Bên cạnh rất nhiều tiện ích vượt trội như: giúp truyền tải thông tin nhanh chóng, kết nối các mối quan hệ, nâng cao kỹ năng sống và sự hiểu biết..., mạng xã hội cũng mang đến nhiều hệ lụy, tác động xấu tới nền tảng và những giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc, đòi hỏi cần có giải pháp chấn chỉnh kịp thời; đồng thời, người dùng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong khai thác, sử dụng và xử lý thông tin trên mạng.
* Lượng người dùng cao, không ít hành vi lệch chuẩn
Sự phát triển của internet nói chung và mạng xã hội nói riêng ở Việt Nam đã góp phần quan trọng và việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tăng cường làm việc, học tập, trao đổi trên môi trường mạng là giải pháp hữu ích để trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thì mặt trái do internet, mạng xã hội đưa lại cũng là điều đáng nói. Thống kê từ Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018, Việt Nam có 55 triệu người dùng mạng xã hội. Tới năm 2020, con số này đã tăng lên 72 triệu người.
Khảo sát của tổ chức We are social trên những người dùng internet (từ 16 đến 64 tuổi) có sử dụng ít nhất một trong số các thiết bị có khả năng kết nối với mạng viễn thông cho thấy, thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình trong một ngày của mỗi người là 2 giờ 21 phút. Các mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam là Youtube, Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok…
Bên cạnh rất nhiều hữu ích mang lại cho mỗi cá nhân, mạng xã hội cũng là "con dao hai lưỡi", nơi lan truyền nhiều thông tin tiêu cực, sai lạc, nhiều hành vi ứng xử lệch chuẩn, thậm chí là vi phạm pháp luật; nơi bị lợi dụng cho những mục đích xấu, lợi ích riêng, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức, gây bức xúc cho xã hội và không ít hệ luỵ khôn lường.
Trong thế giới đó, một bộ phận người trẻ đang bất chấp, thách thức và bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa để có những phát ngôn, hành động “câu view” trên mạng, nhằm mục đích tạo sự chú ý, sức ảnh hưởng và tìm kiếm lợi ích kinh tế. Những kênh Youtube, Facebook vô bổ, độc hại xuất hiện ngày một nhiều, dù bị cảnh báo nội dung xấu, độc nhưng vẫn có "đất sống", bởi được hàng triệu người dùng thiếu trách nhiệm “dung dưỡng”, khiến chúng tiếp tục được cổ súy, phát tán.
Thực tế, mạng xã hội đã và đang tạo ra nhiều giá trị thật - ảo, chứa đựng vô số khiếm khuyết, nhất là khi nhiều quan hệ được thiết lập trên cơ sở ẩn danh. Từ những hành động, phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội mà không phải chịu trách nhiệm đã ra đời những “anh hùng bàn phím”, thậm chí đưa ra “hoang tin”, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận, đặc biệt trong thời gian gần đây là những thông tin thất thiệt về dịch COVID-19, khiến các lực lượng chức năng phải vào cuộc xử phạt hành chính hàng trăm trường hợp.
* Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong khai thác, sử dụng, xử lý thông tin trên mạng
Cùng với quản lý tốt thông tin, định hướng dư luận trên mạng, việc nâng cao nhận thức người dân trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin trên mạng, nhất là mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng.
Theo đó, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội quy định khá đầy đủ nhằm định hướng người sử dụng là các đối tượng: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam...
Việc định hướng này giúp người dùng mạng xã hội (cá nhân, tổ chức) nâng cao nhận thức và có hành vi đúng đắn trên mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.
Theo ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực tiễn cho thấy, việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ, mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có những quy định “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước.
Đó là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hay những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn. Với các nhà cung cấp dịch vụ, Bộ quy tắc cũng nêu rõ những điều mà đối tượng này cần làm khi xảy ra những vấn đề phát sinh để phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước xử lý.
Nói cách khác, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là khuyến nghị, khuyến cáo người sử dụng, thể hiện ngắn gọn, đầy đủ những quy định trong các bộ luật liên quan đến quản lý thông tin trên không gian mạng; từ đó xây dựng thói quen, ý thức khi sử dụng, tham gia mạng xã hội. Và nếu không tuân thủ những khuyến nghị này, người dùng sẽ phải chịu điều chỉnh bởi các quy định pháp luật.
Việt Nam đã có Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019) - là hành lang pháp lý quan trọng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Với phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng, các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh hơn trước, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như: bị đánh cắp thông tin cá nhân; bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; bị vu khống, làm nhục, công kích bôi nhọ; hạn chế mã độc; loại bỏ dần các hành vi đánh bạc, cá độ, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, kích động bạo lực, mại dâm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng; bảo vệ chặt chẽ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng…
Theo đó, Luật An ninh mạng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, như: sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử; thông tin sai sự thật…
Để bảo vệ chính mình, mỗi cá nhân cần tìm hiểu rõ nội dung của Luật An ninh mạng; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong khai thác, sử dụng, xử lý thông tin trên mạng... ./.
Theo TTXVN