Chủ Nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ​

Ngày phát hành: 23/12/2021 Lượt xem 7905

                                                                                

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”[1]; Người nói:“Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn-hóa”[2]. Nhiệm vụ của nền giáo dục là phải phục vụ đường lỗi chính trị của Đảng, Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đười sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ thực tiễn”[3]. Giáo dục phải góp phần đào tạo ra được những người lao động mới. Đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn, “trung với nước, hiếu với dân”, có đạo đức cách mạng trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, có tinh thần gan dạ, dũng cảm, khiêm tốn, thật thà, cần cù, tiết kiệm, trong sạch, giản dị, có tri thức và sức khỏe để trở thành những người chủ tương lai của đất nước, “những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Người luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Theo Người, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”.

 

 Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định, giáo dục là sự nghiệp của Đảng, toàn dân, là quốc sách hàng đầu, đặc biệt coi trọng vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

 

Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD là khâu then chốt”; “Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ GV”; “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD”; “Đào tạo con người phát triển toàn diện, chú trọng đến kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

 

1. Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, Trung ương đánh giá:

Công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống được quan tâm thường xuyên. Hằng năm có hàng nghìn cán bộ, GV và sinh viên ưu tú được kết nạp vào Đảng, tỷ lệ đảng viên là giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, phổ thông ngày càng tăng (chiếm trên 50%). Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có chuyển biến tốt, hoạt động tại các cơ sở giáo dục đã phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong toàn ngành. Công tác quản lý về giáo dục được đổi mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo cho các cơ sở giáo dục. Công tác quản lý giáo dục bước đầu chuyển từ cơ chế “chỉ huy và kiểm soát” sang “giao quyền và giám sát”. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý được thực hiện theo hướng đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4[4], triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office); 100% trường học được kết nối Internet, 80% trường học đã dùng phần mềm quản trị trường học, sổ điểm điện tử giúp giảm tải hồ sơ, giấy tờ trong nhà trường. Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục được xây dựng[5], đưa vào sử dụng thống nhất trên toàn quốc, cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, chính xác và kịp thời hơn cho các cơ quan quản lý giáo dục.

 

Đội ngũ nhà giáo và CBQLGD ở các cấp học cơ bản đáp ứng về số lượng, cơ cấu, trình độ đào tạo được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo[6]. Việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ở nước ngoài tiếp tục được thực hiện thông qua các đề án đào tạo bằng ngân sách nhà nước, học bổng Hiệp định và các chương trình học bổng khác[7]. Việc thực hiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo và CBQLGD[8] và thu hút học sinh giỏi vào các trường sư phạm được thực hiện đúng quy định. Nhiều địa phương đã xây dựng Đề án vị trí việc làm, tổ chức chuyển từ xếp ngạch sang hạng cho giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; tổ chức đánh giá viên chức để rà soát, sàng lọc và tinh giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Trung ương và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ và bước đầu triển khai Nghị Quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW[9].

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực yếu; chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhất là đối với cán bộ công chức, viên chức nhiều nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Chính sách tiền lương đối với nhà giáo chưa được thực hiện tốt. Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường một số nơi hạn chế. Việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên chậm triển khai. Năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; đội ngũ nhà giáo vừa thừa, vừa thiếu, nhất là thiếu GV mầm non, có nơi không đồng bộ về cơ cấu bộ môn, bất cập về loại hình đào tạo gây khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục. Một số hạn chế yếu kém chậm khắc phục và tiêu cực trong giáo dục chưa kịp thời ngăn chăn, đẩy lùi giảm niềm tin đối với xã hội.

 

 

          2. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Nhà nước, đến nay, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD đã bám sát vào quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Đội ngũ nhà giáo và CBQLGD phát triển nhanh về số lượng, hợp lý về cơ cấu và phân bố khá toàn diện trong các cấp bậc học với gần 1,5 triệu người[10] (trong đó bậc Mầm non có 373.264 giáo viên (GV) và 39.632 CBQLGD; Tiểu học có 404.071 GV, 30.592 CBQLGD; Trung học cơ sở có 302.421 GV và 22.377 CBQLGD; Trung học phổ thông có 153.258 GV và 8.280 CBQLGD; Giáo dục thường xuyên người có 10.195 GV và 1.501 CBQLGD; Giáo dục nghề nghiệp có 83.959 giảng viên, GV dạy nghề và 20.627 CBQLGDNN; Giáo dục đại học có 74.093 giảng viên và 802 CBQLGD) góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

 

Cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và CBQLGD từng bước được bổ sung, hoàn thiện và thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng quy định, góp phần hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và CBQLGD yên tâm, tận tâm với nghề và cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo đất nước.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục và đào tạo. Hầu hết đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ, viên chức giáo dục các cấp học, bậc học có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện đổi mới sáng tạo, vận dụng các phương pháp giảng dạy mới theo hướng chuẩn hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục ngày càng thiết thực, hiệu quả. Nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo đã nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đội ngũ CBQLGD phần lớn là những nhà giáo có trình độ, năng lực quản lý tốt. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có chuyển biến tốt, hoạt động tại các cơ sở giáo dục và đào tạo đã phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và CBQLGD.

 

Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và CBQLGD các cấp học, bậc học được đặc biệt quan tâm, đổi mới từ nội dung, chương trình, phương thức tổ chức. Công tác xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo hợp lý hơn, gắn với giải pháp về biên chế sự nghiệp giáo dục  kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho việc bố trí, sử dụng đội ngũ ở các cấp học[11], cơ bản đáp ứng nhu cầu, yêu cầu về đội ngũ của địa phương, vùng miền.

 

Trong bối cảnh giáo dục và đào tạo chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đội ngũ nhà giáo và CBQLGD các cấp đã chủ động, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến nhằm duy trì các hoạt động giáo dục và đào tạo được xã hội, phụ huynh ghi nhận khá tốt. Một số chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo gặp khó khăn, đặc biệt là nhà giáo làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do dịch Covid-19 được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai kịp thời.

 

  Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD còn tồn tại, hạn chế, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chưa gắn với với quy hoạch mangl lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; chưa gắn với quy hoạch nhân lực vùng, miền, địa phương và đất nước. Một số bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo chưa tập trung ưu tiên và bố trí nguồn lực để kiện toàn đội ngũ nhà giáo và CBQLGD các cấp. Hệ thống văn bản ban liên quan đến đội ngũ nhà giáo và CBQLGD nhưng chưa đồng bộ, kịp thời. Đội ngũ nhà giáo và CBQLGD các cấp học, bậc học còn bất cập về số lượng, cơ cấu. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ GV mầm non, phổ thông[12] vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tỷ lệ GV/lớp ở nhiều nơi chưa đạt theo quy định để bảo đảm tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

 

Chất lượng, cơ cấu đội ngũ không đồng đều, chưa hợp lý giữa các cấp học, các môn học và ngành nghề đào tạo. Năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị, ngoại ngữ, tin học của nhiều CBQLGD còn thấp. Một bộ phận nhà giáo còn yếu về năng lực sư phạm, chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp theo quy định; thiếu tâm huyết, thậm chí có biểu hiện thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ý thức tự bồi dưỡng, tự học tập để chuẩn hóa trình độ của đội ngũ nhà giáo và CBQLGD các cấp học, bậc học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa thật tốt. Công tác đánh giá, xếp loại nhà giáo và CBQLGD các cấp có nơi chưa thực chất, chưa phản ánh đúng năng lực gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp đội ngũ theo vị trí việc làm.

 

Đội ngũ giảng viên cốt cán, đầu ngành và cán bộ quản lý của một số cơ sở đào tạo GV chưa đủ mạnh. Học hàm, học vị của đội ngũ giảng viên sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của giáo đại học cả nước và thế giới[13]. Nhiều cơ sở đào tạo GV chất lượng, hiệu quả kém. Sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với các địa phương, cơ sở giáo dục chưa thật tốt, nhất là trong việc xác định nhu cầu đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo sự phạm đối với GV phổ thông, nhà giáo GDNN chưa xuất phát từ nhu cầu xã hội, chưa gắn với nhu cầu đào tạo theo từng cấp học, môn học, vùng, miền và địa phương. Một số địa phương chưa có giải pháp giải quyết chế độ, chính sách cho nhà giáo và CBQLGD, nhân viên dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập mạng lưới cơ sở trường, lớp. Chính sách đối với nhà giáo GDNN chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, chưa có chính sách ưu đãi đối với nhà giáo dạy trong các sở dân tộc nội trú, bán trú, trường cao đẳng, trung cấp.

 

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp yêu cầu phải thay đổi, thích ứng với phương thức tổ chức giáo dục mới, một bộ phận nhà giáo và CBQLGD các cấp chưa sử dụng thành thạo giải pháp giảng dạy mới kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng CNTT để khai thác nguồn học liệu, quản lý nhà trường, quản lý lớp học và tổ chức các hoạt động giáo dục và đào tạo cho phù hợp, hiệu quả. Ngành Giáo dục chưa chủ động tập huấn, bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học trực tuyến cho đội ngũ nhà giáo để ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19.

 

Mặc dù có nhiều kết quả, nhưng việc nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu đội ngũ nhà giáo và CBQLGD là công việc khó và lớn và cần có lộ trình thực hiện. Các điểu kiện bảo đảm để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu đội ngũ nhà giáo và CBQLGD cả nước còn chưa được đồng bộ, nguồn lực triển khai còn hạn. Việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp, bố trí đội ngũ ở nhiều địa phương còn chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và kéo dài đã tác động không nhỏ đến tiến độ công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và CBQLGD. Chương trình GDPT 2018 có một số môn học mới[14], nội dung chương trình có nhiều thay đổi. Ý thức và trách nhiệm của một bộ phận nhà giáo và CBQLGD thực hiện đổi mới giáo dục còn thấp, ngại thay đổi.

 

3. Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, chúng tôi đề xuất một số giải pháp:

 

Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Tiếp tục quán triệt quan điểm phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQLGD theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Quyết định của Đảng và Nhà nước[15], xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD các cấp học, bậc học bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đội ngũ nhà giáo và CBQLGD, xây dựng tiêu chí về phẩm chất, năng lực của nhà giáo đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

 

Quan tâm phát triển đội ngũ CBQLGD là người dân tộc thiểu số, đảm bảo đúng số lượng, cơ cấu, trình độ, chức danh, đáp ứng yêu cầu công tác. Thực hiện tốt công tác dự báo nguồn nhân lực giáo dục gắn với quy hoạch nhân lực địa phương, vùng, miền. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trường học, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và CBQLGD. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo, nhân dân và xã hội về vai trò quan trọng, then chốt của đội ngũ nhà giáo và CBQLGD trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

 

Thứ hai,  Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Đẩy mạnh việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, tiến tới tất cả GV tiểu học, THCS, giáo viên cơ sở GDNN phải có trình độ từ đại học trở lên và có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD các cấp. Đổi mới toàn diện, tinh gọn nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sống, kỹ năng sư phạm, năng lực quản lý, quản trị hiện đại tiệm cận các chuẩn mực khu vực và quốc tế; khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy; phát huy tính độc lập, sáng tạo, tự nghiên cứu, học tập suốt đời của nhà giáo. Đa dạng các phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mở, linh hoạt phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chuẩn trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo và CBQLGD các cấp. Khuyến khích GV và CBQLGD tự đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

 

Thứ ba, Tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên

Đổi mới toàn diện, tinh gọn nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các cở sở đào tạo nhà giáo, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sống, kỹ năng sư phạm, năng lực quản lý, quản trị hiện đại tiệm cận các chuẩn mực khu vực và quốc tế; phát huy tính độc lập, sáng tạo, tự nghiên cứu, học tập suốt đời của nhà giáo. Đa dạng các phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mở, linh hoạt phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chuẩn trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo và CBQLGD các cấp học, bậc học. Khuyến khích đội ngũ nhà giáo tự đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV trong các cơ sở đào tạo GV theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất gắn với đổi mới giáo dục phổ thông.

 

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo GV, giảng viên với các nước có nền giáo dục tiên tiến, các cơ sở giáo dục có uy tín đã được xếp hạng trên thế giới. Trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo GV, cơ sở giáo dục đại học để thúc đẩy tự do học thuật và nghiên cứu khoa học. Tăng cường kết nối giữa các cơ sở đào tạo nhà giáo với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo các địa phương gắn với việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục để xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu sử dụng, bố trí, sắp xếp, điều tiết đội ngũ theo từng trình độ, ngành học, cấp học bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

 

Thực hiện xếp hạng và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm. Tập trung đầu tư phát triển một số trường đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới, làm nòng cốt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng chuẩn đầu ra ở trình độ đại học, sau đại học cho các lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo GV, giảng viên. Phát triển hệ thống các trường phổ thông thực hành trong các cơ sở đào tạo GV để rèn luyện, nâng cao kỹ năng sư phạm cho giáo sinh.

 

Thứ tư,  Bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng cấp bậc học

Nghiên cứu, sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo và CBQLGD cũng như các điều kiện bảo đảm thực hiện các chế độ, chính sách được đồng bộ với các quy định chung của cán bộ, công chức, viên chức. Bổ sung một số quy định đặc thù nghề nghiệp đối với từng cấp học; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo công tác ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Có giải pháp chính sách phù hợp để giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu nhà giáo trong cùng một địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo.

 

Thứ năm, Các cơ quan liên quan (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, ban ngành có liên quan…) phối hợp nghiên cứu, tham mưu với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ ban hành Chỉ thị mới về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới (thay thế Chỉ thị số 40/2004/CT-TW, ngày 16/6/2004 của Ban Bí thư về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”) và ban hành  Luật Nhà giáo để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

 

 TS. Lê Thị Mai Hoa,

Ban Tuyên giáo Trung ương

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Báo cáo số 282- BC/BTGTW, ngày 28/12/2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

2. Báo cáo số 724/BC-BGDĐT ngày 19/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

3. Báo cáo về  nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.222.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.345.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, tr.647.

[4] Bộ GD&ĐT đã đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến với 22 thủ tục mức độ 3; 4 thủ tục mức độ 4.

[5]Hiện nay đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) cho 1,2 triệu hồ sơ cán bộ, gần 24 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên của 44.000 trường học trên cả nước (tại địa chỉ http://csdl.moet.gov.vn).

[6]Tỷ lệ giáo viên/lớp toàn quốc: Tiểu học: 1,43 GV/lớp (thiếu chủ yếu ở các môn ngoại ngữ, tin học); THCS: 1,99 GV/lớp (giáo viên THCS về cơ bản đủ, một số nơi thừa thiếu cục bộ); THPT: 2,25 GV/lớp (giáo viên THPT về cơ bản đủ). Tổng số cán bộ quản lý các cơ sở GD phổ thông: 103.432 người (mầm non: 37.589, tiểu học: 34.635, THCS: 23.808, THPT: 7400, GV dạy tại trung tâm GDTX: 7.218). Hầu hết GV tiểu học và THCS có trình độ CĐ, nhiều người có bằng ĐH; 100% giáo viên THPT và GV lý thuyết tại các cơ sở GDNN có bằng ĐH trở lên; các cơ sở GDĐH chỉ tuyển giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, một số trường chỉ tuyển giảng viên trình độ tiến sĩ. 100% CBQLGD được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý. Ngày 29/4/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQLGD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” để chỉ đạo các cơ sở đào tạo GV phổ thông đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được triển khai; ban hành các văn bản quy định chuẩn nghề nghiệp GV và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo và CBQLGD.

[7]Từ năm 2013 đến năm 2017, đã cử 3.500 người đi học là giảng viên (trong đó: 79% tiến sĩ, 18% thạc sĩ, 3% thực tập sinh).

[8]Nhà giáo còn được hưởng 2 loại phụ cấp: Phụ cấp ưu đãi (với các mức từ 25% đến 70%); phụ cấp thâm niên. Tại các tỉnh miền núi, nhà giáo và CBQLGD ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu; GV dạy lớp ghép ở tiểu học được hưởng phụ cấp dạy lớp ghép từ 50%-75%; GV dạy tiếng dân tộc thiểu số hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu. Mức phụ cấp của GV thấp hơn một số ngành như: Công chức Thanh tra có phụ cấp thâm niên (như GV), phụ cấp ưu đãi (15%; 20%; 25%) và phụ cấp công vụ (25%), Công chức chuyên trách Đảng, Đoàn thể chính trị xã hội có 25% phụ cấp công vụ và 30% phụ cấp chuyên trách. Chính phủ đã có chính sách kéo dài thời gian làm việc cho các nhà khoa học có học hàm, học vị cao sau tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm công tác chuyên môn. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương, trong đó có chính sách ưu đãi đối với nhà giáo.

[9] Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

[10] Trong đó CBQLGD chiếm 10%: 18% giáo dục mầm non, 65% giáo dục phổ thông và thường xuyên, 6% giáo dục ĐH, CĐ và 11% tại các cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

[11] Giai đoạn 2021- 2025, cả nước được giao bổ sung 94.714 biên chế, trong đó riêng năm 2021  bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế GV cho các môn học mới cấp Tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế GV mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (không bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh/thành phố được bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non năm 2019).

[12] Cả nước thiếu 94.714 GV mầm non và phổ thông; riêng Mầm non thiếu 48.718 GV; Tiểu học thiếu 29.210 GV (môn Tiếng Anh thiếu 9.589 GV, môn Tin học thiếu 3.684 GV); THCS thiếu 14.653 GV; THPT thiếu 11.133 GV. Cả nước thừa 10.178 GV: Tiểu học thừa 5.175 GV; THCS thừa 4.688 GV; THPT thừa 315 GV.

[13] Tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS, có trình độ TS của các trường ĐH, CĐ sư phạm đều thấp hơn tỷ lệ bình quân chung các trường ĐH, CĐ trong toàn hệ thống cả nước và thấp hơn rất nhiều so với các nước tiên tiến. Chuẩn trình độ kỹ năng nghề của nhà giáo GDNN còn chưa tương xứng để giảng dạy ở các ngành nghề nhận chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài…

[14] Môn Tiếng Anh, Tin học và yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày ở Tiểu học; môn Nghệ thuật ở THPT và yêu cầu bố trí GV theo từng môn học ở cấp phổ thông.

[15] Nghị quyết số 29-NQ/TW; Chỉ thị số 40/2004/CT-TW; Kết luận số 50-KL/TW, Luật Giáo dục năm 2019; Quyết định số 33/QĐ-TTg; Quyết định số 732/QĐ-TTg; Quyết định số 89/QĐ-TTg; Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 71/2020/NĐ-CP; Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ…

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết