Mục tiêu tài chính xanh trong kỷ nguyên mới là đảm bảo sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Với việc đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững. Đông Nam Á đang theo đuổi mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường & biến đổi khí hậu. Tài chính xanh là chìa khóa hỗ trợ quá trình chuyển đổi nhằm đạt được cả hai mục tiêu của ASEAN. Tài chính xanh của ASEAN đạt trung bình 40 tỷ USD/năm, quá nhỏ so với nhu cầu khoảng 200 tỷ USD/năm cho đến năm 2030
- Kỷ nguyên mới và thực trạng phát triển tài chính xanh của ASEAN
“Kỷ nguyên mới” là thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả một giai đoạn lịch sử mới, đặc trưng bởi những thay đổi quan trọng và mang tính cách mạng trong nhiều lĩnh vực của đời sống con người, bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội, và công nghệ. Kỷ nguyên mới không chỉ đơn thuần là một khoảng thời gian mà còn là một bước chuyển biến lớn về cách con người tương tác với thế giới xung quanh, cách sống, làm việc và tư duy.
Phát triển bền vững là vấn đề quan trọng trong kỷ nguyên mới. Phát triển bền vững không chỉ gắn liền với việc bảo vệ môi trường mà còn phải bao gồm các yếu tố như phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Xây dựng các chiến lược phát triển bền vững, với mục tiêu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và cải thiện chất lượng sống cho người dân. Trong Kỷ nguyên mới, Việt Nam co cơ hội để khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội của Kỷ nguyên mới, mỗi cá nhân và tổ chức cần phải chú trọng vào việc đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ, phát triển con người và thực hiện các chiến lược phát triển bền vững. Chỉ khi thực hiện được những yếu tố này, Việt Nam mới có thể tiến lên mạnh mẽ và vững chắc trong kỷ nguyên mới, vượt qua mọi thử thách và xây dựng một tương lai tươi sáng.
Tài chính xanh là hỗ trợ tài chính nhằm tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua cắt giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tài chính xanh là tăng mức độ dòng tài chính (ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực công, tư nhân và phi lợi nhuận tới các ưu tiên phát triển bền vững.
Tài chính xanh đề cập đến các công cụ tài chính, đầu tư và cơ chế góp phần vào cách tiếp cận “khí hậu cộng” (limate plus), tác động đến cả các mục tiêu bền vững về khí hậu và môi trường. Do đó, tài chính xanh đặt mục tiêu (i) giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện khả năng phục hồi khí hậu; (ii) cải thiện các mục tiêu môi trường như chất lượng không khí và nước, hệ sinh thái và đa dạng sinh học cũng như hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Mục tiêu của tài chính xanh là giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng bảo vệ môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Tài chính xanh giúp ngăn ngừa tác động của biến đổi khí hậu bằng cách tài trợ cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo.
Tài chính xanh là khái niệm hẹp hơn tài chính bền vững, nhưng rộng hơn tài chính khí hậu và carbon thấp (Sơ đồ). Tài chính bền vững có thể được sử dụng để tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích về môi trường, xã hội, kinh tế; cũng như lợi ích cho các SDG khác. Tài chính xanh chỉ có thể được sử dụng để tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích môi trường, bao gồm giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu và các lợi ích môi trường khác.
Trong khu vực ASEAN, dòng tài chính xanh ước tính khoảng 40 tỷ USD/năm, quá nhỏ so với nhu cầu trung bình 200 tỷ USD/năm cho đến năm 2030 - với tổng vốn ước tính khoảng 3 nghìn tỷ USD[2], trong đó đầu tư dàn trải cho các lĩnh vực sau: cơ sở hạ tầng (1.800 tỷ USD), năng lượng tái tạo (400 tỷ USD), hiệu quả sử dụng năng lượng (400 tỷ USD), thực phẩm và nông nghiệp (400 tỷ USD). Khoảng 75% dòng vốn hiện tại đến từ tài chính công và 25% đến từ tài chính tư nhân, phần lớn dưới hình thức cho vay thương mại. Do tài chính xanh từ khu vực công được dự đoán sẽ giảm 40%, tài chính xanh tư nhân sẽ cần tăng quy mô hơn 10 lần để đáp ứng nhu cầu.
Cơ sở hạ tầng - xương sống của tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á - đang đối mặt với tình trạng thiếu vốn đầu tư hơn 100 tỷ USD/năm. Giải quyết những thiếu hụt đầu tư và chuyển đổi sang cơ sở hạ tầng xanh là những thách thức lớn. Nguồn tài chính công không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư khổng lồ, trong khi việc thiếu các dự án thương mại hấp dẫn tiếp tục hạn chế dòng vốn tư nhân vào cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á. Để thu hẹp khoảng cách, vốn tư nhân cần đóng vai trò lớn hơn trong việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Các nhà tài trợ khu vực tư nhân rất thận trọng khi đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh thường đòi hỏi chi phí ban đầu lớn và rủi ro cao.
Khu vực ASEAN ước tính cần 3,1 nghìn tỷ USD (tương đương 200 tỷ USD/năm) trong giai đoạn 2016 - 2030 để đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nước trong khu vực vẫn thiếu hơn 100 tỷ USD/năm cho mục tiêu này. Vì vậy, việc huy động và kết hợp các nguồn lực tài chính có vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phục hồi của Đông Nam Á, đặc biệt sau Covid-19.
Năm 2019, ASEAN đã thành lập Quỹ tài chính xanh xúc tác (ACGF - Catalytic Green Finance Fund) nhằm đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng xanh trong khu vực. Quỹ ACGF cung cấp và phân phối cho các chính phủ thành viên ASEAN hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận khoản vay hơn 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ. Hỗ trợ kỹ thuật của ACGF cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh khả thi trong khi các khoản vay của ACGF nhằm trang trải chi phí đầu tư vốn ban đầu. Nhờ cách tiếp cận đó, rủi ro có thể được hạn chế và khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tư nhân.
Để hỗ trợ Quỹ tài chính xanh xúc tác ACGF, bốn đối tác đã cam kết hỗ trợ 665 triệu USD cho Quỹ do Ngân hàng Phát triển Châu Á quản lý với mục tiêu huy động 7 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, lượng khí thải carbon thấp và khả năng phục hồi khí hậu ở Đông Nam Á, thúc đẩy quá trình sự phục hồi của khu vực sau COVID-19. Bốn đối tác bao gồm: 151 triệu USD từ Chính phủ Anh; 155 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư Nhà nước Ý Cassa Depositie Prestiti (CDP); gần 60 triệu USD từ Liên minh châu Âu và 300 triệu USD từ Quỹ Khí hậu Xanh. Nguồn vốn mới này sẽ bổ sung cho ngân sách đồng tài trợ 1,4 tỷ USD đã cam kết với ACGF từ năm 2019, nâng tổng cam kết cho Quỹ lên 2 tỷ USD.
Ngân hàng Phát triển Châu Á và các nhà tài trợ phát triển lớn đã đưa ra sáng kiến thúc đẩy hơn 1 tỷ USD (2021) đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại 10 quốc gia thành viên ASEAN. Trong số 1 tỷ USD, có 336 triệu USD đến từ Ngân hàng Nhà nước KfW của Đức, khoảng 300 triệu USD là do ADB tài trợ. Ngân hàng Đầu tư Châu Âu và Cơ quan Phát triển Pháp đóng góp 168 triệu USD và 75 triệu USD do Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN cung cấp. Ngoài hỗ trợ tài chính, sáng kiến mới cũng sẽ hỗ trợ chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực tài chính “xanh”.
Để được tài trợ theo ACGF, các dự án cơ sở hạ tầng xanh phải đảm bảo và đáp ứng ba tiêu chí sau: Thứ nhất, dự án phải có mục tiêu và chỉ tiêu môi trường rõ ràng; Thứ hai, dự án phải có kế hoạch tài chính bền vững; Thứ ba, dự án phải có lộ trình thu hút vốn đầu tư tư nhân.
Nguồn vốn của Quỹ ACGF tập trung vào các dự án thúc đẩy năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông đô thị bền vững, cấp nước, vệ sinh, quản lý rác thải và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài việc chuẩn bị dự án và hỗ trợ tài chính, Quỹ ACGF cung cấp các dịch vụ đào tạo kiến thức nhằm củng cố môi trường pháp lý và xây dựng năng lực thể chế cho ASEAN nhằm tăng quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng xanh. Chỉ riêng các dự án năng lượng tái tạo sẽ bổ sung thêm 25 tỷ USD vào GDP và tạo ra 1,7 triệu việc làm trong khu vực ASEAN năm 2030[3].
Năm 2021, ASEAN phát hành nợ Xanh, Xã hội và Bền vững (GSS - Green, Social and Sustainable) cao kỷ lục đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với 13,6 tỷ USD năm 2020[4]. Nợ liên kết bền vững đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với 8,6 tỷ USD năm 2020. Tổng số GSS do ASEAN phát hành lên tới 40,14 tỷ USD (2023), trong đó Phillippines phát hành 10,03 tỷ USD. Tốc độ tăng nợ GSS và nợ liên kết bền vững phản ánh sự tích cực của khu vực ASEAN trong việc phân bổ nguồn vốn cho mục tiêu ứng phó với đại dịch Covid-19 bên cạnh việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững với biến đổi khí hậu và lượng phát thải carbon thấp trong dài hạn.
Trong khu vực ASEAN, ngành ngân hàng đóng vai trò trung tâm trong việc tài trợ cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài những đặc điểm khu vực như cơ cấu chính phủ, các lĩnh vực dịch vụ tài chính, thị trường vốn và những đặc điểm riêng khác, hệ thống ngân hàng ASEAN còn có ba đặc điểm sau:
Thứ nhất, sự thống trị nổi bật của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng ASEAN có vai trò tương đối nổi bật hơn trong lĩnh vực tài chính, với các khoản cho vay chiếm hơn 80% vốn nợ ở nhiều nền kinh tế ASEAN.
Thứ hai, quyền sở hữu của chính phủ chiếm ưu thế. Chính phủ sở hữu cổ phần lớn trong lĩnh vực ngân hàng, được thúc đẩy bởi các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ như: phát triển bền vững, tài chính khí hậu.
Thứ ba, chính sách lấy ngân hàng làm trung tâm. Sự hợp tác mạnh mẽ giữa khu vực công và khu vực tư đã dẫn đến các chính sách tài chính khí hậu lấy ngân hàng làm trung tâm, từ đó đặt các ngân hàng ASEAN vào vị trí lý tưởng để được hưởng lợi.
2.Giải pháp tăng cường tài chính xanh ở ASEAN
Tài chính xanh đang trở thành một trong những xu hướng hàng đầu trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là ở khu vực ASEAN. Các quốc gia ASEAN có thể tăng cường việc phát hành trái phiếu xanh và các công cụ tài chính khác để thu hút đầu tư vào các dự án xanh.
Chính phủ ASEAN đang tập trung thực hiện các chiến lược và kế hoạch tận dụng tốt các nguồn lực khác nhau từ cả khu vực công và khu vực tư nhân, sử dụng các phương pháp tiếp cận tài chính xanh và sáng tạo để thúc đẩy các khoản đầu tư cần thiết cho cơ sở hạ tầng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong khu vực. Trên thực tế, không có giải pháp duy nhất nào có thể mang lại nguồn tài chính xanh cần thiết cho ASEAN. Để giúp tăng cường tài chính và đầu tư xanh, các nước ASEAN đang tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, phát triển các nền tảng đầu tư xanh sẽ hỗ trợ sự hợp tác cần thiết để có thêm nhiều khoản đầu tư xanh. Các nước ASEAN cần tận dụng các cơ hội đầu tư trong khu vực để đảm bảo biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số, sản xuất và tiêu dùng không bền vững, ô nhiễm và nhiều thách thức khác không cản trở sự phát triển của khu vực châu Á năng động. Cam kết của ASEAN về đầu tư xanh là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu về khí hậu và đảm bảo một tương lai bền vững cho khu vực.
Để hướng tới một cộng đồng kinh tế xanh cho các nước trong khu vực ASEAN, đầu tư vào các dự án xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh là hướng đi mới khi nguồn tài chính của Chính phủ trở nên hạn chế. Bộ Tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh ASEAN (ASEAN Green Bond Standards) được ban hành tháng 11/2017 với các tiêu chuẩn chung để phát hành trái phiếu xanh ASEAN nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu hội nhập và kết nối, hướng tới tăng trưởng bền vững trong khu vực ASEAN.
Sau khi Bộ Tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh ASEAN được ban hành, đã có bốn đợt phát hành trái phiếu và trái phiếu Hồi giáo (trái phiếu sukuk) được gắn nhãn Trái phiếu Xanh ASEAN do các công ty đến từ Malaysia, Singapore và Indonesia phát hành. Vốn huy động từ phát hành trái phiếu xanh được phân bổ cho các dự án liên quan đến môi trường như năng lượng tái tạo, dự án quản lý chất thải và công trình xanh, giao thông, sân bay với tiêu chí đáp ứng tiêu chuẩn bền vững.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cần tăng đầu tư xanh thêm 400% mỗi năm để bảo vệ người dân và nền kinh tế khỏi những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và các cú sốc môi trường khác. Đầu tư xanh vào khu vực ASEAN có thể biến khu vực này thành một cường quốc kinh tế xanh, hỗ trợ dân số ngày càng tăng và mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, đa dạng hóa các nhà đầu tư có hồ sơ trách nhiệm trung và dài hạn (Công ty bảo hiểm, Quỹ hưu trí) giúp mở rộng quy mô đầu tư xanh. Nhà đầu tư có thể cho vay trực tiếp các dự án xanh có nhu cầu đầu tư dài hạn và có thể tăng hiệu quả của hệ thống tài chính bằng cách mua tài sản xanh được ngân hàng chuyển vào thị trường vốn. Giải pháp này có thể đạt được bằng cách chuyển đổi các tài sản như khoản vay ngân hàng xanh thành chứng khoán có tính thanh khoản, có thể giao dịch và được xếp hạng, ví dụ: trái phiếu. chứng khoán được hỗ trợ bằng tài sản hoặc trái phiếu chứng khoán được ủy thác, uỷ thác đầu tư.
Đầu tư xanh vào khu vực ASEAN tới năm 2030 có cơ hội rất lớn, giúp biến khu vực Đông Nam Á thành cường quốc kinh tế xanh, giúp hỗ trợ dân số tăng nhanh, bền vững và mang lại lợi nhuận cạnh tranh được điều chỉnh theo mức độ rủi ro cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN huy động các nhà đầu tư tư nhân bằng cách giải quyết các rủi ro liên quan đến đầu tư xanh, tận dụng tài chính công và tư nhân thông qua các quỹ xanh như Quỹ Tài chính Xanh Xúc tác ASEAN. Năm 2022, tổng vốn đầu tư xanh vào ASEAN đạt 12,8 tỷ USD.
Thứ ba, mở rộng các sáng kiến phát triển tài chính tự nguyện liên quan đến môi trường. Bằng cách thiết lập các quy định liên quan đến các sáng kiến tài chính bền vững, các sáng kiến Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) tạo ra cơ hội để ứng phó với biến đổi khí hậu mà không gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Chương trình Phục hồi Xanh (Green Recovery Program) sẽ giúp các nước ASEAN thu hẹp khoảng cách đáng kể trong tài chính cơ sở hạ tầng xanh, với nhu cầu đầu tư hàng năm của khu vực ước tính là 210 tỷ USD trước COVID-19. Do đại dịch, khoảng cách này sẽ nới rộng khi nền kinh tế khu vực suy giảm 4,4% GDP năm 2020.
Một sáng kiến khác để hiện thực hóa quá trình phục hồi xanh là Quỹ Tài chính Xanh xúc tác ASEAN (ACGF - ASEAN Catalytic Green Finance Fund) huy động các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh để thúc đẩy năng lượng sạch, giao thông đô thị bền vững, cung cấp nước, vệ sinh, quản lý chất thải và nông nghiệp chống chịu với biến đổi khí hậu. Chương trình Phục hồi Xanh hỗ trợ 20 dự án cơ sở hạ tầng xanh tại các quốc gia thành viên ASEAN với giá trị hơn 4 tỷ USD. Theo ước tính, các dự án cơ sở hạ tầng xanh sẽ giảm lượng khí thải carbon dioxide khoảng 119 triệu tấn và tạo ra 340.000 việc làm xanh trong 30 năm (2020-2050) trong các lĩnh vực chính như giao thông bền vững, năng lượng tái tạo và hệ thống tiết kiệm năng lượng, nông nghiệp carbon thấp và tài nguyên thiên nhiên
Thứ tư, giải pháp tài chính số kết nối người dùng tài chính xanh để giảm chi phí. Giải pháp công nghệ tài chính xanh (fintech) vẫn có thể giúp huy động tiết kiệm trong nước cho đầu tư xanh bằng cách khai thác khả năng thu nhận và xử lý thông tin với tốc độ cao hơn nhưng chi phí thấp hơn và tốc độ tin cậy tăng lên.
Các dịch vụ tài chính số của ASEAN bao gồm thanh toán, chuyển tiền, cho vay, đầu tư và bảo hiểm dự kiến sẽ tạo ra doanh thu trị giá 38 tỷ USD năm 2025. Trong đó Singapore đóng góp 9 tỷ USD và tăng 14% mỗi năm. Thậm chí, doanh thu toàn khu vực lên tới 60 tỷ USD và đóng góp khoảng 17% tổng doanh thu dịch vụ tài chính nếu đáp ứng một số điều kiện. Trong số 5 dịch vụ về tài chính kỹ thuật số, thanh toán kỹ thuật số và chuyển tiền đang có tiến bộ nhất, với các khoản thanh toán dự kiến sẽ vượt 1 nghìn tỷ USD giá trị giao dịch năm 2025. Các dịch vụ khác (cho vay, đầu tư và bảo hiểm) đang nổi lên và mỗi dịch vụ sẽ tăng hơn 20% mỗi năm cho đến năm 2025.
Tuy nhiên, khu vực ASEAN đang phải đối mặt với 4 yếu tố cản trở sự phát triển của dịch vụ tài chính số, đó là: i) người tiêu dùng và doanh nghiệp chậm từ bỏ tiền mặt và chuyển sang số hóa; ii) thiếu hệ thống nhận dạng kỹ thuật số đáng tin cậy ở hầu hết các thị trường Đông Nam Á; iii) cơ quan quản lý thiếu cách tiếp cận thận trọng; iv) cơ sở hạ tầng tài chính khu vực phần lớn kém phát triển, ngoại trừ Singapore.
Tuy nhiên, khu vực ASEAN đang phải đối mặt với bốn yếu tố cản trở sự phát triển của các dịch vụ tài chính số, đó là: i) người tiêu dùng và doanh nghiệp chậm từ bỏ tiền mặt và chuyển sang số; ii) thiếu hệ thống nhận dạng kỹ thuật số đáng tin cậy ở hầu hết các thị trường Đông Nam Á; iii) các cơ quan quản lý thiếu cách tiếp cận thận trọng; iv) cơ sở hạ tầng tài chính khu vực phần lớn chưa phát triển, ngoại trừ Singapore.
Thứ năm, thiết lập Phân loại Tài chính Bền vững ASEAN (ASEAN Sustainable Finance Taxonomy). Năm 2021, các bộ trưởng tài chính ASEAN và thống đốc ngân hàng trung ương đã thiết lập phân loại tài chính bền vững, tạo ngôn ngữ bền vững mới cho ASEAN. Hội đồng Phân loại ASEAN đã công bố phiên bản đầu tiên của Phân loại Tài chính Bền vững ASEAN tháng 11 năm 2021, giới thiệu ngôn ngữ chung của khu vực để tài trợ cho các hoạt động bền vững và cung cấp khuôn khổ cho cuộc thảo luận giữa các nước ASEAN, đáp ứng mục tiêu quốc tế và nhu cầu cụ thể của ASEAN. Phân loại tài chính bền vững giúp các nhà tài trợ và nhà đầu tư hiểu được tác động bền vững của các dự án đối với hoạt động kinh tế. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua lĩnh vực tài chính là một động thái thực tế vì hệ thống tài chính là cửa sổ hiệu quả duy nhất hướng đến nền kinh tế được quản lý chặt chẽ.
Phân loại tài chính bền vững hoạt động bằng cách phân loại các hoạt động kinh tế và đầu tư bền vững và không bền vững để thúc đẩy tăng trưởng xanh trong nền kinh tế. Việc sử dụng phân loại tài chính bền vững còn rất mới đối với khu vực ASEAN. Mặc dù các chính phủ Đông Nam Á đã ưu tiên hơn đối với phát triển môi trường. ASEAN đã nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và khí hậu thông qua sự hiểu biết của cộng đồng về các vấn đề môi trường và sự tàn phá của khí hậu khắc nghiệt đang gia tăng.
Phân loại tài chính bền vững ASEAN giúp định hướng các quyết định dài hạn cho các quốc gia thành viên để đạt được các mục tiêu về khí hậu theo luật và chính sách môi trường quốc gia. Phân loại tài chính bền vững giúp xây dựng quá trình chuyển đổi xanh có trật tự và có hệ thống cho mỗi quốc gia thành viên ASEAN, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bền vững trên toàn khu vực. Do đó, cách tiếp cận phân loại tài chính bền vững là cách tiếp cận tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau và cho phép các thành viên ASEAN có nhiều lựa chọn để mở rộng quy mô phù hợp với tinh thần của Thỏa thuận Paris.
- Bài học phát triển tài chính xanh Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Ở Việt Nam, kỷ nguyên mới được khởi đầu với Đại hội XIV của Đảng mà ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao năm 2045.
Việt Nam rất quan tâm và quan tâm đến phát triển tài chính xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã phát hành gần 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh (2019-2023). Những trái phiếu xanh được tái sử dụng để tài trợ cho các dự án có lợi ích tích cực cho môi trường. Bất chấp tiềm năng, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn kém phát triển. Kinh nghiệm của ASEAN được coi là bài học hữu ích để Việt Nam bắt kịp xu hướng xanh hóa nền kinh tế.
Thứ nhất, nâng cấp hệ thống hỗ trợ tài chính xanh truyền thống và thúc đẩy dòng vốn từ khu vực tư nhân. Việt Nam đang tích cực nỗ lực nâng cấp hệ thống hỗ trợ tài chính xanh truyền thống. Chính phủ kêu gọi xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia toàn diện để giải quyết các thách thức như vốn, lực lượng lao động lành nghề và các giải pháp kỹ thuật. Việt Nam đang xây dựng khung chính sách để hướng dẫn phân phối điều tiết, thúc đẩy đầu tư xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ sở hạ tầng xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ nỗ lực thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án xanh và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm và dịch vụ xanh. Các chính sách tài chính được thiết kế nhằm kích thích đầu tư từ khu vực tư nhân. Đầu tư của khu vực tư nhân rất quan trọng để giúp giảm lượng khí thải carbon cho nền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi các tổ chức phải đổi mới và phát triển các công cụ tài chính xanh. Mặc dù cần vốn đầu tư 34 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi xanh, Việt Nam chỉ đảm bảo được 200 triệu USD đầu tư tư nhân năm 2023. Đào tạo và phát triển lực lượng lao động được trang bị để tham gia quá trình chuyển đổi xanh là ưu tiên hàng đầu ở Việt Nam.
Thứ hai, đa dạng hóa các phương thức thu hút nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh thông qua quan hệ đối tác công tư PPP (Public-Private Partnership). Đa dạng hóa các kênh tài chính xanh và ổn định cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho các giao dịch tài chính. Với các ứng dụng của công nghệ thông tin, điều quan trọng là hiện đại hóa các quy trình giao dịch và thiết lập các cơ chế giao dịch phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Điều này nhằm tạo tiền đề hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư vào biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Điều quan trọng là tăng đầu tư thông qua quan hệ đối tác công tư PPP, vì nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư vào lĩnh vực tài chính xanh có hạn.
Các dự án quy mô lớn đòi hỏi quan hệ đối tác công tư có khả năng thu hút sự hỗ trợ của các công ty đa quốc gia để tối đa hóa tác động của họ và mang lại lợi ích cho tất cả các ngành. Để đạt được mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, cần kết hợp các ưu đãi của chính phủ, vốn đầu tư và các biện pháp hỗ trợ để đảm bảo quá trình chuyển đổi kinh tế diễn ra suôn sẻ và bền vững.
Thứ ba, công bố thông tin về phát thải carbon và các thông số ESG cần được công khai cho công chúng. Việc công khai phát thải carbon và các thông số ESG là điều cần thiết để thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình giữa các tập đoàn. Vì các nhà đầu tư ngày càng tìm kiếm các công ty thể hiện hiệu suất ESG mạnh mẽ. Việc công khai rõ ràng giúp họ đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt. Hơn nữa, công khai có thể nâng cao danh tiếng của công ty và xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc hiểu và công bố các rủi ro ESG giúp các công ty quản lý các thách thức tiềm ẩn về môi trường và xã hội có thể ảnh hưởng đến hoạt động và lợi nhuận của họ. Chính phủ Việt Nam tổ chức các buổi đào tạo và ban hành hướng dẫn, đồng thời xây dựng nền tảng chung để chia sẻ kiến thức giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư, các công ty bảo hiểm, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan quản lý. Đồng thời, chính phủ đóng góp vào việc phát triển và chuẩn hóa các yêu cầu báo cáo an toàn và ủng hộ việc sử dụng các chỉ số xanh.
Thứ tư, tăng cường hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Tăng cường hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế rất quan trọng đối với sự phát triển tài chính xanh của Việt Nam. Việt Nam hiện đã có quan hệ đối tác với quốc tế bao gồm EU, Pháp, Đức, Nhật Bản… Quan hệ đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ mục tiêu Net Zero 2050 của Việt Nam và huy động 15,5 tỷ USD tài chính công và tư trong những năm tới. Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (International Financial Corporation) đã tài trợ cho nhiều dự án tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Cơ quan Phát triển Pháp AFD (Agency of French Development) đã cung cấp khoản vay ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật trị giá 100 triệu USD để giúp thiết lập tài chính xanh tại Việt Nam. Đây là quỹ tài chính xanh đầu tiên mà AFD thành lập tại Việt Nam. Sự hỗ trợ từ AFD là bước đầu tiên quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang tài chính xanh tại Việt Nam. Sự hỗ trợ của AFD đã mang lại ba lợi ích quan trọng cho Việt Nam: Thứ nhất, sự hỗ trợ của AFD sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động trong việc tài trợ cho sự phát triển xanh của Việt Nam. Thứ hai, Cơ quan AFD sẽ thiết lập quan hệ đối tác giữa hai quốc gia cho các khoản vay hoặc dự án phát triển xanh trong tương lai. Thứ ba, AFD báo hiệu với các đối tác quốc tế về thiện chí của Việt Nam trong việc tham gia vào các dự án phát triển xanh hoặc quan hệ đối tác tài chính.
Năm 2023, Bộ Môi trường, Khí hậu và Phát triển bền vững Luxembourg (Ministry of the Environment, Climate and Sustainable Development)[5] và Bộ Tài chính Việt Nam (MoF) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác tài chính xanh giai đoạn 2020-2025. Nếu Việt Nam có khuôn khổ quản lý chuẩn mực, khái niệm rõ ràng hơn về các dự án xanh, các ngân hàng quốc tế có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế xanh.
Kết luận. Khu vực ASEAN hiện đang phải đối diện với chênh lệch đầu tư đáng kể, cần 1,5 nghìn tỷ USD để tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh tới năm 2030. Vì vậy, khu vực Đông Nam Á cần có hành động tập thể khẩn cấp từ các chính phủ và nhà đầu tư để giảm thiểu rủi ro đầu tư và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đầu tư xanh. Dự báo, nền kinh tế xanh của Đông Nam Á có cơ hội mang lại giá trị hơn 1 nghìn tỷ USD năm 2030. Các tổ chức tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn để đầu tư vào các hoạt động năng lượng tái tạo, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Đầu tư và tài chính xanh là điều cần thiết để khu vực ASEAN thành công trong các mục tiêu phi carbon hóa và phát triển bền vững. Đầu tư tư nhân được khuyến khích để chuyển đổi hệ thống năng lượng hiện có của ASEAN sang các giải pháp thay thế ít carbon.
Đông Nam Á cần có nhiều giải pháp và chính sách hơn nữa để tích cực khuyến khích tài chính xanh và dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho việc xây dựng năng lực cho tài chính xanh. Để huy động các nguồn vốn cần thiết nhằm tài trợ cho phát triển bền vững về mặt môi trường, chính phủ ASEAN và các cơ quan quản lý cần đóng vai trò nổi bật hơn, giúp thị trường phân bổ nguồn lực theo cách bền vững hơn và có thể công bố lộ trình chuyển đổi sang hệ thống tài chính xanh như Vương quốc Anh đã làm.
Phạm Thị Thanh Bình[1]
Main References:
Ariyapruchya, S., & Volz, U. (2022). Sustainable finance in Southeast Asia. In D. Schoenmaker, & U. Volz (Eds.), Scaling up sustainable finance and investment in the global south (pp. 281–302). CEPR Press.
Azhgaliyeva, D., Beirne, J., & Mishra, R. (2023). What matters for private investment in renewable energy? Climate Policy, 23(1), 71–87. https://doi.org/10.1080/14693062.2022.2069664.
Chen, C., Zhang, Y., Bai, Y., & Li, W. (2021). The impact of green credit on economic growth—The mediating effect of environment on labor supply. PLoS ONE, 16(9), e0257612. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0257612
Dina A & Brantley L (2020), Introduction to the Special Issue: Scaling Up Green Finance in Asia; Full article: Introduction to the special issue: Scaling Up Green Finance in Asia (tandfonline.com)
Jasminder Kaur (2022), Discovering untapped sustainable finance opportunities towards green recovery in ASEAN - ASEAN-Australia Strategic Youth Partnership (aasyp.org).
Sharon Seah (2022), Asean Taxonomy for Sustainable Finance: putting money where the mouth is | Opinion | Eco-Business | Asia Pacific.
Samaya Dharmaraj (2023), Vietnam Boosts Legal Framework to Attract Green Finance, Technology
Yannick Glemarec (2023), Financing green and climate resilient infastructure in ASEAN countries
Wang, X., & Wang, S. (2020). The Impact of Green Finance on Inclusive Economic Growth. Open Journal of Business and Management, 08(5), 2093–2112. https://doi.org/10.4236/ojbm.2020.8512
Setyowati, A. (2023). Governing Sustainable Finance: Insights from Indonesia. Climate Policy, 23(1), 108–121. doi: 10.1080/14693062.2020.1858741.
Volz, U. (2019). Fostering green finance for sustainable development in Asia. In U. Volz, P. J. Morgan, & N. Yoshino (Eds.), Routledge handbook of banking and finance in Asia (pp. 488–504). Routledge. https://www.adb.org/sites/default/files/publication/472646/adbi-routledge-handbook-banking-finance-asia.pdf.
Ulrich Volz (2018), Fostering Green Finance for Sustainable Development in Asia, ADB Institute, ADBI working Paper Series.
Thanh Tam (2023), The status of green finance stemming from recent impacts (vir.com.vn)
[1]PGS.TS. Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội. Email:phamthanhbinh297@yahoo.com.vn; Mobile: 0909929761
[3] According to Sustainable Energy for All
[5] Luxembourg là quốc gia nhỏ nằm ở Tây Âu, là quốc gia nhỏ nhất châu Âu nhưng có nền kinh tế phát triển mạnh, là trung tâm tài chính quốc tế quan trọng.