Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Phát huy giá trị di sản văn hóa vì mục tiêu phát triển bền vững ​

Ngày phát hành: 21/11/2023 Lượt xem 582

Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993.

(Ảnh: Nhật Anh/TTXVN).

 

Di sản văn hóa có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Hệ thống di sản văn hóa hiện đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản nói riêng và kinh tế đất nước nói chung. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thiết thực chấn hưng văn hóa, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Di sản văn hóa - sức mạnh mềm của dân tộc
 
Di sản văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm tất cả các di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do ông cha để lại, đang được thực hành và có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng. Di sản văn hóa có thể là di sản văn hóa vật thể (di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…) hay di sản văn hóa phi vật thể (tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống…).
Theo Luật Di sản văn hóa, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam hết sức phong phú và đa dạng. Theo kết quả kiểm kê di tích của các địa phương, cả nước hiện có hơn 4 vạn di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắp các vùng miền, đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong đó, có 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 128 di tích quốc gia đặc biệt, trên 3.600 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh. Tại các bảo tàng trên cả nước hiện lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Cùng với kho tàng di sản văn hóa vật thể, đất nước ta còn có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về trữ lượng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, khoa học. Đến nay, đã có khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên địa bàn cả nước, trong đó có 498 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. UNESCO cũng đã ghi danh 9 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới.

Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Những di tích, nhất là các di tích lịch sử gắn với cách mạng kháng chiến còn góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần yêu nước của dân tộc ta, về bản sắc văn hóa dân tộc, về tính cố kết cộng đồng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.

Bên cạnh là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh đóng góp vào sự phát triển văn hóa, định hình bản sắc, hệ thống di sản văn hóa Việt Nam còn đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản nói riêng và kinh tế đất nước nói chung. Nhiều di tích, di sản đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hoá hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch cả trong nước và quốc tế. Theo đó, các di sản văn hóa và thiên nhiên thu hút được lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước như: phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, Tràng An, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng...; các di sản văn hóa phi vật thể có số lượng lớn người tham dự và trải nghiệm là: nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hội Gióng, dân ca Quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử...; nhiều bảo tàng có đông khách tham quan: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế... Việt Nam đã 3 lần được vinh danh ở hạng mục "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” (năm 2019, 2020 và 2022). Điều này thể hiện được sự yêu mến của du khách quốc tế đối với việc khám phá văn hóa, lịch sử của Việt Nam.
Đi đôi với phát triển du lịch, việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều yếu tố khác, như: kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động... tạo ra sự phát triển bao trùm và hài hòa. Nhiều khu du lịch sinh thái, resort đã đưa các di sản văn hóa vào chương trình của mình hoặc tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa truyền thống để thu hút khách du lịch; nhiều bảo tàng, chương trình nghệ thuật lớn đã trưng bày và trình diễn các loại hình di sản văn hóa rất hiệu quả. Những không gian di sản văn hóa như vậy không chỉ trở thành sản phẩm văn hóa-thương mại tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị di sản, góp phần vào sự phát triển xã hội hài hòa, nhân văn và có bản sắc.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
 
Nhận thức được tầm quan trọng của các di sản văn hóa Việt Nam, Đảng ta đã nhất quán chủ trương quan tâm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.

Tiếp đến, Nghị định số 519-TTg quy định thể lệ về bảo tồn cổ tích do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/10/1957, đã tạo điều kiện cho ngành văn hóa thể thao tiến hành kiểm kê phổ thông các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở các tỉnh và thành phố toàn miền Bắc, giúp bảo vệ những di tích quan trọng nhất của đất nước. Tiếp nối sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc là Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh do Hội đồng Nhà nước công bố ngày 4/4/1984...

Bước vào công cuộc đổi mới, để có những thay đổi mang tính chất cách mạng trong đời sống chính trị-kinh tế-xã hội và văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các chủ trương, định hướng, luật, chính sách. Những văn bản đó có tác động sâu sắc đến quá trình giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, Luật Di sản Văn hóa được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 9 thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/1/2002), chính là cơ sở pháp lý cao nhất nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đến nay, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam đã trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc trong trái tim của gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Ngày 21/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2017/NĐ-CP Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội và quốc tế...

Tại các Đại hội X, XI, XII, XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước. Văn hóa ngày càng được đề cao trong các mối quan hệ xã hội, các lĩnh vực hoạt động, xây dựng văn hoá con người ở thời kỳ mới. Đặc biệt, sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” - lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng - đã khẳng định, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Cùng với xây dựng hành lang pháp lý, trong những năm qua, Chính phủ đã hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Chính quyền địa phương các cấp cũng đã có những cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực hợp pháp để phục vụ việc tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích trên địa bàn. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã phát huy hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng địa phương. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích cũng đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích.

Trong thời gian qua, các di sản văn hóa phi vật thể cũng được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn, trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương. Việt Nam hiện có 131 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 1.507 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều nhóm cộng đồng tham gia một cách chủ động, có ý nghĩa và tự nguyện để bảo vệ di sản văn hóa. Sự tham gia một cách tích cực và có ý nghĩa của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản không chỉ thể hiện ở con số thống kê (số lượng các di tích được trùng tu, tôn tạo, số lượng câu lạc bộ nghệ thuật được thành lập, số lượng người tham gia thực hành di sản...), mà còn ở chính sự tâm huyết với di sản, khao khát truyền dạy di sản cho thế hệ sau, sự tự nguyện đầu tư công sức, tiền của cho việc trùng tu tôn tạo và bảo vệ di sản văn hóa...
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã tham gia Công ước Di sản thế giới từ năm 1987. Hơn 35 năm thực hiện Công ước, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại Công ước 1972, Việt Nam đã tham gia Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013-2017 và sau đó tiếp tục có những đóng góp hiệu quả, có tính chuyên môn cao cho hoạt động của Ủy ban Di sản thế giới. Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước tại Tràng An (Ninh Bình) với sự tham dự của bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO. Các quan chức UNESCO có dịp thăm Việt Nam, trong đó có ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, đã đánh giá Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy di sản, và bày tỏ mong muốn kinh nghiệm của Việt Nam được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác.

Mới đây, tại Chương trình nghệ thuật “Đêm Di sản Việt Nam” tối 17/11/2023, tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam ở thủ đô Paris (Pháp), Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân đã khẳng định, đối với Việt Nam, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam là chìa khóa để thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước thịnh vượng. Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh rằng Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa với UNESCO và các nước thành viên để bảo đảm di sản văn hóa không chỉ là di sản sống, ngọn nguồn của sự đa dạng và sáng tạo, mà còn là động lực cho hoà bình, tự cường và phát triển bền vững, đồng thời là nguồn cảm hứng cho tương lai. Với tinh thần đó, Việt Nam đã ứng cử là thành viên Uỷ ban Di sản thế giới 2023-2027 và mong nhận được sự hỗ trợ quý báu của các quốc gia thành viên UNESCO./.
 
Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết