Trong bài báo "Dân Vận" đăng trên báo Sự thật ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "Nước ta là nước dân chủ". Đó là nhà nước mà lợi ích, quyền hạn, trách nhiệm đều ở nơi dân và chính quyền từ xã đến Chính phủ, Trung ương đều do dân cử ra". Về trách nhiệm thực hiện công tác dân vận, Bác Hồ viết "tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh,....) đều phải phụ trách dân vận"[1]. Bác nói đến cán bộ chính quyền trước vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân lực và thực hiện chính sách đó. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác dân vận. Cương lĩnh xây dựng đất nước (năm 2013) ghi rõ: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân,... nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện quyền dân chủ đầy đủ với nhân dân”. Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03/06/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) "về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", khẳng định rõ quan điểm: "Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt". Tổng kết ba mươi năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng ta khẳng định "Sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện tập trung ở nhà nước, được thực hiện chủ yếu thông qua hành động của nhà nước”[2]. Như vậy công tác dân vận là trách nhiệm chung nhưng Đảng phân công rất rõ tổ chức thực hiện chủ yếu là trách nhiệm của chính quyền. Trên thực tế, mọi hoạt động của chính quyền đều gắn với nhân dân và mọi quyền lợi của nhân dân đều gắn với chính quyền (từ việc mua, bán đất, mua bán nhà, làm hộ tịch, hộ khẩu đến xuất ngoại,.v.v.. đều phải qua chính quyền giải quyết). Như vậy, công tác dân vận là nhu cầu tự thân của cơ quan chính quyền. Chính quyền, nhất là người đứng đầu làm tốt công tác dân vận chính quyền sẽ góp phần quan trọng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ chính trị của mình. Điều 8, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ghi rõ: "Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân". Về trách nhiệm người đứng đầu, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII ghi rõ: “Đổi mới bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ… để lựa chọn người có bản lĩnh chính trị vững vừng, phẩm chất, đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu”[3]. Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân”. Phương hướng, nhiệm vụ tại Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2019 của Ban Chấp hành Trung ương cũng xác định rõ: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ”[4]. Điều 29 – Luật tổ chức Chính phủ, ngày 19/6/2015 quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ: "Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thực hiện các công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ". Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các trách nhiệm của Ủy ban nhân dân theo "Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân" ngày 25 tháng 12 năm 2001. Khác với tổ chức Đảng, đoàn thể là thực hiện nhất quán nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận tập thể, quyết định theo đa số, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp làm việc theo chế độ thủ trưởng, cấp trưởng quyết định mọi vấn đề trong cơ quan theo quy định của pháp luật, vì thế vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, kể cả công tác dân vận của chính quyền là rất quan trọng.
Một số giải pháp phát huy trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác dân vận.
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng phải lựa chọn, bố trí, giới thiệu được cho các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân những người xứng đáng, có đức, có tài, có tính đảng cao để bầu vào chức danh người đứng đầu chính quyền.
Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW (Khóa XII) “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đổi mới”[5]. Các cấp ủy đảng phải đặt biệt quan tâm lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ nói chung, người đứng đầu chính quyền nói riêng thực sự có đức, có tài, có tính đảng cao trong chấp hành nghị quyết, quyết định của đảng, trong việc thể chế, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối và sự phân công của Đảng. Chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu chính quyền các cấp là rất nặng nề, quan trọng, có tính chất quyết định đến chất lượng các cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật, đến xây dựng các đề án quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, đến xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, đến xây dựng quản lý ngân sách, quản lý tài nguyên, khoáng sản, thực hiện cải cách hành chính, thực hiện công tác thanh tra,.v.v... Vì thế đòi hỏi người đứng đầu chính quyền vừa phải có kiến thức kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh, vừa phải có quan điểm, ý thức xây dựng Đảng và công tác đối ngoại. Đây là giải pháp quan trọng nhất vì thực tế vừa qua cho thấy, ở đâu cấp ủy lựa chọn, giới thiệu, bổ nhiệm được người đứng đầu chính quyền tốt, có tính đảng cao thì nơi đó thường là chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, uy tín của cấp ủy và chính quyền được nâng cao, lòng tin của nhân dân với đảng, nhà nước được củng cố tốt hơn.
Thứ hai, cấp ủy Đảng phải quan tâm cập nhật kiến thức cho đội ngũ những người đứng đầu chính quyền về tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức để họ chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền.
Nhận thức là một quá trình, vì thế cấp ủy các cấp rất cần thiết phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ nói chung và những người đứng đầu chính quyền nói riêng. Nghị quyết 26-NQ/TW (Khóa XII) đã xác định nhiệm vụ, giải pháp “Bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng”[6] Cán bộ có thấm nhuần sâu sắc quan điểm "Dân là gốc", các nội dung cơ bản về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và cơ chế "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" .v.v...thì mới có quyết tâm hành động trong tổ chức thực thi nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Các văn bản quan trọng về nội dung dân vận cần quán triệt như tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ đăng trên Báo Sự thật ngày 15/10/1949, Nghị quyết 25-NQ/TW "về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 25/2/2010 về "quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị", các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị về đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, tôn giáo, về giai cấp công nhân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về doanh nhân, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài .v.v.... Gần đây, Bộ Chính trị mới ban hành các văn bản như Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 "về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên", Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 "trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương". Trong tình hình hiện nay, việc cập nhật do người đứng đầu chính quyền kiến thức mới về pháp luật, về công tác dân vận chính quyền càng cần thiết, giúp cho cán bộ thêm vững vàng, bản lĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ quản lý nhà nước .v.v.
Thứ ba, người đứng đầu chính quyền các cấp vừa phải tự giác nghiên cứu nắm vững, vừa phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung cơ bản về dân vận của chính quyền trong tình hình mới.
Những nội dung cơ bản, quan trọng về công tác dân vận của chính quyền mà người đứng đầu phải quán triệt và trực tiếp chỉ đạo bao gồm: tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, của cấp ủy đảng, các văn bản pháp luật liên quan công tác dân vận đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học về các đề án luật, đề án quy hoạch, kế hoạch, các dự án quan trọng về kinh tế - xã hội, .v.v... Sau khi các đề án đó được phê duyệt thì có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông phổ biến thông tin đầy đủ đến các tầng lớp nhân dân, nhất là quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch đô thị, hạ tầng, .v.v.... liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Đồng thời, để thực hiện tốt các đề án đó, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng của chính quyền vận động, tập hợp nhân dân thực hiện và tham gia giám sát việc tổ chức chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Triển khai có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, tổ chức tốt việc tiếp công dân, đối thoại với công dân, cải cách thủ tục hành chính và tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những kiến nghị, đề xuất chính đáng của công dân. Vừa làm tốt công tác thanh tra, vừa tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các phong trào thi đua yêu nước do chính phủ phát động, .v.v ... Nếu chính quyền thực hiện tốt các nội dung công tác dân vận của chính quyền nêu trên sẽ góp phần quan trọng làm giảm khiếu kiện, ít để xẩy ra điểm nóng, tạo sự đồng thuận xã hội; chính trị ổn định. Trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ nhân dân.v.v.
Thứ tư, các cấp ủy đảng tăng cường công tác kiểm tra và định kỳ làm tốt công tác đánh giá kết quả, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác dân vận.
Nghị quyết số 26-NQ/TW (Khóa XII) xác định 5 đột phá, trong đó có đột phá “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương”[7]. Như vậy, nếu cấp ủy không kiểm tra để đánh giá cán bộ coi như không lãnh đạo, vì thế phải thường xuyên hoặc định kỳ kiểm tra người đứng đầu chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung và công tác dân vận nói riêng. Hằng năm và kết thúc nhiệm kỳ năm năm nên có kiểm tra và đánh giá công khai kết quả chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác dân vận của người đứng đầu chính quyền. Căn cứ để đánh giá công tác dân vận của chính quyền và người đứng đầu chính quyền là kết quả, hiệu quả thực hiện các nội dung công tác dân vận của chính quyền và chỉ số hài lòng của người dân. Nếu Bộ Chính trị định kỳ năm năm đánh giá sát đúng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và Ban thường vụ cấp ủy đánh giá đúng kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp thì công tác dân vận của chính quyền sẽ có chuyển biến rõ. Đây được coi là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá cán bộ để cấp ủy tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trong thời gian tới.
Thứ năm, các cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác giám sát các hoạt động của chính quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 6, Luật tổ chức Quốc hội (2014) quy định rõ "Quốc hội giám sát tối cao việc tuân thủ hiến pháp, luật và nghị quyết Quốc hội. Giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, ủy ban thường vụ Quốc hội, chính phủ, .v.v...". Điều 1, Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân quy định “Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, .v.v...”, trong đó liên quan trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu chính quyền các cấp. Những năm vừa qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp tại các kỳ họp có tác dụng rất lớn đến việc nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu chính quyền các cấp. Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 "về quy chế giám sát và phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội" và Quyết định số 218-QĐ/TW cũng ngày 12/12/2013 "quy định về việc Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền", Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đều quy định rõ chức năng, nhiệm vụ tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ngoài các điều lệ trên, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam còn ban hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, pháp lệnh Cựu Chiến binh đều có quy định chức năng giám sát, hoạt động các cơ quan nhà nước. Nếu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường được chức năng giám sát các hoạt động của chính quyền, người đứng đầu chính quyền nói chung, công tác dân vận của chính quyền nói riêng chính là tạo điều kiện để người đứng đầu phát huy được trách nhiệm của mình trong công tác dân vận của Đảng.
Nguyễn Thế Trung
Ủy viên HĐLL TW
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập SĐD, tập 6, tr233.
[2] Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới – NXB CTQG, tr142, 143.
[3] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tr206, 207
[4] Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tr66
[5] Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tr67.
[6] Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tr71.
[7] Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tr80.