Thực hiện Kế hoạch 03-KH/TW của Ban Bí thư khóa XII về triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 24-11-2018 Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 74-HD/BTGTW về học tập Chuyên đề năm 2019: Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nghiên cứu nội dung chuyên đề, cần tập trung vào một số trọng tâm sau đây:
1.Về sự cần thiết nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề trong giai đoạn hiện nay
Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng và xã hội đã được thực hiện trong nhiều năm nay, với nhiều chuyên đề. Vì vậy, cần thiết làm rõ tính cấp thiết của từng chuyên đề trong thời điểm hiện tại. Điều đó, không chỉ nâng cao nhận thức, mà còn tạo nên sự gắn kết chặt chẽ việc học tập, quán triệt, thực hiện chuyên đề với thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Sự cần thiết học tập chuyên đề năm 2019 thể hiện qua 4 điểm nổi bật như sau:
Một là, thực hiện Kế hoạch 03-KH/TW của Ban Bí thư khóa XII tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.
Kế hoạch của Ban Bí thư đã xác định nội dung các chuyên đề học tập, triển khai trong toàn khóa, gồm: Năm 2016: Chuyên đề: Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2017: Chuyên đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Năm 2018: Chuyên đề : Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên. Năm 2019: Chuyên đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. Năm 2020: Chuyên đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Nghiên cứu, quán triệt và thực hiện chuyên đề năm 2019 là để thực hiện kế hoạch triển khai Chỉ thị 05-CT/TW trong toàn khóa đã được xác định.
Hai là, nhân dân và quan hệ với nhân dân là nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cố Thủ tướng Phạm văn Đồng, cố giáo sư Trần Văn Giàu, những người có nhiều công trình viết về Hồ Chí Minh đều đã khẳng định: các quan điểm về nhân dân chiếm vị trí trung tâm trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, từ nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của nhân dân, động lực to lớn của sự nghiệp cách mạng đến trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức, bất công trong xã hội; độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Ba là, thiết thực kỷ niệm những sự kiện quan trọng trong năm 2019 gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ với nhân dân.
Năm 2019 kỷ niệm 70 năm tác phẩm Dân vận (1949-2019). Trong tác phẩm ngắn gọn này, Hồ Chí Minh đã chỉ ra vai trò quyết định của nhân dân khi khẳng định: “Dân vận tốt, việc gì cũng làm được. Dân vận kém không làm nổi việc gì”. Người cũng khẳng định về trách nhiệm trong công tác dân vận: Toàn thể hệ thống chính trị phải làm công tác dân vận và quan điểm: “để làm được công tác dân vận, phải quan tâm hằng ngày, gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Năm 2019 kỷ niệm 50 năm tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969-2019). Tác phẩm được Hồ Chí Minh viết tháng 1-1969, kỷ niệm ngày thành lập Đảng, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra rất gay go, quyết liệt và miền Bắc tạm thời có hoàn bình. Với độ dài vẻn vẹn 700 từ, tác phẩm đã tập trung nói về quan hệ giữa Đảng với nhân dân, từ quan niệm: “nhân dân ta thường nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”…Tác phẩm cũng đề cập trực tiếp đến việc xây dựng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng và xã hội, đang là những vấn đề nổi lên trong Đảng và xã hội ta hiện nay.
Năm 2019 kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019). Bản Di chúc bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác thảo một kế hoạch tổng thể xây dựng xã hội mới sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; xác định mục tiêu chung nhất của cách mạng nước ta là: “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Người đã chỉ ra những nội dung cơ bản nhất trong xây dựng xã hội mới: trong quan hệ với nhân dân; xây dựng Đảng; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người; đối ngoại… Kỷ niệm 50 năm bản Di chúc cũng là dịp để Đảng và nhân dân ta nhìn lại, đánh giá kết quả sau 50 năm thực hiện Di chúc và những việc cần phải tiếp tục làm, thực hiện mong muốn tột bậc của Người, bằng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bốn là, bối cảnh thực hiện hiện Chỉ thị.05-CT/TW năm 2019 với nhiều yêu cầu mới.
Tình hình quốc tế với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường do nhiều nguyên nhân đang tác động đến nước ta, cả cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới có những xu hướng mới đáng chú ý, như sự suy giảm tăng trưởng, xung đột giữa tự do thương mại và bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động ngày cành nhanh và mạnh đến mô hình tăng trưởng của nước ta. Vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và xã hội ở nước ta. Nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải giải quyết trong quan hệ của nước ta với các nước lớn cùng với những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực, Biển Đông cũng là những vấn đề mới, quan trọng đang tác động trực tiếp đến nước ta.
Bối cảnh trong nước vừa thuận lợi vừa đặt ra những yêu cầu mới. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2018 cũng như cuộc đấu tranh phòng chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và xã hội đang tạo thêm khí thế mới trong đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Đồng thời, nước ta cũng đứng trước nhiều thách thức phải vượt qua, nổi bật là tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới, vượt qua bẫy phát triển trung bình, phấn đấu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…
2. Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
Một là, tư tưởng Hồ Chí Minh về ý thức tôn trọng nhân dân.
Nội dung tập trung vào các điểm chính sau: Thứ nhất, là tư tưởng về "dân là gốc". Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người viết: “Mọi của cải trong xã hội đều do dân làm ra”; “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc hằng ngày là của dân”. Thứ hai, là tư tưởng về vai trò của nhân dân trong xã hội. Từ truyền thống lịch sử của dân tộc “sức dân như sức nước”, “chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân”; “lật thuyền mới thấy dân như nước” đến quan niệm trong dân gian “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, Hồ Chí Minh khẳng định: "Có dân là có tất cả…”. Thứ ba, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mạng không phải là việc riêng của một số người”; “Cách mạng là sự nghiệp của dân chúng. Dân chúng đồng lòng thì mọi việc mới thành công”. Thứ tư, tư tưởng về "trung với nước, hiếu với dân". Nhân dân trong tư tưởng của Hồ Chí Minh là một tập hợp đông đảo quần chúng, dân gắn với nước, nước gắn với dân, yêu nước là thương dân và thương dân là yêu nước.“Nước lấy dân làm gốc”; “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nnhân dân”.Thứ năm, tư tưởng về trách nhiệm trước nhân dân. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh" và khẳng định “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”…
Hai là, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ của nhân dân.
Nội dung tập trung vào các luận điểm: Thứ nhất, tư tưởng về “dân là chủ” và “dân làm chủ”. “Dân là chủ” đối lập với chế độ “quan chủ”; “dân làm chủ” thể hiện mối quan hệ bản chất nhất của chế độ xã hội mới. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân…”. Thứ hai, tư tưởng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tất cả các lĩnh vực. Trong xã hội mới, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Dân chủ thể hiện trên lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, nổi bật nhất và được biểu hiện tập trung trong hoạt động của Nhà nước. Thứ ba, tư tưởng về đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Cần xây dựng và không ngừng hoàn thiện chế độ dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân cả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và sự tham gia vào đời sống chính trị, xã hội của nhân dân. Thực hiện quyền bầu cử, phổ thông đầu phiếu cho mọi người dân; xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh, bảo đảm dân chủ của nhân dân trong các tổ chức chính trị - xã hội. Thứ tư, tư tưởng về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân thông qua Nhà nước; mọi công chức, từ nhân viên đến Chủ tịch nước đều do dân ủy thác cho và phải phục vụ nhân dân. Xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả. Thứ năm, tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Người nhấn mạnh: Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên của Đảng phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính chính, chí công vô tư; phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.Phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Ba là, tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân.
Nội dung chủ yếu bao gồm: Thứ nhất, tư tưởng về độc lập dân tộc phải mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc, tự do cho nhân dân. Người chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân vẫn đói khổ, không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Vì vậy giải phóng dân tộc phải đi tới giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công, mang lại ấm no, hạnh phúc cho mỗi con người, trước hết là nhân dân lao động. Thứ hai, tư tưởng về trách nhiệm chăm lo đời sống nhân dân của Đảng và Chính phủ. Người khẳng định: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”. Thứ ba, tư tưởng về phát triển kinh tế và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân ngay trong từng bước phát triển. Hồ Chí Minh chỉ rõ, đặc điểm to nhất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là xuất phát từ nước nông nghiệp lạc hậu, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Do vậy đi lên chủ nghĩa xã hội phải tiến hành từng bước, quan tâm đến việc phát triển lực lượng sản xuất xã hội hiện còn rất thấp, quan tâm đến đời sống nhân dân, lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội. Phải thực sự cần kiệm để xây dựng nước nhà; tăng gia sản xuất và tiết kiệm, sản xuất đi đôi với tiết kiệm. Thứ tư, tư tưởng về chăm lo phát triển con người một cách toàn diện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng vĩ đại phải biết phát huy nhân tố con người. Chăm lo đến con người bao gồm cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần, quan tâm bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, bởi "vận mệnh của nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên"…
3. Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
Một là, về tấm gương gắn bó với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, đó là tấm gương chia sẻ những nỗi khổ của người dân, dám đứng lên bênh vực quyền lợi cho nhân dân. Ngay từ thủa thiếu thời, là học sinh trung học ở Huế đến khi là Chủ tịch nước, suốt đời Hồ Chí Minh gắn bó máu thịt với dân. Thứ hai, là tấm gương quan tâm, tôn trọng đến lợi ích hằng ngày của nhân dân. Theo Người, tôn trọng lợi ích thiết thân của nhân dân không chỉ từ cái kim, sợi chỉ của dân cũng không được xâm phạm, mà quan trọng nhất là tất cả đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước đều phải hướng vào dân và nhằm nâng cao đời sống của nhân dân. Thứ ba, là tấm gương quý trọng của cải của nhân dân, thực sự cần kiệm, liêm chính. Cần kiệm, liêm chính là phẩm chất đạo đức mẫu mực, phong cách cao thượng nổi bật của Hồ Chí Minh. Cần kiệm, liêm chính là thái độ trân trọng của cải do nhân dân làm ra, là điều kiện để gần dân và là cách cư xử nhân đạo, nhân văn của lãnh tụ với nhân dân. Thứ tư, là tấm gương về trách nhiệm trước nhân dân. Người khẳng định: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận". Với Đảng, Người đã căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân".
Hai là, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong nhân dân.
Trước hết, đó là sự tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, có dân là có tất cả để phát huy sức mạnh trong dân. Từ quan niệm dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phát huy dân chủ của toàn dân để “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Thứ hai, là tấm gương phát huy dân chủ trong tổ chức, trong tập thể. Phát huy dân chủ trong tổ chức, trong tập thể để phát huy sức mạnh của tổ chức, của tập thể. Bản thân Hồ Chí Minh không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, tôn trọng các quyết định dân chủ của tập thể. Thứ ba, là tấm gương thực hành dân chủ để phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân. Người chủ trương: "Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình"; “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”. Thứ tư, là tấm gương người đứng đầu chịu trách nhiệm về tất cả các việc làm của tập thể. Hồ Chí Minh nhận thức rõ và hoàn thành tốt trách nhiệm cá nhân, nhiệm vụ được tập thể giao cho; tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Khi tập thể mắc sai lầm, tự mình, người lãnh đạo phải nhận lỗi trước dân.
Ba là, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân.
Nội dung tập trung vào các vấn đề sau: Thứ nhất, là tấm gương nói đi đôi với làm, cùng nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm ngay sau khi thành lập nước. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công nạn đói ở miền Bắc diễn ra rất nguy cấp. Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước tham gia cứu đói. Người nêu gương cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ, dành gạo để cứu đồng bào. Thứ hai, là tấm gương sâu sát, nắm vững dân tình, hiểu rõ dân sinh, quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 năm (1955-1965), Hồ Chí Minh có 700 lần đi thăm cơ sở, đến với dân. Nhiều câu chuyện cảm động về sự quan tâm của Hồ Chí Minh đối với nhân dân. Câu chuyện về đêm 30 tết năm 1962, với cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người đã đến thăm nhà chị Tín, người dân nghèo gánh nước thuê ở ngõ Hàng Chĩnh, Hà Nội. Thứ ba, là tấm gương quan tâm xây dựng "đời sống mới", nền văn hóa mới, nâng cao tinh thần của nhân dân. Sau cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Đời sống mới", tuyên truyền, phổ biến về lối sống văn hóa, văn minh trong xã hội, nhất là đối với các vùng quê lạc hậu. Người coi giáo dục là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, chỉ đạo thực hiện "bình dân học vụ", để xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt, viết thư cho học sinh nhân ngày khai trường của nước Việt Nam mới…
4. Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ của nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân
Một là, xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân
Thứ nhất, là xây dựng ý thức tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Cần nhận thức thật rõ về mục đích phấn đấu của Đảng và vai trò làm chủ của nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tồ quốc, của nhân dân; dân làm chủ thì Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức là công bộc, "đầy tớ" của dân. Các cơ quan quản lý nhà nước phải coi phục vụ nhân dân là lý do tồn tại của mình. Cán bộ, đảng viên, công chức cần thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định trong Hiến pháp, pháp luật, những quy trình, quy chế trong quan hệ với nhân dân đã được ban hành.
Thứ hai, tôn trọng, đảm bảo lợi ích của người dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định chăm lo lợi ích của nhân dân để lôi cuốn được người dân theo mình không chỉ là thực hiện mục tiêu, mà còn tạo động lực to lớn để giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển. Các tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước phải tôn trọng, đảm bảo, chăm lo đến lợi ích nhân dân; xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý bảo đảm tự do làm ăn theo pháp luật, bảo đảm công bằng, hợp lý trong quan hệ phân phối, phân phối lại thu nhập quốc dân. Nhà nước phải có chính sách bảo vệ lợi ích của "những người yếu thế". Thực hiện tốt mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thể hiện trong từng chính sách, cụ thể hóa trên từng ngành, địa phương để thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thứ ba, là phải kính trọng, lễ phép trong giao tiếp với nhân dân."Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép" là điều Hồ Chí Minh dạy Công an cách mạng, nhưng cũng là yêu cầu chung đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức. Hồ Chí Minh coi trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất đạo đức cách mạng hàng đầu, thì kính trọng nhân dân, coi nhân dân như cha mẹ mình là nghĩa vụ, bổn phận của cán bộ, đảng viên, công chức phải làm để thực sự là “người đầy tớ trung thành” của nhân dân. Nội dung kính trọng lễ phép với dân hể hiện rõ trong quan hệ với nhân dân, trước hết là quan hệ quản lý, hành chính, dân sự. Đồng thời khi đã xác định rõ yêu cầu trách nhiệm kính trọng, lễ phép với nhân dân của người cán bộ, đảng viên, công chức, thì trong tất cả các mối quan hệ, trong "công đường" cũng như ngoài xã hội, người cán bộ, đảng viên, công chức luôn luôn có thái độ đúng mực với công việc, với nhân dân.
Hai là, phát huy dân chủ của nhân dân.
Phát huy dân chủ trực tiếp. Dân chủ trực tiếp là sự tham gia trực tiếp của người dân vào chính sách và quản lý, nhất là ở cấp địa phương, thông qua việc nêu ý kiến với các cấp có thẩm quyền của Nhà nước với các hình thức khác nhau. Để thực hành dân chủ trực tiếp, người dân cần được đảm bảo các quyền về thông tin (dân biết), tham gia thảo luận (dân bàn), triển khai (dân làm), kiểm tra, giám sát (dân kiểm tra) các chủ trương, chính sách ở địa phương.
Để thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp của người dân hiện nay, cần khắc phục tính hình thức khi thực hiện dân chủ cơ sở. Thực tế cho thấy, người dân chỉ nhiệt tình tham gia khi các công việc được bàn liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ, khi họ chứng kiến tận mắt những kết quả từ sự tham gia của họ. Cần tăng cường khuôn khổ pháp lý cho thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo động cơ khuyến khích cho việc tham gia thực hành dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Nghiên cứu để sớm thực hiện các cuộc trưng cầu dân ý theo văn bản luật đã được ban hành. Tăng cường hình thức bầu cử trực tiếp ở cơ sở, như để người dân bầu bí thư chi bộ làm trưởng thôn. Tăng cường thực hiện bỏ phiếu kín thay vì giơ tay biểu quyết trong các cuộc họp công khai. Công khai hóa quá trình đề cử, khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào bầu cử và sàng lọc những quan chức làm việc kém hiệu quả, không trung thực trong danh sách đề cử. Đổi mới việc tranh cử, khắc phục tính hình thức của tranh cử hiện nay. Mở rộng các hình thức, nâng cao tính thiết thực của các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp để huy động sự tham gia của người dân.
Hoàn thiện dân chủ đại diện. Dân chủ đại diện là hình thức cơ bản mà thông qua đó, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, vận hành theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Theo cơ chế này, nhân dân bầu ra cơ quan đại diện, trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Hình thức dân chủ đại diện tồn tại như một tất yếu khách quan của xã hội hiện đại và đang góp phần quan trọng trong tổ chức, điều hành, quản lý các mặt, các lĩnh vực hoạt động của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng.
Đổi mới, phát huy quyền dân chủ đại diện của nhân dân hiện nay tập trung vào các điểm sau: Đổi mới, nâng cao tính thực chất, tính dân chủ và sự công khai trong các cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, thu hút sự tham gia một cách chủ động, tích cực, phấn khởi của đông đảo người dân. Đảm bảo và tăng cường quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân với các cơ quan dân cử, khắc phục tính hình thức trong kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, bao gồm cả năng lực chuyên môn và trình độ hiểu biết pháp luật của các đại biểu dân cử, nhất là ở các địa phương, khắc phục tình trạng chất lượng của các đại biểu dân cử còn những hạn chế và bất cập, bởi còn nặng về cơ cấu... Thực hiện đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong điều kiện nhà nước pháp quyền, khắc phục tình trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở còn mang nặng tính hình thức, kém hiệu quả và thường bị cấp ủy, ủy ban nhân dân cùng cấp lấn át, làm thay. Tập trung cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn phù hợp với yêu cầu mới.
Huy động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước. Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảm bảo quyền của nhân dân trong xây dựng Đảng, Nhà nước là đảm bảo dân chủ về chính trị của nhân dân.
Để tạo điều kiện và phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào các điểm sau: Quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, về công tác dân vận trong cán bộ, đảng viên, công chức. “Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”; Đổi mới cơ chế và quy trình ra quyết định lãnh đạo, quản lý theo hướng phát huy dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chủ trương, chính sách. Lắng nghe tiếng nói của dân, trân trọng những sáng kiến của dân, từ đó làm phong phú trí tuệ của Đảng; Từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ từ trong Đảng đến dân chủ ngoài xã hội được thực hiện trong thực tế ở các cấp, các địa bàn, các lĩnh vực. Xây dựng các thiết chế, thể chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; từng bước thực hiện quyền tổ chức, quản lý đời sống cộng đồng; Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Thực hiện tốt các quan điểm của Đảng về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về dân vận thành các văn bản pháp luật để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện; Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, xử lý nghiêm, không có vùng cấm, từ trên xuống dưới, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những phần tử thoái hóa, biến chất, ức hiếp nhân dân, lợi dụng chức quyền để thực hiện lợi ích cá nhân, nhóm…. Đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng noi theo, góp phần lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Ba là, về chăm lo đời sống nhân dân.
Chăm lo đời sống vật chất của nhân dân. Tiếp tục thực hiện chủ trương giải phóng sức dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tự do làm ăn theo pháp luật, làm giàu cho mình cho đất nước. Thực hiện đường lối phát triển kinh tế trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực hiện các chủ trương, biện pháp khuyến khích sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nhân dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng bộ máy nhà nước theo hướng “kiến tạo, phục vụ phát triển, liêm chính và hành động” ở tất cả các cấp.
Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý và chi tiêu ngân sách, dành tiền cho đầu tư phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đó là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về sản xuất và tiết kiệm gắn với nhau và là một phương pháp để nâng cao đời sống nhân dân. Tình trạng lãng phí của công, chi tiêu không hợp lý, quản lý ngân sách không chặt chẽ, gây thất thoát lớn, không chỉ dẫn tới giảm đầu tư phát triển, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, mà còn gián tiếp tạo nên sự bất bình đẳng trong thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, tăng nợ công và nguy cơ tham nhũng. Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, quản lý nhà nước khu vực dịch vụ công, theo các nghị quyết thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, thực hiện bình đẳng và nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công, người lao động trong doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Thực hiện các Nghị quyết 26-NQ/TW về “Cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, Nghị quyết 28-NQ/TW về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” đã được ban hành, bắt đầu từ năm 2021, là bước quan trọng trong chăm lo đời sống nhân dân.
Chăm lo đời sống tinh thần, văn hóa của nhân dân. Thực hiện tốt quan điểm phát triển văn hóa, xây dựng con người là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên sức mạnh nội sinh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng tinh thần đó đã giúp cho nhân dân ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc và nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết 33-NQ/TW) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, để xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện tốt chủ đề năm 2019 để thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay". /.
PGS.TS Ngô Văn Thạo