Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Phân hóa xã hội, xung đột xã hội trong lĩnh vực lao động, việc làm, xã hội: Những vấn đề đặt ra và định hướng giải pháp (phần 2)

Ngày phát hành: 09/08/2022 Lượt xem 2699

 

b) Phân hóa thu nhập và phân hóa giàu nghèo

Phân hóa thu nhập và phân hóa giàu nghèo là hai hình thái phân hóa xã hội rất được quan tâm trong đời sống xã hội và cả trong quản trị quốc gia. Sự khác biệt về thu nhập dẫn đến sự khác biệt về chất lượng cuộc sống giữa nhóm giàu với nhóm nghèo.

Trong nền kinh tế thị trường, thu nhập của người dân ngày càng đa dạng về loại và nguồn thu nhập. Pháp luật nước ta công nhận các loại thu nhập khác nhau như: tiền lương, tiền công, thu nhập khác và phúc lợi gắn với việc làm; thu nhập từ hoạt động kinh doanh; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ thừa kế, quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu doanh nghiệp và thu nhập khác như trúng thưởng xổ số, trúng thưởng, . . . Trong đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công là cấu phần quan trọng đối với đa số người lao động.

Theo TCTK[1], chênh lệch thu nhập của 20% nhóm người có thu nhập cao nhất và 20% nhóm người có thu nhập thấp nhất nhất tăng từ 9,8 lần năm 2016 lên 10,2 lần năm 2019. Tuy nhiên, năm 2020 chênh lệch thu nhập giữa 2 nhóm này giảm xuống chỉ còn 8 lần, một sự cải thiện đáng kể. Tương tự, hệ số GINI (bất bình đăng trong phân phối thu nhập) cũng giảm từ 0,423 năm 2019 xuống 0,373 năm 2020. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là nước có mức phân hóa thu nhập không cao.  

 

Mặc dù kinh tế nông thôn có rất nhiều chuyển biến, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người cũng cao hơn thành thị nhưng xu hướng phân hóa thu nhập ở nông thôn lại diễn ra mạnh mẽ hơn. Năm 2020, chênh lệch mức thu nhập ở khu vực thành thị là 5,44 lần, trong khi ở khu vực nông thôn là 7,98 lần[2]. Chênh lệch thu nhập của người dân giữa các thành phố và các vùng miền không được cải thiện. Đặc biệt, chênh lệch giữa các nhóm dân tộc thiểu số với nhóm người Kinh/Hoa gia tăng. Trong khoảng thời gian 2010-2014, khoảng 19% DTTS thuộc nhóm 20% thu nhập thấp nhất chuyển lên nhóm 20% thu nhập cao hơn, trong khi con số này ở nhóm Kinh và Hoa là 49%.

 

Có sự khác biệt rõ trong cơ cấu nguồn thu và nguồn thu nhập chính giữa nhóm giàu và nhóm nghèo. Nhóm giàu nhất có nguồn thu chủ yếu từ tiền công/tiền lương (chiếm 46,5% trong tổng thu nhập) thì thu nhập của nhóm nghèo nhất chủ yếu vẫn dựa vào các hoạt động nông nghiệp (40,9%). Thu từ tài sản cũng là nguồn thu đáng kể của nhóm giàu nhất, trong khi nguồn này chiếm tỷ lệ nhỏ của nhóm nghèo nhất. Theo Oxfam[3] năm 2014, 210 người siêu giàu (có trên 30 triệu USD) ở Việt Nam có tổng tài sản khoảng 20 tỷ USD, tương đương 12% GDP cả nước; người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người Việt Nam nghèo nhất trong 10 năm; trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có mức thu nhập cao hơn gần 5.000 lần số tiền mà nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu.

Kết quả giảm nghèo nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng được quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ nghèo của cả nước đã giảm từ 8,23% năm 2016 xuống còn 2,75% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều 2016). Tương tự, tỷ lệ hộ cận nghèo cũng giảm từ 5,22% năm 2015 xuống còn 3,71% năm 2020. Tuy nhiên, từ kết quả giảm nghèo có thể thấy một số điểm rất đáng lưu ý sau:

 

- Trong khi tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực thành thị có xu hướng giảm, từ 9,32% năm 2016, xuống 8,32% năm 2020, thì tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn lại có xu hướng tăng lên, từ 90,68% năm 2016 tăng lên 91,68% năm 2020;

 

- Ngày nay, số lượng hộ nghèo có xu hướng tập trung chủ yếu ở 64 huyện nghèo nhất, nhiều nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc, phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn, tăng từ 90,68% năm 2016 lên 91,68% năm 2020 và đồng bào dân tộc thiểu số, tăng từ 48,16% năm 2016 lên 61,29% năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng DTTS năm 2019 là 35,5%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với năm 2015, những cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%)[4].

- Giảm nghèo vẫn chưa bền vững, một bộ phận người dân bị rơi vào vòng nghèo kinh niên, tỷ lệ các hộ tái nghèo và tỷ lệ các hộ cận nghèo vẫn còn cao;  

 

- Mặc dù số lượng hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (DVXH) cơ bản đã giảm, song tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt các DVXH cơ bản trong tổng số hộ nghèo vẫn còn cao, một số chỉ tiêu thiếu hụt có mức giảm rất thấp, thậm chí có một số chỉ tiêu còn tăng trong các năm từ năm 2018 đến năm 2020. Điều này cho thấy vấn đề nghèo đang càng ngày càng đi vào vùng lõi và việc tiếp tục giảm với những nhóm này càng khó khăn hơn, không chỉ về cải thiện thu nhập, mà cả trong đảm bảo tiếp cận các DVXH cơ bản.

 

Như vậy, phân hóa giàu – nghèo, phân hóa trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản giữa các vùng, giữa các nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là đối với người dân các vùng khó khăn hơn như Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng ven biển, hải đảo, vùng DTTS. Các nhóm yếu thế vẫn tiếp tục bị tụt lại phía sau, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số và người khuyết tật[5].

 

Nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa thu nhập và phân hóa giàu nghèo có rất nhiều, bao gồm 3 nhóm nguyên nhân chính sau:

a) Về nguyên nhân chủ quan của mỗi cá nhân/nhóm xã hội, đó là năng lực cá nhân/nhóm (về vốn nhân lực, vốn xã hội, vốn tài chính và vật chất) để nắm bắt và tận dụng các cơ hội về việc làm, tham gia các mạng lưới, tận dụng cơ hội về đầu tư, sản xuất kinh doanh và thu lợi nhuận;

 

b) Về khách quan, đó là điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, môi trường sống và lao động và các điều kiện khác;

 

c) Nhóm nguyên nhân về thể chế, bao gồm quản lý nhà nước và quản lý xã hội, phòng chống tham nhũng, các chính sách vĩ mô như chính sách về phân phối lại, phát triển bao trùm, lao động việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo,. . . . 

 

Ba nhóm nguyên nhân này tác động qua lại lẫn nhau và tạo nên vận may, cơ hội của mỗi cá nhân, tạo nên sự khác biệt trong thu nhập, tài sản và hàng loạt các mặt khác của cuộc sống, tạo nên sự phân hoá thu nhập và phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

 

Để hạn chế phân hóa xã hội trong lao động việc làm và phân hóa thu nhập, phân hóa giàu nghèo, trong nhiều năm qua chúng ta đã thực hiện nhiều chủ trương lớn về cải cách thể chế, sửa đổi hệ thống pháp luật (về lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, . . ), triển khai nhiều chiến lược và chính sách về lao động việc làm, phát triển thị trường lao động, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, các vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước thành lập Quỹ quốc gia về việc làm; thành lập ngân hàng chính sách xã hội; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện, tham gia BHYT, . . . Mặc dù các giải pháp này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cả về độ bao phủ, cả về tính khả thi và cả về tính hiệu lực và hiệu quả trong thực hiện. Thực tế, nhiều chính sách chưa thực sự phù hợp nhu cầu, quyền và ưu tiên của người nghèo, lao động PCT, nhóm yếu thế. Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy quá trình hoạch định chính sách được tiến hành không hiệu quả, thiên vị người khá giả và gây hậu quả tiêu cực cho những người thiệt thòi, làm cho nhóm DTTS, nông dân quy mô nhỏ, lao động nhập cư và phụ nữ có nhiều khả năng bị nghèo hóa do không tiếp cận được quá trình ra quyết định chính trị và bị phân biệt đối xử. Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam nằm trong thứ hạng thấp về tính minh bạch.

Mâu thuẫn và xung đột thực tế vẫn xảy ra do người dân thiếu niềm tin vào các thể chế nhà nước, trong khi bộ máy hành chính cồng kềnh và tham nhũng đang diễn ra khá phổ biến. Người dân không được hưởng sự công bằng, lợi ích chính đáng và các phúc lợi xã hội mà lẽ ra họ có quyền được hưởng dẫn tới người dân suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào chế độ, tạo ra tâm lý chống đối, làm phát sinh mâu thuẫn và xung đột xã hội. Do vậy, người dân không tìm đến các cơ quan nhà nước để giải quyết tranh chấp vì họ không tin vấn đề sẽ được giải quyết. Quản trị Nhà nước vẫn là một thách thức lớn.

 

3. Giải pháp giải quyết vấn đề phân hóa xã hội, hạn chế, giảm nhẹ mâu thuẫn, xung đột xã hội trong giai đoạn mới.

Định hướng “tăng trưởng đi đôi với công bằng” mà Việt Nam đang kiên trì theo đuổi là tiền đề để hạn chế sự phân hóa lao động việc làm, phân hóa thu nhập và giàu nghèo ngay từ giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế đã phát huy hiệu quả, cần tiếp tục theo đuổi. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa lại cần những giải pháp cụ thể thiết thực và kiên định triển khai.

 

- Cần phải đổi mới cách tiếp cận trong giải quyết các mâu thuẫn và xung đột xã hội trong lao động việc làm, thu nhập và giảm nghèo là thay vì chỉ chú trọng vào giảm bất bình đẳng về thu nhập, giảm phân hóa, thì cần chuyển đổi trọng tâm sang tăng cường bình đẳng về cơ hội cho mọi người, đặc biệt cơ hội về giáo dục - đào tạo, về chăm sóc y tế, cơ hội về việc làm, cơ hội về kinh doanh. Theo nhà kinh tế học Mỹ Jeffrey Sachs, những người nghèo cần được cung cấp sáu loại vốn: vốn nhân lực (sức khỏe, giáo dục); vốn kinh doanh (tiền bạc, máy móc); vốn cơ sở hạ tầng (hệ thống giao thông, năng lượng); vốn tự nhiên (đất đai canh tác, đa dạng sinh học); vốn thể chế công (hệ thống luật pháp và lực lượng cảnh sát được điều hành tốt); vốn tri thức (vận dụng khoa học và công nghệ để nâng cao sức khỏe, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường). Khi có được những nguồn vốn đó ở mức thích hợp, người nghèo sẽ có cơ hội rất lớn để có thể thoát nghèo và hướng đến một sự phát triển bền vững hơn.

 

- Người dân đang trông chờ vào chính sách phân phối lại kết quả tăng trưởng có hiệu quả như chính sách nhằm tăng cường cơ hội giáo dục – đào tạo, chăm sóc y tế, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản và đảm bảo an sinh xã hội cho nhiều người. Việc giúp người dân ở các khu vực khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là giáo dục và y tế, được cho là những giải pháp cần thực hiện đầu tiên nhằm giảm bất bình đẳng thu nhập và phân hóa giàu nghèo. 

 

- Thực tiễn đòi hỏi Nhà nước ban hành chính sách phân phối lại tài sản nhằm khắc phục sự bất bình đẳng trong vấn đề sở hữu tài sản. Nhà nước cần thiết kế hệ thống thuế sao cho không triệt tiêu động lực làm giàu của những người giàu, song lại có được nguồn lực tối đa hỗ trợ các nhóm bị thiệt thòi và tăng nhanh tầng lớp trung lưu.

 

- Tăng đầu tư công vào những khu vực kém phát triển, đồng thời, nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công cũng như cải thiện chất lượng các dịch vụ công, để các kết quả đầu tư đến với người dân, đặc biệt là nhóm người dân nghèo. Tăng phân bổ ngân sách cho dịch vụ công ở vùng sâu, xa, nghèo, và cho các nhóm bị lề hóa nghiêm trọng nhất. Tăng cường các chính sách thị trường lao động và đào tạo nhân lực. Đẩy nhanh cải cách các chính sách và chương trình về an sinh xã hôi nói chung và trợ giúp xã hội nói riêng theo hướng bao trùm hơn và ứng phó tốt hơn đối với cú sốc.

 

- Đại dịch COVID-19 càng làm tăng nhu cầu về chính phủ số, hiện đại hóa các dịch vụ công, hỗ trợ ra quyết định, đảm bảo vận hành công việc trôi chảy trong các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan cung cấp dịch vụ công, đồng thời tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp qua các kênh trực tuyến. Cần thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, cách thức chia sẻ và áp dụng dữ liệu số trong Chính phủ và với khu vực tư nhân trên cơ sở phát triển cơ sở dữ liệu điện tử để thống nhất. Ví dụ, hệ thống trợ giúp xã hội dựa vào đăng ký cư trú như hiện nay có thể chuyển sang áp dụng hệ thống kỹ thuật số - dựa trên hệ thống căn cước công dân quốc gia - để những người thụ hưởng đủ điều kiện tự đăng ký, chính quyền địa phương xác minh và chính quyền trung ương giám sát kiểm tra.

 

- Cần nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước nhằm tạo ra một môi trường thể chế thông thoáng để có những chính sách công công bằng hơn, người dân và xã hội dân sự được trao quyền nhiều hơn để bảo vệ các quyền của họ. Để giảm thiểu các mâu thuẫn và xung đột xã hội, cần tăng cường công tác phòng chống tham nhũng từ quy mô lớn cho đến quy mô nhỏ, chống trục lợi chính sách, tăng tính minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân, đảm bảo sự nghiêm minh kỷ cương luật pháp trong thực thi công vụ./.

(hết)

TS. Đào Quang Vinh 

 Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội

 Bộ Lao động Thương binh &xã hội



[1] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/xu-huong-bat-binh-dang-trong-phan-phoi-thu-nhap-o-viet-nam-giai-doan-2016-2020/

[2] Tổng cục thống kê (2021), Niên giám thống kê Việt Nam năm 2020.

[3] Oxfarm, 2017, thu hẹp khoảng cách cùng giảm bất bình đẳng ở Việt Nam 

[4] Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2019

[5] Bộ LĐTB&XH, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng Cục Thống kê, Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (2019), Nghèo đa chiều ở Việt Nam, giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống chất lượng cho mọi người.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết