Chủ Nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024

Hiến pháp Việt Nam với nền văn hóa dân tộc

Ngày phát hành: 04/11/2021 Lượt xem 3647

                                                                      

 

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Điều đó được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng gần đây. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điều đáng trân trọng là những quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn hóa được thể chế hóa ghi trong Hiến pháp nước ta 2013.

 

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo nên những sức mạnh mới cho cách mạng Việt Nam. Trước hết, đó là sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhờ đó, Đảng lãnh đạo Nhân dân ta vượt qua mọi thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và giành được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử.

 

Có thể nói, chăm lo cho văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Nếu thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế bền vững. Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện chính là mục tiêu của xây dựng và phát triển kinh tế. Văn hóa không chỉ là kết quả của kinh tế mà còn là động lực của sự phát triển kinh tế. Hơn thế nữa, các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển.

 

  

 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa mới, tạo ra một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng”. Để tạo cơ sở chính trị-pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ đổi mới, Hiến pháp 2013 đã kế thừa được các giá trị to lớn của bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2011), vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu và quan điểm sửa đổi Hiến pháp 1992. Về văn hóa, Hiến pháp quy định mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa (Điều 41); đồng thời, tiếp tục khẳng định Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân. (Điều 60)

 

Trong quá trình thực thi Hiến pháp liên quan đến văn hóa, đòi hỏi phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước như Bác Hồ đã dạy: “Đảng ta là đạo đức là văn minh”. Phải đặt mạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

 

Gần đây, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ những nội dung cơ bản về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người. Đại hội nhấn mạnh đề cao vai trò gia đình trong nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ. Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau. Tăng cường quản lý và phát triển truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục. Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

 

 

Nói đến Hiến pháp là nói đến một đạo luật cơ bản của một quốc gia, một văn bản pháp luật mang tính tối thượng. Việc đưa những nội dung xây dựng nền văn hóa vào Hiến pháp là một cách nhìn toàn diện về vị trí, vai trò to lớn của văn hóa trong xã hội. Điều đó khẳng định lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã hun đúc cho dân tộc ta biết bao truyền thống tốt đẹp, tạo nên bản lĩnh văn hóa rất đáng tự hào. Khẳng định văn hóa Việt Nam là khẳng định bản lĩnh văn hóa dân tộc, một nền văn hóa năng động, sáng tạo và giàu sức sống. Chính nhờ bản lĩnh đó mà dân tộc ta đã chiến thắng bao thử thách khắc nghiệt của thiên tai, địch họa để tồn tại và phát triển như ngày nay.

 

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng lời kết của Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) vẫn còn vang vọng mãi: “Toàn Đảng, toàn dân ta ra sức phấn đấu để Tổ quốc ta mãi mãi là quốc gia văn hiến, dân tộc ta là dân tộc văn hóa, nền văn hóa nước ta không ngừng phát triển, xứng đáng với tầm vóc dân tộc ta trong lịch sử và trong thế giới hiện đại”.

 

 

                                                          Khuất Minh Phương

                                Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết