Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Phấn đấu đưa nền kinh tế thị trường ở nước ta lên trình độ kinh tế thị trường hiện đại và phát triển bền vững

Ngày phát hành: 19/12/2018 Lượt xem 2066


Công cuộc đổi mới ở nước ta trên ba mươi năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đã chuyển được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà vẫn giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân.

Nhưng tình hình đất nước đã biến đổi khác so với khi bắt đầu đổi mới, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tư duy để có thể giành thêm những thắng lợi lớn hơn nữa. Muốn xác định đúng phương hướng đổi mới tư duy kinh tế cần phân tích rõ những đặc điểm của tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay.

1. Đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta hiện này

1.1- Nước ta đã có nền kinh tế thị trường, nhưng còn một số mặt yếu kém cần được khắc phục sớm để tiến lên trình độ thị trường hiện đại. Thí dụ: Ở nước ta lao động trực tiếp làm nông nghiệp còn chiếm tới 48% (có số liệu nêu cao hơn) mà phần lớn là nông hộ sản xuất hàng hóa nhỏ, trong khi ở các nước phát triển cao tỷ lệ này chỉ chiếm từ 3% đến 10% tổng lực lượng lao động xã hội; mà hầu hết là công nhân nông nghiệp.

Hay là, thị trường hàng hóa thông thường ở nước ta phát triển nhanh và không ngừng mở rộng, nhưng thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ và thị trường bảo hiểm (kể cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm rủi ro trong sản xuất, kinh doanh) còn chưa hoàn thiện.

Hơn nữa khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa sáng tỏ, chưa đạt được một nhận thức nhất quán về nội hàm và những giải pháp khả thi để đảm bảo định hướng này.

1.2- Công nghiệp hóa hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng trong khi chưa hoàn tất cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất thì lại phải ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi phải lồng ghép hệ thống công nghệ truyền thống (cơ khí hóa, điện khí hóa, hợp tác hóa….) với hệ thống công nghệ mới (Công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ na nô, công nghệ tự động hóa …), nên gặp nhiều khó khăn.

Hai đặc trưng nổi bật của cách mạng công nghiệp lần thức nhất là rút bớt lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ và chuyển lao động thủ công, cá thể thành lao động cơ khí, hợp tác vẫn chưa được hoàn thành ở nước ta.

Thách thức lớn nhất đối với nước ta khi ứng phó với cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thiếu vốn đầu tư mạo hiểm, đầu tư cho RaD và việc đào tạo công nhân tri thức (knowledge workers) rất hạn hẹp.

1.3- Xét về mặt hiện vật thì thành tích rắt lớn, nhưng tính hiệu quả và năng suất lao động lại rất thấp, nguy cơ tụt hậu vẫn còn.

Theo công bố của tổ chức lao động quốc tế (ILO) năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapo 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần và chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan. Đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.

1.4- Tình hình tài chính - tiền tệ vẫn chưa vững, nợ công cao. Trong ngân sách nhà nước chỉ thường xuyên chiếm tỷ lệ quá lớn, chi cho đầu tư phát triển rất eo hẹp, áp lực trả nợ ngày càng tăng.

1.5- Thành tựu về thu hút F.D.I rất lớn, nhưng chưa biến được ngoại lực thành nội lực do công nghiệp hỗ trợ yếu kém, hầu như các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ cao. Tỷ lệ nội địa hóa ở nhiều ngành không đạt, thí dụ: Trên 20 năm phát triển ngành ô tô nhưng đến nay chủ yếu vẫn là lắp ráp, hãng Toyota chỉ nội địa hóa được 7% giá trị so với cam kết là 30% sau mười năm; Suzuki nội địa hóa 3% so với quy định trong giấy phép là 38,2% vào năm 2006.

Một nhà nghiên cứu ở nước láng giềng viết một câu rất hay: "ngoại lực phải biến thành nội lực, nếu không ngoại lực vào rồi lại ra đi, niềm vui phồn vinh ngắn hạn sẽ trở thành nỗi tiêu điều dài hạn".

Không những thế việc quản lý chưa chặt khiến một số không nhỏ doanh nghiệp FDI thực hiện cái gọi là chuyển giá để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều năm.

Theo số liệu thống kê, hàng năm khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu, còn khu vực trong nước nhập siêu, chứng tỏ nội lực yếu.

1.6- Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Giáo dục đào tạo vẫn theo kiểu thầy thuyết giảng, trò ghi chép, học thuộc và gắng đạt điểm thi cao, chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động, chưa gắn lý thuyết với thực hành. Nhiều trường không có phòng thực nghiệm hoặc phòng thực nghiệm rất lạc hậu. Một giáo sư của trường đại học Yale ở Mỹ gọi cách giáo dục truyền thống này là "tạo cho người học chết đuối về thông tin nhưng chết đói về tri thức".

Nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng yếu kém, hầu như chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm, còn quỹ đầu tư cho R aD rất hạn hẹp. Báo Tiền Phong số 90, ngày 30-3-2016 và số  91, ngày 31-3-2016, đưa tin: đề án phòng thí nghiệm trọng điểm được thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2000, tổng vốn đầu tư ban đầu 966, 745 tỷ đồng, bình quân 60,4 tỷ đồng một phòng thí nghiệm, chủ trương lập 16 phòng (sau nâng lên thành 17 phòng) nhưng đến nay hầu hết các thiết bị đã xuống cấp và lạc hậu, đã khấu hao hết, nhưng không có kinh phí để đổi mới.

1.7- Bộ máy nhà nước cồng kềnh nhưng hiệu lực và hiệu quả quản lý chưa cao, nạn tham nhũng, lãng phí, hối lộ còn trầm trọng, kỷ cương và trật tự xã hội chưa nghiêm đã gây nhiều trở ngại cho việc thực thi các chủ trương, chính sách pháp luật.

2. Cốt lõi của đổi mới tư duy kinh tế hiện nay là phấn đấu đưa nền kinh tế thị trường ở nước ta lên trình độ kinh tế thị trường hiện đại và phát triển bền vững.

Muốn thế phải khắc phục những hạn chế trong bảy điểm nêu ở trên.

2.1- Tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường có sự quản lý nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến lên trình độ kinh tế thị trường hiện đại. Trước kết phải tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa nhỏ, nhất là kinh tế nông hộ, chuyển lên sản xuất hàng hóa lớn theo hai xu hướng tất yếu khách quan. Một mặt khuyến khích những người có khả năng khởi nghiệp vươn lên thành nhà tư bản, những người không có điều kiện thì thành công nhân làm thuê. Phải coi việc này là một bước tiến, không nên mủi lòng vì đang làm chủ lại thành người làm thuê. Mặt khác, giúp những người sản xuất riêng lẻ tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác để có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường.

Theo tư liệu trong bài "Về xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác xã trong nông nghiệp", của GSTS Vương Đình Huệ, đăng trên tạp chí Cộng sản, chuyên đề cơ sở, số 105, tháng 9/2015, thì tỷ lệ hộ nông dân tham gia HTX nông nghiệp tính đến tháng 10/2014 mới đạt khoảng 45% , và 92% số HTX là HTX dịch vụ nông nghiệp, và phần lớn HTX có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý yếu. Chỉ có khoảng 10% số HTX nông nghiệp đạt hiệu quả tốt. Như vậy là quá chậm.

Trong khi đó, theo tư liệu của bài "Công nghiệp hóa nông nghiệp ở Israel và những gợi ý với Việt Nam" của PGS TS Nguyễn An Ninh (Kỷ yếu Hội thảo khoa học "CNH, HĐH - Đột phá phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới", do Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức, tháng 4 năm 2015, thì ở Israel năm 2013 hai hình thức hợp tác là kibbutz và moshav đảm nhiệm canh tác khoảng 80% diện tích nông nghiệp của cả nước, và Israel là một trong những nước có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Theo tư liệu trên báo tiền phong số 337 ngày 2-12-2016, thì 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu phải "mượn danh" tức là lấy nhãn hiệu của nước ngoài. Cần sớm khắc phục hiện trạng này.

Đồng thời phải tiếp tục nghiên cứu và tổng kết thực tiễn để làm rõ nội hàm của phạm trù “định hướng xã hội chủ nghĩa” và những giải pháp khả thi để đảm bảo định hướng này.

2.2- Coi trọng việc phấn đấu để bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0, là đúng để giảm khoảng cách tụt hậu quá xa, nhưng không được lơ là việc hoàn tất càng sớm càng tốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.

2.3- Không nên mê mải chạy theo thành tích về hiện vật mà phải đặt lên hàng đầu mục tiêu nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, chấm dứt những hiện tượng như xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh, những công trình tốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng xây dựng xong không sử dụng….

2.4- Phải tăng cường kỷ luật tài chính, thắt chặt chi thường xuyên, giảm thâm hụt ngân sách do chi thường xuyên quá mức; tránh đầu tư công tràn lan vào những công trình chưa cấp thiết và trừng trị nghiêm những người ra quyết định đầu tư sai gây lãng phí.

2.5- Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng cường quản lý để ngăn chặn việc trốn thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách thực hiện chuyển giá.

2.6- Cần đẩy mạnh đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng khuyến khích tinh thần tự học và tính sáng tạo của người học, gắn với nhu cầu của thị trường lao động, tăng thời gian thực tập. Một số trường nghề đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp, nhờ đó đảm bảo học sinh tốt nghiệp có ngay việc làm phù hợp. Nên nhân rộng mô hình này.

Nhà nước phải lập quỹ đầu tư mạo hiểm, đồng thời vận động các doanh nghiệp cùng với nhà nước phát triển quỹ đầu tư cho RaD để hỗ trợ cho những người khởi nghiệp (Start-up) có óc sáng tạo thực hiện những dự án nghiên cứu khoa học hay ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất.

Theo tư liệu trong bài "chính sách phát triển nông nghiệp bền vững Israel và nhân tố tác động" của PGS TS Phạm Thị Thanh Bình, (kỷ yếu hội thảo khoa học đã dẫn ở trên) thì năm 2008, tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Israel là khoảng 2 tỷ USD. Dân số Israel là trên 7 triệu người. Vốn đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người cao gấp 2,5 lần so với Mỹ, 30 lần so với Châu Âu, 80 lần so với Trung Quốc và gấp 350 lần so với Ấn Độ; kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&B) từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 4,4% GDP, tương đương khoảng 10,8 tỷ USD vào năm 2011.

Israel có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, hơn 70% lãnh thổ là sa mạc, khô cằn, thiếu nước ngọt, nhưng nhờ coi trọng nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ nên có một nền nông nghiệp thuộc loại hàng đầu thế giới. Điều này chứng tỏ: Chỉ có nghiên cứu khoa học và công nghệ mới có thể ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

2.7- Nghị quyết hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương khóa XII đã đề ra chủ trương; "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Đây là một trong những điều kiện quyết định để thực hiện phát triển bền vững, tiến lên nền kinh tế thị trường hiện đại, bởi vậy cần dấy lên một phong trào đưa nghị quyết này vào cuộc sống hiện thực. Có một bộ máy tinh gọn, trong sạch, vững mạnh thì sẽ diệt được mọi loại nội xâm để phát triển nhanh và lành mạnh./.

 

 

GS TS Đỗ Thế Tùng

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết