Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nhận thức và giải quyết mối quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội ở Việt Nam (phần 2)

Ngày phát hành: 25/06/2020 Lượt xem 1860

        3. Tự tin, tiếp tục nhận thức và giải quyết  hiệu quả hơn nữa quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội trong giai đoạn phát triển mới

        Đồng thời với việc khẳng định những mặt thành công trong quá trình nhận thức, giải quyết quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm cần kiên quyết khắc  phục. Tổ chức bộ máy của nhà nước vẫn còn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả quản lý  kinh tế, xã hội chưa cao; phẩm chất, năng lực của một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí mới đạt kết quả bước đầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch; các nguồn lực phát triển chưa được phân bổ, sử dụng hiệu quả. Một số loại thị trường hiện dại và phương thức giao dịch thị trường hiện đại phát triển chậm; cơ chế giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ thực hiện còn khó khăn. Sự kết nối, tương tác giữa các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh, giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế chưa chặt chẽ, hiệu quả. Phát triển, quản lý phát triển xã hội chưa được chú trọng đúng tầm. Quyền làm chủ của nhân dân, nhất là quyền dân chủ trực tiếp và vai trò tự chủ, tự quản chưa được phát huy đầy đủ. Hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế; sự tham gia của các hội, hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp xã hội... vào quá trình phát triển thị trường chưa thật rõ nét...

 

 

         Bước vào giai doạn phát triển mới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2015 với tầm nhìn đến năm 2030, 2045, trên sở tổng kết, đúc rút kinh nghiệm của gần 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững hơn, trong đó chú trọng nhận thức đầy đủ hơn, thực hiện hiệu quả hơn quan hệ nhà nước -  thị trường - xã hội.

        Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường và xã hội phát triển bền vững. Rà soát chức năng, tổ chức, kiện toàn Nhà nước thật sự tinh gọn, đồng bộ, thông suốt. Nâng cao chất lượng quản trị quốc gia gắn với xây dựng chính quyền điện tử; chú trọng hoàn thiện, thực thi thể chế phát triển, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Thực hành dân chủ rộng rãi, phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tạo cơ chế, môi trường thuận lợi để các tố chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội; các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp xã hội, các tổ chức tự quản...  tham gia  sâu rộng váo quá trình phát triển kinh tế thị trường và phát triển, quản lý phát triển xã hội.

         Tiếp tục phát triển dầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường theo hướng hiện đại, hội nhập. Gắn kết hiệu quả các loại thị trường, các thị trường vùng, liên vùng, thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; kết nối các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh tạo thành sức mạnh tổng thể, thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường với hàng hóa, dịch vụ; để cao và phát huy vai trò quyết định của thị trường trong huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển; phát huy mặt tích cực của của cơ chế thị trường, tạo động lực đổi mới sáng tạo, phát triển xã hội, phát triển lực lượng sản xuất. Thông qua hoạt động có hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước và hoạt động tự giác, có tổ chức của xã hội, điều tiết, phòng ngừa những rủi ro, hệ lụy từ những khuyết tật của thị trường.

         Chú trọng phát triển, quản lý phát triển xã hội trên nền tảng thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Gắn kết chặt chẽ các chính sách kinh tế với chính sách xã hội; giải quyết hài hòa quan hệ xã hội, quan hệ lao động, quan hệ lợi ích; nâng cao chất lượng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội tương ứng với tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện đầy đủ, có kết quả Qui chế dân chủ ở cơ sở theo đúng phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Phát huy vai trò các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp xã hội... trong phát triển thị trường và điều tiết quan hệ kinh tế thị trường. Tổng kết, nhân rộng mô hình tự quản  trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.

         Thực tiễn mấy chục năm đổi mới với những thành quả hiện thực, nổi bật chứng minh tính hợp lý, hiệu quả trong việc nhận thức, giải quyết quan hệ nhà nước -  thị trường - xã hội phù hợp với điều kiện Việt Nam, tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam tiếp tục giải quyết thành công mối quan hệ quan trọng này trong giai đoạn phát triển mới./.

(Hết)

GS, TS. Phùng Hữu Phú

Phó Chủ tịch Thường trực HĐLLTW

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết