Chủ Nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024

Công dân học tập trong mùa dịch Covid-19

Ngày phát hành: 26/10/2021 Lượt xem 1512

 

Đại dịch Covid-19 với các biến thể mới đã và đang làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người dân, sức khỏe nền kinh tế và còn nhiều diễn biến khó lường. Với loại dịch bệnh này, virus có thể xâm nhập vào bất cứ quốc gia nào, cơ thể bất cứ ai không phân biệt tuổi tác, giới tính, thành phần, nghề nghiệp... Sự lây lan của dịch bệnh ở Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung là rất đáng quan ngại, thậm chí nó thúc ép các quốc gia , các tổ chức, cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận mới cho sự phát triển trong bối cảnh mới.

Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội và mang tính khách quan. Sự tác động ấy như một dòng chảy liên tục, không thể gián đoạn ở bất cứ thời điểm nào ,quốc gia nào, trừ khi quốc gia đó quá nghèo, không thể đủ năng lực tiếp cận sự tiến bộ của khoa học – công nghệ diễn ra và phát triển từng ngày, từng giờ. Nếu không có đại dịch Covid-19, các quốc gia chỉ phải chăm lo vào chiến lược phát triển của mình trong điều kiện Cách mạng 4.0 và các mối quan hệ quốc tế cần giải quyết.

Hai năm nay, dịch bệnh đã làm thế giới thay đổi, thâm chí đảo lộn cuộc sống toàn diện  của từng gia đình, mỗi con nguòi và các quốc gia. Những  tác động  đó đang đòi hỏi phải có sự định hình lại tương lai của tất cả các tổ chức và mỗi  cá nhân để thích nghi với tình hình mới, bởi những phương pháp phát triển truyền thống có thể không còn phù hợp, rõ nhất là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đất nước không thể không phát triển, dịch bệnh không thể đẩy lùi vĩnh viễn trong một thời gian xác định vì những biến thể ngày càng phức tạp với độ lay lan nhanh hơn , nguy hiểm hơn .Vì tương lai đất nước, vì hạnh phúc nhân dân, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần xác định lại vị trí của mình trong bối cảnh mới, trong điều kiện phải thực hiện bằng được “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra.

Sự thành công hay không phụ thuộc rất lớn  vào những định hương phát triển đất nước một cách chính xác với tầm nhìn chiến lược  bao quát , toàn diện trong bối cảnh mới để vừa thực hiện mục tiêu phát triển đất nước do Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra, vừa phòng chống dịch tốt. Thành công cũng phụ thuộc vào  sự quyết tâm cao độ, sự  năng động sáng tạo, sự quyết liệt và sâu sát trong điều hành của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương và quan trọng là cả hệ thống chính trị cần hợp sức, đoàn kết toàn dân thành sức mạnh vô biên, tất cả vì tương lai của đất nước, vì hình ảnh của một Việt Nam ngày càng rạng rỡ trong bối cảnh tất cả các nước trên thế giới đang cấu trúc lại hình ảnh của mình. Điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi mỗi chúng ta cần trang bị cho mình đầy đủ các tri thức, các hiểu biết sâu về dịch bệnh và cách phòng chống song song với nhiệm vụ nâng tầm trí tuệ để thích ứng với những đòi hỏi của sự phát triển  khoa học công nghệ  trong điều kiện hội nhập và nâng cao năng lực công tác , khả năng thích ứng với những diễn biến trong bối cảnh bình thường mới nếu không muốn bị gạt ra khỏi guồng máy đang chạy đều không có điểm dừng hiện nay. Thành công luôn phụ thuộc vào sự cố gắng của mỗi nguời nên yếu tố con nguời luôn được đề cao như một giải pháp quyết định sự phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi nguời dân Việt nam cần phấn đấu để đạt các tiêu chí Công dân học tập với đầy đủ những năng lực cần thiết nhằm giải quyết vấn đề phát triển đất nước bằng tri thức trong bối cảnh mới nêu trên. Công dân học tập là nền tảng của xã hội học tập, là nhân tố quyết định sự phát triển đất nước bằng tri thức như NQ Đại hội Đảng đề ra từ khóa 9 đến nay.

Công dân học tập cần có 3 năng lực cơ bản, đó là: Năng lực tự học, học suốt đời; năng lực sử dụng các công cụ tương tác và năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội (mỗi năng lực lại gồm các tiêu chí cụ thể). Song để thực hiện được cả 3 tiêu chí này thì mỗi công dân cần thực hiện tốt: Trách nhiệm công dân, quyền công dân và tinh thần công dân.

Điều đầu tiên đặt ra đối với các “Công dân học tập” thời kỳ dịch bệnh là các công dân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. Trước tiên, để thực hiện “Mục tiêu kép”, mỗi người cần chấp hành tốt pháp luật, thực hiện tốt các quy định của chính quyền và Bộ Y tế trong phòng chống dịch . Mỗi người được an toàn trong mùa dịch là cả gia đình an toàn, cộng đồng an toàn và đất nước an toàn. Mỗi quốc gia an toàn là cả thế giới an toàn. Đó là trách nhiệm công dân của mỗi người.

Sự thành công trong phòng chống dịch bệnh thời gian vừa qua là do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, đoàn kết nhất trí từ trên xuống dưới, cộng với sự đồng lòng, ủng hộ, tin tưởng của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Mỗi công dân đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đóng góp tiền của, sức lực, tinh thần... cho người nghèo thời dịch bệnh. Những tấm gương nơi tuyến đầu chống dịch của các bác sỹ, cán bộ ngành Y, của các em sinh viên ngành Y, dược, những cụ già, em nhỏ dành phần tiền ít ỏi của mình cho chống dịch... đã thắp sáng thêm truyền thống nhân ái của đất nước Việt Nam anh hùng. Họ là những công dân Việt Nam đã thể hiện tốt tinh thần công dân của mình, điều đó đã khơi dậy niềm tin yêu, hy vọng là  đất nước sẽ đạt được mục tiêu kép như kế hoạch đã đề ra.

Một dấu ấn trong lịch sử đất nước vừa qua là đúng thời điểm dịch bệnh hoành hành thì kỳ bầu cử Quốc hội khóa 15 diễn ra, với ý thức  trách nhiệm công dân, tinh thần công dân nêu trên mà mỗi người đã thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình với đất nước. Với gần 100% người đi bầu cử, với cách tổ chức bầu cử thông minh, năng động, sáng tạo, cuộc bầu cử Quốc hội Khóa 15 đã thành công rực rỡ, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt nam anh hùng, càng trong khó khăn  phẩm chất nhân văn, nhân ái, yêu nước thương nòi càng tỏa sáng như ánh hào quang bất diệt. Cũng vì thế mà trang sử vàng của Quốc hội nước ta cũng được điểm thêm một nốt son sáng chói của tinh thần Việt Nam anh hùng. Điều này một lần nữa khẳng định, với chúng ta không khó khăn nào có thể cản được bước tiến của mình.

Song, trách nhiệm công dân, tinh thần công dân chỉ được nhân lên khi mỗi người  cần có quyết tâm cao độ trong việc bồi đắp tri thức ,tiếp nhận các thông tin cần thiết hàng ngày không chỉ về những kiến thức mới phục vụ chuyên môn mà còn về cách phòng chống dịch bệnh, cách áp dụng những kinh nghiệm và chia sẻ thông tin phòng, chống dịch hiệu quả, những kiến thức khoa học thưởng thức, khoa học kỹ thuật để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, vừa ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh đảm bảo đời sống và phát triển kinh tế trong thời dịch bệnh. Học tập thường xuyên, học tập suốt đời là cách để mỗi người bồi đắp tri thức tốt nhất, nhưng trong thời đại CM4.0 hiện nay, nhất là trong thời kỳ phòng chống dịch thì phương pháp học trực tuyến là phương pháp học hiệu quả, phổ biến nhất mà COVID 19 như là chất xúc tác để mỗi người chúng ta buộc phải học hỏi để áp dụng.

 

Thực tế vừa qua cho thấy: Phương pháp học truyền thống: Thầy – trò, Trường – lớp trực tiếp tương tác đã  không thể đáp ứng nhu cầu học tập an toàn trong mùa dịch, nếu  tất cả mọi người đều đến cơ quan làm việc là không chấp hành chủ trương dãn cách xã hội...Và tất cả buộc phải học và làm việc trực tuyến, tuy lúc đầu khó khăn nhưng chúng ta cũng đã thành công và việc học trực tuyến đã trở thành thói quen.

Do đó nhân đợt dịch này, mỗi nhà trường, mỗi tổ chức nên nhìn nhận lại công nghệ tổ chức, công nghệ dạy học, công nghệ vận hành của tổ chức mình vừa qua để định hình lại các công việc  cho phù hợp với điều kiện mới. Dịch bệnh gây thảm họa cho con người, đồng thời là phép thử không phải cho nền kinh tế mà cho chính mỗi tổ chức, mỗi cá nhân... về sự bền bỉ, ý chí, lòng quyết tâm và sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới, để vừa đảm bảo công việc, cuộc sống... diễn ra bình thường song năng động hơn, tích cực hơn.

Nhìn lại gần 2 năm chống dịch thì thấy rõ điều đó. Chuyển biến rõ nhất là phương pháp học tập từ học sinh  tiểu học đến  sinh viên đại học, từ người nông dân đến cán bộ cao cấp: Điều hành trực tuyến, họp trực tuyến vượt biên giới, học trực tuyến đã thành phương pháp bắt buộc, phổ biến. Đây là phương pháp học tập và làm việc đã đươc áp dụng từ lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới .Nó đã mang lại giá trị kinh tế lớn, giảm chi phí đi lại, ăn ở... mà mọi quyết định vẫn được đưa ra và thực hiện một cách hiệu quả, mọi người lại thấy năng động hơn khi được học và làm việc ở bất cứ địa điểm nào nếu không có dịch bệnh.... Song học trực tuyến chỉ có hiệu quả khi mỗi người cần trau dồi và rèn luyện kỹ năng TỰ HỌC – kỹ năng quan trọng nhất và là năng lực đầu tiên bắt buộc phải có đối với mỗi “Công dân học tập” thời kỳ 4.0, và nó lại càng quan trọng hơn khi dịch bệnh kéo dài, không biết bao giờ chấm dứt. Tất nhiên muốn thành công thì  các điều kiện  cho việc học này phải được đảm bảo tương đối đầy đủ.

Như vậy cùng với trách nhiệm công dân, tinh thần công dân như phân tích ở trên (thuộc nhóm năng lực thứ 3) thì năng lực tự học của công dân cần được nhấn mạnh và đề cao trong thời điểm dịch bệnh này.

Để đáp ứng yêu cầu của phương pháp học Online có hiệu quả, mọi công dân (người học) cần sử dụng thành thạo các chức năng của thiết bị học tập (điện thoại thống minh, hoặc máy vi tính và máy tính bảng) để vào được chương trình, gọi được đúng tên chương trình ra và có thể tương tác (đối thoại) được với giáo viên (đối với các chương trình cần giáo viên). Cần tạo cảm giác thật thoải mái, chuẩn bị sẵn sàng mọi dụng cụ học tập vì nếu học Online mà chỉ như xem phim và đọc truyện thì rất lãng phí thời gian, không hiệu quả. Ở nhà mùa dịch cần chọn cho mình một vị trí thích hợp để bắt đầu giờ học. Nếu được một vị trí yên tĩnh, sáng, thoáng mát thì tốt nhất và là điều kiện tốt nhất để tiếp thu kiến  thức.

Trong khi học Online hoặc tự học các chương trình khác bằng các thiết bị điện tử, điều quan trọng nhất là phải có kỹ năng đọc nhanh. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì đây là kỹ năng quan trọng để tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Đối tượng này đã có trình độ chuyên môn, họ có khả năng đọc lướt để tìm kiếm kiến thức cần cho chuyên môn của mình và dừng lại đó để đào sâu hơn, dùng khả năng ghi chép để ghi lại những dữ liệu quý, những thông tin quý báu cho chuyên môn của mình. Kinh nghiệm cho thấy việc ghi chép sẽ giúp cho mình nhớ lâu hơn và nếu muốn xem lại, sẽ rất tiện lợi. Điều này rất phù hợp với người cao tuổi khi tự học bằng mọi hình thức. Người cao tuổi đã có thời gian công tác lâu dài thì điều này càng có ý nghĩa khi đọc kiến thức trên máy, ghi chép những điều cần thiết và liên hệ lại với những kiến thức mình đã vận dụng vào công việc trước đây, sẽ thấy sự thay đổi về tư duy, về phương pháp và về cả nội dung mới phong phú hơn, hiệu quả hơn. Đôi khi điều đó sẽ kích thích họ muốn làm việc, muốn khởi nghiệp, muốn học tiếp.

Trong thời dịch bệnh, nhất là hiện nay, ai cũng có thời gian làm việc ở nhà nhiều hơn. Do đó cần phải có thói quen học tập, đọc sách mỗi ngày. Phải coi đây là món ăn tinh thần không thể thiếu được. Thay vì vào mạng, đi lang thang để tìm tin “hot” thì hãy tiếp tục học tập các chương trình phù hợp, cần thiết cho cuộc sống, công việc trên mạng (ví dụ: rèn luyện sức khỏe đối với mọi đối tượng đều cần thiết mà trên mạng thì  có bao nhiêu chương trình bổ ích phục vụ đề tài này). Khi có thói quen học, đọc mỗi ngày, ta sẽ thấy mệt mỏi khi có ngày không được học, không được đọc. Lúc đó cơ thể cảm thấy như thiếu một cái gì đó. Do đó thói quen học tập thường xuyên như là liều thuốc bổ cho trí não.

Học tập thường xuyên hàng ngày chính là phương pháp tốt rèn luyện não bộ thường xuyên. Khi kiến thức được dung nạp, tư duy, sáng tạo sẽ phát triển và người học sẽ cảm thấy tự tin vào bản thân mình trong công việc, trong cuộc sống. Chúng ta sẽ không thấy ngại khi thuyết trình và thấy vững tin khi phản biện những vấn đề đồng nghiệp đưa ra. Chúng ta sẽ khẳng định được chính mình và từ đó phát triển bản thân bằng tri thức. Đây là cách phát triển bền vững nhất mà chắc chắn ai cũng mong muốn. Từ những kiến thức đã học được, chúng ta sẽ cải thiện được cuộc sống của chính mình và tốt hơn nữa nếu chúng ta biết chia sẻ được những điều mình học cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Qua đó sẽ thấu hiểu hơn đồng nghiệp, chắc chắn tình đoàn kết vì vậy mà sẽ được tăng cường, mối quan hệ trong tổ chức sẽ bền chặt khi ai cũng lắng nghe chia sẻ của mỗi người . Điều này hết sức cần thiết trong việc phổ biến, chia sẻ các kinh nghiệm trong chuyên môn và trong phòng chống dịch hiệu quả .

Như vậy Covid-19 đã buộc mỗi công dân phải định hình lại cách tự rèn luyện mình, cuộc sống và công việc của mình cho phù hợp với xu hướng mới. Với xu hướng mới này, dù trong tình huống nào mỗi người vẫn phải sống khỏe mạnh, phải học, phải phấn đấu để mọi việc đều ổn định và phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới: cả thế giới chống dịch, cả đất nước chống dịch,  nhà nhà chống dịch, người người chống dịch để thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đề ra.Trong bối cảnh đó , sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu đến việc tạo điều kiện và có biện pháp thúc đẩy sự học trong tổ chức của mình thì đất nước ta sẽ trở thành Xã hội học tập trong thời gian không xa .

Nói tóm lại, dù bất cứ hoàn cảnh nào,  mỗi công dân học tập đều phải thể hiện được cả 3 năng lực cốt lõi như đã nêu ở trên. Khi sử dụng tốt cả 3 năng lực này, chúng ta sẽ được lắng nghe và thấu hiểu một cách sâu sắc, hiệu quả những diễn biễn của cuộc sống hàng ngày, luôn tạo được sự tương tác và cảm nhận của cộng đồng. Khi đó ta sẽ thấy mình luôn tìm được sự giúp đỡ từ đồng nghiệp có chuyên môn tốt hơn thông qua các bài viết được đăng tải trên mạng và đối thoại trực tiếp. Chúng ta sẽ được hoàn thiện hơn, cuộc sống vui hơn, thoải mái hơn, thành công hơn.

GS.TS Nguyễn Thị Doan

Nguyên Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch nước

Chủ tịch Hội khuyến học Việt nam

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết