Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận của Đảng trong điều kiện mới

Ngày phát hành: 12/08/2018 Lượt xem 4533

(HĐLL) Tại diễn đàn Đại hội XII, tháng Giêng năm 2016, nhìn lại 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra bài học quan trọng hàng đầu là: trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam

Bài học ấy là thể hiện sự nhận thức sâu sắc của Đảng về một vấn đề cốt tử của cách mạng - vấn đề lý luận. Như V.I.Lênin đã nói, “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” hay Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Lý luận như kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Trên cơ sở nhận thức ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác lý luận, phát triển và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Đến lượt nó, sự phát triển sáng tạo, đúng đắn về lý luận lại trở thành một trong những điều kiện quyết định đảm bảo cho những thắng lợi to lớn của cách mạng, trong đó có những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.

 

1. Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, công tác lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, thu được những thành tựu to lớn

 

Nhận thức lý luận chung về mô hình, mục tiêu, tính chất, con đường của thời kỳ quá độ lên chủ nghiã xã hội ở Việt Nam đã không ngừng phát triển và hoàn thiện. Lý luận về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành và từng bước hoàn thiện qua một quá trình tìm tòi, trải nghiệm đầy sáng tạo. Lý luận về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về xây dựng con người Việt Nam được hoàn thiện một bước. Cập nhật và phát triển nhận thức lý luận về quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Đổi mới nhận thức lý luận về đối ngoại và hợp tác quốc tế trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng hệ thống cơ sở lý luận cho việc phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Phát triển nhận thức lý luận về xây dựng Đảng trong điều kiện mới v.v…

 

Cần phải khẳng định rằng, những thành tựu phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đổi mới là kết quả quá trình sáng tạo, vừa làm vừa tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn và không tách rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các điều kiện cụ thể, các cơ sở hiện thực của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu về lý luận đã thực sự trở thành cơ sở khoa học, thực tiễn, giúp cho việc hoạch định những chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh  và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đơn cử, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong hơn 30 năm qua gắn liền với những thay đổi quan trọng về tư duy lý luận. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2017 theo giá hiện hành đạt trên 5 triệu tỷ đồng (trên 225 tỷ USD), trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tiếp tục là thành phần chủ lực, đóng góp 74% vào quy mô nền kinh tế. GDP đầu người năm 2017 đạt 53,5 triệu đồng/năm (2.385 USD). Nếu so sánh với năm 1990, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên hơn 24 lần sau 27 năm. (Năm 1990, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt mức 98 USD, tức là xấp xỉ ½ của Lào là 186 USD, Campuchia là 191 USD).Theo Bộ Công thương, tổng kim ngạch ngoại thương năm 2017 của Việt Nam đạt 425,12 tỷ USD, bằng 177% GDP... Toàn bộ những thành tựu kinh tế của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới là logic tất yếu của cuộc cách mạng trong tư duy lý luận dẫn đến từ bỏ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, tư duy bao cấp để chuyển sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.


Tuy nhiên, trong khi đánh giá tổng quát 30 năm đổi mới (1986-2016), Đại hội XII của Đảng cũng đã chỉ ra một số hạn chế của công tác lý luận, trong đó có hạn chế trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, chưa kịp thời làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Từ những hạn chế đó, Đảng yêu cầu: “đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... đáp ứng yêu cầu mới”.

 

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận của Đảng là yêu cầu khách quan và cấp thiết hiện nay

 

Yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận của Đảng xuất phát từ bối cảnh, điều kiện mới của thế giới hiện nay. Trên phạm vi thế giới, mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở khu vực Đông Âu, Trung Âu sụp đổ từ những năm 1989-1991 đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin và lý luận về chủ nghĩa xã hội. Những kẻ chống đối chủ nghĩa xã hội lợi dụng cơ hội này để phủ nhận các giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như học thuyết về chủ nghĩa xã hội. Họ tìm mọi cách, dùng mọi lý lẽ để phê phán, bôi nhọ các quốc gia đang còn tiếp tục kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, bất kể đó là những thất bại hay thành công. Đặc biệt, họ nhằm vào một số dự báo về phát triển hay biện pháp cách mạng do các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lê nin đưa ra từ thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mà hiện nay không còn phù hợp để dẫn đến những kết luận về sự sai lầm hoặc phủ nhận sạch trơn tính chất khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Những tấn công về lý luận từ phía thù địch đã làm cho một bộ phận không nhỏ nhân dân trở nên hoài nghi tính đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.


Cùng với sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và quá trình toàn cầu hóa trên tất cả các lĩnh vực, các tiến trình kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, an ninh trên thế giới vận động một cách nhanh chóng, khó lường, tạo ra cả thời cơ và thách thức cho mọi quốc gia, khu vực. Một thế giới phẳng tương đối về khoa học - công nghệ không hề tạo nên một thế giới phẳng về kinh tế, chính trị hay hạnh phúc chung cho con người, thậm chí ở đâu đó còn làm cho khoảng cách giàu nghèo doãng ra, đẩy một số dân tộc, quốc gia vào chiến tranh, xung đột và tàn phá. Những vấn đề an ninh truyền thống không giảm nhẹ cộng với những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp về cơ cấu, rộng lớn về quy mô và nặng nề về hậu quả đang đặt nhân loại trước những thách thức to lớn. Một mặt, sự hợp tác, liên kết vẫn đang là xu hướng chủ yếu, là con đường tất yếu cho hòa bình, phát triển và sự tiến bộ của nhân loại. Mặt khác, các quan hệ quốc tế hiện nay cũng đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với những biểu hiện tiêu cực của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt...

 

Yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận được đặt ra từ tình hình thực tiễn của đất nước. Công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trong hơn 30 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử và đưa đất nước bước sang một giai đoạn mới, đòi hỏi phải phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực sản xuất, nâng cao năng xuất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tham gia có hiệu quả vào các mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Định hướng, mục tiêu phát triển sắp tới của đất nước được soi sáng bởi những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu là mới mẻ, chưa có kinh nghiệm tiền lệ trên thế giới. Đảng phải kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, đồng thời sáng tạo, đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong điều kiện ấy, công tác lý luận - “kim chỉ nam” của hoạt động thực tiễn của Đảng, càng quan trọng hơn bao giờ hết.


Trong khi đó, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác lý luận, chưa coi trọng công tác lý luận. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận còn bất cập cả về số lượng và chất lượng. Vấn đề nghiên cứu, tiếp thu chọn lọc tinh hoa về lý luận của nhân loại còn chậm, chưa cập nhật kịp thời nhiều thành tựu nghiên cứu, bài học phát triển của thế giới. Tổ chức hệ thống các cơ quan nghiên cứu lý luận còn bất hợp lý, vừa thiếu lại vừa thừa do trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn. Hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tế chưa gắn bó chặt chẽ với yêu cầu về hoạch định chính sách. Hệ thống chính sách, chế độ liên quan đến hoạt động lý luận còn không ít bất cập. Vấn đề phân bổ nguồn lực và quản lý tài chính trong nghiên cứu khoa học tuy đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, song vẫn còn nhiều khâu, nhiều thủ tục phức tạp, chưa sát với yêu cầu về chất lượng khoa học, hiệu quả kinh tế - xã hội. Yêu cầu và các biện pháp quản lý hoạt động lý luận chưa thống nhất, đồng bộ giữa một số cơ quan quản lý nhà nước…

 

3. Tình hình mới đặt ra cho công tác lý luận của Đảng phải đổi mới nội dung nghiên cứu nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ và tích cực nhất các yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra.     

Phương hướng thứ nhất, tiếp tục đào sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, khẳng định được những giá trị đúng đắn, những vấn đề phương pháp luận cốt lõi, những vấn đề lịch sử đã vượt qua. Tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ hơn sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

 

Phương hướng thứ hai, tiếp tục triển khai nghiên cứu những vấn đề của thời đại và thế giới hiện đại; những bài học thành công, thất bại của phong trào công nhân, cộng sản; bản chất, những biến đổi của chủ nghĩa tư bản hiện đại; những mối quan hệ, tương quan lực lượng giữa các quốc gia, khu vực, những biến động về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng trên thế giới và khu vực, nhất là những vấn đề ảnh hưởng, tác động đến công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc. 

Phương hướng thứ ba, tiếp tục mở rộng việc nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu lý luận tích cực của nhân loại, những giá trị tiến bộ, khoa học của các trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết khoa học mới của thế giới. Kiến quyết đấu tranh với các tư tưởng thù địch, chủ nghĩa cơ hội và những luận điệu nhân danh khoa học để chống phá chế độ, độc lập, chủ quyền và an ninh của Tổ quốc. 

 

Phương hướng thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, hoàn chỉnh các luận cứu khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong phương hướng thứ tư, tập trung chủ yếu cho các vấn đề sau

 

- Đi sâu nghiên cứu hệ thống quan điểm về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam; các mối quan hệ lớn cần gải quyết trong xây dựng, phát triển; về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển nhanh và bền vững, v.v..

- Xây dựng, phát triển nền văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực phát triển của xã hội. Xây dựng văn hóa gắn liền với xây dựng, phát triển con người, coi con người là trung tâm của mọi chính sách, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội.

- Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; làm rõ mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh với xây dựng, phát triển đất nước, giữa độc lập dân tộc với hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, dự báo sự vận động các quan hệ trong khu vực và thế giới, làm rõ những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đổi với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

- Những vấn đề về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, nhất là cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, kiểm soát liêm chính của đội ngũ cán bộ, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Vấn đề xây dựng, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy vai trò tích cực của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

- Những vấn đề về xây dựng Đảng Cộng sản, trong đó làm rõ nguyên tắc tổ chức, cơ chế vận hành, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cầm quyền; vấn đề tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội gắn liền với vấn đề tự đổi mới, chỉnh đốn Đảng, chống mọi biểu hiện suy thoái, tự chuyển hóa, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, v.v..

 

4. Các giải pháp chủ yếu nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận của Đảng trong tình hình mới

 

Thứ nhất, vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là đổi mới nhận thức về công tác lý luận. 

 

Việc đổi mới, nâng cao nhận thức về công tác lý luận cần đặt ra với toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó trước hết là đội ngũ cán bộ chiến lược, những người đứng đầu các cơ quan đảng, nhà nước. Cần phải giáo dục, bồi dưỡng, trang bị tri thức, cập nhật những vấn đề chính trị mới để làm cho họ hiểu rằng, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa thực chất là một cuộc cách mạng sâu sắc chưa từng thấy, gắn liền với ý thức tự giác cao độ của con người, nhất là không tách rời vai trò đặc biệt quan trọng của tổ chức Đảng Cộng sản - lực lượng lãnh đạo xã hội. Việc hoạch định đường lối sáng suốt, chỉ ra mục tiêu chiến lược đúng đắn và thu hút mọi lực lượng trong xã hội chung tay, góp sức, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng, phát triển đất nước không chỉ đơn thuần là nhằm đạt được sự tăng trưởng, phát triển bền vững của nền kinh tế, sự giàu có của đất nước, sự phát triển của nền văn hóa và con người. Đồng thời và tất nhiên, đó cũng là điều kiện để Đảng Cộng sản khẳng định vai trò lãnh đạo, khẳng định niềm tin của nhân dân, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị trong xã hội. Muốn vậy, công tác lý luận phải được chăm lo, phát triển để, một mặt đảm bảo cung cấp cho Đảng kịp thời, đúng đắn các cơ sở khoa học, thực tế phục vụ cho việc hoạch định chính sách; mặt khác, đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo chiến lược, phản biện và tư vấn chính sách trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. 

 

Một khi nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác lý luận được nâng lên đúng tầm, nó sẽ trở thành điều kiện quyết định để xây dựng một môi trường tích cực cho việc phát triển lý luận. Nhưng quan trọng hơn, nó còn nhằm đến hai mục đích lớn: Thứ nhất, thúc đẩy việc học tập, nghiên cứu, nâng cao sự hiểu biết có hệ thống về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, củng cố niềm tin, lý tưởng và ý thức chính trị cho cán bộ; thứ hai, giúp đội ngũ cán bộ chiến lược quan tâm đúng mức đến công tác tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp nhận và vận dụng những thành tựu lý luận mới vào thực tiễn công tác. 

 

Thứ hai, tiếp tục đổi mới cơ chế lãnh đạo, quản lý, phát huy dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, mở rộng hợp tác quốc tế.


Xây dựng không khí dân chủ, cởi mở có nguyên tắc trong nghiên cứu, thảo luận các vấn đề khoa học. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận và các cơ quan nghiên cứu lý luận tham gia vào quá trình nghiên cứu, tư vấn, phản biện, hoạch định chính sách.

 

Coi trọng và đổi mới công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Đặt công tác lý luận trong mối quan hệ chặt chẽ với tổng kết thực tiễn và yêu cầu từ cuộc sống. Hoạt động nghiên cứu lý luận phải theo chương trình, kế hoạch, có mục đích thực tế, được bảo đảm các điều kiện và nguồn lực cần thiết. 

 

Đổi mới quản lý nghiên cứu lý luận để đảm bảo thực chất, chất lượng và hiệu quả. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong công tác lý luận.

 

Thứ ba, đổi mới tổ chức hệ thống các cơ quan nghiên cứu, xây dựng, phát triển và sử dụng đội ngũ cán bộ, chuyên gia lý luận; nâng cao năng lực nghiên cứu, nhất là năng lực phát hiện, phân tích, đánh giá và dự báo tình hình. 

Đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của các cơ quan nghiên cứu, phát triển lý luận một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi thực tế hiện nay. Có giải pháp nhằm xây dựng, phát triển, phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo, không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội của đội ngũ cán bộ lý luận. Việc xây dựng, sử dụng đội ngũ cán bộ, chuyên gia lý luận, cán bộ lý luận đầu đàn, từ công tác đào tạo ban đầu, đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia, đến chế độ đánh giá, sử dụng, đãi ngộ cần được đổi mới đồng bộ, hợp lý. 

 

Xây dựng và sớm hoàn thiện hệ thống chính sách toàn diện nhằm đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho công tác lý luận và cán bộ hoạt động trong lĩnh vực lý luận. Đặc biệt là đổi mới chính sách đầu tư, phân bổ nguồn lực tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và điều kiện làm việc cho công tác nghiên cứu lý luận.

 

Thứ tư, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

 

Đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, phương pháp tổ chức giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả thực chất. Đổi mới toàn diện công tác đào tạo giảng viên lý luận chính trị. Đổi mới phương pháp giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tế cuộc sống, kịp thời cập nhật các yêu cầu của thực tiễn, học lý luận chính trị gắn liền với tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong, nhân cách, ý thức trách nhiệm, lý tưởng cách mạng của cán bộ, đảng viên.

 

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời ứng dụng các thành tựu của khoa học, kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị.

 

Thứ năm, đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận.

 

Mục đích của đấu tranh tư tưởng, lý luận là khẳng định và bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ các giá trị của nền văn hóa dân tộc. Cần đa dạng hóa các hình thức, phương thức đấu tranh, tận dụng các phương tiện công nghệ mới, phát huy mạnh mẽ vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng, vận động đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên tham gia đấu tranh. Chủ động trong đấu tranh phê phán, bác bỏ và làm thất bại các âm mưu, luận điệu chống phá của những phần tử thù địch. Thực hiện đối thoại thẳng thắn nhằm đấu tranh, thuyết phục những người có quan điểm, chính kiến khác theo tinh thần khoa học, dân chủ và xây dựng. 

 

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác lý luận.

 

Đảng có kế hoạch, biện pháp cụ thể trong việc đề ra định hướng nội dung, yêu cầu nghiên cứu lý luận; định hướng xây dựng, tổ chức các cơ quan nghiên cứu; phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; xây dựng các chính sách nhằm tạo ra các điều kiện môi trường thuận lợi cho sự phát triển lý luận.

 

Các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải có trách nhiệm quan tâm đặc biệt đến công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị có trách nhiệm giáo dục, bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên theo kịp yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước./.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn
Phó Chủ tịch
Hội đồng Lý luận Trung ương

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết