1. Mở đầu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, có tác động bất lợi trên nhiều lĩnh vực của đời sống trên cả quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Biến đổi khí hậu không những khiến nhiệt độ tăng và nước biển dâng, mà còn khiến cho các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan biến động mạnh hơn cả về không gian và thời gian, xảy ra với tần suất nhiều hơn và diễn biến bất thường hơn. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2019 và là 5 năm liên tiếp có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua. Tổn thất do thiên tai, cực đoan khí hậu gây ra tăng liên tục trong những thập kỷ vừa qua. Theo Cơ quan chiến lược về giảm nhẹ thiên tai của Liên Hợp Quốc (UNISDR), trong giai đoạn 1998-2017 kinh tế thế giới chịu thiệt hại 2250 tỷ đô la Mỹ, cao hơn 250% so với 20 năm trước đó. Với xu thế biến đổi khí hậu như hiện tại nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, thiệt hại cho nền kinh tế đến năm 2050 trên toàn thế giới do biến đổi khí hậu sẽ là 7900 triệu đô la Mỹ và 3% GDP trên toàn cầu (Economist Intelligent Unit, 2019), trong đó mức giảm GDP của Châu Á ước tính là 2,6%.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, trong đó bão, lũ lụt và hạn hán là thường xuyên và nguy hiểm nhất. Các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan gia tăng, không những gây ảnh hưởng và thiệt hại nhiều tới tài nguyên, kinh tế, phát triển xã hội, mà còn có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra đối với nước ta trong một thập kỷ gần đây từ năm 2009-2019 gần 250 nghìn tỷ đồng và thiệt hại về người lên tới hơn 2500 người. Tính riêng năm 2018, với hơn 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét, 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 9 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộn và lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau 7 năm kể từ 2011, thiệt hại cho nền kinh tế ước tính 20,000 tỷ đồng và 218 người chết và mất tích. Báo cáo tham luận này trình bày kết quả đánh giá sự thay đổi của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan tại Việt Nam trong thời gian gần đây, khả năng tác động đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và đề xuất một số giải pháp ứng phó.
2. Những ghi nhận về cực đoan khí hậu ở Việt Nam
- Bão, áp thấp nhiệt đới: Là quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.000km với gần 110.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản, cùng với các hoạt động kinh tế, vận tải trên biển, ven biển nên thường xuyên chịu tác động trực tiếp của các cơn bão hình thành từ Thái Bình Dương (một trong 05 ổ bão lớn nhất thế giới); trung bình hàng năm có từ 11 ÷12 cơn bão và ATNĐ trên biển Đông, trong đó 5 ÷ 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Điển hình phải kể đến: bão Linda năm 1997 đổ bộ vào phía Nam bán đảo Cà Mau và đúng 20 năm sau (năm 2017) đã xuất hiện bão Tembin có hướng di chuyển và cường độ tương tự như bão Linda; bão Damrey năm 2005 đổ bộ vào khu vực phía Nam của Thanh Hóa Bắc Bộ trùng với thời kỳ triều cường, gió cấp 10-11, giật cấp 12, đã phá hủy nghiêm trọng hệ thống đê biển và cơ sở hạ tầng (12 năm sau, năm 2017 một cơn bão cũng có tên là Damrey đổ bộ vào Phú Yên, Khánh Hòa với gió mạnh cấp 9, giật cấp 12-13, chưa từng xảy ra tại các tỉnh Nam Trung Bộ gây thiệt hại lớn về người và tài sản); năm 2013, có 14 cơn bão và 05 ATNĐ ảnh hưởng đến nước ta, trong đó có siêu bão Haiyan với sức gió cấp 16 ÷ 17 và đặc biệt năm 2017, là năm kỷ lục về số lượng bão và áp thấp nhiệt đới, với 16 cơn bão, 04 ATNĐ xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 10, số 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung Bộ và bão số 16 đi qua quần đảo Trường Sa với sức gió trên cấp 11÷ 12 giật cấp 13÷15 (rủi ro thiên tai cấp độ 4). Theo số liệu quan trắc, chưa có bằng chứng về sự thay đổi tần suất của các cơn bão bao gồm cả bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền nước ta. Tuy nhiên, số lượng các cơn bão có cường độ mạnh có xu thê tăng lên. Mùa mưa bão hiện nay có xu hướng kết thúc muộn hơn trước đây và nhiều cơn bão đổ bộ vào khu vực phía Nam trong những năm gần đây [2].
- Mưa lớn, ngập lụt: Trong những năm gần đây, mưa lớn xảy ra bất thường hơn về thời gian, địa điểm, tần suất và cường độ. Mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên trên diện rộng và cục bộ đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên phạm vi toàn quốc, trong đó có thể kể đến trận mưa cuối tháng 10/2008 xảy ra tại Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, nhất là tại thành phố Hà Nội; mưa đặc biệt lớn kéo dài trong 5 ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 tại Cửa Ông (Quảng Ninh); mưa lớn kéo dài liên tục từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7/2017 tại các tỉnh Bắc Bộ ; đợt mưa lớn trên diện rộng xuất hiện trái mùa (giữa tháng 10/2017) tại khu vực Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình với tổng lượng từ 400 đến trên 600mm; đợt mưa đặc biệt lớn (xấp xỉ mức lịch sử) sau bão số 12 vào đầu tháng 11/2017 tại các tỉnh miền Trung đã gây ngập sâu tại thành phố Huế, thị xã Hội An đúng vào tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC. Năm 2019, đợt mưa lớn kỷ lục ở đảo Phú Quốc từ ngày 2/8 đến ngày 9/8 (8 ngày) đã lên tới 1158mm (chiếm 40% tổng lượng mưa năm), riêng ngày 9/8 có tổng lượng mưa lên đến 358 mm. Thời gian mưa chủ yếu tập trung từ nửa đêm và sáng.
- Lũ: Lũ lớn và lũ lịch sử liên tiếp xuất hiện tại các vùng, miền trên phạm vi cả nước, điển hình là năm 1996, 2002, 2015 ở Bắc Bộ; năm 1999, 2000, 2003, 2007, 2009, 2010, 2011, 2016, 2017 ở Trung Bộ và năm 2000, 2001, 2002, 2011 ở Nam Bộ. Trong đó một số nơi đạt mức lịch sử, hoặc tương đương mức lũ lịch sử, như năm 1996 tại Bắc Bộ, năm 1999 tại Huế (mức lịch sử), năm 2000 tại đồng bằng sông Cửu Long (tương đương mức lịch sử tại Tân Châu, Châu Đốc và một số khu vực ở gần biển vượt mức lịch sử), năm 2011 ở Phú Yên (mức lịch sử), năm 2016 tại Bình Định (mức lịch sử); năm 2017 tại một số sông thuộc Ninh Bình, Thanh Hóa với mức lũ vượt mức lịch sử từ 0,5 đến 1,0m gây hư hỏng nặng nề đối với hệ thống đê điều với 244 sự cố trên tổng chiều dài 90km.
- Lũ quét, sạt lở đất: Đây là loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên tại các tỉnh miền núi, với đặc tính xảy ra quá nhanh, quá nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong những năm qua, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc có xu thế tăng rõ rệt, với tổng số 300 trận lũ quét, sạt lở đất có quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân , đặc biệt năm 2017 và giữa năm 2018 lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi: tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) vào đầu tháng 8/2017; tại các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình) giữa tháng 10/2017; tại các tỉnh Lai Châu, Hà Giang vào cuối tháng 6/2018; tại Quan Sơn (Thanh Hóa) vào tháng 8/2019.
- Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn: Dưới tác động của biến đổi khí hậu, gần như chắc chắn nắng nóng sẽ xảy ra với tần xuất và cường độ ngày cảng gay gắt hơn. Hạn hán và xâm nhập mặn sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Nhiều giá trị kỷ lục mới về nhiệt độ đã được thiết lập. Nắng nóng gay gắt ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ năm 2014, với nền nhiệt độ cao phổ biến từ 39 ÷ 400C, nhiều nơi trên 400C, kéo dài kỷ lục trong vòng 60 năm qua; Ngày 20 tháng 4 năm 2019, nhiệt độ quan trắc được tại trạm khí tượng Hương Khê (Hà Tĩnh) là 43,40C, là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay được quan trắc tại Việt Nam. Những năm gần đây, hiện tượng ENSO ngày càng có tác động nghiêm trọng đến nước ta, các đợt El Nino đã gây ra hạn hán trên phạm vi rộng, tình trạng cạn kiệt nguồn nước tại các dòng sông trên cả nước ngày càng phổ biến, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là đợt hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trong năm 2015/2016 và 2019/2020 tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, xâm nhập mặn có nguy cơ tăng cao trong tương lai, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL. Vào cuối thế kỷ 21, chiều sâu xâm nhập ứng với độ mặn 1 ‰ có thể tăng lên trên 20 km trên các sông sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu, xấp xỉ 10 km trên sông Hồng - Thái Bình [2].
- Rét đậm, rét hại: Xảy ra thường xuyên và duy trì nhiều ngày, nhất là ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Trong đó đặc biệt là đợt rét đầu năm 2016, được đánh giá có nền nhiệt độ thấp nhất trong vòng 100 năm qua. Với tác động của biến đổi khí hậu, nên nhiệt độ trung bình có thể tăng nhưng các đợt lạnh bất thường dự báo sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai.
3. Tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển bền vững
Theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017, Việt Nam hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững. Trong đó, bao gồm 17 mục tiêu chính và 115 mục tiêu cụ thể.
a. Tính dễ bị tổn thương và phơi bày trước hiểm họa gia tăng
Tính dễ bị tổn thương và mức độ phơi bày trước hiểm họa đang gia tăng được xác định trong từng bối cảnh cụ thể, tương tác với hiểm họa tạo nên các rủi ro [3]. BĐKH làm thay đổi hiện tượng cực đoan, thông qua đó làm thay đổi mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân sinh. Ở Việt Nam, BĐKH làm gia tăng hiện tượng cực đoan và thiên tai, mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương. Tùy thuộc vào điều kiện của từng vùng, chịu tác động của các yếu tố khác nhau mà đối tượng bị tổn thương và mức độ bị tổn thương cũng khác nhau, các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, nơi cư trú và hạ tầng kỹ thuật. Tất cả các vùng đều bị tổn thương do thiên tai gia tăng, trong đó đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, khu vực ven biển Miền trung là các vùng dễ bị tổn thương nhất.
Trong mỗi vùng, nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số, những người có thu nhập phụ thuộc vào khí hậu, người già, phụ nữ, trẻ em, người bị bệnh tật bị tổn thương cao nhất do BĐKH.
b. Sự gia tăng rủi ro do biến đổi khí hậu
Sự gia tăng rủi ro và tác động tiềm tàng của BĐKH đối với các lĩnh vực, các khu vực, cộng đồng và cơ sở hạ tầng liên quan bao gồm:
Dải ven bờ với chiều dài hơn 3.000km và các vùng biển hải đảo Việt Nam là vùng sẽ chịu nhiều rủi ro gia tăng và các nguy cơ, tác động tiềm tàng nhiều nhất liên quan đến BĐKH và NBD. Với sự thay đổi có xu thế gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan dẫn đến gia tăng rủi ro cho các vùng, các lĩnh vực và các đối tượng dễ bị tổn thương. Trong tương lai nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích Tp. Hồ Chí Minh, 38,9% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập dẫn đến mất đất canh tác nông nghiệp, nước tưới cho nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp bị nhiễm mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân các khu vực này [2].
Tương tự như vậy, rủi ro sẽ ngày càng gia tăng đối với các vùng đồng bằng châu thổ và đô thị lớn, đặc biệt là các đô thị ven biển do mật độ dân cư cao, có quy hoạch đô thị và quy hoạch không gian chưa xét đến giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH. Đây cũng nơi tập trung nhiều tài sản, công trình hạ tầng và các nhóm dân cư dễ bị tổn thất nhất. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, ở ĐBSCL, ước tính hàng trăm ngàn ha đất bị ngập, hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa nếu nước biển dâng cao. Sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe doạ tới an ninh lương thực của quốc gia. Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Cá nước ngọt dự kiến sẽ suy giảm vì diện tích đất đồng bằng và dòng sông nhiễm mặn gia tăng. Ngược lại, cá nước mặn, lợ sẽ phát triển. Diện tích nuôi tôm, sò và hải sản khác có thể sẽ gia tăng trong tương lai
Vùng núi phía bắc và duyên hải Trung Bộ sẽ chịu nhiều rủi ro hơn do lũ quét và trượt lở đất khi chế độ mưa thay đổi, với tần suất và cường độ mưa lớn ngày càng nhiều. Với đặc điểm là khu vực có tỉ lệ đói nghèo cao, nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, môi trường sinh thái bị suy thoái, địa hình phức tạp, sinh kế của người dân tộc thiểu số khu vực miền núi phụ thuộc chủ yếu vào nông lâm nghiệp và thiên nhiên, đây là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của BĐKH.
Những vùng có rủi ro cao hơn và dễ bị tổn thương hơn do hạn hán và thiếu nước dân đến hoang mạc hoá bao gồm: Duyên hải Trung Bộ và Nam Trung Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, trung du và khu vực Tây Nguyên.
c. Tác động của biến đổi khí hậu đến các mục tiêu phát triển bền vững
BĐKH có thể tác động đến việc đạt được các mục tiêu PTBV, thể hiện qua các quá trình sau: (1) Quá trình diễn ra từ từ, bao gồm các yếu tố: Nhiệt độ tăng, nước biển dâng; và (2) Quá trình diễn ra nhanh thông qua việc gia tăng các cực đoan, bao gồm các yếu tố: Bão; lũ lụt; lũ quét; mưa lớn và ngập lụt đô thị; hạn hán; nắng nóng; rét hại; xâm nhập mặn.
Kết quả tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường [3] cho thấy, mức độ tác động của BĐKH đến các mục tiêu PTBV, tương ứng là: Mục tiêu 6: (10,6%); Mục tiêu 13: (8,9%); Mục tiêu 10: (7,6%); Mục tiêu 1: (6,8%); Mục tiêu 3: (6,8%); Mục tiêu 5: (6,8%); Mục tiêu 9: (6,8%); Mục tiêu 8: (5,9%); Mục tiêu 11: (5,9%); Mục tiêu 2: (5,1%); Mục tiêu 7: (5,1%); Mục tiêu 15: (5,1%); Mục tiêu 12: (4,7%); Mục tiêu 4: (3,8%); Mục tiêu 14: (3,8%); Mục tiêu 16: (3,4%); Mục tiêu 17: (3,0%). Từ kết quả phân tích, có thể thấy các mục tiêu 6 và mục tiêu 13 là nhạy cảm nhất đối với BĐKH, nói một cách khác, BĐKH và cực đoan gia tăng sẽ gây trở ngại lớn nhất cho việc đạt được mục tiêu 6 về “Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người” và mục tiêu 13 về “Ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai”.
Mức độ tác động đến các mục tiêu PTBV do nhiệt độ tăng, nước biển dâng, bão và áp thấp nhiệt đới, mưa cực đoan và ngập lụt đô thị, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và rét hại tương ứng là 11,5%, 17,3%, 11,1%, 12,0%, 11,1%, 16,3%, 10,6%, 8,7%, và 1,4%. Từ kết quả phân tích trên, có thể thấy nước biển dâng và hạn hán có tác động lớn nhất đến các mục tiêu PTBV.
4. Các đề xuất và kiến nghị
BĐKH tác động đến các ngành, các vùng miền của cả nước và các đối tượng người dân và do đó, BĐKH sẽ là nguy cơ hiện hữu đối với các mục tiêu PTBV của Việt Nam. Để có thể đảm bảo được các mục tiêu PTBV, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và thực hiện nhiều giải pháp thích ứng, từ các chính sách, chiến lược, kế hoạch đến các chương trình dự án cụ thể.
Trong điều kiện BĐKH làm gia tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai, cả về tần suất và cường độ, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng tránh thiên tai của cả hệ thống chính trị, xã hội. Để tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững tại Việt Nam, Tôi mong muốn hội nghị quan tâm, thảo luận một số nội dung sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chính sách, chiến lược, chương trình, dự án có liên quan, đặc biệt là trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các Bộ, ngành và địa phương
Thứ hai, nâng cao năng lực phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các địa phương, các bộ ban ngành trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, tăng cường hợp tác, hỗ trợ nghiên cứu, dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan để kịp thời cảnh báo đến người dân. Vì thông tin, dữ liệu KTTV được xác định đúng với tính chất thực tế là nguồn tài nguyên số, một trong những dữ liệu “đầu vào” quan trọng để xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của các ngành, địa phương.
Thứ tư, tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống tự nhiên và xã hội trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Triển khai các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại gây bởi các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu trong tương lai.
Thứ năm, xây dựng năng lực của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo và các kênh truyền thông hiệu quả để chuyển tải thông tin; Tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại đối với phát triển kinh tế - xã hội.
GS. TS. Trần Hồng Thái
Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2013), Nghị quyết về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, theo Nghị quyết số 24-NQ-TW
- Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016: Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2018: Thông báo quốc gia lần thứ 3 của Việt Nam cho công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.