Ảnh minh họa
4) Động lực khoa học - công nghệ và đổi mới - sáng tạo
Chuyển sang mô hình tăng trưởng - phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, con đường duy nhất là phải dựa vào phát triển - ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới - sáng tạo, tạo động lực nền tảng, then chốt cho phát triển đất nước nhanh - bền vững trong giai đoạn mới. Nhưng hiện nay khoa học - công nghệ chưa làm tốt vai trò này[1]. Để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực then chốt cho sự phát triển của đất nước trong gia đoạn mới, cần tăng nguồn lực đầu tư gắn liền với đổi mới - hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển khoa học - công nghệ, đảm bảo sự gắn bó hữu cơ giữa phát triển khoa học - công nghệ với phát triển tất cả các lĩnh vực khác. Cần nhận thức đầy đủ rằng vai trò then chốt của khoa học - công nghệ không chỉ đối với phát triển lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mà còn thể hiện trực tiếp trong hiện đại hóa phương thức lãnh đạo, quản lý - quản trị đất nước.
Quán triệt sâu sắc quan điểm “khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu”, “là động lực then chốt” và phải được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách cụ thể đối với sự phát triển của đất nước, nhất là đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc.
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình tăng trưởng - phát triển theo chiều sâu, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm, các trường đại học và các viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển (R&D); tạo cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích tương hỗ.
Xây dựng và thực thi có hiệu quả Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao[2]; đây là một bộ phận hợp thành hữu cơ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với trọng tâm là công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, với mục tiêu thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và sản phẩm hành hóa. Tiếp tục phát triển tiềm lực KH - CN quốc gia gắn liền với phát triển toàn diện Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tập trung triển khai các hướng nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ mới[3] đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Xây dựng chương trình và cơ chế chính sách quốc gia về đổi mới và phát triển công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Coi trọng phát triển khoa học xã hội - nhân văn và khoa học về con người làm nền tảng cho sự phát triển và quản lý phát triển xã hội nhân văn, văn minh, hiện đại.
Xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển và ứng dụng khoa học -công nghệ [4]; xác định rõ vai trò chủ đạo của nhà nước trong định hướng chiến lược và điều tiết đầu tư phát triển, vai trò trung tâm của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng và phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất lao động trong cơ chế thị trường, vai trò then chốt của các cơ sở khoa học - công nghệ trong nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ gắn với ứng dụng vào thực tiễn.
Tiếp tục tăng đầu tư (có trọng tâm, trọng điểm) của Nhà nước gắn liền với đổi mới cơ chế để nâng cao hiệu quả đầu tư ; đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách đề huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ xã hội, nhất là từ các doanh nghiệp để đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách đề thúc đẩy phát triển các loại quỹ đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là quỹ quốc gia hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, công nghệ cao, chất lượng cao với doanh nghiệp là trung tâm. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để gắn hữu cơ, hiệu quả giữa nghiên cứu - ứng dụng khoa học - công nghệ với đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao, trình độ cao.
Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới - sáng tạo trong hoạt động khoa học - công nghệ, gắn liền cống hiến với hưởng thụ, lợi ích với trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội; bảo vệ sở hữu trí tuệ. Tiếp tục đổi mới căn bản cơ chế quản lý hệ thống các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ [5], nhất là cơ chế tài chính, gắn liền với đổi mới phương thức xây dựng và triển khai các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, các doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng - ứng dụng kết quả nghiên cứu là chủ thể trung tâm. Lấy kết quả, hiệu quả cuối cùng làm tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động khoa học, công nghệ. Xây dựng môi trường hoạt động khoa học - công nghệ dân chủ, công khai, mimh bạch; khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng, dối trá, tiêu cực, “quan lại”, hành chính hóa trong hoạt động khoa học - công nghệ.
Xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hợp tác và hội hập quốc tế về khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực tiên tiến, mũi nhọn, công nghệ cao; tranh thủ nguồn lực và tri thức khoa học - công nghệ của các quốc gia tiên tiến; hình thành mạng lưới kết nối, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, cần luôn quán triệt rõ rằng : khoa học - công nghệ chỉ trở thành động lực phát triển trên thực tế khi đảm bảo tính khả thi về mặt công nghệ, tính khả thi về mặt kinh tế, tính khả thi về mặt xã hội và tính khả thi về mặt môi trường.
5) Phát triển đồng bộ hệ thống chủ thể sản xuất - kinh doanh hiện đại, hiệu quả
Trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, nhất là phát triển nền kinh tế hiện đại, hệ thống các chủ thể sản xuất kinh doanh, trước hết là các doanh nghiệp, đóng vai trò trung tâm của sự phát triển, vì các chủ thể này là nơi quy tụ tất cả các yếu tố đầu vào (lao động, vốn, đất đai, tài nguyên, khoa học - công nghệ, tri thức…) để tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; quyết định chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của từng chủ thể và của cả nền kinh tế. Một quốc gia không phát triển được hệ thống các chủ thể sản xuất kinh doanh mạnh thì không thể tạo được động lực phát triển nhanh - bền vững.
Sau gần 35 năm đổi mới, đi vào phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, hệ thống các chủ thể sản xuất kinh doanh của nước ta đã có bước phát triển đáng kể, góp phần có tính quyết định đối với sự phát triển của đất nước. Hệ thống đó bao gồm: các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp FDI, các HTX, các hộ kinh doanh cá thể, các hộ nông dân. Cho đến nay cả nước có gần 700.000 doanh nghiệp các loại, hàng nghìn HTX và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể (kể cả hơn 10 triệu hôn nông dân). Tuy nhiên, xét từ vai trò là chủ thể - động lực chủ yếu của tăng trưởng và phát triển, các chủ thể này đang bộ lộ nhiều bất câp:
- Số lượng doanh nghiệp và HTX còn rất ít so với tương quan dân số và so với các nước trong khu vực và thế giới (Tại những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, Anh… thì mức bình quân chỉ từ 10-12 người dân đã có một doanh nghiệp ; tỷ lệ này ở khối các nước ASEAN là 80-100 dân. Trong khi đó, ở Việt Nam, năm 2016, bình quân 256 người dân mới có một doanh nghiệp).
- Quy mô của các doanh nghiệp nhìn chung còn rất nhỏ; số doanh nghiệp lớn chỉ là10.100 DN, chiếm tỷ lệ khoảng 1,9% tổng số DN. Số DN nhỏ và vừa chiếm tới 98,1%, trong đó có gần 8,5 nghìn DN vừa - chiếm khoảng 1.6%, DN nhỏ là 114,1 nghìn và DN siêu nhỏ là 385,3 nghìn. Đáng suy nghĩ là tốc độ tăng số lượng DN lớn và vừa rất chậm; các doanh nghiệp tư nhân thuộc loại lớn và vừa còn chiếm tỷ lệ thấp hơn.
- Các loại doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, FDI) đều chưa phát huy hết, phát huy cao vai trò khách quan của mình đối với sự tăng trưởng và phát triển đất nước xét từ giác độ sử dụng nguồn lực, đóng góp vào tăng trưởng GDP, vào thu ngân sách). Hiệu quả sản xuất kinh doanh, trình độ công nghệ năng, lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa vẫn thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI.
- Doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng còn chậm, kết quả, hiệu quả chưa được như mong muốn, trên thực tế chưa đóng được vai trò chủ đạo đối với sự phát triền của nền kinh tế đất nước; doanh nghiệp tư nhân trong nước về cơ bản là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, số doanh nghiệp lớn rất ít, tiềm lực hạn chế, trình độ công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu rất hạn chế, điều đáng nói là số doanh nghiệp tư nhân trực tiếp tham gia sản xuất chiếm tỷ trọng rất nhỏ, tuyệt đại đa số hoạt động tronh lĩnh vực thương mại, dịch vụ và bất động sản [6], tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP trong nhiều năm vẫn chưa vượt được khoảng 10% và chậm thay đổi, Kinh tế tư nhân chưa thật sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Doanh nghiệp FDI ít có mối liên kết và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp nội địa, trình độ công nghệ chủ yếu là trung bình, mang nặng tính gia công lắp ráp, giá trị gia tăng mang lại cho Việt Nam còn thấp (chưa tương xứng với những ưu đãi mà Việt Nam dành cho, chưa kể những hoạt động chuyển giá, “lỗ giả, lãi thật”); Hệ thống các HTX chậm phát triển, số lượng còn ít, số HTX hoạt động có hiệu quả chưa nhiều; kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm số lượng rất lớn (khoảng 10 triệu hộ nông dân, và mấy triệu hộ hoạt động công nghiệp và dịch vụ), đóng góp tới 31,33% GDP, nhưng về cơ bản là sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, trình độ công nghệ rất thấp, số thực sự đi vào sản xuất hàng hóa lớn chưa nhiều, số chuyển sang doanh nghiệp còn ít (đã có những ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam “không chịu lớn”).
Thực trạng hệ thống các chủ thể sản xuất kinh doanh trên cho thấy những bất cập, mất cân đối về cấu trúc các loại chủ thể, trình độ của các loại chủ thể, về cơ bản các loại chủ thể kinh doanh chưa phát huy hiệu quả cao vai trò, vị trí khách quan của mình đổi với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội [7]. Những bất cập của hệ thống các chủ thể kinh doanh như trên đã hạn chế đáng kể động lực tăng trưởng và phát triển đất nước. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách để thúc dẩy phát triển mạnh tất cả các loại chủ thể sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc lại hệ thống các chủ thể này đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước trong gia đoạn mới, phát huy được cao nhất vị trí, vai trò khách quan của tất cả các loại chủ thể thuộc tất cả các thành phần kinh tế trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn, một cách bình đẳng, theo quan điểm hiệu quả tổng hợp, sự đóng góp vào phát triển chung của cả nước. Điều đặc biệt quan trọng là phải đẩy mạnh phát triển có hiệu quả các doanh nghiệp nội địa (cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước), nhất là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trong các lĩnh vực chủ đạo, then chốt, để tạo nền móng cho sức mạnh của nền kinh tế dân tộc, đảm bảo cho sự phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững; đó cũng là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự liên kết có hiệu quả cao với các doanh nghiệp FDI và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động; đổi mới chiến lược và cơ chế, chính sách thu hút vốn FDI theo hướng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực mũi nhọn, liên kết với các doanh nghiệp nội địa với nhiều hình thức. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển mạnh các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và lớn, các doanh nghiệp sản xuất đi vào các lĩnh vực công nghệ cao, mũi nhọn. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy các hộ cá thể phát triển thành doanh nghiệp; thúc đẩy các hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất với những hình thức và quy mô hợp lý để đi vào sản xuất nông nghiệp hành hóa lớn, chất lượng cao, công nghệ cao; gắn liền với phát triển các HTX kiểu mới, trong sự liên kết hữu cơ với các doanh nghiêp. Với một cấu trúc hợp lý, hài hòa của hệ thống các chủ thể sản xuất kinh doanh, cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động trong sự liên kết với nhau, phát huy vị trí, vai trò khách quan của mỗi loại chủ thể trong từng lĩnh vực và trong từng giai đoạn, sẽ tạo được động lực cộng hưởng to lớn để đảm bảo sự phát triển nhanh - bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
6) Động lực về lợi ích
Lợi ích luôn là vấn đề cốt lõi của phát triển, là động lực chủ đạo bên trong của tăng trưởng và phát triển. Sẽ không thể có tăng trưởng và phát triển cao, bền vững nếu không tạo ra được lợi ích và đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các chủ thể trong quá trình phát triển. Lợi ích được nhìn nhận không chỉ là lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất, mà còn là các giá trị tinh thần, giá trị đạo đức, giá trị con người và giá trị xã hội; cũng không chỉ là các lợi ích của từng cá nhân, mà còn là lợi ích của từng đơn vị, tổ chức, của cộng đồng, của toàn xã hội và của cả quốc gia - dân tộc. C.Mác nói tư tưởng mà không gắn với lợi ích thì tư tưởng đó tự bôi nhọ mình. Vì thế không thể nhìn nhận siêu hình về lợi ích. Thật là sai lầm nếu cho rằng CNXH có thể được xây dựng chỉ cần dựa trên nhiệt tình, tư tưởng và đạo đức của con người, mà không cần quan tâm đến lợi ích của họ. Việc đảm bảo đúng đắn và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể là một động lực quan trọng của sự phát triển xã hội.
Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, các lợi ích của các chủ thể phải được chế định công khai, minh bạch, gắn giữa cống hiến với hưởng thụ, với chất lượng và hiệu quả hoạt động, với trách nhiệm xã hội, với quyền tài sản và quyền con người - quyền công dân. Phải hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để gắn hữu cơ giữa khuyến khích, thúc đẩy tạo ra ngày càng nhiều lợi ích với việc phân phối lợi ích giữa các chủ thể (không mang tính bình quân chủ nghĩa, nhưng cũng có những chính sách phù hợp với các đối tượng chính sách, các đối tượng yếu thế), để lợi ích thực sự trở thành động lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển nhanh - bền vững. Điều này đặt ra cả đối với việc phân bổ các nguồn lực phát triển giữa các lĩnh vực, các địa phương, các chủ thể, sao cho tạo được động lực phát triển mạnh nhất, hiệu quả nhất đối với cả nước.
Trong điều kiện phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, thì thể chế phân bổ nguồn lực và phân bổ lợi ích phải thể hiện được ưu tiên này; đây không chỉ là vì lợi ích cụ thể của từng chủ thể, mà cao hơn, còn là vì sự phát triển và lợi ích của cả đất nước khi đi vào phát triển theo chiều sâu.
Hơn nữa, do trình độ phát triển và xã hội hóa ngày càng cao không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn vượt ra tầm quốc tế, tạo sự liên kết ngày càng sâu rộng giữa các chủ thể, các quốc gia trong hầu hết các lĩnh vực, vì thế rất cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để đảm bảo công bằng, bình đẳng về lợi ích liên kết giữa các chủ thể, gắn hữu cơ giữa quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích và rủi ro (nếu có) giữa các chủ thể.
7) Động lực từ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, Đảng đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị”. Có thể coi đây là một động lực tăng trưởng, theo nghĩa phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ tạo cơ sở nền tảng để phát triển các lĩnh vực khác. Trong gần 10 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng (trước hết là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị) đã có bước phát triển quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và đô thị đang bộ lộ nhiều yếu kém và bất cập, như : quy hoạch phát triển bất cập, thiếu vốn, chưa đồng bộ, phân tán, quá tải, chất lượng và hiệu quả của nhiều công trình thấp, chưa đáp ứng yêu cầu…Thực tiễn cho thấy và trước yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới, cần phải có cách tiếp cận bao trùm hơn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nghĩa là phải phát triển đồng bộ, phù hợp, hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường trong từng giai đoạn, gắn kết hiệu quả mục tiêu trước mặt với mục tiêu trung và dài hạn. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hạn hẹp, vấn đề rất quan trọng là phải có quy hoạch phát triển và bước đi phù hợp trên bình diện quốc gia và gắn với từng địa phương, lĩnh vực, tạo được sự kết nối liên hoàn, hiệu quả và phát huy được lợi thế so sánh của các vùng, địa phương, lĩnh vực. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống giao thông, nhất là những dự án mang tính chiến lược, phục vụ thiết thực và tạo động lực phát triển cao cho phát triển các chuỗi sản xuất kinh doanh chủ lực, muc nhọn. Hơn nữa, phải chú trọng phát triển đồng bộ kết cầu hạ tầng xã hội và môi trường, đảm bảo cho sự phát triển theo chiều sâu và bền vững. Trong đó cần tập trung phát triển hệ thống hạ tầng văn hóa, thông tin gắn với hoàn thiện thể chế quản lý để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bề vững về mặt xã hội, có sức “đề kháng” với những tiêu cực xã hội. Trong quá trình phát triển đô thị - xây dựng đô thị thông minh và xây dựng nông thôn mới, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đồng bộ, hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường phù hợp với điều kiện của từng vùng. Vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ được tiếp cận theo giác độ giải pháp kỹ thuật, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, phòng chống tác hại thiên tai…, mà cần tiếp cận cả theo giác độ là cơ sở nền tảng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, sinh thái bền vững (thậm chí trong những trường hợp cụ thể còn mang cả yếu tố chính trị - xã hội không thể xem thường).
Để đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu, dựa vào khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cần phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông, chính phủ điện tử và các lĩnh vực liên quan để tạo cơ sở cho ứng dụng và phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.
8) Động lực Đại đoàn kết dân tộc và phát huy sức mạnh cộng đồng
Bài học lịch sử về “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” luôn luôn mới và có giá trị to lớn trong phát huy sức mạnh của cả dân tộc để phát triển nhanh - bền vững và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo đất nước trong gia đoạn mới. Vấn đề cốt lõi là phải xây dựng được đồng bộ nền tảng chính trị, tư tưởng, pháp lý, kinh tế, văn hóa, đạo đức, xã hội làm cơ sở cho phát huy cao nhất sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc. Phải đảm bảo được đầy đủ quyền, lợi ích, cơ hội phát triển, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng người trong sự gắn bó hữu cơ với sự phát triển của Tổ quốc - Dân tộc; gắn bó hữu cơ giữa những giá trị, lợi ích, sức mạnh, khát vọng phát triển của những cá nhân để tạo nên sức mạnh của mỗi đơn vị, tổ chức, cộng đồng, và sức mạnh của cả dân tộc; quy tụ ở sự đồng lòng, hòa hợp dân tộc, chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước giàu mạnh (dù có sự khác biệt về chính kiến, tôn giáo hay đức tin…), để Dân tộc Việt Nam có thể bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ đã nói.
Nhân dân miền Nam vui mừng chào đón chiến thắng 30.4.1975. ảnh: TL
Đại đoàn kết dân tộc phải được thể hiện trực tiếp ở phát huy sức mạnh cộng đồng trong trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua các thể chế, thiết chế chính thức và phi chính thức; được thể hiện ở phát huy có hiệu quả dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân cần - Dân biết - Dân bàn - Dân quyết - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân hưởng lợi”, nâng vai trò của người dân và cộng đồng từ đối tượng thụ hưởng lên vai trò chủ thể - đối tác phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước theo các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, như Bác Hồ đã nói.
Quy cho cùng, việc nâng cao năng lực lãnh đạo - cầm quyền của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý - quản trị của Nhà nước phát huy được cao như thế nào sức mạnh của Đại đoàn kết dân tộc, gắn kết hữu cơ với xu thế phát triển của thế giới, sức mạnh của hội nhập quốc tế, thể hiện ở sự đồng bộ và hiệu quả của bốn yếu tố cơ bản “Con người - Thể chế - Công nghệ - nguồn lực vật chất”, để đưa Việt Nam phát triển, bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu vào giữa thế kỷ XXI là sứ mệnh lịch sử của Đảng trong gia đoạn mới.
Việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát huy cao sức mạnh tổng hợp của các động lực trên và các động lực khác ở cấp độ cụ thể hơn sẽ là nhân tố quyết định đưa đất nước ta phát triển nhanh - bền vững trong giai đoạn mới./.
(hết)
PGS.TS Trần Quốc Toản
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Chủ nhiệm Đề tài KX.04.29/16-20
19. Theo đánh giá của ông Christopher Malone, Tổng giám đốc Tập đoàn BCG, tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức 05/12/2018, mặc dù có những tiến bộ, song Việt Nam đang tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực về hầu hết các chỉ số đổi mới, sáng tạo (cả đầu vào và đầu ra). “Việt Nam vẫn là một nền kinh tế quy mô nhỏ và đi sau trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới, sáng tạo, thứ hạng của Việt Nam theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp thứ 90. Đáng lo hơn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng áp dụng các công nghệ 4.0 khi khảo sát của BCG cho thấy, hơn 80% doanh nghiệp ở khu vực tư nhân và gần 40% ở khu vực nhà nước không áp dụng thành tựu công nghệ 4.0”. 2
[2] Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ cần phải được cụ thể hóa đối với từng lĩnh vực, từng sản phẩm, từng chuỗi sản xuất
[3] Như công nghệ số, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, robot, trí tuệ nhân tạo…
[4] Tập trung hoàn thiện đồng bộ ba cơ chế : cơ chế phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu dựa vào khoa học - công nghệ (tạo cầu); cơ chế nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ hướng vào ứng dụng trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội (tạo cung); và cơ chế liên kết giữa phát triển khoa học - công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội (tạo liên kết cung - cầu).
[5] Từ xác định mục tiêu, nội dung nghiên cứu, tuyển chọn và xác định tổ chức nghiên cứu, đến quá trình nghiên cứu, nghiêm thu kết quả nghiên cứu, và ứng dụng vào thực tiễn
[6] Cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chưa hợp lý. Hơn 80% doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, hơn 10% trong công nghiệp và khoảng 1% trong nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo còn rất nhỏ.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 53.998 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 14.722 doanh nghiệp, chiếm 27,3% số doanh nghiệp; thuộc lĩnh vực dịch vụ là 38.524 doanh nghiệp chiếm 71,3% số doanh nghiệp; thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 725 doanh nghiệp, chiếm 1,4% số doanh nghiệp.
[7] Kinh tế tư nhân (bao gồm cả kinh tế hộ cá thể) là thành phần chiếm tỉ trọng lớn nhất trong GDP trong suốt giai đoạn 1995 - 2018, dao động từ 38 - 43%. Tuy nhiên trong những năm gần đây tỉ trọng có xu hướng giảm, từ 43% (1995), 39% (2010) và 38% (2017). Nguyên nhân do sự sụt giảm của khu vực cơ sở kinh tế cá thể, nhưng ngược lại tỉ trọng của khu vực DN tư nhân tăng 7,4% (1995) lên 9% (2005), giảm còn 7,9% (2015) rồi tăng trở lại lên 8,64% (2017). Trong khi đó, kinh tế tập thể có sự giảm mạnh từ 10% (1995) xuống 8,6% (2000), 4% (2010) và 3,8% (2017). Khu vực kinh tế Nhà nước chiếm tỷ trọng 28,7% GDP, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 18,07% GDP.
Kinh tế tư nhân (khu vực chính thức - DN) tại các nền kinh tế phát triển chiếm tới 80 - 90% GDP, trong khi đó ở Việt Nam khu vực này chiến chưa tới 10%.