Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đảng ta xác định: Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII.
* Đạt nhiều kết quả quan trọng
Từ khi thành lập (tháng 2/2013) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Nhiều vụ việc, vụ án lớn, kể cả những vụ tồn tại từ nhiều năm trước, đã được điều tra làm rõ, xử lý công minh, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý các cấp mắc sai phạm, đã bị xử lý, kỷ luật, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố… cho thấy “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Bất kỳ cán bộ nào, giữ cương vị nào, dù đương chức hay đã nghỉ công tác… nếu vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh.
Trong giai đoạn 2013-2020, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập đến cuối năm 2020 đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ (cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý); trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo, với mức án rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với gần 180 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can các tội tham nhũng.
Mới đây nhất, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015-2020 bằng hình thức cảnh cáo; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Tư lệnh Cảnh sát biển và Chính ủy Cảnh sát biển; khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai Phó Tư lệnh Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015-2020.
Cùng với việc xử lý nghiêm minh các sai phạm, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Giai đoạn 2013-2020, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 259 luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhất là Luật phòng, chống tham nhũng, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Giám định tư pháp, Luật Tố cáo, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Tiếp cận thông tin... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.172 nghị định, 966 nghị quyết, 488 quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành gần 88 nghìn văn bản để triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
* Chủ động phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ gốc
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn xác định xây dựng Đảng là then chốt. Chỉ tính 10 năm gần đây, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận các quy chế, quy định nhằm đẩy mạnh công tác quan trọng này.
Theo đó, ngày 1/11/2011, Hội nghị Trung ương 3 khoá XI ban hành Quy định số 47 về 19 điều đảng viên không được làm. Ngày 31/12/2011, Hội nghị Trung ương 4 khoá XI ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tháng 22/2013, Bộ Chính trị thành lập "Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng" trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban; Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Chỉ thị số 05 "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII ra Nghị quyết "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ".
Đến nhiệm kỳ Đại hội XIII, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ta xác định là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...”. Bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XIII, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa qua, Trung ương thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.
Đặc biệt, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Nhấn mạnh về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực. Tham nhũng nói riêng, và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tổng Bí thư cảnh báo, từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Do vậy, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải làm từ gốc của vấn đề, tức là phải chủ động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng ta luôn đề cao vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên. Trong mọi hoàn cảnh, cán bộ, đảng viên phải tự giác làm gương, không chỉ về tư tưởng chính trị mà còn về đạo đức, lối sống; không chỉ trong lời nói mà trong cả việc làm. Trong tình hình mới, vai trò nêu gương của Đảng viên càng trở nên quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự trong sạch, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng, thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư"; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân./.
Theo TTXVN