1. Sự mâu thuẫn của một âm mưu thâm độc
Trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại, sự đấu tranh, va đập, xung đột giữa các trào lưu tư tưởng, ý thức hệ, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng…luôn xuất hiện và có diễn biến phức tạp, nhất là từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời cho đến nay. Tùy theo đặc điểm, mức độ khác nhau, có thể nói, cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh dai dẳng, lâu dài, quyết liệt nhất. Quy mô, tính chất, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng, từ khi chủ nghĩa xã hội mới chỉ là “ ý tưởng”, cho đến khi trở thành mô hình phát triển hiện thực với nhiều tính ưu việt không thể phủ nhận. Nếu như, chủ nghĩa tư bản ra đời và phát triển như ngay nay, mất gần 4 thế kỷ, tuy đã có nhiều điều chỉnh so với chủ nghĩa tư bản hoang dã trước đây về sự bất bình đẳng, chênh lệch giầu nghèo, mâu thuẫn xã hội, khủng bố, thủ phạm của nhiều cuộc chiến tranh…, nhưng bản thân mô hình chế độ xã hội này, cũng đã vấp phải nhiều thăng trầm, khủng hoảng chu kỳ, đổ vỡ ở nhiều quốc gia trong quá trình phát triển. Theo bản chất của sự vận động, đó là sự mâu thuẫn trong giải quyết mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; mâu thuẫn giữa sự tiến bộ của văn minh vật chất không tương xứng với sự phát triển của văn minh tinh thần... Rõ ràng rằng, trong quá trình tiến hóa của nhân loại, nhất định sẽ ra đời chế độ xã hội mới, ưu việt hơn.
Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội hiện thực, đến nay mới được hơn 100 năm, bắt đầu từ cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Nhân loại chứng kiến một mô hình chế độ xã hội mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử, với một kiểu tổ chức, thiết chế xã hội, được thiết lập trên những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác, được Lênin vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn nước Nga- một nước tư bản phát triển trung bình lúc bấy giờ.Tư tưởng, lý luận mà Mac, Ăng ghen và sau này là Lê nin về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là sự tổng kết khoa học quá trình tiến hóa của lịch sử nhân loại, đúc kết những giá trị tri thức, tinh hoa trên các lĩnh vực của lịch sử văn minh nhân loại, từ công xã nguyên thủy cho đến chủ nghĩa tư bản và dự báo cho sự ra đời một chế độ xã hội mới. Đó cũng là một quá trình lịch sử tự nhiên từ thấp đến cao, từ tư tưởng thành hiện thực.Ngay từ khi mới ra đời, bản thân Chủ nghĩa Mác- Lênin đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh ý thức hệ, với các mức độ khác nhau. Đặc điểm chính của các xung đột ý thức hệ thời đó, là cuộc đấu tranh về tư tưởng, lý luận với các quan điểm triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học do Mác, Ăng ghen đại diện với các trào lưu tư tưởng khác, trong đó có tư tưởng của giai cấp thống trị. Những cuộc đấu tranh, phê phán này ít mang tính bạo lực, hoặc ở mức độ khác là sự đàn áp của Nhà nước với cá nhân hay một nhóm người.
Từ khi những dự báo của các nhà kinh điển Maxism trở thành hiện thực, với sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới- Nhà nước Xô viết, cuộc đấu tranh về ý thức hệ chuyển sang một giai đoạn mới, với sự đa dạng, phức tạp và khốc liệt hơn nhiều. Đó là cuộc đấu tranh“ ai thắng ai “ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, giữa hai kiểu chế độ chính trị, nhà nước với ý thức hệ khác nhau, là cuộc đấu tranh “ một mất một còn”, không khoan nhượng. Tính chất, âm mưu và thủ đoạn, nội dung chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch vừa mang tính chất nhà nước, liên nhà nước, tổ chức và cá nhân..nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Nhân loại đã từng chức kiến các cuộc bao vây cấm vận kinh tế, chiến tranh lạnh, chiến tranh “ủy nhiệm”, cách mạng mầu, xung đột vũ trang.. cũng như các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, tâm lý chiến, xuyên tạc, bôi nhọ…Đặc điểm, mức độ tác động do sự chống phá của các thế lực cơ hội thù địch, với từng giai đoạn, từng nước cũng rất khác nhau, phụ thuộc vào nhiều nhân tố, bên trong và bên ngoài. Trong sự sụp đổ của Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông âu, sự khó khăn của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có nguyên nhân quan trọng từ sự chống phá về tư tưởng, ý thức hệ của các thế lực cơ hội, thù địch.
Ở Việt Nam, sự chống phá của các thế lực thù địch diễn ra từ trước khi Đảng Cộng sản Đông dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) ra đời, bằng sự đàn áp của chế độ thực dân với các phong trào yêu nước, các cá nhân có tư tưởng tiến bộ. Khát vọng giành độc lập dân tộc, đưa nhân dân, đất nước thoát khỏi ách đô hộ thực dân, thoát khỏi đói nghèo cũng là một trong những nguyên nhân ra đời một chính Đảng kiểu mới- Chính Đảng của giai cấp công nhân, lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết lắm, chỉ có Chủ nghĩa Lê nin là chăc chắn nhất, cách mạng nhất. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Việt Nam, không chỉ là cuộc kháng chiến giành độc lập của một dân tộc đánh đuổi đế quốc, thực dân xâm lược mà còn là cuộc đấu tranh về ý thức hệ giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Ở thời điểm sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc và lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội, đang trở thành khát vọng của nhiều quốc gia, dân tộc sau hàng thế kỷ sống dưới chế độ thực dân, phong kiến, trong đó có cả những nước tư bản chủ nghĩa.
Trong suốt 30 năm từ khi Nhà nước công nông non trẻ đầu tiên ra đời, cho đến khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đánh Pháp, đuổi Nhật và chiến thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản diễn ra ở Việt Nam lúc này, không chỉ là cuộc đấu tranh trên chiến trường với súng đạng, các phương tiện chiến tranh hủy diệt của kẻ thù xâm lược, sự hy sinh xương máu của hàng triệu người, mà còn là cuộc chiến tranh tổng lực, trên mọi phương diện, trong đó có cả sự chống phá về tư tưởng, ý thức hệ của các thế lực cơ hội, thù địch. Những âm mưu kích động bạo loại, lật đổ, tâm lý chiến, tuyên truyền, bôi nhọ, phá hoại từ bên trong thường xuyên xẩy ra, có sự phối hợp trong ngoài, trên dưới với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc, ly tán. Phạm vi chống phá cũng rất đa dạng, kết hợp đấu tranh trên chiến trường với sức mạnh vượt trội về phương tiện chiến tranh, tiềm lực quân sự với tâm lý chiến, phá hoại về tư tưởng, chính trị, bao vây, cô lập…Nội dung và lĩnh vực chống phá được thực hiện, hướng vào những vấn đề khó khăn trong nước, khi Việt Nam vừa thực hiện kháng chiến giành độc lập, vừa từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện điểm xuất phát thấp, một số lĩnh vực hay bị lợi dụng như dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo…Âm mưu, thủ đoạn chống phá cũng linh hoạt, đa dạng, đó là sử dụng sức mạnh trên chiến trường, kết hợp phá hoại sự ổn định bên trong, ly tán về tư tưởng, chính trị…Ở mỗi thời điểm, giai đoạn khác nhau, các thế lực cơ hội, thù địch sử dụng phương thức chống phá tương ứng. Tuy nhiên, sức mạnh của chính nghĩa và sự đoàn kết, đồng lòng của người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đã làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, Việt Nam đã giành độc lập, thống nhất đất nước.
Từ sau năm 1975, đặc biệt là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bước vào giai đoạn mới, với nhiều đặc điểm khác biệt so với trước đây, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh tư tưởng, ý thức hệ. Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là sai lầm chủ quan, nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã lâm vào khó khăn. Khủng hoảng kinh tế- xã hội, quản lý đất nước yếu kém, sự chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ, cùng với cuộc chiến tranh lạnh, sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc gây ra đã làm cho một số nước mất ổn định nghiêm trọng, dẫn tới sự sụp đổ của Liên xô và một loạt nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào đầu những năm 1990.
Ở Việt Nam, thời điểm này, công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, mới tiến hành được 5 năm, những khó khăn về kinh tế do điểm xuất phát thấp, bị chiến tranh tàn phá nặng nề trước đây, cùng với 2 cuộc chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc, đã đẩy đất nước vào khủng hoảng chưa từng có. Bị cấm vận, bao vây cô lập, mất nguồn viện trợ từ bên ngoài làm cho Việt Nam đã khó khăn, càng khó khăn hơn, nhiều vùng miền trong cả nước có tình trạng thiếu lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu trở nên trầm trọng… Sự chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch giai đoạn này đối với Việt Nam càng quyết liệt hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ thể hiện mong muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở một số nước còn lại, trong điều kiện phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đang thoái trào, các thế lực thù địch còn muốn xóa bỏ mô hình chế độ xã hội mới tồn tại hơn nửa thế kỷ.
Trong suốt thời gian từ cuối thế kỷ XX cho đến hiện nay, nội dung chống phá của các thế lực thù địch có thể khái quát ở một số vấn đề cơ bản, như: i).Tiếp tục chống phá về hệ tư tưởng, ý thức hệ mà trực tiếp là những quan điểm nền tảng, cốt lõi của chủ nghĩa Mác- Lênin, cho rằng đã lỗi thời; đề cao mô hình, thể chế nhà nước tư bản chủ nghĩa, tam quyền phân lập, ca ngợi sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học- công nghệ... ii).Chống phá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ Đảng với dân, quân đội, công an với nhân dân; phê phán đường lối đối ngoại, trong đó đặc biệt tập trung vào quan hệ Việt Nam- Trung Quốc.iii). Hạ thấp thành tựu, đồng thời khoét sâu, thổi phồng những khó khăn, yếu kém, sai lầm trong quản lý kinh tế- xã hội. iv).Hạ bệ thần tượng, tập trung vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhân việc Đảng xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực, chúng khuếch đại, chia rẽ nội bộ nhân dân, dân tộc, tôn giáo, khối đại đoàn kết, làm nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. v).Thông tin bôi nhọ mô hình, yếu kém của một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại...Từ những nội dung trên, các thế lực thù địch “ chế biến” thành nhiều nội dung cụ thể, có vấn đề chống thường xuyên, liên tục, có nội dung khai thác sâu ở từng thời điểm.
Lực lượng chống phá cũng có nhiều thay đổi, bên cạnh một số thế lực chính trước đây ở các nước phương Tây, lực lượng “diều hâu” cực đoan, còn một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài, “ hận thù” dân tộc sau chiến tranh, một số bất mãn, cơ hội trong nước, móc nối với bên ngoài, trong đó có cả một số nguyên là cán bộ cao cấp, trí thức, văn nghệ sĩ…Âm mưu, thủ đoạn chống phá linh hoạt hơn, ngoài việc tiếp tục thực hiện “diễn biến hòa bình”, “ chiến thắng không cần chiến tranh”, tận dụng tối đa các kênh thông tin, trực tiếp như đài phát thanh, nhà xuất bản trực tiếp hướng vào Việt Nam như trước đây, hiện nay chúng triệt để khai thác thế mạnh truyên thông, mạng xã hội, internet với các hình thức đa dạng, tập trung vào thế hệ trẻ, với các hình thức mới, như linetream, youtube, facebook… tuyên truyền thông tin sai lạc, xuyên tạc sự thật. Một số lĩnh vực thường tập trung đó là các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, khiếu kiện đất đai, biên giới hải đảo, chia rẽ công an, quân đội với dân,..kích động biểu tình, bạo loạn lật đổ, đưa người từ ngoài vào, phối hợp với những phần tử cơ hội, bất mãn trong nước, xây dựng ngọn cờ. Nội dung chống phá cũng linh hoạt, đa dạng và tinh vi hơn, thật giả lẫn lộn, trắng đen thay đổi…, nhất là vào các thời điểm quan trọng, sự kiện chính trị lớn của đất nước, như trước và sau Đại hội Đảng các nhiệm kỳ. Trong đó, luận điểm “ Đại hội XIII cần bỏ cụm từ: nền tảng tư tưởng, cứ lý thuyết nào đúng thì theo”là một ví dụ!
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Điều này được ghi trong Hiến pháp, các văn kiện quan trọng của Đảng, trở thành một tuyên ngôn tuyên bố với thế giới, định hướng cho còn đường phát triển của đất nước, là sự phản ánh ý chí, nguyên vọng của người dân, gắn liền với thực tiễn lịch sử, vai trò lãnh đạo của Đảng, mang tính chất hiến định. Từ bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng nghĩa với từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phá bỏ thành quả của đất nước mà biết bao thế hệ hy sinh xương máu gây dựng nên, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước, dân tộc, đó là âm mưu thâm độc. Càng tinh vi và thâm độc hơn, khi gắn nội dung trên với cụm từ “ cứ lý thuyết nào đúng thì theo!”, bởi vì nếu chỉ đặt vấn đề xóa bỏ nền tảng tư tưởng thì không dễ gì đánh lừa được người nghe. Nhân dân Việt Nam gắn bó với Đảng Cộng sản Việt Nam, tin yêu và đi theo Đảng, gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là “ Đảng ta”. Do đó, khi nêu “cứ lý thuyết đúng thì theo”, điều này nghe qua rất hợp lý, có tính xây dựng, nhưng thực chất là sự mâu thuẫn, đánh tráo khái niệm. Hoặc là, nền tảng tư tưởng của Đảng là đúng, được thực tiễn Việt Nam khẳng định, thì “cứ lý thuyết đúng thì theo”như vậy là đủ, không cần kiên trì nền tảng tư tưởng, dễ bị coi là cứng nhắc, giáo điều. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay, các thế lực thù địch thường rêu rao về sự “ lạc hậu, lỗi thời” hoặc “chỉ đúng với trước kia, không còn đúng với hiện nay”, điều này cũng đồng nghĩa với việc coi chủ nghĩa Mác- Lênin không còn phù hợp, không còn đúng, và do đó, cứ “ lý thuyết nào đúng thì theo !”càng có vẻ phù hợp. Điều đó phản ánh âm mưu, thủ đoạn và cho thấy rõ mục đích cuối cùng của các thế lực cơ hội, thù địch là mong muốn Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh !
Tuy nhiên, điều mấu chốt trong sự mâu thuẫn của luận điểm“ cứ lý thuyết nào đúng thì theo !” là ở chỗ,các thế lực cơ hội, thù địch thường lấy mô hình, lý thuyết của chủ nghĩa tư bản là chân lý, hoặc các lý thuyết theo chúng là đúng, còn khác với quan điểm của chúng là sai. Thậm chí, không ít trường hợp, do hận thù dân tộc, do thái độ thù địch, những người cộng sản làm bất cứ điều gì có lợi cho đất nước, dân tộc, nhân dân chúng đều phê phán. Ở Việt Nam, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhiều thành tích chúng ta đạt được về xóa mù chữ, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội được thế giới thừa nhận, nhưng các thế lực cơ hội, thù địch vẫn cứ ra rả phê phán. Bởi vậy, cái gọi là " lý thuyết đúng " với chúng chỉ là ảo tưởng, đánh tráo khái niệm, mập mờ đánh lừa người thiếu hiểu biết. Bên cạnh đó, không thể so sánh một lý thuyết đơn thuần với một nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng, đó là sự so sánh khập khễnh, thiếu tính hệ thống, tính khoa học. Thông thường, một lý thuyết chỉ đề cập đến một vấn đề, một lĩnh vực cụ thể, còn hệ tư tưởng, nền tảng tư tưởng bao gồm nhiều lý thuyết, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong một chỉnh thể thống nhất, bao quát nhiều lĩnh vực rộng lớn.
2. Những luận cứ khẳng định tính đúng đắn của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam
1) Luận cứ về giá trị phổ quát của việc lựa chọn tư tưởng, mô hình phát triển của một quốc gia
Mỗi chế độ xã hội đều dựa trên những quan điểm tư tưởng nhất định, là cơ sở để xây dựng, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại cho đến nay, dù tiếp cận từ quan điểm chính trị, ý thức hệ như thế nào, mọi người cũng đều phải thừa nhận, loài người đã trải qua các thời kỳ từ công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, và sau này, đã có các quốc gia đi lên chủ nghĩa xã hội. Theo quan điểm phát triển, tương ứng với mỗi một thời kỳ đó là một kiểu chế độ xã hội đặc trưng, thể hiện sự tiến hóa của văn minh nhân loại trên các lĩnh vực, từ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, mô hình tổ chức nhà nước, xã hội, các giá trị văn hóa, tinh thần tiêu biểu..Các nhà nước La Mã cổ đại, chủ nô, phong kiến phương Đông, tư bản phương Tây minh chứng cho điều đó. Tất nhiên, ở đây có sự phát triển không đều về văn minh, trình độ sản xuất và các kiểu tổ chức xã hội, điều này cũng đồng nghĩa với sự đan xen về trình độ phát triển.
Nhìn chung, tư tưởng, mô hình tổ chức xã hội tồn tại trên thực tế, xét ở các khía cạnh khác nhau đều là tri thức, lý thuyết, kết tinh trí tuệ, tinh hoa của nhóm, tầng lớp, giai cấp hay của nhân loại trong từng giai đoạn lịch sử. Các đảng phái chính trị, nhất là đảng cầm quyền ở từng quốc gia đều đại diện cho một giai cấp hoặc tầng lớp xã hội nhất định, đều lựa chọn tư tưởng, cương lĩnh ngay từ khi mới ra đời, đặc biệt khi trở thành đảng cầm quyền. Sau chiến tranh thế giới thứ II, thế giới có khoảng trên 5000 đảng phái chính trị. Ở Mỹ, hai đảng dân chủ, cộng hòa có lịch sử hàng thế kỷ, ở Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác, một số đảng cầm quyền hiện nay cũng tương tự. Điểm khác nhau giữa tư tưởng, hệ tư tưởng, cương lĩnh chính trị của các đảng phái trong mỗi quốc gia là bảo vệ lợi ích cho ai, có được nhân dân ủng hộ không, đất nước có phát triển không ? Vì thế, việc lựa chọn ý thức hệ, nền tảng tư tưởng và mô hình phát triển của Việt Nam cũng là vấn đề mang tính phổ quát của tất cả các chính đảng, nhất là các đảng chính trị cầm quyền hiện nay trên thế giới.
2) Luận cứ về khái niệm, nội hàm khoa học
Theo Bách khoa thư mở (Wikipedia), :“ Lý thuyết là một loại chiêm nghiệm và hợp lý của cái gì đó trừu tượng hoặc khái quát hóa của suy nghĩ về một hiện tượng, có thể là khoa học hoặc chưa đến mức khoa học”và “ Từ lý thuyết hay theo lý thuyết ít nhiều thường được mọi người sử dụng một cách sai lầm để giải thích một cái gì đó mà cá nhân họ không trải nghiệm hoặc thử nghiệm trước đó”. Điều này cho thấy, xét về mặt khoa học, lý thuyết có thể đúng và chưa đúng và dễ bị sử dụng, phụ thuộc vào chủ quan con người, lý thuyết đúng phải được thực tiễn kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, nội hàm của tư tưởng rộng hơn, theo Từ điển Triết học giản yếu, năm 1987: “ Tư tưởng là hình thức phản ánh thế giới bên ngoài, trong đó bao hàm sự ý thức về mục đích và triển vọng của việc tiếp tục nhận thức và cải tạo thế giới bên ngoài ấy”[1], hoặc theo Từ điển tiếng Việt, năm 2005 cho rằng: “ Tư tưởng là quan điểm và ý nghĩ chung của con người đối với hiện thực khách quan và đối với xã hội”[2], như vậy có thể thấy, điểm chung nhất có thể khái quát về tư tưởng là sự phản ánh khái quát hiện thực khách quan vào trí óc con người dưới dạng những khái niệm, phạm trù, quy luật…biểu hiện những lợi ích của con người, của giai cấp và của xã hội, nhằm thỏa mãn nhu cầu của các chủ thể. Tư tưởng có một số đặc trưng cơ bản, như: i). Có tính độc lập tương đối so với thế giới khách quan, tác động trở lại đối với thế giới khách quan và hoạt động thực tiễn của con người. ii). Nội dung phản ánh của tư tưởng là khách quan, nhưng thông qua chủ quan của con người. iii). Luôn gắn bó và thể hiện lợi ích của con người, nhóm người cụ thể. iv). Luôn gắn với chủ thể nhất định và phản ánh lợi ích của chủ thể đó. v). Có nhiều cấp độ, hình thức khác nhau về sự tiến bộ hay lạc hậu; tính khoa học hay phản khoa học và thể hiện ở các lĩnh vực khác nhau.
Trên cơ sở đó, xác định nội hàm của hệ tư tưởng, được hiểu là hệ thống các tư tưởng của một giai cấp có mối liên hệ biện chứng, thống nhất, tác động qua lại lẫn nhau, cùng hướng tới một mục tiêu thống nhất, là cơ sở để đảng chính trị, đại diện cho giai cấp đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu đã xác định.Chính vì thế, khi đề cập đến nền tảng tư tưởng, đồng nghĩa với việc khẳng định những tư tưởng cốt lõi mang tính nguyên tắc, là cơ sở để định hướng cho việc bổ sung, phát triển tư tưởng mới trên nền tảng nguyên tắc cốt lõi, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của thực tiễn. Chủ nghĩa Mác- Lê nin là hệ tư tưởng của chính đảng vô sản cách mạng, Đảng kiểu mới - Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Đó là hệ thống các tư tưởng, quan điểm sâu sắc và toàn diện của các nhà kinh điển Macsim về chính trị, kinh tế, xã hội, triết học, pháp quyền, đạo đức, tôn giáo…bao gồm 3 bộ phận cấu thành, đó là triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là học thuyết mở, bản thân các nhà kinh điển Macsim cũng chỉ rõ yêu cầu cần phải bổ sung, phát triển trong điều kiện mới. Hơn một thế kỷ qua, thực tiễn phát triển các quốc gia lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho thấy, nước nào vận dụng đúng, sáng tạo sẽ phát triển, ngược lại giáo điều, dập khuôn, máy móc sẽ thất bại. Thực tiễn thế giới ngày nay chứng minh một thực tế, đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là xu thế phát triển chung của nhân loại.
Ở Việt Nam, tại Đại hội lần thứ VII, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đã đánh dấu một bước tiến mới về nhận thức và tư duy lý luận của Đảng. Trong đó, Chủ nghĩa Mác- Lênin, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, không chỉ là học thuyết về giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, giải phóng con người, mà còn là học thuyết về sự phát triển xã hội, là vũ khí tinh thần để Đảng làm tròn vai trò tiên phong, vai trò lãnh đạo cách mạng, và chính Người từ chủ nghĩa yêu nước, tiếp thu Chủ nghĩa Mác- Lê nin và truyền bá vào Việt Nam. Hồ Chí Minh khẳng định:“ Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải làm theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tầu không có bàn chỉ nam”[3]. Đó cũng là cơ sở để hình thành nên tư tưởng của Người sau này.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mac-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, dân tộc và nhân dân ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của đất nước ta đi tới thắng lợi cuối cùng. Từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt từ Đại hội IX đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh được nghiên cứu, làm sáng tỏ trên nhiều vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam, như tư tưởng Hồ Chí Minh, nguồn gốc hình thành; tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng; tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế; tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng, an ninh; tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh…Ngày nay, môn Hồ Chí Minh học được giảng dậy ở nhiều cơ sở đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng và xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận nồng nhiệt, có nhiều chủ đề học tập theo từng nhiệm kỳ, phù hợp với các đối tượng khác nhau trong xã hội. Nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh đang tiếp tục được mở rộng về triết học, xã hội học, kinh tế…
3) Luận cứ về tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng, không chỉ được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, mà còn được khẳng định, ghi trong Hiến pháp, một văn bản pháp lý quan trong hàng đầu của mỗi quốc gia. Điều 4, khoản 1, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: " Đảng Cộng sản Việt Nam- Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Không những thế, trải qua các giai đoạn cách mạng khi Đảng, Nhà nước Việt Nam tổng kết, đánh giá những thành công, hạn chế trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện, vấn đề kiên định Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là một bài học quan trọng hàng đầu được rút ra. Từ Đại hội VII đến Đại hội XII, khi đề cập đến bài học kinh nghiệm, vấn đề kiên định Chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được đề cập trong văn kiện Đảng. Tổng kết 30 năm đổi mới, trong 5 bài học được rút ra, bài học đầu tiên:“ Một là,trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”[4]. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII, ngày 29.9.2020, khi đề cập 5 quan điểm chỉ đạo, quan điểm đầu tiên cũng nêu: “ Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy, những luận cứ khoa học và thực tiễn nêu trên cho thấy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là hệ thống các quan điểm sâu sắc, toàn diện, kết tinh trí tuệ, tinh hoa của nhân loại, luôn được bổ sung, phát triển cùng thời đại và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Bởi vậy, đây không phải là những lý thuyết đúng đắn riêng lẻ, mà quan trọng hơn, là những lý thuyết đúng đắn đó gắn kết trong một hệ thống, một chỉnh thể thống nhất, mang tính cách mạng và khoa học, được thực tiễn Việt Nam kiểm nghiệm và tiếp tục bổ sung đầy đủ, sâu sắc hơn. Trong giai đoạn kháng chiến giành độc lập dân tộc, nhờ có Chủ nghĩa Mác- Lê nin, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền, xây dựng thành công Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Trên những quan điểm có tính nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác- Lê nin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra Cương lĩnh, đường lối, chiến lược và các chính sách phù hợp, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, đánh pháp, đuổi Nhật, làm nên trận Điện Biên phủ trấn động địa cầu, và hơn thế nữa, đã đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để thống nhất đất nước vào năm 1975. Một đất nước nhỏ bé, lạc hậu như Việt Nam trong những năm chiến tranh, nếu không có đường lối đúng đắn, không thể đánh bại các đế quốc lớn, với tiềm lực kinh tế, khoa học- công nghệ, sức mạnh quân sự vượt trội, điều đó càng khẳng định tầm quan trọng của nền tảng tư tưởng. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của đất nước, được thực tiễn lịch sử chứng minh và khẳng định.
4) Luận cứ về giá trị thời đại, cơ sở để đưa cách mạng Việt Nam phát triển
Từ khi đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986 cho đến nay, Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức to lớn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, lại bị bao vây, cấm vận, sự chống phá điên cuồng của các thế lực cơ hội, thù địch. Hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa ở Liên xô (cũ) và Đông Âu bị sụp đổ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào thoái trào. Chiến tranh hai đầu biên giới phía Bắc chống bành trướng và phía Nam chống xâm lược biên giới Tây Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Pônpốt, tranh chấp biển đảo, biên giới càng làm cho Việt Nam chồng chất khó khăn. Đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện điểm xuất phát thấp, chưa có tiền lệ trong lịch sử, chuyển đổi từ mô hình kế hoạch tập trung, quan liêu, mệnh lệnh sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, thiếu sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đây là những thách thức to lớn. Tuy nhiên, sau gần 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là kiên định Chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tiếp thu tinh hoa của thế giới, đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học- công nghệ, sau này là cách mạng công nghiệp 4.0...Việt Nam có quan hệ rộng mở với các quốc gia trên thế giới, vị thế ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Điều này càng khẳng định vai trò của nền tảng tư tưởng của Đảng, một nhân tố cực kỳ quan trọng không thể tách rời sự phát triển của đất nước cho đến ngày nay. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong bài viết ngày 31.8. 2020 với tiêu đề: “ Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới”. Chỉ rõ: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay và : “ Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ Nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được nghiêng ngả, dao động”. Những quan điểm trên là sự đúc kết sâu sắc từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, vì thế không có chuyện từ bỏ “nền tảng tư tưởng của Đảng, cứ lý thuyết nào đúng thì theo”, một âm mưu thâm độc của các thế lực cơ hội, thù địch./.
PGS.TS Phạm Văn Linh
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Tài liệu tham khảo
- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12. NXb CTQG. H 2011
- 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam. Nxb CTQG. H 2015
- Nguyễn Phú Trọng: Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. 31.8.2020
[1] Hữu Ngọc, Dương Phú Hiệp, Lê Hữu Tầng. Từ điển triết học giản yếu. Nxb đại học và trung học chuyên nghiệp. hà Nội tr 495-496
[2] Viện ngôn ngữ học. Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng. 2005 tr 1071
[3] Hồ Chí Minh . Toàn tập, tập 12, NXb CTQG. H 2011. Tr 289.
[4] 30 năm đổi mới và phát triển Việt Nam. NXB. CTQG. H 2015. Tr 344