Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Ngày phát hành: 04/06/2020 Lượt xem 4560

          

           1.Tổng quan vấn đề

     a) Nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò và quan hệ biện chứng của hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

     Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ xuyên suốt trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, từ khi ra đời Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo của Đảng cho đến nay. Ở Việt Nam, giải quyết mối quan hệ này được chia làm hai thời kỳ rõ rệt, đó là khi đất nước còn chiến tranh, vừa phải chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc và vừa xây dựng hậu phương lớn phục vụ tiền tuyến. Tiếp đó là, thời kỳ đất nước được hoà bình, thống nhất bên cạnh nhiệm vụ to lớn đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội, thì bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn được xác định là trọng yếu, thường xuyên. Bởi vậy, ở mỗi giai đoạn, việc nhận thức và giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược này là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là một cơ sở để làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử ngày hôm nay.

 

     Từ truyền thống lịch sử của dân tộc, dựng nước phải đi đôi với giữ nước là bài học mang tính quy luật, được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử. Ở Việt Nam, trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, vận dụng các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bài học này được Đảng ta khái quát thành một quan điểm lớn, là nắm vững hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội lần thứ IV của Đảng, khi đất nước đã độc lập, non sông thu về một mối, Đảng ta xác định: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đi đối với bảo vệ Tổ quốc”[1], tiếp đó, Đại hội V của Đảng, xác định: “ Toàn Đảng, toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược:một là, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; hai là, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[2]. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta vẫn nhất quán quan điểm luôn coi trọng cả hai nhiệm vụ, nhưng bắt đầu đã có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới, Đại hội VII, thông qua Cương lĩnh 1991 xác định:” Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng”[3].

 

     Tuy nhiên, yêu cầu mới đòi hỏi phải cụ thể hoá vị trí, vai trò của từng nhiệm vụ, làm cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chính sách; xác định mục tiêu trong từng thời kỳ, điều này cũng chính là bước phát triển mới về nhận thức lý luận, về mối quan hệ của hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản này. Đại hội VIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh, việc chuyển hướng trọng tâm sang xây dựng, phát triển đất nước nhưng vẫn không được coi nhẹ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện đất nước đã có hoà bình, thống nhất, nhưng điểm xuất phát thấp, nguy cơ chiến tranh, xâm lược từ bên ngoài vẫn tiềm tàng, hai nhiệm vụ này chỉ có thể giải quyết được khi đất nước mạnh lên. Do đó, trong các nhiệm kỳ Đại hội IX, X, XI nhận thức lý luận về hai nhiệm vụ chiến lược tiếp tục được hoàn thiện, xác định nhiệm vụ xây dựng giữ vai trò nền tảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, rằng sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng- an ninh. Đại hội XII khẳng định:” Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế- xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”[4].

     b) Về nội hàm, mục tiêu và quan hệ của hai nhiệm vụ chiến lược trong sự phát triển của đất nước

     Khi đất nước chưa thống nhất, nhiệm vụ và mục tiêu lớn nhất của cả dân tộc là giành độc lập dân tộc, dù có thể ” đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, “ không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhưng khi đất nước chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi phải xác định lại nội hàm, mục tiêu và mối quan hệ của hai nhiệm vụ cho phù hợp, đối với mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, Đại hội VII, trong Cương lĩnh 1991 xác định: “ Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”[5], sự phát triển nhận thức ở đây mở rộng cả phạm vi, đối tượng; bảo vệ Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ của quốc phòng và cũng không chỉ là chủ quyền, lãnh thổ. Trật tự và tầm quan trọng của từng đối tượng bảo vệ cũng được sắp xếp lại, tuỳ theo từng thời kỳ, phụ thuộc vào đặc điểm trong nước và quốc tế. Đại hội IX, tại hội nghị Trung ương lần thứ tám, xác định rõ 6 nội dung là: i). Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; ii). Bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; iii). Bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; iv). Bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc; v). Bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; vi). Giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điểm đặc biệt trong phát triển nhận thức của Đảng ta về giải quyết mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là sự gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai trong một, xây dựng đi đôi với bảo vệ, xây dựng cũng là bảo vệ và ngược lại. Lấy mục tiêu phát triển đất nước làm căn cứ để xây dựng nội hàm của cả hai nhiệm vụ.

     Các kỳ đại hội Đảng X, XI và đặc biệt Đại hội XII, xác định:” Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”[6]. Nhận thức và giải quyết mối quan hệ này, là cơ sở để cụ thể hoá trong chủ trương, chính sách phát triển trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, sự kết hợp này mới chỉ xác định: kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và ngược lại trong quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế của cả nước và trên từng địa phương; trong quy hoạch và phát triển kinh tế vùng, các ngành công nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế gắn với yêu cầu bảo đảm quốc phòng- an ninh. Tiếp đó, bổ sung lĩnh vực an ninh và xã hội, đó là kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh, xây dựng cơ chế phù hợp để thực hiện sự kết hợp này, sau đó là kết hợp kinh tế- xã hội với tăng cường quốc phòng và an ninh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, và: “ Phát triển kinh tế- xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng- an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng- an ninh, quốc phòng- an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế- xã hội và trên từng địa bàn”[7].

     Sự gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhận thức và thực hiện càng mở rộng, đi vào chiều sâu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn kết trong tổng thể phát triển của đất nước và quan hệ của Việt Nam với bên ngoài. Đại hội XII phát triển thêm sự gắn kết yếu tố văn hoá: kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội. Quá trình nước ta ra khỏi bao vây, cấm vận, từng bước hội nhập sâu rộng với thế giới và tác động của hội nhập quốc tế ngày càng lớn, cả tích cực và tiêu cực đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đồng thời, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong phát triển đất nước, đòi hỏi phải giải quyết hai nhiệm vụ này gắn kết với hoạt động đối ngoại. Việc phân loại đối tác, đối tượng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một bước tiến lớn về nhận thức, xác định lợi ích của đất nước trong xử lý mối quan hệ này. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “ Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa..”[8]. Trải qua quá trình gần 35 năm đổi mới, trong điều kiện đất nước có hoà bình, tập trung sức xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nguy cơ xâm lược, đe doạ đến độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vẫn còn tiềm ẩn, nhất là vấn đề Biển Đông, biên giới đất liền, sự chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch cùng với âm mưu kích động bạo loạn, lật đổ từ bên ngoài. Điều này càng cho thấy, tầm quan trọng của việc giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII, khi xác định quan điểm mới đã chỉ rõ: “ Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế- xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”[9].

     Việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là quá trình tổng kết thực tiễn, bổ sung và phát triển lý luận, hình thành hệ thống quan điểm đồng bộ, có bước đi, hình thức phù hợp và được thể chế hoá trong từng chủ trương, chính sách qua các giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, đem lại thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử ngày hôm nay, là tiền đề cơ bản để thực hiện mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, và trở thành nước đang phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045[10].

 

          2.Nhận diện các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

     Giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một vấn đề hệ trọng không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có tính quy luật, dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Do vậy, các thế lực cơ hội, thù địch cũng luôn tìm cách chống phá, gây mất ổn định, mong muốn chúng ta giải quyết sai, xử lý không đúng dẫn tới đổ vỡ, thất bại. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, nếu tập trung quá nhiều nguồn lực, tách riêng các nhiệm vụ, không có quan điểm đúng, dẫn tới tập trung quá nhiều cho quốc phòng, an ninh, dẫn tới không đủ nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế, tất yếu kinh tế kém phát triển và ngược lại, nếu chỉ tập trung cho phát triển kinh tế, coi nhẹ quốc phòng, an ninh dẫn tới hoặc phải dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, hoặc luôn trong tình trạng bị đe doạ, phụ thuộc. Vì vậy, âm mưu, thủ đoạn của chúng là tạo ra sự mất cảnh giác, lợi dụng những khó khăn trong từng thời điểm, nhất là khó khăn về kinh tế, khó khăn về bảo vệ chủ quyền biển đảo để phê phán, xuyên tạc.

     Các quan điểm sai trái, thù địch về quốc phòng, an ninh, về lực lượng vũ trang, từ lâu luôn nhấn mạnh rằng, cần phải phi chính trị hoá lực lượng vũ trang, lực lượng vũ trang chỉ tuân thủ pháp luật, không chịu sự lãnh đạo của Đảng; rằng lực lượng vũ trang muốn chuyên nghiệp, muốn có sức mạnh và khách quan thì không chịu sự chi phối của chính trị và ngược lại. Một đảng cầm quyền dễ mất dân chủ, độc đoán chuyên quyền, khi chi phối lực lượng vũ trang sẽ biến lực lượng vũ trang trở thành công cụ cho độc đoán, chuyên quyền, phe phái trong xã hội. Điều này dẫn tới suy yếu trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước đối với bên ngoài, nhưng là công cụ bạo lực đối với trong nước.

     Các thế lực cơ hội, thù địch thường rêu rao rằng, vì sợ mất vị trí lãnh đạo, mất vai trò cầm quyền, chính phủ cộng sản thường xuyên hù doạ nguy cơ từ bên ngoài, sử dụng công an, quân đội trấn áp ở bên trong để đàn áp nhân dân, để bảo vệ đặc quyền đặc lợi, tham nhũng tiêu cực, phe nhóm và lợi ích cha truyền con nối. Trong điều kiện đất nước kém phát triển, nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội còn hạn chế, việc đề cao vai trò, tầm quan trọng của quốc phòng, an ninh thực chất là tạo ra một lãnh địa riêng, dùng tiền thuế của dân để đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, tiêu cực ngay trong lực lượng vũ trang, không ai kiểm soát được, dẫn đến làm suy yếu đất nước.

     Vấn đề quân đội làm kinh tế, sử dụng lính nghĩa vụ làm kinh tế quân đội, là một hình thức bóc lột sức lao động và kém hiệu quả, các thế lực cơ hội, thù địch cho rằng, ngày nay trên thế giới, rất ít quốc gia sử dụng quân đội làm kinh tế, ngay cả Trung Quốc cũng hạn chế và đang có xu hướng bỏ hình thức này. Quân đội làm kinh tế vừa thiếu chuyên nghiệp, vừa mở rộng quy mô quân đội không cần thiết, đặc biệt là dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, vì đây là lãnh địa riêng khó kiểm soát. Quân đội làm kinh tế sẽ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, thậm trí làm lãng phí nguồn lực của đất nước. Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh không minh bạch, lãng phí; sử dụng ngân sách nhà nước mua vũ khí, trang thiết bị cho quân đội, công an luôn không minh bạch, công khai, dẫn tới nhiều tiêu cực.

     Chia rẽ quân đội với công an, lực lượng vũ trang với nhân dân, cho rằng Đảng, Nhà nước phân biệt đối xử, coi quân đội quan trọng hơn công an trong khi chiến tranh đã kết thúc. Nguồn lực đất nước đầu tư cho quân đội nhiều hơn công an, trong khi tổ chức bộ máy của công an đã sắp xếp lại, giảm đi đáng kể, quân đội lại cơ bản giữ nguyên, nhiều lĩnh vực, địa bàn không cần thiết, làm cho quy mô quân số lớn, lãng phí trong khi nhiệm vụ an ninh ngày càng lớn hơn. Lực lượng vũ trang hiện nay lẽ ra tập trung vào chống Trung Quốc, trong khi xử lý vấn đề Biển Đông lại sợ Trung Quốc, nhưng lại đàn áp nhân dân. Một số cán bộ quân đội, công an, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thoái hoá, biến chất bảo kê cho tội phạm, xã hội đen, tham nhũng tiêu cực, giữ nhiều trọng trách quan trọng ở Trung ương và địa phương..

     Một số quan điểm quốc phòng, an ninh của Việt Nam là không phù hợp, nhất là trong điều kiện tình hình Biển Đông hết sức phức tạp; Việt Nam chủ trương 3 không, đặc biệt là không liên minh quân sự là cứng nhắc, ấu trĩ, mơ hồ về tình đồng chí với Trung Quốc hoặc sợ Trung Quốc. Trên thế giới nhiều nước tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn Việt Nam, họ vẫn liên minh quân sự với Mỹ, nhờ đó có nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, có đủ sức mạnh để răn đe sự xâm lăng từ bên ngoài. Trong khi Việt Nam, tiềm lực kinh tế và quốc phòng đều yếu, bị Trung Quốc đe doạ trực diện, xâm chiếm trái phép nhiều đảo của Việt Nam trên biển đông rất ngang ngược, phi lý nhưng Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội để liên minh với Mỹ, tranh thủ sức mạnh của Mỹ để răn đe Trung Quốc…

     Việc giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam chưa tốt, bỏ phí nhiều nguồn lực trong và ngoài nước. Một số lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tư nhân làm tốt nhưng không được nhà nước tin cậy. Một số vấn đề liên quan đến lợi ích của đất nước, nhất là vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo, sự xâm lăng về kinh tế, văn hoá từ bên ngoài, nhất là Trung Quốc, khi có những tiếng nói khác, đều bị quy chụp là cơ hội, thù địch; một số phản kháng bất bạo động thì bị đàn áp; thông tin trên báo chí, mạng xã hội thì bị ngăn cấm…, điều này làm cho Trung Quốc lấn tới, đe doạ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là tay sai của Trung Quốc, sợ Trung Quốc..

          3. Những luận cứ đấu tranh phản bác

     Sự lớn mạnh toàn diện của đất nước là một thực tế không thể phản bác, để đất nước có được cơ đồ to lớn như ngày nay, đòi hỏi phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Việt Nam có điểm xuất phát thấp về kinh tế, bị chiến tranh tàn phá, luôn bị các thế lực bên ngoài, mạnh hơn ta nhiều lần, nhòm ngó xâm chiếm đất đai, chủ quyền biển đảo. Ngày nay, ít có quốc gia nào trên thế giới có được lịch sử chống ngoại xâm anh dũng, kiên cường như Việt Nam. Chiến tranh là điều nhân dân Việt Nam không mong muốn, nhưng để bảo vệ nền độc lập thì dân tộc, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đều nhất tề đứng lên, đánh đuổi giặc ngoại xâm,  thống nhất đất nước. Khi hoà bình thì cùng nhau xây dựng để “non sông Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”. Đây thực chất là việc giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngấm sâu vào ý thức của mỗi người dân. Nhờ có chủ trương, phương thức lãnh đạo, thực hiện đúng đắn, không chỉ nguồn lực trong nước mà nguồn lực nước ngoài giúp đỡ; không chỉ nguồn lực Nhà nước mà nhân dân cũng tham gia. Bởi vậy, Việt Nam không chỉ giải quyết tốt vấn đề thống nhất, độc lập, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững mà đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, xã hội ổn định; nhiều chỉ tiêu phát triển, tiến bộ xã hội, đặc biệt là các mục tiêu thiên niên kỷ đều về sớm như tuổi thọ trung bình, tỷ lệ trẻ em đi học, xoá đói, giảm nghèo, được thế giới đánh giá cao.

     Ở Việt Nam, quân đội, công an đều tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Khác với các nước trên thế giới, các lực lượng vũ trang ở Việt Nam đều từ Nhân dân mà ra, do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập và rèn luyện, là đội quân cách mạng, đội quân công tác, có tổ chức chặt chẽ. Sức mạnh của quốc phòng, an ninh ở Việt Nam là sức mạnh tổng hợp, không chỉ là sự lớn mạnh không ngừng về trang thiết bị, vũ khí mà còn là ở sức mạnh ý chí, tinh thần do Đảng giáo dục và rèn luyện. Thực tế này lý giải vì sao, Việt Nam là một nước nhỏ, kém phát triển, nhưng luôn đánh bại các đế quốc lớn xâm lược. Vì vậy, quân đội và công an ở Việt Nam không chỉ tuân thủ theo pháp luật, mà còn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

     Việc có những cán bộ quân đội, công an, trong đó có cả cán bộ cao cấp thoái hoá, biến chất, không làm thay đổi bản chất tốt đẹp, trong sáng của lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Trong lịch sử cách mạng nước ta, kể cả những lúc khó khăn, cũng có những cán bộ thoái hoá, biến chất và đều bị xử lý nghiêm, đó là quy luật của sự đào thải, nhờ đó, lực lượng vũ trang của ta vững mạnh, tinh nhuệ và phát triển như ngày nay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có không ít những ví dụ về những vụ việc nghiêm trọng, sai phạm lớn trong quan đội, an ninh các nước, trong đó có cả nước Mỹ.

     Vấn đề quân đội, công an làm kinh tế, do đặc điểm lịch sử, tính tổ chức chặt chẽ, lực lượng vũ trang Việt Nam được giao một số nhiệm vụ làm kinh tế, trên thực tế, nhiều nhiệm vụ rất hiệu quả. Như, một số lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp quốc phòng, an ninh; đường tuần tra biên giới; một số nhiệm vụ liên quan đến chủ quyền biển đảo, một số nhiệm vụ kinh tế- xã hội, phòng chống thiên tai, đóng góp thêm kinh phí cho quốc phòng, an ninh, xoá đói giảm nghèo, …Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, Đảng, Nhà nước và trực tiếp quân đội, công an đã điều chỉnh nhiều nhiệm vụ, thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quân đội, công an chỉ còn thực hiện một số rất ít nhiệm vụ kinh tế - xã hội cụ thể, phù hợp. Đất đai quốc phòng, an ninh được quy hoạch lại, những vị trí, địa bàn không thật sự cần thiết liên quan đến chiến lược phòng thủ của đất nước, đều được bàn giao để thực hiện các chương trình dân sự, phục vụ cho phát triển đất nước.

     Về một số quan điểm liên quan đến quốc phòng, an ninh, đặc biệt là chủ trương 3 không, nhất là quan điểm không liên minh với nước này để chống nước kia…Điều này thể hiện sự nhất quán, yêu chuộng hoà bình của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Quân đội, công an Việt Nam là công cụ để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, bảo vệ công cuộc đổi mới, bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích chính đáng của Nhân dân…Thực tiễn lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, bảo vệ nền độc lập của mình không ai khác, phải bằng sức mạnh của chính mình, “ lấy sức ta mà giải phóng cho ta”. Từ mục tiêu cao cả, tính chính nghĩa của sự nghiệp cách mạng mà tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè, nhân dân quốc tế, nhất quán quan điểm: “ nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”, “ sức mạnh dân tộc kết hợp sức mạnh của thời đại”, đây là những quan điểm sâu sắc, được thực hiện trên nhiêu lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Không ai có thể làm thay, không dựa hẳn vào lực lượng, quốc gia nào để giải quyết công việc của chính mình. Nhờ có những quan điểm đúng đắn về quốc phòng, an ninh nói riêng, giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, Việt Nam không những bảo vệ vững chắc, đất nước phát triển, không phụ thuộc vào một quốc gia nào.

     Việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trong đó có chủ quyền biển, đảo là kiên quyết, nhất quán từ trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trong mọi hoàn cảnh, một tấc đất, chủ quyền dân tộc, chúng ta cũng không từ bỏ. Nhờ những thái độ kiên quyết, kiên trì đó, chủ quyền của đất nước trên đất liền, trên biển chúng ta vẫn giữ vững được cho đến hôm nay, biên giới trên đất liền được phân định rõ ràng, minh bạch theo luật pháp quốc tế, trên biển, đảo chúng ta giữ nguyên trạng. Cần phải thấy rằng, tranh chấp chủ quyền biển đảo là một vấn đề cần phải giải quyết lâu dài, kiên trì; tránh vấp phải âm mưu, kích động, chia rẽ của các thế lực cơ hội, thù địch. Nôn nóng, giản đơn và mắc mưu kẻ địch thì chẳng những kinh tế không phát triển, xã hội không ổn định mà chủ quyền, an ninh chúng ta cũng không giữ được. Đó là bài học xương máu cần tỉnh táo.

     Cần phải thấy rằng, các thế lực cơ hội, thù địch không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá đất nước, ngay cả khi chúng ta làm tốt. Chúng luôn xuyên tạc, bóp méo sự thật, lợi dụng các phương tiện thông tin, nhất là mạng xã hội, vu cáo, bôi nhọ, chống phá, làm người dân nghi ngờ, mất lòng tin… Bởi vậy, đòi hỏi chúng ta luôn tỉnh táo, kiên trì đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch, tránh thụ động, theo đuôi, thậm trí mất phương hướng.

          4.Kiến nghị

     -Tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận làm sáng tỏ vấn đề những mới về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Những vấn đề về an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống; cạnh tranh của các nước lớn; biến đổi khí hậu, thiên tai bệnh dịch; tác động của cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 đến sự phát triển nước ta trong tình hình mới.

     - Phải đặt việc giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá, nhất là những điểm nghẽn trong sự phát triển và giải quyết mối quan hệ này. Đánh giá đúng thời cơ, nguy cơ nhất là những tác động từ bên ngoài, vấn đề Biển Đông, chủ nghĩa khủng bố, dân tộc cực đoan, cạnh tranh giữa các nước lớn tác động đến chủ quyền, an ninh, đến sự ổn định và phát triển của Việt Nam.

     - Dự báo tác động, âm mưu chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch. Đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao sức đề kháng của nhân dân trước những thông tin sai trái, thù địch. Quan tâm đúng mức việc đấu tranh trên internet, mạng xã hội, nhất là thế hệ trẻ.

     - Bổ sung một số nhận thức mới về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhất là những giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém. Xác định đúng mục tiêu trong từng thời kỳ, giữa việc giải quyết mối quan hệ này với xây dựng lực lượng quân đội, công an trong tình hình mới; gắn kết quốc phòng, an ninh với đối ngoại; điều chỉnh và cụ thể hoá nội hàm về đối tác, đối tượng…

   - Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong cung cấp thông tin phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; xây dựng luận cứ thuyết phục, kịp thời, đúng đối tượng; rà soát công tác quy hoạch, các công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, phát hiện những mâu thuẫn, điểm nghẽn để có giải pháp khắc phục kịp thời. Tiếp tục điều chỉnh, sắp xếp lại các đơn vị quân đội, công an làm kinh tế theo hướng giảm dần những lĩnh vực không cần thiết, chấm dứt các loại hình doanh nghiệp quân đội, công an, kinh doanh thương mại, dịch vụ. Rà soát lại đất đai quốc phòng, an ninh được sử dụng làm kinh tế hoặc các mục đích khác không phải quốc phòng, an ninh./.

 

                                                                     PGS.TS Phạm Văn Linh

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW   



[1]Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III tại Đại hội IV

[2]Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IV tại Đại hội V

[3]Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật. H. 1991, tr 10-11

[4]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG.H. tr 82

[5]Cương lĩnh 1991, tài liệu đã dẫn,tr 11

[6]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb, CTQG, H. tr 147.

[7]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb, CTQG. H. Tr 82.

[8]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb, CTQG.H.tr 149

[9]Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. H. 4-2020. Tr 26

[10]Sdd tr 28

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết