Nền kinh tế thế giới hiện nay đang trải qua những chuyển biến tích cực đan xen với những rủi ro tiềm ẩn. Tăng trưởng kinh tế thế giới đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, toàn cầu hóa tiếp tục gia tăng nhưng vẫn đứng trước nguy cơ bảo hộ và tỷ lệ lạm phát, hệ thống tài chính – tiền tệ ổn định nhưng ẩn chứa nguy cơ bất ổn. Kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động nhưng sự tham gia, vừa hợp tác vừa cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn làm cho tình hình khu vực diễn biến phức tạp, rất khó đoán định.
Xác định chính xác các vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới và khu vực, cùng với việc dự báo xu hướng lớn diễn ra trong tương lai là hết sức quan trọng mà các quốc gia đều phải quan tâm. Chúng tôi tập trung phân tích những vấn đề chính đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới và khu vực hiện nay và một số dự báo xu hướng trong thời gian tới.
1. Một số vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới
Trong vòng 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế thế giới về cơ bản được cải thiện, hệ thống tài chính – tiền tệ được củng cố, tăng cường vững chắc hơn tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố rủi ro có thể gây bất ổn hệ thống tài chính, thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thứ nhất, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 (và trước thời điểm xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung), nền kinh tế thế giới đã phục hồi và tiến triển theo chiều hướng tích cực. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn 2011-2018 đạt 2,84%. Đối với nhóm các nước có thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 1,88%, còn đối với nhóm nước có thu nhập trung bình và thấp, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 4,77%.
Thứ hai, thương mại và đầu tư toàn cầu vẫn tăng trưởng tốt trước nguy cơ của chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm trong giai đoạn 2011-2014 nhưng đã phục hồi trở lại kể từ năm 2015. Hoạt động thương mại toàn cầu vẫn đang tăng lên cho dù mức độ đã không còn ấn tượng như trước. Tăng trưởng thương mại toàn cầu trung bình giai đoạn 2011 - 2018 đạt 4% thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình đạt 7,4% giai đoạn 2005 - 2007.
Kể từ năm 2013, số lượng các biện pháp bảo hộ thương mại giảm mạnh trên toàn thế giới, trong đó giảm nhiều ở các nước mới nổi và đang phát triển và giảm ít ở các nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu tính theo tổng số biện pháp được áp dụng thì con số này vẫn đang tăng lên.[1] Các biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng chủ yếu gồm thuế chống bán phá giá và các loại thuế đặc biệt khác, ngoài ra còn có chính sách trợ giá và các yêu cầu về nội địa hóa. Có tới 3/4 giá trị hàng hóa xuất khẩu của nhóm G20 gặp phải các rào cản thương mại từ các thị trường nhập khẩu.[2] Điều này cho thấy, mặc dù có xu hướng giảm, bảo hộ thương mại vẫn còn khá phổ biến trong nền kinh tế thế giới.
Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, mười một nước còn lại đã tích cực thảo luận, đàm phán để thành lập một TPP không có Mỹ. Cho đến ngày 8/3/2018, tại Chile, đại diện 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chính thức đặt bút ký vào thỏa thuận thương mại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang tính lịch sử của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù trước đó Tổng thống Donald Trump đã đề cập đến việc Mỹ quay lại tham gia CPTPP trong tháng 2/2018, việc ký kết thỏa thuận này của 11 nước thành viên còn lại mà không có Mỹ cho thấy quyết tâm của các nước trong việc thực thi cam kết, khẳng định xu thế mở cửa hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo của thương mại toàn cầu.
CPTPP sẽ giảm thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên, nhóm nước với tổng sản phẩm quốc nội đạt hơn 10 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 13% toàn cầu, bao trùm một thị trường gần 500 triệu dân, trở thành một trong những thỏa thuận tự do mậu dịch lớn nhất thế giới. Theo thỏa thuận ban đầu, CPTPP sẽ cần có sự phê chuẩn của ít nhất 6/11 quốc gia thành viên để chính thức có hiệu lực. Và điều này đã trở thành hiện thực khi vào ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua CPTPP, qua đó Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 7 phê chuẩn hiệp định này. Như vậy, CPTPP đã có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2018.
Thứ ba, tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp, góp phần rất lớn vào ổn định kinh tế toàn cầu. Lạm phát toàn cầu không có nhiều biến động trong giai đoạn 2011 - 2018 và vẫn ở mức thấp nếu so với thời kì kinh tế thế giới tăng trưởng cao vào các năm 2006 và 2007 do các áp lực đối với lạm phát từ phía cung cũng như phía cầu là không quá lớn. So với thời kỳ tăng trưởng nóng của kinh tế thế giới 2005 - 2007 khi lạm phát luôn là một thách thức đối với việc duy trì sự ổn định của kinh tế toàn cầu, sức ép lạm phát giai đoạn 2016 - 2018 không quá lớn.
Xu hướng lạm phát đã giảm dần tại các nhóm nước kinh tế phát triển. Đối với nhóm nước này, lạm phát đã có dấu hiệu chạm đáy và đi lên nhờ sức cầu gia tăng khi tăng trưởng kinh tế khả quan song không hề ở mức cao mà vẫn dao động quanh mức mục tiêu 2%. Đối với nhóm nước đang phát triển và mới nổi, xu hướng lạm phát cũng có chiều hướng tăng nhẹ song vẫn thấp hơn đáng kể trong các giai đoạn trước. Yếu tố lạm phát phân hóa khá rõ giữa các quốc gia mới nổi. Trong khi một số nền kinh tế như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đang đối mặt với áp lực lạm phát tăng lên thì ngược lại một số nền kinh tế như Trung Quốc, Thái Lan, lạm phát lại đang duy trì ở mức thấp. Đặc biệt là Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế với định hướng điều hành hạ nhiệt tăng trưởng, giảm đòn bẩy qua đó hướng tới một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn.
Thứ tư, hệ thống tài chính tiền tệ ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, kinh tế thế giới chưa gặp phải một cuộc khủng hoảng tài chính nào trên quy mô rộng. Tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu trong thập niên vừa qua diễn biến khá ổn định, tạo điều kiện cho các nền kinh tế thoát khỏi khó khăn và khôi phục tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính mới do tính chu kỳ vẫn đang là một nguy cơ khó lường của kinh tế thế giới. Việc các nền kinh tế mới nổi Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ gặp khủng hoảng tiền tệ và phải cần sự trợ giúp từ IMF chính là những chỉ báo đáng lo ngại về nguy cơ này.
Một chỉ báo khác cho mức độ rủi ro của hệ thống tài chính tiền tệ là tỷ lệ nợ toàn cầu vẫn đang tăng lên và hiện đã đạt mức cao kỷ lục. Theo báo cáo của Viện Tài chính quốc tế (IIF), tổng nợ toàn cầu trong quý 3/2018 đạt 244 nghìn tỷ USD và mặc dù tăng trưởng kinh tế thế giới đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối thập niên 2010, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã vượt quá 318% - xấp xỉ mức cao kỷ lục 320% GDP trong năm 2016.
Cuộc khủng hoảng châu Á 1997 hay cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 đều có thể coi là hệ quả của sự tự do di chuyển của dòng vốn quốc tế. Rủi ro mang tính hệ thống, đặc biệt là trong khu vực tài chính tiền tệ, ngày càng tăng lên và dễ dàng biến thành nguy cơ một cách nhanh chóng. Theo đánh giá của IMF, tổng giá trị nợ nước ngoài của các nước mới nổi tăng gấp 2 lần từ 2008 đến 2018. Ngoài ra, nợ của các nước mới nổi chiếm 84,3% tổng số nợ thế giới cũng trong giai đoạn trên. Toàn cầu hóa khiến các dòng vốn di chuyển dễ dàng, kéo theo nó là sự di chuyển của rủi ro và nguy cơ khủng hoảng.
2. Một số vấn đề nổi bật khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trở thànhtrung tâm kinh tế mới của thế giới, tuy nhiên đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng cạnh tranh lớn giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường, nguồn vốn và công nghệ nước ngoài, nhất là vào các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và thập niên gần đây là Trung Quốc cũng làm cho tính cạnh tranh tại khu vực này trở nên sôi động. Các nước lớn cũng sử dụng các cơ hội hợp tác kinh tế với từng nước để thực hiện các mục tiêu chính trị. Điều này có thể thấy rõ qua việc Trung Quốc một mặt vẫn có những răn đe về quân sự, nhưng mặt khác đang tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực; dùng đòn bẩy kinh tế, nhất là các khoản viện trợ phát triển để lôi kéo Campuchia, Lào ủng hộ chính sách Biển Đông của mình. Ngược lại, Nhật Bản tăng cường các khoản viện trợ lớn cho ASEAN nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc tại Đông Nam Á[3].
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) - được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013 - là một nỗ lực dài hạn của nước này nhằm kết nối các khu vực của châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu thông qua việc xây dựng các cảng, đường ray, đường bộ, đường ống dẫn dầu và các mạng viễn thông và các loại hình kết cấu hạ tầng khác. Về mặt địa lý, BRI bao gồm các quốc gia chiếm 65% dân số thế giới và 1/3 sản lượng kinh tế thế giới. Trung Quốc có kế hoạch dành 1.000 tỷ USD để hỗ trợ cho chiến lược này, hiện bao gồm 2 phần chính: một “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” kéo dài từ Đông Nam Á qua Ấn Độ Dương tới biển Địa Trung Hải và một “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” trải dài khắp khu vực Á - Âu với các nhánh kết thúc ở Pakistan, châu Âu và các địa điểm tiềm năng khác nữa. Một “Con đường tơ lụa kỹ thuật số mới” bao phủ cả hành lang trên biển và trên đất liền với kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin liên lạc có thể cuối cùng sẽ trở thành phần chính thứ 3 của BRI.
BRI có mục tiêu rất tham vọng. Ngay cả khi nhiều dự án chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ hoặc đã thất bại, sáng kiến này vẫn có thể định hình lại bối cảnh kinh tế và địa chính trị của vành đai Ấn Độ Dương và khu vực Á-Âu theo những cách có thể gây ra một thách thức đối với trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc hiện nay. Các hoạt động cho vay của Trung Quốc liên quan đến BRI đôi khi chệch ra khỏi các tiêu chuẩn toàn cầu, chẳng hạn như các thủ tục đầu tư minh bạch phù hợp với pháp trị và các phương hướng cho sự bền vững xã hội và môi trường. Bằng cách cho các nước khác vay ở mức vượt quá khả năng chi trả của họ, Trung Quốc được cho là đã tạo ra những chiếc bẫy nợ mà sau đó sẽ biến thành lợi thế đòn bẩy về tài chính và các quan hệ ngoại giao không bình đẳng. Điều này đem lại cho Trung Quốc một cơ hội để tận dụng kết cấu hạ tầng lưỡng dụng được xây dựng nhờ các khoản đầu tư của BRI vào các cơ sở quân sự trong tương lai. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số gắn liền với BRI có thể góp phần làm xói mòn hơn nữa quyền con người ở các quốc gia quản lý kém.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới châu Á tháng 11/2017, chính quyền của Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng cơ quan đầu tư tư nhân nước ngoài của Mỹ (OPIC) sẽ hợp tác cùng đối tác Nhật Bản để mang lại các giải pháp thay thế chất lượng cao về đầu tư cơ sở hạ tầng Mỹ - Nhật Bản trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gần đây, Mỹ đã khởi động kế hoạch đầu tư ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trước tiên bỏ ra khoản tiền 113 triệu USD để ủng hộ sự phát triển kinh tế của khu vực trên các phương diện như kinh tế số, công nghệ, kết cấu hạ tầng, năng lượng. Ngay sau khi Mỹ công bố kế hoạch kinh tế mới cho khu vực, các đồng minh thân cận của Mỹ như Australia, Nhật Bản đã hưởng ứng tích cực. Điều này báo hiệu một cuộc cạnh tranh chiến lược diễn ra ngày càng tăng ở khu vực giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh. Cuộc đối đầu này có lẽ sẽ kéo dài và cần tiếp tục quan sát.
Trong những năm tới, Trung Quốc dự kiến vẫn tiếp tục thúc đẩy chiến lược BRI của mình để gây ảnh hưởng kinh tế-chính trị thế giới, khai thông dòng chảy thương mại và xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa trong nước. Các nước châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tiếp nhận đầu tư lớn nhất từ chiến lược BRI của Trung Quốc do các quốc gia này đang trong giai đoạn thiếu hụt hạ tầng lớn. Theo ước tính, châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần chi tiêu khoảng 26 nghìn tỉ USD vào kết cấu hạ tầng từ nay đến 2030, trong đó riêng châu Á cần đầu tư khoảng 1,7 nghìn tỉ USD vào kết cấu hạ tầng trong 10 năm tới để duy trì tăng trưởng. Từ năm 2013-2017, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 60 tỉ USD vào các nước BRI và cam kết sẽ đầu tư tổng cộng 600 tỉ USD trong vòng 5 năm tiếp theo, với nguồn vốn chủ yếu đến từ AIIB và NDB. Một ước tính khác cho thấy Trung Quốc sẽ đầu tư thêm khoảng 1 nghìn tỉ USD cho dự án BRI trong vòng một thập kỷ tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh BRI vấp phải sự phản đối ở nhiều nước và nội tại kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại, BRI khó có thể thực hiện một cách thuận lợi. Đối với các nước tiếp nhận đầu tư từ BRI, sáng kiến này sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức. Những cơ hội thu được bao gồm thúc đẩy hoàn thiện hệ thống hạ tầng, kết nối thương mại và kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, do các khoản đầu tư của Trung Quốc là các khoản cho vay thay vì viện trợ không hoàn lại, rủi ro nợ công và bị đối tác Trung Quốc thâu tóm tài sản là khá lớn.
Chính sách đối ngoại của Nhật Bản từ năm 2013 đến nay nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời Nhật Bản xúc tiến thực hiện chính sách ngoại giao mang tính chiến lược với tên gọi “Nhìn toàn cảnh bản đồ thế giới,” hướng đến duy trì các giá trị toàn cầu như tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và luật pháp. Ba trụ cột chính trong chính sách đối ngoại Nhật Bản gồm: (1) củng cố liên minh Mỹ - Nhật Bản; (2) tăng cường quan hệ với các láng giềng gồm Hàn Quốc, ASEAN, Nga, Ấn Độ, Ôxtrâylia; và (3) đẩy mạnh ngoại giao kinh tế là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Nhìn chung, chính sách đối ngoại Nhật Bản là chính sách tích cực, chủ động ở trong phạm vi khu vực và toàn cầu, ở cả bình diện song phương và đa phương.
Đông Nam Á được coi là địa bàn triển khai chiến lược dưới thời Thủ tướng Abe. Về khía cạnh an ninh, một trong những mục tiêu lớn của Nhật Bản khi tăng cường can dự vào khu vực Đông Nam Á là nhằm tìm kiếm đối tác chung trong việc đối phó với những tác động tiêu cực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trên thực tế, Nhật Bản đối mặt với ngày càng nhiều thách thức đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xét về quy mô GDP. Song song với sự lớn mạnh về kinh tế, sự phát triển về tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc, đặc biệt là sự thiếu minh bạch trong việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng gây nhiều lo ngại. Hơn nữa, những lo ngại của Nhật Bản đối với Trung Quốc còn do Trung Quốc sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự bên ngoài biên giới và công khai bày tỏ tham vọng về Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc xoay quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tại Biển Hoa Đông nóng lên kể từ năm 2012. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản có nhu cầu thúc đẩy quan hệ với các quốc gia có chung thách thức, tạo thế đối trọng trong quan hệ với Trung Quốc[4].
Về mục tiêu ảnh hưởng, Nhật Bản coi Đông Nam Á là khu vực để có thể tăng cường ảnh hưởng của mình nhằm phục vụ cho ngoại giao nước lớn, đặc biệt là trong việc giành được sự ủng hộ để trở thành thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động từ những khó khăn trong quan hệ với các nước Đông Bắc Á, cũng như độc lập hơn với Mỹ, Nhật Bản cần tạo dựng môi trường ổn định có lợi cho Nhật Bản trong tương lai, vì vậy mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á là một trong những mục tiêu chiến lược của nước này. Rộng hơn, mục tiêu ảnh hưởng trong chính sách của Nhật Bản với khu vực còn liên quan đến việc phổ biến các giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền, tinh thần thượng tôn pháp luật.
Trong tương lai, chính sách của Nhật Bản đối với khu vực sẽ tiếp tục được tăng cường, hoặc ít nhất được duy trì ở mức độ như hiện nay. Quan trọng nhất, cách ứng xử của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á phụ thuộc rất lớn vào những điều chỉnh trong chính sách của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực. Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, chính sách của Mỹ ưu tiên các vấn đề đối nội, nhằm giúp nước Mỹ “vĩ đại trở lại” và ưu tiên hơn cho các lợi ích vị kỷ quốc gia, cắt giảm cam kết với bên ngoài, dẫn đến nhiều nghi ngại về chính sách của Mỹ với khu vực. Hiện nay Mỹ ngày càng tỏ ra quyết liệt và cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hơn các đời tổng thống khác của Mỹ. Đặc biệt là thông qua việc đạt được thỏa thuận với Mexico và Canada, trong đó có điều khoản các nước không thiết lập FTA song phương với nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng Chính quyền Tổng thống Donald Trump thể hiện quyết tâm cô lập Trung Quốc bằng các thỏa thuận thương mại,…
Đối với Trung Quốc, các hành động làm gia tăng căng thẳng mà nước này đưa ra sẽ vẫn tiếp diễn và Trung Quốc là thách thức an ninh lớn mà Nhật Bản cần đối phó. Tuy nhiên, áp lực này có thể giảm trong thời gian tới, khi Trung Quốc phải tập trung đối phó với sự cứng rắn và quyết liệt của Mỹ. Bên cạnh đó, đối với tranh chấp quần đảo Senkaku, một giải pháp triệt để cho cả hai nước có lẽ vẫn sẽ chưa đạt được trong trung hạn. Các hành động trên thực địa của Trung Quốc lại rất khó đoán định. Do vậy, Nhật Bản vẫn cần quan hệ với các nước Đông Nam Á, tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, sự tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Á cũng là một nhân tố mà Nhật Bản cần tính đến trong việc hoạch định chính sách đối ngoại trong tương lai.
Nhìn chung, ít nhất là trong trung hạn, cách tiếp cận của Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á vẫn sẽ là tích cực, chủ động phát triển quan hệ thực chất. Mức độ can dự có thể được tăng cường, hoặc ít nhất cũng được duy trì như hiện nay. Từ yếu tố bên trong nước Nhật Bản đến các yếu tố bên ngoài là sự ủng hộ từ phía các nước khu vực đều hình thành những xung lực đẩy Nhật Bản xích lại gần các nước Đông Nam Á trong hiện tại và tương lai[5].
3. Triển vọng kinh tế thế giới và khu vực trong thời gian tới
3.1. Dự báo một số vấn đề kinh tế thế giới nổi bật
Kinh tế thế giới và khu vực trong thời gian tới sẽ được định hình bởi các vấn đề như tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc; những điều chỉnh quan trọng của quá trình toàn cầu hóa; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, già hóa dân số, đô thị hóa, trung lưu hóa và biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và khắc nghiệt hơn. Triển vọng của kinh tế thế giới được dự báo cụ thể như sau:
Thứ nhất, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Nền kinh tế toàn cầu đang chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng chậm hơn, dư địa cho việc điều chỉnh ngày càng thu hẹp. Sự điều chỉnh rõ rệt nhất diễn ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, hiện tượng này vẫn tiếp tục trong bối cảnh xu hướng bảo hộ và chiến tranh thương mại gia tăng.
Bản chất của hiện tượng này được cho là xuất phát từ vấn đề phát triển theo tính chất chu kỳ của kinh tế thế giới. Các nhân tố làm nên sự phát triển nhanh của kinh tế thế giới trong chu kỳ vừa qua như toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại thông qua ký kết các hiệp định tự do thương mại, sự mở rộng của các chuỗi sản xuất toàn cầu... đều đã đi đến giới hạn. Kinh tế thế giới đang chững lại để chờ sự đột phá mới của lực lượng sản xuất, dự kiến xuất phát từ thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Ngoài ra, còn phải kể đến những vấn đề khác có khả năng gây ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế toàn cầu như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hay nguy cơ xung đột địa chính trị tại các khu vực trên thế giới.
Thứ hai, quá trình toàn cầu hóa đang có những điều chỉnh quan trọng.
Ở nhiều nước phát triển, quá trình toàn cầu hóa được nhìn nhận là đã đi quá xa và quá nhanh, và là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, gây ra phân cực trong xã hội của các quốc gianày[6]. Điều này dẫn đến sự đòi hỏi ngày một gia tăng của cử tri ở một số nước phát triển về việc cần phải điều chỉnh quá trình này, với kết quả là xu hướng bảo hộ gia tăng tại một số cường quốc trên thế giới. Nếu xu hướng này tiếp diễn, các dòng thương mại hàng hóa và đầu tư có nguy cơ suy giảm. Quá trình toàn cầu hóa và mở cửa nền kinh tế theo cách thức truyền thống đang được đánh giá lại.
Bên cạnh đó, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) dự kiến sẽ tạo ra nhiều tác động lớn đến xu hướng toàn cầu hóa mới, hay còn gọi là Toàn cầu hóa 4.0. Những tiến bộ công nghệ có tính đột phá mới sẽ làm thay đổi cách thức các cá nhân, chính phủ và công ty tương tác với nhau, đồng thời, thay đổi cả thế giới. Toàn cầu hóa 4.0 có thể không bùng nổ mạnh mẽ theo chiều rộng như Toàn cầu hóa 3.0 mà phát triển mạnh theo chiều sâu, tạo ra những liên kết mới sâu sắc và toàn diện hơn.
Thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi nền tảng của tăng trưởng và phát triển trên phạm vi toàn cầu.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt với những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robots, internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3 chiều (hay còn gọi là công nghệ chế tạo đắp dần), công nghệ nano, công nghệ sinh học, lưu trữ năng lượng, dữ liệu lớn... Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực để đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm, sản xuất và các quan hệ chính trị - xã hội. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Thế giới đang bước nhanh vào kỷ nguyên số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tăng tốc đang làm thay đổi những nền tảng của tăng trưởng và phát triển trên phạm vi toàn cầu. Trong lĩnh vực kinh tế, sự đột phá của các công nghệ mới sẽ phá vỡ các phương thức kinh doanh truyền thống, cũng như làm thay đổi cơ cấu của nhiều ngành, lĩnh vực trong các nền kinh tế.
Thứ tư, già hóa dân số, đô thị hóa, trung lưu hóa và biến đổi khí hậu đang tạo ra những cơ hội mới đan xen với những thách thức mới trên phạm vi toàn cầu.
Sự tăng tốc của quá trình già hóa dân số, quá trình đô thị hóa, trung lưu hóa ở các nền kinh tế mới nổi, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh phi truyền thống… là những xu hướng quan trọng đang nổi lên, tạo ra cả những cơ hội mới đan xen với những thách thức mới. Ví dụ, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu trong khoảng một thập kỷ tới được dự báo sẽ diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn và tác động ngày càng nghiêm trọng tới nền kinh tế, đời sống và an ninh con người. Theo các dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc[7], các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ diễn ra nhiều hơn trong những năm sắp tới trên toàn thế giới. Băng tan và nhiệt độ tăng cao được coi như hai nguyên nhân chính dẫn đến mực nước đại dương cao dần lên, làm ngập mặn các đồng bằng thấp ven biển; trong số các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thì lũ lụt được coi là tồi tệ nhất, gây ra nhiều thiệt hại về nhân mạng và tài sản nhất.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, nguy cơ biến đổi khí hậu lại có thể trở thành động lực hình thành những mô hình phát triển mới, thích ứng với những thay đổi về môi trường như tăng trưởng xanh. Những nền kinh tế chuyển đổi thành công sang mô hình mới này sẽ có nhiều dư địa phát triển và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; ngược lại, những nền kinh tế không chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ gặp nhiều khó khăn. Các nước sẽ tuỳ vào điều kiện và lợi thế của mình để lựa chọn những chiến lược, những ngành phát triển phù hợp. Chẳng hạn, những nước có tiềm năng nông nghiệp sẽ chú trọng các mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh; những nước có tiềm năng du lịch sẽ tập trung khai thác tốt hơn ngành công nghiệp không khói này; các nước có tiềm năng năng lượng tái tạo sẽ tập trung khai thác các nguồn năng lượng gió, thuỷ triều và mặt trời…
Hoặc như vấn đề già hóa dân số nhanh cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế thế giới. Các báo cáo về dân số hàng năm của Liên hợp quốc cho thấy, 10 năm tới ở hầu hết các nước phát triển, tỉ lệ giữa người già và người đang độ tuổi làm việc sẽ tăng vọt, làm gia tăng gánh nặng tài chính cho các dự án phúc lợi cho người già. Trong khi cơ cấu dân số trẻ hóa mang lại động lực dồi dào cho một số nước thì cũng sẽ mang đến những thách thức như tạo ra đủ việc làm, dịch vụ công cộng, cung cấp lương thực và ổn định chính trị.
Già hóa dân số đang gây sức ép lên hàng loạt các vấn đề như tăng trưởng kinh tế, việc làm, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, di dân (trong và ngoài phạm vi biên giới quốc gia) và các vấn đề an sinh xã hội khác. Một số nước có lực lượng dân số già sẽ phải điều chỉnh chính sách lao động và an sinh xã hội (như tăng tuổi nghỉ hưu; tăng quy mô của các chương trình an sinh xã hội cho người già…). Cùng với quá trình hội nhập kinh tế được đẩy mạnh, nhiều nước tiếp tục chính sách nhập cư cởi mở để bổ sung cho lực lượng lao động bị thiếu hụt. Tuy nhiên, chỉ có lực lượng lao động có tay nghề cao mới được chào đón; các nước sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nhập cư của lực lượng lao động phổ thông. Ngoài ra, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trẻ và ứng dụng rộng rãi những thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ trở thành thách thức rất lớn đối với nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển chưa tích luỹ được các nguồn lực đủ để bù đắp, hỗ trợ người lao động trong quá trình chuyển đổi cơ cấu. Cải cách giáo dục sẽ chiếm vị trí quan trọng hàng đầu ở những nước này nhằm có được lực lượng lao động đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường.
3.2. Triển vọng trong quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, khu vực
Ngoài triển vọng của các vấn đề kinh tế thế giới nêu trên, sự thay đổi trong trật tự kinh tế thế giới, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Anh và EU diễn ra theo chiều hướng nào trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, khu vực và bản thân từng quốc gia. Triển vọng trong quan hệ kinh tế giữa các quốc gia và khu vực cụ thể như sau:
Thứ nhất, trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự rối loại của EU do vấn đề Brexit hay mâu thuẫn thương mại giữa Nhật Bản với Hàn Quốc là những biểu hiện cho thấy sự suy yếu các cường quốc kinh tế cũ trước sự nổi lên ngày càng mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi. Trong khi Mỹ xét lại thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác, rút khỏi Hiệp định thương mại quan trọng TPP thì Trung Quốc dường như đang giương cao ngọn cờ toàn cầu hóa kinh tế với chiến lược "Vành đai con đường" và thúc đấy ký kết Hiệp định RCEP. Theo dự báo, đến năm 2030, các nước đang phát triển sẽ đóng góp 2/3 tăng trưởng toàn cầu và một nửa sản lượng toàn cầu và sẽ là những điểm đến chính của thương mại thế giới
Nói cách khác, trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành với vai trò ngày càng lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi. Các chuyên gia đang bắt đầu nhắc đến nhóm E7 (Emerging 7) với những quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới có triển vọng thay thế cho nhóm G7 bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Indonesia, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hình thành của trật tự kinh tế thế giới mới sẽ kéo theo những thay đổi lớn đối với hệ thống kinh tế thế giới như các luật lệ kinh tế quốc tế mới, hình thành nên các trung tâm tài chính mới hay các thị trường hàng hóa mới trên quy mô toàn cầu.
Thứ hai, quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu tạm lắng dịu, nhưng nghi ngờ và bất ổn vẫn là đặc trưng chính trong quan hệ giữa hai quốc gia này hiện nay và trong tương lai.
Sau 13 vòng đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã đi đến một thoả thuận thương mại. Thoả thuận thương mại này được cho là thoả thuận một phần và hai bên thống nhất về ba điểm: sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, tiền tệ, và hàng hoá nông nghiệp. Mặc dù hai bên đã đạt được bước tiến trong quan hệ thương mại, nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây nên bất ổn thương mại như: (i) Mỹ gây sức ép lớn đối với Trung Quốc phải mua một lượng lớn hàng nông sản (50 tỉ đôla), và Trung Quốc có thể không đáp ứng được. Nếu Trung Quốc không mua khối lượng lớn, nguy cơ đổ vỡ của thoả thuận một phần này vẫn có thể xảy ra. (ii) Các nội dung cụ thể của thoả thuận vẫn được Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bàn thảo trước khi đi đến một thoản thuận chính thức để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau và ký kết. Các thoả thuận kỹ thuật vẫn có thể gây ra những trở ngại. Điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra khi hai bên đàm phán về cơ chế giám sát vấn đề vi phạm bản quyền. (iii) Kỳ vọng thoả thuận sẽ được ký sớm tại APEC 2019 tại Chile đã bị tiêu tan khi Tổng thống Chile đã tuyên bố nước này không tiếp tục đăng cai tổ chức diễn đàn APEC khi biểu tình trong nước đang gia tăng, gây bất ổn chính trị, an ninh tại Chile. Và (iv) vấn đề lớn nhất là vấn đề về mô hình kinh tế vẫn chưa đạt được thoản thuận giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thứ ba, quá trình Anh rời khỏi châu Âu vẫn chưa có hồi kết và Brexit sẽ là rủi ro kinh tế vĩ mô lớn đối với EU trong thời gian tới.
Trong khi Brexit tạo ra một cú sốc tiêu cực lớn đối với nền kinh tế Anh, làm giảm GDP khoảng 3,3% vào năm 2020, thì tác động đối với EU là sẽ làm giảm khoảng 1% GDP vào năm 2020 theo ước tính của OECD [8]. Brexit sẽ có những tác động đáng kể đối với tài chính EU, vì Vương quốc Anh là một trong những nước đóng góp ròng lớn nhất cho ngân sách EU. Từ năm 2021 trở đi sự ra đi của Vương quốc Anh có thể sẽ dẫn đến khoảng trống tài trợ vĩnh viễn khoảng 7% tương đương 10 tỷ Euro mỗi năm[9].
Từ năm 2020 đến năm 2030, việc tăng chi phí tiền lương, cùng với mức tăng năng suất thấp, có khả năng kiềm chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu. 6,5 triệu việc làm được tạo ra sẽ không đủ để giải quyết tỷ lệ thất nghiệp rất cao ở các quốc gia phía nam. Việc làm công nghiệp sẽ giảm xuống còn 13% GDP vào năm 2030, nếu sự suy giảm khả năng cạnh tranh vẫn còn. Tổng quát hơn, mức tăng trưởng thấp sẽ khiến mô hình phát triển của Liên minh châu Âu bị căng thẳng nghiêm trọng, trong bối cảnh già hóa dân số và sự phục hồi lâu dài và khó khăn từ khủng hoảng.
Xây dựng và thực hiện các chính sách đúng đắn ở cấp độ Liên minh châu Âu có thể trở nên khó khăn hơn bởi các lực lượng ly tâm ngày càng phát triển. Các lực lượng này có thể tác động đến những nỗ lực hình thành thị trường duy nhất. Mặc dù thương mại nội bộ châu Âu đã phát triển song song với thương mại nước ngoài châu Âu, thị phần của EU vào năm 2030 sẽ giảm từ 50% xuống 40%, chủ yếu là vì lợi ích thương mại với các nền kinh tế mới nổi. Tỷ lệ thương mại nước ngoài của Liên minh châu Âu ngày càng tăng so với thương mại nội bộ của Liên minh châu Âu có thể sẽ tác động đến lợi ích của các quốc gia thành viên. Sự phân mảnh của thị trường tài chính có thể tiếp tục làm đảo lộn thị trường đơn lẻ. Nếu Liên minh Ngân hàng không được thực hiện đầy đủ, thị trường liên ngân hàng sẽ vẫn phân khúc và dòng đầu tư Bắc-Nam Âu có thể sẽ rất chậm để phục hồi, đặc biệt là khi có rủi ro.
Tóm lại, trong một thập niên vừa qua sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới đã có những điểm sáng: tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi, thương mại và đầu tư toàn cầu tăng trưởng tích cực, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, hệ thống tài chính – tiền tệ ổn định; kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động và được đánh giá là trung tâm kinh tế mới của thế giới với nhiều quốc gia lớn tham dự, vừa hợp tác vừa cạnh tranh, làm cho tình hình phát triển kinh tế khu vực rất phức tạp và khó đoán.
Bức tranh kinh tế hiện nay của thế giới và khu vực có những gam màu sáng - tối đan xen: tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư phục hồi; lạm phát ở mức thấp và hệ thống tài chính - tiền tệ ổn định nhưng đi cùng với đó là các xung đột địa chính trị, xung đột thương mại tại các cặp quốc gia quan trọng trên thế giới (Mỹ - Trung, Nhật Bản - Hàn Quốc, Anh - EU) đang tiềm ẩn những rủi ro khó lường cho kinh tế thế giới và khu vực.
Trong thời gian sắp tới, thách thức và cơ hội cho nền kinh tế thế giới và khu vực sẽ diễn ra song song: tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ chậm lại do nhiều lực cản và động lực cho tăng trưởng đang yếu dần; quá trình toàn cầu hóa sẽ được điều chỉnh; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra sâu rộng tại các nước trên thế giới dẫn đến sự thay đổi căn bản trong nền tảng tăng trưởng; già hóa dân số, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, biến đổi khí hậu; cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và Brexit còn diễn biến phức tạp đang đặt thế giới và khu vực trước các bất định khó lường.
Nhận diện đúng vấn đề, đưa ra những dự báo chính xác về các xu hướng lớn cho kinh tế thế giới và khu vựcsẽ góp phần quan trọng để hình thành, xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế hiệu quả trong tương lai cho từng quốc gia Việt Nam và Nhật Bản; đồng thời đây cũng là cơ sở để thiết lập các chính sách, chiến lược thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước./.
GS, TS. Nguyễn Quang Thuấn
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
[1] World Bank (2018), Global Economic Prospects: Broad-Based Upturn, but for How Long?, January 2018.
[2] Simon Evenett và Johannes Fritz. (2017), Awe Trumps Rules: AnUpdate on this Year’s G20 Protectionism, VoxEU.org,CEPR Policy Portal, Ngày 6/7/2017
[3] Tại Hội nghị Cấp cao Nhật Bản-ASEAN tiến hành tại Tokyo vào tháng 12/2013 nhân kỷ niêm 40 năm quan hệ Nhật Bản – ASEAN, phía Nhật Bản đã cam kết tài trợ cho các nước ASEAN lên tới 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, chủ yếu là dưới dạng cho vay ưu đãi. Nhật Bản cũng đã sử dụng nguồn ODA của mình để giúp các nước như Philippin và Việt Nam trang bị các phương tiện tuần tra trên biển.
[4]Nguyễn Đoan Trang (2019), Bối cảnh địa chính trị thế giới mới và cạnh tranh chiến lược giữa các nước giai đoạn từ nay đến 2025, Tài liệu nghiên cứu của NCIF (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xuất bản ngày 1/2/2019.
[5] Nguyễn Đoan Trang (2019), Bối cảnh địa chính trị thế giới mới và cạnh tranh chiến lược giữa các nước giai đoạn từ nay đến 2025, Tài liệu nghiên cứu của NCIF (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xuất bản ngày 1/2/2019.
[6] UNDP: Trong các báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thời gian gần đây, bất bình đẳng gia tăng là một trong những thách thức lớn nhất về kinh tế. Kể từ năm 2015, 1% dân số, những người giàu nhất thế giới, đã và đang sở hữu lượng tài sản lớn hơn lượng tài sản của phần còn lại của thế giới (Oxfam (2017). Trong giai đoạn 1980 - 2016, nhóm giàu nhất 1% hưởng lợi 27% từ tăng trưởng kinh tế, gấp đôi giá trị mà nhóm 50% nghèo nhất nhận được (Báo cáo bất bình đẳng toàn cầu năm 2018).
[8] OECD Economic Surveys: European Union© OECD 2018
[9] OECD Economic Surveys: European Union© OECD 2018