%A0%-20lao%-20%C4%-91%E1%BB%99ng

[9] https://tuoitre.vn/nhung-con-so-biet-noi-ve-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-10-nam-qua-20231031114947441.htm

[10] Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, quý I/2024, đơn vị này tiếp nhận 28.535 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 8.483 người (chiếm 35%) có trình độ ĐH và trên ĐH mất việc. https://nld.com.vn/bat-ngo-voi-ti-le-sinh-vien-co-viec-lam-196240510201448748.htm

[11] https://vnexpress.net/dau-tu-cho-giao-duc-10-nam-khong-dat-muc-20-4688816.html

[12] https://giaoduc.net.vn/can-thiet-lap-lo-trinh-tang-ngan-sach-chi-cho-gddh-dat-toi-thieu-08-gdp-post239332.gd#:~:text=Theo%20s%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20B%E1%BB%99%20T%C3%A0i,m%E1%BB%99t%20con%20s%E1%BB%91%20r%E1%BA%A5t%20th%E1%BA%A5p.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết