Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Phải chăng chính sách đối ngoại giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế tại Đại hội XIII của Đảng chỉ là lý thuyết, phi thực tế ? ​

Ngày phát hành: 02/03/2021 Lượt xem 3367

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự

Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 _Ảnh: TTXVN

 

Sau 35 năm đổi mới Việt Nam đã thu được những thành tựu hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, quốc phòng, an ninh, chủ quyền đất nước được giữ vững. Cùng với quá trình đổi mới, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu, rộng vào khu vực và toàn cầu. Những kết quả đạt được trong hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. Hội nhập quốc tế với nguyên tắc xuyên suốt là giữ vững độc lập, tự chủ và độc lập tự chủ là điều kiện quyết định để hội nhập quốc tế thành công. Trên thực tế, chính sách đối ngoại trước hết là vì lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc xuyên suốt của đối ngoại Việt Nam. Đại hội XI trong phần đường lối đối ngoại đã nêu rõ mục tiêu đối ngoại là: “vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”, đồng thời nguyên tắc độc lập tự chủ gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Đây là nguyên tắc cốt lõi, bảo đảm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực. Trong đó, độc lập, tự chủ, nội lực là cơ sở, nền tảng để bảo đảm hợp tác có hiệu quả với bên ngoài. Đại hội XII khẳng định: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”[1]. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn: Quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị;…giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”[2].

Tuy nhiên, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch chống phá Đảng nói chung, trong các kỳ Đại hội Đảng nói riêng đã cố tình xuyên tạc bằng các luận điệu khác nhau. Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp nhưng các thế lực thù địch vẫn đưa ra rất nhiều luận điệu sai trái nhằm xuyên tạc đường lối của Đảng, tạo ra sự nghi ngờ trong nhân dân về con đường mà chúng ta đang thực hiện. Cụ thể, về lĩnh vực này chúng cho rằng chính sách đối ngoại giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế tại Đại hội XIII của Đảng là lý thuyết, phi thực tế. Chúng cho rằng không thể có độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế được, đã độc lập, tự chủ thì không thể hội nhập quốc tế và ngược lại, đã hội nhập quốc tế thì không thể có độc lập, tự chủ. Đồng thời chúng còn cho rằng thể chế chính trị của Việt Nam là khác biệt, không phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế, với một Đảng duy nhất cầm quyền càng không thể hội nhập quốc tế.

Nhìn lại lịch sử phát triển chính sách đối ngoại của nước ta, đặc biệt những thành tựu sau 35 năm đổi mới, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn sẽ là những luận cứ xác đáng để phản bác những quan điểm sai trái đó.

  1. Về mặt lý luận và đường lối của Đảng trong lĩnh vực đối ngoại

Độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là mối quan hệ biện chứng, tất yếu, khách quan, tác động qua lại lẫn nhau, thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi quốc gia phải có độc lập, tự chủ mới có thể chủ động hội nhập quốc tế và như vậy hội nhập quốc tế mới đem lại hiệu quả và thành công. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế phát triển mạnh mẽ như hiện nay, không có quốc gia nào có thể đứng ngoài, tự cô lập mà phát triển được. Hội nhập quốc tế là yêu cầu tất yếu, khách quan để phát triển đối với mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Có độc lập tự chủ mới có thể chủ động tham gia, lựa chọn sự tham gia để đáp ứng được lợi ích quốc gia dân tộc của mình. Ngược lại, đất nước không thể phát triển tốt, phát huy được tiềm năng và lợi thế so sánh, phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài nếu không có quan hệ hợp tác sâu rộng với quốc quốc tế. Nói tóm lại, độc lập, tự chủ là tiền đề, là điều kiện để hội nhập quốc tế và hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho đất nước phát triển tốt hơn, có điều kiện bảo đảm cho độc lập tự chủ. Hội nhập quốc tế còn tạo ra môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.

          Trong cương lĩnh và văn kiện của Đảng ta mối quan hệ biện chứng giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế được thể hiện rất rõ. Đây chính là cơ sở để phát triển chính sách đối ngoại Việt Nam trong suốt những năm đổi mới vừa qua. Một trong các bài học được rút ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ mối quan hệ này, cụ thể là: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, trong bất cứ hoàn cảnh nào cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực”[3]. Trong phần những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại cương lĩnh cũng nêu rõ: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[4]

Rõ ràng mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế được thể hiện rất cụ thể trong cương lĩnh của Đảng, mối quan hệ này còn được thể hiện trong các nội dung của chính sách đối ngoại nói chung và được cụ thể hoá nội hàm của nó trong từng nội dung và điều kiện cụ thể. Đây là cơ sở, nền tảng xây dựng chính sách đối ngoại của đất nước chúng ta trong suốt những năm sau này.

          Trong Báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng cũng nêu rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, nội dung cần thực hiện: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”… “Đặc biệt, chú trọng xử lý và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển… giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”[5]. Trong các văn kiện Đại hội XII, XIII đều tiếp tục khẳng định những nội dung nêu trên, cụ thể hoá mối quan hệ độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế cho từng thời kỳ phát triển của đất nước. Trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[6]. Đồng thời, Báo cáo chính trị cũng nhấn mạnh bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của nhà nước với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh đối ngoại song phương với nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và gia tăng độ tin cậy. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia.

Nói tóm lại, trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng ta thể hiện qua cương lĩnh và các văn kiện, Nghị quyết của Đảng đều thể hiện quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Đảng là mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Mối quan hệ này được cụ thể hoá qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, phù hợp điều kiện, bối cảnh phát triển cụ thể trên cơ sở của nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết, bảo đảm hội nhập quốc tế luôn dựa trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập vì lợi ích đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. Quá trình này cũng thể hiện sự phát triển của cả nhận thực và thực tiễn từ chú trọng hội nhập kinh tế đến hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác là điều kiện và hỗ trợ cho hội nhập kinh tế. Từ hội nhập đơn tuyến sang đa tuyến trên tất cả các cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) _Ảnh: TTXVN

 

2. Thực tiễn và kết quả thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế của Đảng và nhà nước ta

          Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Quá trình này đã thu được những kết quả hết sức to lớn, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Điều đó cho thấy chủ trương đúng đắn, chủ động tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và nhà nước ta. Trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại với mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế được quán triệt xuyên suốt trong mọi chính sách và hành động. Kết quả là ta đã từng bước hội nhập một cách sâu rộng vào khu vực và thế giới. Năm 1990 Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu, năm 1995 chúng ta đã bình thường hoá quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, ký Hiệp định khung hợp tác với Liên minh châu Âu và làm đơn gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Năm 2000, Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Việc ký Hiệp định này có ý nghĩa hết sức quan trọng , tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư, thương mại và tang trưởng của nền kinh tế nước ta. Đến năm 2007 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới. Cùng với quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác song phương, triển khai mạnh mẽ quan hệ hợp tác với các đối tác quan trọng, nhất là xây dựng khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Năm 2001 ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên với Nga, với Ấn Độ năm 2007, với Trung Quốc ta thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2008, với Nhật Bản, Tây Ban Nha và Hàn Quốc năm 2009, với Anh năm 2010 và cũng trong năm này ta ký với Hà Lan đối tác chiến lược theo lĩnh vực biến đổi khí hậu và năm 2014 ta ký bổ sung đối tác chiến lược với Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiêp, an ninh lương thực, với Đức năm 2011 và với Đan Mạch đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, môi trường, năm 2012 ta ký với Nga đối tác chiến lược toàn diện, với Indonesia, Singapore, Thái Lan, Pháp, Italia năm 2013, năm 2014 ta ký với Nhật Bản Hiệp định đối tác chiến lược sâu rộng với Malaysia và Philipines năm 2015, năm 2016 ta ký với Ấn Độ đối tác chiến lược toàn diện, với Austraylia năm 2018. Ngoài ra, ta ký Hiệp định đối tác toàn diện với một loạt nước: năm 2004 hợp tác phát triển với Nam Phi, 2005, Hợp tác nhiều mặt với Mỹ, 2007 đối tác toàn diện với Vênzuela, Chile, Brazil, 2009 với New Zealand, 2010 với Argentina, 2011 với Ucraina, 2013 quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ và năm 2017 với Myanmar và Canada. Nhìn chung, các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện mà Việt nam ký kết đều là những đối tác quan trọng với lợi ích cả về kinh tế, chính trị và đối ngoại nói chung. Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN đã thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với toàn bộ 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ nhóm nước G7 và 13/20 nước G20 và 8/9 nước trong ASEAN. Các đối tác này chiếm 8/10 thị trường xuất khẩu chính, với 60,7% tổng giá trị xuất khẩu; 9/10 thị trường nhập khẩu chính với 74,7% tổng giá trị nhập khẩu, 76,7% tổng lượng khách du lịch; đóng góp 74%tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt nam. Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đã ký kết đã góp phần củng cố môi trường hoà bình, hữu nghị hợp tác với các đối tác quan trọng, đặc biệt là với các nước lớn, với các nước láng giềng chung biên giới. Đồng thời, việc thiết lập quan hệ đối tác với các nước lớn, có vai trò quan trọng góp phần giúp chúng ta xử lý tốt quan hệ với các nước lớn, đưa hợp tác trở thành chủ đạo, đồng thời tạo cơ chế và kênh trao đổi giảm thiểu sự khác biệt trong quan hệ với các nước này, tạo điều kiện để tăng cường lòng tin. Thông qua các quan hệ song phương đã được thiết lập đã tạo ra sự đan xen lợi ích, giúp chúng ta tranh thủ được nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước. Ngoài ra, thông qua các đối tác quan trọng này đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện thông qua vị trí của ta trong chính sách đối ngoại của các nước cũng như trong các khuôn khổ hợp tác đa phương. Kết quả hội nhập quốc tế của đất nước được thể hiện trên các lĩnh vực cụ thể sau đây:

Về hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ sở để hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực này chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng. Trên thực tế hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng cho sự phát triển nhanh và ổn định của đất nước trong suốt những năm đổi mới vừa qua. Chúng ta đã thúc đẩy xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút công nghệ và phương pháp quản trị mới, hiện đại.

Đến nay, hội nhập kinh tế quốc tế đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Độ mở của nền kinh tế nước ta hiện nay vào loại cao nhất thế giới với tỷ trọng xuất khẩu trên GDP là hơn 200%. Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các hiệp định đa phương thế hệ mới. Cụ thể Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới. Tháng 3 năm 2018 chúng ta đã chính thức ký kết và phê chuẩn hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), năm 2020 có 3 Hiệp định quan trọng được ký kết và đưa vào thực thi là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Anh (UKVFTA). Với các kết quả hội nhập kinh tế sâu, rộng như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Rõ ràng, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới cả về chiều rộng, chiều sâu và toàn diện. Với những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được ký kết có tính toàn diện, quy mô rộng, mức độ cam kết cao, điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực, trong đó bao hàm nhiều nội dung mới như thương mại điện tử, phát triển bền vững, các biện pháp sau biên giới, đồng bộ chính sách, giải quyết chính sách giữa nhà đầu tư và nhà nước đem lại rất nhiều cơ hội cho phát triển, đồng thời đòi hỏi những nỗ lực trong nước rất cao để có thể đem lại kết quả như mong muốn. Thông qua hội nhập quốc tế, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế nước ta tăng rất nhanh, từ 1,74 tỷ USD năm 1986 lên 10 tỷ USD năm 1996, 45 tỷ USD năm 2006 và 287,8 tỷ USD năm 2020[7]. Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần phát huy nội lực, tranh thủ được nguồn lực nước ngoài, đặc biệt là công nghệ và quản trị hiện đại. Thông qua hội nhập quốc tế ta đã thu hút được lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, góp phần bổ sung nguồn lực trong nước. Nguồn vốn FDI thu hút vào nước ta tăng rất nhanh, từ 428,5 triệu USD năm 1991 lên 4 tỷ USD năm 2006 và 20 tỷ USD năm 2020[8]. Năm 2020 đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó, dẫn đầu là Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, hội nhập quốc tế cũng là áp lực giúp đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ trong nước để bảo đảm điều kiện hội nhập thành công và hiệu quả. Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần tạo ra tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam, góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu tăng liên tục trong nhiều năm qua, góp phần chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu theo hướng chất lượng hơn. Tuy nhiên, quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế cũng cho thấy cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, qua những cuộc khủng hoảng, hoặc những biến động của thế giới cho thấy để hội nhập thành công phải có nội lực mạnh, đồng thời phải đa phương hoá, đa dạng hoá các đối tác, các thị trường để tránh những rủi ro và lệ thuộc. Kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài cũng cho thấy cần phải nhận thức sâu sắc hiệu quả của thu hút đầu tư, nhất là giai đoạn hiện nay, phải bảo đảm thu hút được công nghệ cao, công nghệ sạch và làm tốt việc chuyển giao công nghệ cũng như gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị.

Hội nhập quốc tế về chính trị được thực hiện tương đối nhanh, sâu rộng. Chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ hội nhập của Việt Nam với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược. Từ một nước bị bao vây cấm vận với chính sách đối ngoại đúng đắn, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế Việt Nam đã nhanh chóng thiết lập quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng. Chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới. Trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đồng thời, chúng ta đã chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực quan trọng. Hợp tác đa phương theo phương châm chủ động, tích cực tham gia, nhất là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và luật lệ mới, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Việc tham gia các cơ chế đa phương một cách tích cực chủ động là để trực tiếp bảo đảm các lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của đất nước. Năm 2020 Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN và là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Việt Nam đã thể hiện rất tốt vai trò của mình, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới. Với thế và lực trong nước tăng lên cùng với chính sách đối ngoại chủ động, tích cực và hiệu quả vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường nói chưa bao giờ chúng ta có được vị thế quốc tế như ngày hôm nay.

Hội nhập trong lĩnh vực văn hoá xã hội.

Cùng với sự hội nhập nhanh, sâu rộng và toàn diện trong lĩnh vực kinh tế, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng có những bước phát triển quan trọng. Hội nhập với tốc độ cao hơn, toàn diện hơn, đa dạng về hình thức, phương thức, đối tác và chất lượng hội nhập ngày càng nâng cao. Việt Nam đã ký hơn 100 thoả thuận, điều ước quốc tế song phương có nội dung văn hoá, đã thu hút bạn bè quốc tế đến với việt Nam ngày càng nhiều. Các hình thức giao lưu văn hoá, phim ảnh, thời trang…của Việt Nam với quốc tế ngày càng nhiều. Thông qua hội nhập văn hoá cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá đất nước, con người, văn hoá Việt Nam và tiếp thu giá trị văn hoá các nước. Nhờ có hội nhập mạnh mẽ về văn hoá mà bạn bè quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều. Trong suốt nhiều năm vừa qua, khách du lịch đến Việt Nam đều tăng với tốc độ cao, góp phần cả về phát triển kinh tế và văn hoá, xã hội. Cũng từ thành công của hội nhập trong lĩnh vực này đưa tới việc hình thành nhiều dự án, nhiều công trình văn hoá tại Việt Nam với quy mô ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân ta có cơ hội tiếp cận và thưởng thức những giá trị văn hoá tiêu biểu của nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó thúc đâỷ tiềm năng sáng tạo của nhân dân và khuyến khích giao lưu với cộng đồng quốc tế. Nguồn lực và động lực về văn hoá- xã hội được tăng cường sẽ là yếu tố quan trọng để chúng ta giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Đồng thời, hội nhập quốc tế cũng tạo công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững ở Việt Nam. Sau 35 năm đổi mới và hội nhập, tỷ lệ nghèo giảm mạnh. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ gần 60% vào năm 1993 xuống còn 37,4% năm 1998, xuống còn `13,4% năm 2008 và đến năm 2016 chỉ còn 5,8%.

Hội nhập trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh.

Thực hiện chính sách hội nhập quốc tế toàn diện, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng an ninh của chúng ta thời gian qua cũng không ngừng được phát triển và mở rộng. Hội nhập quốc phòng - an ninh vừa phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước vừa góp phần bảo vệ độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia trong bối cảnh mới. Việt Nam đã chuyển từ chủ trương tham dự, sang phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm trên nhiều diễn đàn khu vực và toàn cầu. Nội dung hội nhập quốc tế để giữ nước từ xa, từ sớm, giữ nước từ khi “nước còn chưa nguy”. Việt Nam đã từng bước mở rộng hợp tác quốc phòng - an ninh với các nước lớn và các nước trong khu vực. Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện các cơ chế đối thoại Quốc phòng - An ninh, giao lưu biên phòng với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Cămpuchia, trao đổi hữu nghị của tàu hải quân được đẩy mạnh. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng chính thức với gần 70 nước, đặt văn phòng tuỳ viên quân sự tại hơn 30 nước và hơn 40 nước có văn phòng tuỳ viên quân sự tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào các diễn đàn an ninh quốc phòng khu vực và từng bước tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế về an ninh quân sự toàn cầu. Việt Nam đã hợp tác huấn luyện đào tạo với Nga và Austrâylia, Ấn Độ, hợp tác điều tra và hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức cảnh sát quốc tế (INTERPOL) với Nhật Bản, Hàn Quốc…Việt Nam cũng đã tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Việt Nam đã gửi các sỹ quan thông tin đến các Phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc tại Cộng hoà Trung Phi, Nam Xu Đăng và tiếp theo đó đã triển khai các bệnh viện dã chiến cấp 2 và công binh. Như vậy, Việt Nam không chỉ giữ vững độc lập chủ quyền của Tổ quốc mà còn chủ động, tích cực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế.

Tóm lại, Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế là chính sách nhất quán trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Về mặt lý luận đây là mối quan hệ biện chứng, tất yếu, khách quan, bất kỳ quốc gia nào muốn hội nhập quốc tế thành công đều phải vận dụng hợp lý mối quan hệ này. Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong suốt những năm đổi mới vừa qua đã thể hiện nhất quán và từng bước cụ thể nội dung của chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế cho từng giai đoạn phù hợp với bối cảnh nhất định. Đó cũng là quá trình phát triển quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thực tiễn triển khai và kết quả đạt được sau 35 năm đổi mới cho thấy chính sách đối ngoại trên là hoàn toàn đúng đắn và khoa học. Hội nhập quốc tế của Việt nam đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu. Đến nay việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, xây dựng đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với nhều nước, trong đó có nhiều nước lớn, có vị trí và tầm ảnh hưởng quan trọng của thế giới và khu vực. Việt Nam cũng tham gia vào hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng và thực sự có nhiều đóng góp quan trọng và có trách nhiệm trong những tổ chức này. Quá trình đó, Việt Nam cũng đã từng bước hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội và quốc phòng - an ninh. Trong đó hội nhập kinh tế là nòng cốt, là cơ sở, hội nhập trong các lĩnh vực khác là toàn diện và bổ sung cho hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn có ý lịch sử của đất nước trong 35 đổi mới vừa qua. Những thành tựu to lớn trong hội nhập quốc tế nói riêng, trong công cuộc đổi mứi của Việt Nam nói chung thực sự là những luận cứ xác đáng nhất để bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch về lĩnh vực này.

 

                                                                            GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW

 

 

       



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội , Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 153.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị Đại hội XIII, tr. 31

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 66.

[4] Như đã dẫn, tr. 83, 84

[5] Như đã dẫn, tr. 187.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XIII, tr. 49.

[7] Nguồn Tổng cục Thống kê

[8] Nguồn Tổng cục Thống kê

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết