1. Chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Nhà nước ta đã nhận thức tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao, và có chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cụ thể hóa bằng một số văn bản chính như sau:
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, có nhiệm vụ "Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước...";
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII khẳng định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao khu vực công, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của Cuộc CMCN 4.0”. Ngày 27 tháng 09 năm 2019, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trong đó đặt ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển.
Nghị quyết Số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm rõ nội dung phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần thực hiện các đề án như Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0; Sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển nhân lực quốc gia; Đề án chuyển đổi nghề và đào tạo kỹ năng số cho người lao động.
Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 theo Quyết định 579/QĐ-TTg năm 2011 ngày 19/4/2011Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 22/7/2011), với 5 giải pháp cơ bản:
- Đổi mới, nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển và sử dụng nhân lực đối với phát triển bền vững đất nước;
- Đổi mới căn bản quản lý nhà nước về phát triển và sử dụng nhân lực;
- Đổi mới đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam đắp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế;
- Đảm bảo vốn cho phát triển nhân lực;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực;
Bên cạnh đó là các Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 của các bộ, ngành, địa phương. Quốc hội cũng ban hành Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13, Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13[1].
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có nội dung đến năm 2030 tập trung phát triển nguồn nhân lực, mở rộng, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo đại học, đặc biệt trong các ngành đào tạo phục vụ CMCN 4.0: Áp dụng các giải pháp sáng tạo (như là đào tạo trực tuyến, e-Learning, đào tạo tại doanh nghiệp theo chương trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt), tăng nhanh số lượng và chất lượng các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật, nhất là các chuyên ngành An ninh mạng, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo…Trong đó, nhà nước hỗ trợ kinh phí cho người lao động trong các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo kỹ năng mới để chuyển đổi công việc trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới sản xuất kinh doanh; hỗ trợ để đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, đầy mạnh thực hiện xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, đầu tư, phát triển một số công nghệ cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chính phủ đã ban hành hai chính sách nổi bật gồm (i) chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường (Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30/5/2008 của Chính phủ) và (ii) Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các trường đại học. Hai chính sách này đánh dấu bước thay đổi quan trọng có tính đột phá trong giáo dục - đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nhân lực.
2. Điểm nghẽn về thể chế
Để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ, tuy nhiên cả ba khâu đều có điểm nghẽn về thể chế.
Về sử dụng, việc xây dựng và thực hiện quy hoạch ở một số địa phương, đơn vị chưa căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, dẫn đến nhiều đề án quy hoạch thiếu tính khả thi. Đặc biệt chất lượng quy hoạch cán bộ chưa cao, chưa đồng đều và hầu hết chưa có tầm nhìn xa, chưa bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi, cơ cấu giới. Cơ cấu cán bộ ít cán bộ trẻ, cán bộ nữ; trình độ, ngành nghề đào tạo nhiều nơi chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Còn có nơi thực hiện luân chuyển, đào tạo cán bộ chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch. Tình trạng thiếu minh bạch/tiêu cực trong khâu xét tuyển, thi tuyển công chức, viên chức còn tồn tại, cơ chế thu hút nhân tài làm việc tại các địa phương, các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn chưa hấp dẫn.
Về đãi ngộ, chính sách về tiền lương và các chế độ khác đối với người lao động đã không còn phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường[2], bất bình đẳng về thu nhập giữa các khu vực ngày càng gia tăng. Cơ sở để đãi ngộ là đánh giá kết quả lao động không thực chất, không tạo động lực để người lao động cống hiến. Thang đo, chuẩn đánh giá phiến diện, hình thức, chính sách thủ tục còn rườm rà. Hình thức khen thưởng, ghi nhận hình thức, không phản ánh thực chất; chế độ đãi ngộ kém. Vấn đề giám sát, thực thi các cơ chế chính sách liên quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động còn lỏng lẻo[3]. Thiếu cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài (lao động chất lượng cao, chuyên gia là việt kiều, chuyên gia nước ngoài,…).
Về đào tạo, chưa thực hiện một cách nhất quán chính sách bồi dưỡng, phát triển nhân tài và các nhóm nhân lực trình độ cao (nhân lực lãnh đạo, nhân lực quản lý và chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo...); chất lượng chương trình đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra, yêu cầu của Cách mạng 4.0[4]. Còn coi nhẹ việc đào tạo ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng mềm, chưa quy định bắt buộc và quán triệt đến cả người dạy và người học ở các cấp học, ngành học. Việc giáo dục nhân cách, đạo đức, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc ở cấp học chưa hiệu quả, đặc biệt là cấp mầm non, tiểu học. Chuẩn hóa chương trình và đổi mới phương thức giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa thích ứng thời đại mớ, chưa đáp ứng thị trường, tính ứng dụng thấp, chưa gắn mục tiêu với chương trình và phương thức đào tạo. Còn nhiều rào cản trong thực thi cơ chế xã hội hóa, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục - đào tạo
Về nguồn lực, tài chính cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: đầu tư cho cho giáo dục, đào tạo, cho phát triển nguồn nhân lực cho các ngành/lĩnh vực, nhất là ngành/lĩnh vực mũi nhọn, ưu tiên chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu cách mạng 4.0[5]. Khó khăn về thể chế và căn cứ cấp ngân sách chưa được rõ ràng. Ví dụ trong xây dựng và phát triển mô hình đại học xuất sắc: xu thế tăng dần ngân sách phía Việt Nam diễn ra cùng quá trình Việt Nam hóa, trong khi đó NSNN giảm dần trong cơ cấu ngân sách và nguồn thu từ học phí tăng chậm dẫn đến khó khăn về mặt tài chính, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ban đầu. Nhìn chung, sự đầu tư về nguồn lực cho những đại học này phát triển như kỳ vọng đến nay vẫn chưa thực sự tương xứng. , nhà nước cũng chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về tiêu chí, cơ chế công nhận, cơ chế đầu tư tài chính, mức độ tự chủ… riêng cho các trường đã đạt tiêu chuẩn trường trọng điểm. Cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu đồng bộ, chưa thực sự phù hợp với cơ chế thị trường.
Chất lượng thể chế yếu thể hiện qua chất lượng của Quy hoạch phát triển nhân lực nhiều Bộ, ngành và địa phương chưa cao[6], nhất là vấn đề dự báo cung - cầu nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, giám sát thực hiện Chiến lược, Quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương còn lúng túng, bị động và chưa thật sự quyết liệt. Cơ chế phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức của nhà nước chưa thật sự triệt để. Hiện thiếu cơ quan có chức năng quản lý tổng thể về phát triển nhân lực thực hiện việc điều phối nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn ở phạm vi quốc gia cũng như địa phương[7]. Thiếu sự phối hợp giữa tổ chức sử dụng lao động với các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các Ban, ngành liên quan còn chưa chặt chẽ do việc phân bổ chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng nên không đạt được hiệu quả đã đề ra. Cơ chế hoạt động của thị trường lao động, thị trường KH&CN chưa hiệu quả, sự phối hợp của các thể chế thị trường lao động, KH&CN chưa đồng bộ.
Vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam sẽ chịu sự tác động mạnh (cả tích cực và tiêu cực) của CM 4.0, từ việc áp dụng những công nghệ mới (là trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Block Chain), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (big Data) tạo nên sự biến đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của một quốc gia, đặt ra nhu cầu lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn đe dọa việc làm của những lao động có kỹ năng bậc trung, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới - kỹ năng sáng tạo. Thứ hai, yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công, nhân lực số. Thứ ba, cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực chất lượng cao , trước hết, cạnh tranh sẽ xảy ra trong một số lĩnh vực công nghệ, trong một số cơ quan hành chính nhà nước, trong các doanh nghiệp FDI khi các đơn vị này đang bắt đầu ứng dụng rộng rãi công nghệ vào thực tiễn, tạo áp lực tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực liên quan.
3. Giải pháp
Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu tiến bộ của công nghệ của Công nghiệp 4.0. Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong GDNN hướng tới đáp ứng yêu cầu của Công nghiệp 4.0. Tăng cường năng lực cho đào tạo nghề theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực, đặc biệt trong ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó chú trọng du lịch. Nghiên cứu, triển khai nhân rộng thí điểm đào tạo theo mô hình KOSEN (Nhật Bản) đến toàn hệ thống cơ sở GDNN trực thuộc. Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt đáp ứng yêu cầu của các ngành trụ cột; đào tạo người lao động gắn với yêu cầu của doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực phải kết nối với đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và gắn với phát triển chương trình khởi nghiệp và tăng cường năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tăng cường vai trò của nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao. Đổi mới phương pháp quản lý nguồn nhân lực theo kết quả chứ không nặng về thủ tục hành chính, tạo điều kiện phát huy năng lực cá nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Xây dựng dữ liệu về cung, cầu nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, nhân lực khoa học công nghệ, làm cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhân lực. Tạo cơ chế linh hoạt trong việc nâng ngạch, nâng bậc trong nhân lực KHCN, nhân lực chất lượng cao, thông qua cơ chế linh hoạt công nhận năng lực, bỏ hoặc giảm thiểu các quy định hành chính (đòi hỏi số năm kinh nghiệm …).
Đổi mới chính sách bồi dưỡng, thu hút nhân tài trong và ngoài địa phương, trong và ngoài nước: có chế độ hỗ trợ nhà ở, đi lại, phúc lợi xã hội phù hợp. Có chế độ đặc cách đối với người tài, bỏ các cản trở do thủ tục, qui định hành chính, tạo điều kiện cho nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Nghiên cứu thành lập và sử dụng có hiệu quả “Quỹ nhân tài” để khuyến khích nhân tài phát triển, cống hiến, sáng tạo, gắn bó, đồng hành cùng tổ chức. Về lâu dài, cần có cơ chế, chính sách về nhà ở, các phương tiện, điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt nhất cho nhân tài cống hiến cho sự phát triển của tổ chức, của quốc gia.
Nguồn lực phát triển nhân lực chất lượng cao: Tăng tỷ trọng chi tiêu cho giáo dục - đào tạo trong GDP, tăng mức chi tiêu cho giáo dục bình quân đầu người và phân bổ, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các khoản chi tiêu, đầu tư cho giáo dục từ mầm non đến đại học. Ưu tiên đầu tư và tổ chức triển khai các biện pháp tập trung nâng cao chất lượng lao động CMKT trình độ cao để tăng cường năng lực cạnh tranh của NNL (đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức, cán bộ khoa học - công nghệ, giảng viên, doanh nhân và công nhân kỹ thuật trình độ cao).
Có cơ chế chính sách ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nhân lực KHCN và lao động có kỹ năng. Phân bổ nguồn lực theo hiệu quả giáo dục và đào tạo. Thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, từ các nguồn vốn hỗ trợ như ODA, WB, UNESCO, WHO, UNIFEM,… Đổi mới cơ chế cấp phát ngân sách Nhà nước sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo căn cứ vào số lượng và chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ đào tạo. Cần xây dựng và phát triển quỹ hỗ trợ và đầu tư giáo dục minh bạch trong quản lý, khuyến khích những người được thụ hưởng từ quỹ tiếp tục đóng góp và phát triển quỹ. Gắn phát triển quỹ với các hoạt động, chương trình hỗ trợ giáo dục, đào tạo của chính phủ. Ngoài ra cần tạo những quỹ học đường trong đó công khai minh bạch hoạt động, đặc biệt minh bạch thông tin thường xuyên cho các nhà tài trợ về hoạt động phân bổ và hỗ trợ tài chính, kết quả và những đóng góp xã hội trong công tác giáo dục và đào tạo. Phát động phong trào, khuyến khích, khen thưởng những hoạt động đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt dạy nghề và đào tạo nhân lực cao.
Phát triển thị trường lao động đặc biệt lao động chất lượng cao, trong đó thông tin thị trường minh bạch, công bằng, bảo vệ người lao động và hỗ trợ thông tin để phân bổ nguồn nhân lực hiệu quả. Đồng thời cung cấp thông tin về cung cầu kịp thời cho công tác đào tạo và các chính sách kịp thời phù hợp.
Nâng cao chất lượng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thông qua hợp tác với chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, cùng với lấy ý kiến của người dân. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành: Lao động, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, HĐND, UBND các cấp trong việc phát triển nhân lực, nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt phối hợp hành động trong các chương trình của địa phương, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đồng bộ trên các lĩnh vực cải cách thể chế, công tác cán bộ và hiện đại hóa các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tăng cường tinh thần trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ. Hoàn thiện cơ chế giám sát hiệu quả trong xây dựng, thực thi chính sách phát triển nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó cần đổi mới chương trình đào tạo. Đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Cải cách thể chế giáo dục, đào tạo tập trung tháo gỡ 4 nút thắt: (i) giáo dục hướng nghiệp (ii) mối quan hệ giữa các cơ sở GD-ĐT và doanh nghiệp trong GD-ĐT; (iii) trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở GD-ĐT; (iv) chuẩn hóa chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Nên có định hướng phổ biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai của quốc gia, dần đưa song ngữ vào trong chương trình đào tạo các cấp, tạo môi trường tiếng Anh bằng nhiều hình thức, song ngữ các biển chỉ báo tại các địa điểm công công, trong nhà trường, cơ quan công tác. Cùng với kế hoạch và lộ trình cụ thể.
Tăng cường trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt GDNN và lao động chất lượng cao trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, tạo cơ chế linh hoạt, tạo điều kiện để góp vốn trong phát triển giáo dục và đào tạo. . Đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục- đào tạo, chuyển từ quản lý trực tiếp sang vai trò quản lý định hướng trên toàn hệ thống GD-ĐT. Theo đó, thực hiện bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục – đào tạo; thực hiện công khai hóa và giám sát xã hội đối với chất lượng giáo dục và nguồn lực tài chính của các cơ sở GD-ĐT; Trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục-đào tạo, KH&CN, đặc biệt là về nội dung đào tạo, tài chính, nhân sự.
Mở rộng quy mô đào tạo nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao thông qua mở rộng quy mô đào tạo ở phía cung, các tổ chức dạy nghề cần mở rộng hợp tác liên kết, ứng dụng kinh tế chia sẻ trong việc sử dụng nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo nhằm tiết kiệm chi phí, mở rộng quy mô đào tạo cũng như học hỏi và hoàn thiện công tác đào tạo.
Kết hợp với tăng cường hợp tác công tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng chương trình đào tạo. Gắn kết với doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hình thức đào tạo theo nhu cầu của thị trường, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong việc đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo nghề có kinh nghiệm thực tiễn được doanh nghiệp chứng nhận. Dần pháp lý hóa yêu cầu về kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình đào tạo thông qua việc thực tế làm việc tại các doanh nghiệp được hưởng lương[8].
Việc mở rộng đào tạo ở phía cầu cần tạo điều kiện học tập cho các học viên tiềm năng, từ việc phổ biến thông tin, cần phổ cập kiến thức cơ bản về đào tạo nghề trên các phương tiện truyền thông, tạo điều kiện học tập phù hợp với từng đối tượng (học ngoài giờ, địa điểm thuận tiện, chi phí phù hợp và cơ chế hỗ trợ đa dạng). Về cơ chế hỗ trợ cần mở rộng hình thức hỗ trợ có mục tiêu, như cho vay đào tạo, nghĩa là cho các học viên vay học phí và trả sau khi tốt nghiệp và đi làm, kết hợp với doanh nghiệp để tăng cơ hội tìm được việc làm sau tốt nghiệp. Trong đó nhà nước đóng vai trò hỗ trợ dưới dạng những khoản vay ưu đãi hoặc bổ sung nội dung hoạt động của ngân hàng xã hội trong việc hỗ trợ tài chính cho đào tạo. Nên xây dựng chương trình, dự án về tăng cường quy mô và chất lượng đào tạo và giáo dục, trong đó lập danh sách các đơn vị tham gia hỗ trợ đào tạo với nhiều hình thức khác nhau, căn cứ vào kết quả tham gia thực tế để quyết định mức độ hưởng chính sách ưu đãi trong hoạt động. Bên cạnh đó địa phương cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào chương trình hỗ trợ đào tạo dưới hình thức tăng cơ hội tiếp cận các khoản vay ưu đãi, hoặc ưu đãi trong nghĩa vụ nộp thuế.
Mở rộng và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục và đào tạo, trên cơ sở tăng cường hợp tác công tư. Khuyến khích các tổ chức đào tạo liên kết hợp tác với các tổ chức giáo dục nước ngoài có uy tín trong phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết chương trình đào tạo và cấp bằng, chứng chỉ. Hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp, khu vực tư nhân và FDI tham gia đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển, có chính sách rõ ràng về các ưu đãi như thuế, tín dụng, v.v.và mức hỗ trợ đủ để thu hút doanh nghiệp tham gia.
Chuẩn hóa thiết bị, học liệu, dụng cụ giảng dạy theo chuẩn đối với các ngành nghề, theo hướng ưu tiên các ngành, nghề trọng điểm các cấp độ; Khuyến khích các cơ sở GDNN đầu tư số hóa giáo trình, bài giảng và nội dung đào tạo, xây dựng thư viện điện tử; trung tâm học liệu số mở phục vụ dạy và học.
Kết luận
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp so với khu vực và quốc tế, đặt ra thách thức lớn cho phát triển đột phá trong thời gian tới. Điểm nghẽn lớn nhất trong thể chế là hiệu quả thực thi, đặc biệt về đánh giá và đãi ngộ nhân lực, cùng với thị trường lao động chưa phát triển, cung chưa đáp ứng cầu. Giải pháp ưu tiên là giáo dục, đào tạo và nguồn lực thỏa đáng, cũng như cơ chế giám sát hiệu quả cho việc phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.
PGS. TS. Nguyễn Thị Nguyệt
Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư
PHỤ LỤC: CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA VIỆT NAM
Sơ đồ 1: Nhân lực của một số nước chia theo loại hình việc làm
Nguồn: Số liệu Điều tra lao động việc làm, Tổng cục Thống kê, 2018.
Sơ đồ 2. So sánh nhân lực chất lượng cao của Việt Nam và quốc tế (%)
Sơ đồ 3: So sánh tỷ lệ nhân lực làm việc trong khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp của Việt Nam và một số nước trong khu vực Châu Á năm 2018 (%)
Bảng 4. So sánh thứ hạng chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam qua các năm, 2013-2018
Chỉ tiêu | 2013 | 2015 | 2017 | 2018 |
| | | | |
Điểm số | 0,57 | 0,69 | 0,61 | 0,67 |
| | | | |
Thứ hạng | 70 | 59 | 64 | 48 |
| | | | |
Tổng số nước được xếp hạng | 122 | 124 | 124 | 157 |
| | | | |
Nguồn: Ngân hàng Thế giới (2018) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (2013-2018).
[1] Ngày 11/05/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành "Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội", với mục tiêu sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước; Coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội; Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; Trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. Nghị quyết này sẽ định hướng để Quốc hội và Chính phủ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tiền lương và bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và thông lệ quốc tế.
[2] Thu nhập bình quân của một sinh viên mới ra trường làm việc tại khu vực ngoài nhà nước cao hơn 2,5 lần so với sinh viên mới ra trường làm việc trong khu vực nhà nước, thu nhập của một CCVC làm việc đến khi nghỉ hưu cũng chỉ bằng mức lương tối thiểu của một sinh viên mới ra trường làm việc tại khu vực ngoài nhà nước (khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/tháng). Lương của một Bộ trưởng khoảng từ 6-7 triệu đồng/tháng thấp hơn khoảng 50% so với một cán bộ bình thường làm việc tại các doanh nghiệp/tập đoàn nhà nước
[3] trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm cho người lao động, sa thải công nhân trên 30 tuổi các KCN.
[4] không có chương trình nhất quán tiếp tục theo dõi, bồi dưỡng trong quá trình sử dụng, đãi ngộ và thăng tiến. Cho đến nay vẫn chưa có chiến lược phát triển nhân tài phục vụ xây dựng đất nước
[5] Để phát triển nhân lực theo yêu cầu của đột phá giai đoạn 2011-2020, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam xác định tổng nhu cầu vốn cho phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 là 2.135 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 11,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Có hai kênh huy động vốn chủ yếu đó là ngân sách nhà nước (nguồn chính) và kênh xã hội hóa thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện cho thấy tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này chỉ đạt khoảng trên dưới 70% so với mục tiêu đề ra. Trong đó, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đóng góp chủ đạo. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động, cân đối, phân bổ nguồn lực cho các chương trình, dự án trọng điểm về phát triển nhân lực như phát triển nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành… Chính phủ đã ban hành, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế đầu tư cho GDĐT, phát triển nhân lực nhưng kết quả đạt được nhìn chung còn khiêm tốn. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số dự án FDI trong lĩnh vực GDĐT của cả nước tính đến tháng 02/2020 là 538 dự án với tổng vốn đầu tư là 4,38 tỷ USD, xếp thứ 8/18 ngành, lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất Việt Nam. Ngân sách nhà nước phân bổ cho phát triển nhân lực ngày càng hạn chế vì phải cân đối chung cho nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của các ngành/lĩnh vực. Đến nay, theo thống kê ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo được 50% tổng nhu cầu. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Đầu tư cho KH&CN mặc dù thấp, song giải ngân chậm và có nhiều quy định khó thực hiện. Chưa ban hành các khung miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm đầu đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng phát triển các hình thực tư thục, dân lập trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề. Việc thực hiện cơ chế chính sách cho vay vốn ưu đãi cho đầu tư phát triển trường tư thục chưa thực sự khuyến khích các đối tượng. Các quy định cụ thể về mức cho vay đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và cho vay đối với người đi học còn chưa tương xứng.
[6] Thiếu phương pháp, phương pháp luận nghiên cứu chuyên sâu về Chiến lược, Quy hoạch. Năng lực, kinh nghiệm của một số chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách cả ở Trung ương và địa phương (những người tham gia vào quá trình xây dựng Chiến lược, Quy hoạch) còn hạn chế. Đặc biệt là chưa có sự tham gia, phối hợp một cách chặt chẽ, đầy đủ giữa cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì với các chủ thể có liên quan trong quá trình lập, thẩm định Chiến lược, Quy hoạch.
[7] Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực và Đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2011-2020 và hai Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015 và nhiệm kỳ 2016-2021 thời gian vừa qua còn hạn chế. Đặc biệt, do không phải là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước nên hoạt động của Ban Chỉ đạo và các Hội đồng không thường xuyên, ít hiệu quả.
[8] Việc này vừa tạo điều kiện đào tạo gắn với thực tiễn, từ thực tiễn hoàn thiện chương trình, vừa trang bị cho học viên kỹ năng xử lý công việc cũng như kinh nghiệm làm việc là một trong những cản trở tuyển dụng trên thực tế của người lao động.